Mối tình đầu

Có một chiều tim tím nào đấy, có một cơn mưa phùn ẩm ướt nào đấy, Trời Đất mơn man ấm và sáng, bỗng có một chàng run rủi gặp một nàng. Nàng có thể là thiếu nữ ngây thơ mới lớn, có thể là thiếu phụ đã có chồng. Chàng có thể là trong veo thiếu niên cũng có thể là trung niên tinh quái. Rồi như tiền định họ nhìn nhau. Họ rùng mình bất chợt thủy chung đăm đắm mắt lẫn trong mắt, trái tim khe khẽ đập loạn nhịp vừa buốt vừa nóng. Và nếu họ còn thật trẻ họ sẽ nồng nàn bối rối tìm tay nhau rồi rụt rè hôn nhau. Trước khi lỡ hôn, họ thường thì thầm nói những câu vu vơ sai lỗi chính tả, ví như công tử Romeo ở thành Verona chẳng hạn. “Hỡi nữ thánh thân yêu, hãy cho phép môi làm công việc của tay. Chúng đang cầu xin đó. Nàng hãy ưng chuẩn đi, kẻo đức tin lại biến thành nỗi tuyệt vọng” (Tuyển tập kịch Shakespeare – NXB Sân khấu). Trước lời van nài đẫm đầy mạch nha sô-cô-la mật ngọt ấy, người con gái đẹp nhất trong tất cả những người con gái đẹp nhất là nàng Juliet từ từ chơm chớp mắt.
Juliet : – Các nữ thánh thường đứng lặng nhưng vẫn là ưng chuẩn
Romeo : (hôn Juliet) – Thế là đôi môi tôi đã được đôi môi nàng gột sạch tỗi lỗi.
Juliet : – Như vậy tội lỗi lại sang môi tôi sao.
Romeo : – Vậy xin nàng hãy trả lại tôi tỗi lội ấy (hôn lại Juliet)
Đoạn thoại của cặp tình nhân trẻ chưa học hết trung học này được tất cả các giáo sư dạy đại học coi là mẫu mực của văn chương vấn đáp. Cho dù nó tràn ngập sai lầm ngữ pháp, cho dù nó có vẻ vội vàng như chưa đúng đạo đức. Chao ôi, thiên thần thay là mối tình đầu.
Thế nhưng, giống như nhiều sự tinh khiết trong ngần khác, mối tình đầu thường mong manh dễ vỡ, nó ngấm ngầm yểu mệnh kể cả khi may mắn sống trong một hôn nhân bao la thiết tha. Hình như tất cả trong trắng đều không được dài lâu, vì thế chàng hoặc nàng phải chết, kiệt tác “Chuyện tình” của nhà văn Mỹ Eric Segal là một minh chứng. Nàng thiếu nữ thánh thiện vị tha chỉ biết yêu nhạc của “Bắc” của “Môda”, chỉ duy nhất biết yêu lần đầu cũng là lần cuối đến khi hạnh phúc bước vào hôn nhân thì mắc bệnh nan y về máu. Cái định mệnh bất khả giải thích này, về sau được tiểu thuyết lãng mạn Quỳnh Dao và dòng phim “tóc nâu môi trầm” Hàn Quốc kế tục bằng cách pha thêm vào vài xô nước mắt.
Ở Việt Nam, đặc biệt thời phong kiến, hầu hết các tình yêu đều là tình đầu. Lý do giản dị là hồi ấy chưa có chát chưa có mô bai và hoàn toàn chưa có các mục gỡ rối tâm sự nhan nhản trên các báo lá cải. Sự nông nổi thiếu các phương tiện giải trí tối tân đã tạo ra những oan tình sâu sắc. Câu chuyện thiếu phụ Nam Xương là như vậy. Thiếu nữ họ Vũ lấy Trương sinh bằng tình yêu đầu. Đất nước loạn lạc, chàng Trương tòng quân tới miền biên viễn để vợ ở lại nhà với đứa con nhỏ mới sinh. Năm tháng nức nở bằn bặt trôi, đứa bé lớn dần mà nhà thì nghèo không có tivi, người mẹ bần bạch khi dỗ con quấy đành phải chỉ vào cái bóng mình trên tường bảo đấy là cha. Người chồng trở về và đứa con bi bô kể, hàng đêm đều có một cha nào đấy chồm chỗm ngồi đầu giường. Chàng Trương thiển cận phũ phàng bức tử vợ. Ngày nay, sách giáo khoa trung học phổ thông đều in lại câu chuyên đẫm lệ này. Và các nữ sinh học xong sụt sùi nói với nhau, giá mà nhà ấy lắp được truyền hình cáp.
Tuy nhiên, không phải mối tình đầu nào cũng kết thúc “unhappy”. Cô bé mới lớn có tên là Unrich Phon Levetxop đã say đắm dành nồng nàn tình yêu đầu cho Johann Wolfgang Goethe (1749 – 1832) khi đại thi hào xêm xêm gần tám chục. Tương truyền, cứ mỗi bữa ông cụ Gớt hân hoan nhai xong thịt gà thì cô bé nhân tình trẻ lại hạnh phúc giúp người tình lụ khụ lau thật kỹ cả cặp hàm răng giả.
Mối tình đầu phải đương nhiên là vậy, nó không có tuổi và đích thực trong trắng, cho dù thỉnh thoảng có lẫn vào đấy vài cái răng không thật.

 


From the same category