Món Thái cay xè và mùi vị “Bụi đời chợ Lớn” - Tạp chí Đẹp

Món Thái cay xè và mùi vị “Bụi đời chợ Lớn”

Review

Tom Yum và quyền Thái 

Cũng như phần 1, “The Protector 2” có tên gốc tiếng Thái là “Tom Yum Goong”, đó là món canh tôm chua cay trứ danh của Thái. Đặt cho bộ phim tựa đề như vậy tức là nhà làm phim muốn dùng cách nói ẩn dụ, so sánh. Theo đó, “The Protector” mang đến hương vị, cảm xúc chẳng khác nào thưởng thức món ăn kia. Đó là sự hoà trộn của vị cay, chua và rất có thể có một chút đắng và ngọt. Nếu được chế biến đúng cách, bộ phim cũng như món ăn có thể khiến khiến khán giả và thực khách phải “xuýt xoa”.

Điều đáng được xuýt xoa đầu tiên là diễn xuất và những màn trình diễn quyền Thái (Muay Thai) của ngôi sao hành động nổi tiếng nhất của Thái Lan – diễn viên Tony Jaa. Kể từ vai chính trong “Ong Bak” – một trong những bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Thái – cách đây đúng 10 năm, diễn xuất của diễn viên sinh năm 1976 đã tiến bộ rõ rệt.

  
The Protector 2, Tony Jaa

Poster tại Việt Nam

“The Protector 2”, nhân vật tên Kham của Tony Jaa trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Bắt đầu là khung cảnh yên bình, khi Kham dạy những đứa trẻ trong làng những bài học đơn sơ để tồn tại trong cuộc sống. Liền sau đó, Kham sa vào bẫy do những tên sát thủ dựng lên. Anh bị đổ tội giết chết ông chủ trại voi quyền lực. Vừa phải chạy trốn trước sự truy nã của cảnh sát, Kham vừa phải bảo vệ con voi tên Khon mà mình hết sực yêu quý.

Trong cuộc hành trình đầy khó khăn đó, Kham còn dính vào cuộc thi đấu võ đài ở thế giới ngầm do tên trùm LC (RZA) tổ chức. Những võ sĩ dưới trướng của LC chỉ được gọi theo số, trong đó có nữ sát thủ khiêu gợi Twenty (Yaya Ying Rhatha Phongam) và tên võ sĩ xảo quyệt No. 2 (Marrese Crump). Hai sát thủ này được lệnh đánh bại và bắt sống Kham. May mắn cho Kham là trợ giúp anh còn có Sergeant Mark (Mum Jokmok), đặc vụ Interpol được cử đến Thái Lan để thực hiện một nhiệm vụ bí mật.

Cốt truyện được tiếp tục phát triển từ phần 1 như vậy tạo nên nhiều tình huống xung đột, giúp đạo diễn Prachya Pinkaew liên tục phô bày những cuộc rượt đuổi, giao tranh. Cũng qua đó Tony Jaa có cơ hội thể hiện tài nghệ võ thuật của mình.

Tony Jaa

Tony Jaa (vai Kham) Jeeja Yanin (Ling Ling) trong phim

 Hai trong số những cảnh hành động ấn tượng nhất trong phim đó là khi một mình Kham chiến đấu chống lại hàng trăm kẻ say máu, điên rồ là những tay đua xe máy. Cảnh chiến đấu liên tục này dài tới 15 phút và theo đạo diễn, phải mất 8 tháng mới quay xong cảnh này. Khi lên màn ảnh, với hiệu ứng 3D, những tiếng rú ga liên tục, những pha lật nhào, va chạm, đổ vỡ… khiến khán giả không khỏi thon thót giật mình và thậm chí thấy… đau đầu.

Cảnh ấn tượng tiếp theo là khi Kham tung mình trên nóc ô tô tải khi chiếc xe này đang phóng trên cầu. Lúc xe đâm xầm vào lan can do bị bắn hạ cũng là lúc Kham ngã tung khỏi nóc xe, túm được một sợi dây dài và bay lơ lửng dưới cầu…

Sau ba phần của “Ong Bak” trong vai chiến binh Muay Thai quả cảm thì đến “The Protector 2”, có lẽ chẳng ai còn nghi ngờ trình độ võ thuật và khả năng diễn xuất của Tony Jaa. Nhiều người chọn xem phim này là muốn xem Lý Liên Kiệt, Park Chan Wook của Thái Lan sẽ có gì táo bạo hơn.

Một điểm nữa để xuýt xoa ở “The Protector 2” đó là hương vị, màu sắc Thái Lan. Trong phim, có sự khéo léo lồng ghép câu chuyện về hoà giải chính trị ở Thái. Môn quyền Thái tiếp tục được tôn vinh. Ngoài ra, việc Kham chiến đấu để bảo vệ chú voi Khon cũng là một cách để truyền đi thông điệp về bảo vệ động vật, loài vật được coi như một biểu tượng của đất nước này.


