Món đà điểu

Cách chế biến và hương vị của thịt đà điểu rất phù hợp với cái se lạnh khi gió Đông tràn về. Đó cũng là một gợi ý dễ chịu để dung hòa giữa mùa Đông miền Bắc và cái nóng vẫn hiện diện ở đất phương Nam.

1. Chân tần thuốc Bắc

Nguyên liệu:
– Chân đà điểu: 2 cái
– Rượu gừng: 3 thìa súp
– Thuốc bắc: 2 thang
– Nước luộc xương: 2 lít
– Ngải cứu: 2 mớ
– Mì khô: 300 gam
– Nước mắm ngon: vừa đủ

Thực hiện:
– Chân đà điểu tẩy với rượu gừng, chần qua nước nóng, vớt ra, bóc màng chân rồi rửa sạch, chặt miếng vừa ăn (cỡ 1 cm).
– Ninh thuốc bắc và chân đà điểu với 2 lít nước luộc xương trong nồi áp suất, khoảng 30 phút, nêm thêm nước mắm vừa ăn.
– Ngải cứu: rửa sạch, để ráo.
– Mì ngâm nước cho mềm, rửa lại lần nữa, để ráo, ăn kèm ngải cứu với chân đà điểu và nước dùng.

2. Đà điểu xông hương chanh

Nguyên liệu:
– Thịt đà điểu: 200 gam
– Dừa: 1 quả
– Sỏi đen: 5 viên
– Hành khô: 2 củ
– Lá chanh: 4 lá
– Nước mắm ngon: vừa đủ
– Giấy bạc: 2 tờ bản to

Thực hiện:
– Hành khô băm nhỏ. Lá chanh rửa sạch, thái chỉ.
– Thịt đà điểu thái lát mỏng, ướp 1.5 thìa cà phê nước mắm, hành khô, lá chanh.
– Dừa cắt nắp, bỏ nước. Lót giấy bạc vào lòng quả dừa.
– Nung sỏi thật nóng rồi đặt vào trong quả dừa, thả thịt vào trong, chú ý để từng lớp thịt sao cho tiếp xúc trực tiếp lên miếng sỏi, đậy nắp lại. Sau 3-4 phút, thịt sẽ chín bằng hơi nóng của sỏi (được giữ nhiệt bằng giấy bạc).

3. Gân đà điểu xốt tương bần

Nguyên liệu:
– Gân đà điểu: 250 gam
– Tương bần: 3 thìa súp
– Đường: 1 thìa cà phê
– Rượu gừng: 2 thìa súp
– Hành khô: 3 củ
– Răm: 1 mớ
– Ớt đỏ: 1 quả

Thực hiện:
– Gân đà điểu tẩy qua rượu gừng, rửa sạch, thái mỏng, rán giòn.
– Hòa đường, nước lọc (1 thìa súp) vào tương bần sao cho vừa miệng, đun sôi. Hành khô thái mỏng, phi thơm trộn chung với tương bần, rồi rưới lên gân đà điểu.
– Răm và ớt rửa sạch, băm nhỏ, rồi rắc cùng hành khô lên trên đĩa gân dưới xốt tương bần.

4. Đà điểu nướng kiểu Âu

Nguyên liệu:
– Thịt đà điểu: 500 gam
– Gan đà điểu: 200 gam
– Rượu gừng: 4 thìa súp
– Nước mắm ngon: đủ dùng
– Rượu vang đỏ: 1 thìa cà phê
– Kem tươi: 1 thìa cà phê
– Khoai tây: 1 củ
– Hành khô: 3 củ
– Hạt tiêu sọ xanh: 1 thìa cà phê
– Cà rốt: 1 củ
– Xà lách: 1 cây
– Cà chua thường, cà chua bi: đủ dùng để trang trí.

