Món quà tuyệt vời nhất bạn có thể dành tặng bản thân là gì?

Mỗi người đều có khuyết điểm, không ai 100% hoàn hảo mà không có chút sai sót ngay từ khi mới chào đời. Thế nhưng, nếu ngày bé chúng ta dễ dàng quên mọi thứ, khi lớn lên tại luôn tự dằn vặt và khiến bản thân không khỏi day dứt. Vì thế, biết tha thứ cho chính mình là món quà tuyệt vời nhất mà chúng ta hãy nên cố gắng có được trong cuộc sống.

Chấp nhận rằng cảm thấy có lỗi cũng là một loại cảm xúc

Người ta thường hay nói đến và khuyến khích nghĩ đến những cảm xúc tích cực nhưng ít ai đề cập về cảm giác “có lỗi”. Thế nhưng, đây cũng là cảm xúc của con người, là sự diễn ra tự nhiên để “báo cho chúng ta biết bản thân mình hiện như thế nào”, theo Albert Nguyen, Chuyên viên xã hội lâm sàng. Vì thế, khi bạn dám đối diện với sự thật rằng “Mình đã phạm lỗi” sẽ giúp bạn có thể thấu hiểu bản thân hơn, biết được hành động của mình tác động như thế nào đến người khác, từ đó học cách bình tĩnh và hạn chế hình thành các vấn đề về tâm lý. 

Vận dụng “lòng trắc ẩn tự thân”

“Đối xử với người khác như cách mà bạn muốn nhận được” là câu nói rất thích hợp trong trường hợp này, khi lần này bạn hãy làm ngược lại, đối xử với chính mình giống như việc bạn chăm sóc người bạn yêu quý. Nếu như bạn thân của bạn cũng rơi vào trường hợp giống như bạn, bạn sẽ nói gì với người bạn ấy? Sau đó, bạn hãy nói với chính bản thân mình điều này và không ngừng động viên bản thân, rằng “Bạn có thể làm thật tốt”.

Hãy để cảm giác “có lỗi” được xoa dịu bởi những điều tốt đẹp

Khi bạn bị thương, cơ thể của bạn sẽ tự có cơ chế hoạt động nhằm hồi phục vết thương. Cảm xúc cũng như vậy, nhưng chúng chỉ có thể được chữa lành khi bạn biết tha thứ cho mình. Vì vậy, đừng mãi dằn vặt vì điều này không giúp bạn có thể khắc phục vấn đề. Thay vào đó, bạn cần tập trung vào những hành vi hoặc những điều tốt đẹp để phân tán sự chú ý, tránh lảng vảng trong vòng xoay tự trách bản thân và đừng quên “tái thiết lập” suy nghĩ về sự việc trót lỡ xảy ra, nghĩ mọi việc theo hướng tích cực và nhẹ nhàng hơn. 

Biết nói “xin lỗi” khi làm sai

Biết nói xin lỗi và mong nhận được sự tha thứ là cách giúp bạn cứu vớt được tình huống đã xảy ra dù không thể thay đổi được kết quả. Tuy nhiên, việc xin lỗi và nhận lỗi chân thành sẽ phần nào bù đắp những tổn thương bạn đã gây ra cho đối phương, giúp bạn cảm thấy bớt day dứt hơn khi có thể nói ra tiếng lòng của mình.

Không nghĩ về chuyện quá khứ mà hướng đến cải thiện trong tương lai

Khi đã phần nào nguôi ngoai, bạn cần lắng mình, giả định xem bản thân sẽ giải quyết như thế nào khi các sự việc tương tự lỡ diễn ra trong tương lai. Việc làm này không chỉ giúp bạn hạn chế lặp lại những lỗi sai không đáng có mà còn hoàn thiện chính mình theo từng ngày.

Nguồn: PsychCentral


From the same category