 “Bụi đời chợ Lớn” kiểu Thái Lan

Bên cạnh một số điểm cộng như trên thì món chua cay “The Protector 2” còn có những điểm trừ. Cảnh chiến đấu của Kham với dàn xe máy trên nóc nhà rất kỳ công, hoành tráng như quá phi lý và mang tính phô diễn kiểu “ép buộc”. Bởi thiếu tự nhiên và logic nên không đem đến cảm xúc cho người xem.

Chuyên mục “Điện ảnh thứ Năm” của mục Giải trí, Đẹp Online sẽ gửi tới bạn đọc các bài bình luận phim vào mỗi thứ Năm hàng tuần. Chuyên mục rất mong nhận được bài vở đóng góp của độc giả. Hãy gửi bài viết và hình ảnh bạn có cho mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!
Hai cô cháu gái của ông trùm voi bị giết cũng được đưa vào khá thừa thãi mà vai trò của họ nếu có bỏ đi thì cũng không ảnh hưởng đến nội dung phim. Đưa cô diễn viên nổi tiếng Jeeja Yanin vào một trong hai vai này chỉ để cho phim trở nên “có nếp có tẻ”. Đó cũng là một cách “làm quá” cho hình ảnh của Tony Jaa và nữ diễn viên nổi tiếng của Thái Lan này.

Một điểm tưởng hay mà hoá dở ở “The Protector 2” đó là quá lạm dụng những cảnh hành động. Đa số nhân vật trong phim, từ nam đến nữ, đều nhiều “sát khí” và liên tục lao vào chiến đấu. Điều này khiến không ít khán giả nói, họ cảm thấy mệt và đau đầu. Cũng vì lý do này mà bộ phim được phát hành với nhãn 16+, hạn chế khán giả. Hãy nhìn rộng ra các nền điện ảnh lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc…, thời gian gần đây, phim hành động mô tả đời sống đương đại của họ thường được đưa thêm yếu tố hài hước, lãng mạn, cho dù phim có những cảnh chiến đấu gay cấn tới mức nào.

Với sự khốc liệt như vậy nên khi xem “The Protector 2”, khán giả Việt Nam có thể liên tưởng đến bộ phim không được ra rạp là “Bụi đời chợ Lớn”. Thế giới ngầm của những tay anh chị, những cuộc thanh trừng và những cảnh phóng xe mô tô vèo vèo trong “Protector 2” có thể có đôi nét tương đồng ngay từ trailer của “Bụi đời chợ Lớn”.

Bụi đời chợ lớn

Cảnh đua xe trong “The Protector 2”

The Protector 2

…và trong “Bụi đời chợ Lớn”

Theo lẽ đó, nếu “The Protector 2” được sản xuất ở Việt Nam chắc không qua ải kiểm duyệt, bởi phim này “nhạy cảm” và khốc liệt hơn nhiều so với bộ phim của Việt Nam. Vậy là oái oăm ở chỗ, phim này vẫn được nhập về Việt Nam, vẫn có thể ra rạp bình thường sau khi đã thu tới 40 triệu đô từ phòng vé toàn cầu.

Hẳn có người sẽ thắc mắc, sao không cho phát hành “Bụi đời chợ Lớn” cũng với nhãn NC-16 như thế? Và có thể khán giả lại thắc mắc thêm: Không cho “Hunger Games” (Đấu trường sinh tử) phần 1 ra rạp, để rồi đến phần 2 “Catching Fire”, vẫn với câu chuyện đó, có thể còn khốc liệt hơn, hội đồng duyệt lại… cho qua? Ra rạp từ 27/11, “Catching Fire” có bị cắt gọt gì không?

Cứ luẩn quẩn như thế nên điện ảnh Việt vẫn đứng nhìn điện ảnh Thái Lan, Campuchia và nhiều nước Đông Nam Á khác ngày một phổng phao, được “bảo vệ”.

Cách đây không lâu, trước “The Protector 2”, nhiều khán giả còn nhớ điện ảnh Thái đã mang đến “Tình người duyên ma” khuynh đảo rạp chiếu nội địa.

Bài: Bùi Dũng

Ảnh: MSD

 

 

>>> Có thể bạn quan tâm: Xem “About Time” (Đã đến lúc), khán giả được trải qua một cuộc du hành  thấm thía trong những gì thân thuộc hàng ngày, khi chúng ta sống, yêu thương, đứng trước những sự lựa chọn và khi người thân xa khuất. Ngược thời gian vì tình yêu

Thực hiện: depweb

21/11/2013, 07:46