Thực hiện:
– Cà rốt bỏ vỏ, rửa sạch, thái con chì, chần chín. Cà chua, xà lách rửa sạch, để ráo.
– Thịt và gan đà điểu tẩy qua rượu gừng, rửa sạch. Thịt thái miếng vuông cỡ 4 x 4 cm, dày 0.5 cm. Gan thái lát, to bản. Ướp riêng thịt và gan với nước mắm, hành khô băm nhỏ (2 củ), rồi áp chảo hoặc nướng cho chín.
– Nước xốt cho gan: Khoai tây xay nhuyễn rồi đánh đều với kem tươi, nêm thêm 1/2 thìa cà phê nước mắm, đun sôi đến khi sánh, rồi cho vào ống kem bóp thành hình zic zắc lên gan đà điểu.
– Nước xốt cho thịt: Hòa một thìa cà phê rượu vang đỏ với hành khô băm nhỏ và hạt tiêu xanh đập dập, đun sôi cho hơi sánh, rồi dội lên thịt đà điểu.
– Bày cà chua, xà lách, cà rốt với thịt và gan đà điểu.

5. Bí bao tử hấp thịt đà điểu

Nguyên liệu:
– Bí bao tử: 1 quả
– Thịt đà điểu: 250 gam
– Rượu gừng: 2 thìa súp
– Hành tím: 2 củ
– Nước mắm ngon: 2 thìa cà phê

Thực hiện:
– Bí bao tử cắt lấy nắp, bỏ ruột. Rửa sạch lòng bao tử bên trong.
– Thịt đà điểu tẩy qua rượu gừng, rửa sạch, thái lát to bản.
– Hành tím băm nhỏ, rồi trộn với thịt, nêm thêm nước mắm, ướp khoảng 15 – 20 phút.
– Lấy tăm đục nhiều lỗ nhỏ trong lòng bí để nước ngọt của bí hút vào thịt, đồng thời thịt bí cũng dễ hút lấy gia vị và nước thịt. Cho thịt vào quả bí, hấp cách thủy (20 phút), hoặc cho vào lò vi sóng để nướng trong nhiệt độ 200oC (7 phút).
– Món ăn nóng, khi ăn thì lấy thìa xúc luôn cả lòng bí và thịt.


Anh Nguyễn Văn Huy – Bếp trưởng nhà hàng Q & Q

“Gần đây, thịt đà điểu được coi là món ăn thuộc hàng “top” trong các nhà hàng lớn, tôi nghĩ điều làm nên sự nổi tiếng của món thịt này là do nó rất giàu chất dinh dưỡng, ít cholesterol, phù hợp với xu hướng thưởng thức mới của mọi người.

Hơn nữa, vị ngon của nó rất đặc trưng, thịt dai chứ không bở, ngọt vị, mềm hơn thịt bò. Thuộc họ hàng gia cầm nhưng thịt đà điểu ăn vào khoái khẩu hơn gà, vịt, lại dễ kết hợp với nhiều loại gia vị: hành, tỏi, lá chanh, mùi tàu, giềng, sả, tương bần… nên vừa bắt vị, vừa dậy hương thơm. Bộ phận nội tạng cũng không quá hoi (mùi khó chịu), nên không mất nhiều công sơ chế.

Bạn nên tẩy rượu gừng vào thịt, xương để làm “trong” mùi, dễ quyện mùi hương với hỗn hợp gia vị khác mà vẫn giữ nguyên vị đặc trưng của thịt đà điểu. Thêm nữa, điều quan trọng nhất trong lúc chế biến là thao tác phải nhanh, vì trước khi nấu chín, thịt đà điểu mau khô (do ít mỡ). Tuy nhiên, khi đã hoàn thành món, thịt đà điểu lại giữ vị lâu, thịt rất mềm dù món đã nguội”.


Thực hiện món ăn: Nguyễn Văn Huy
(Bếp trưởng nhà hàng Q & Q, 73 phố Núi Trúc, HN)
Tổ chức: Thuỳ Trinh
Ảnh: Nguyễn Khôi


From the same category