Mỗi ngày có 20.000 trẻ em gái vị thành niên sinh con


Cán bộ dân số tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên cho người dân miền núi Sông Hinh. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Đặc biệt, các thách thức sẽ nhân lên bội phần nếu trẻ em gái vị thành niên là người dân tộc thiểu số, sống ở nông thôn và xuất thân trong gia đình nghèo khó.
Vì vậy, hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11/7) năm nay, Quỹ Dân số Liên hợp quốc đã đưa ra chủ đề “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên” nhằm gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới các chính phủ, các tổ chức, cộng đồng và gia đình hãy quan tâm và đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên.

Mỗi ngày có 20.000 trẻ em gái vị thành niên sinh con

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết theo số liệu toàn cầu, trong năm 2015, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có số trẻ em gái kết hôn khi chưa đủ 18 tuổi cao nhất, với 59 triệu em. Tiếp sau là Đông Á và Nam Á cùng với khu vực Tây Phi và Trung Phi với 8 triệu em; các quốc gia Ả rập 3 triệu em; khu vực Đông Âu và Trung Á 1 triệu em.
Bên cạnh đó, mỗi ngày có 20.000 trẻ em gái tại các nước đang phát triển độ tuổi từ 15-17 sinh con. Ước tính số ca nạo phá thai không an toàn ở trẻ em gái tuổi từ 15-19 là 3,2 triệu ca; 10% số trẻ em gái cho biết đã từng bị cưỡng bức quan hệ tình dục trước 15 tuổi.
Đặc biệt, tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em gái 15-19 tuổi và biến chứng thai sản là nguyên nhân thứ hai. Những số liệu này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các nước trên thế giới về tình trạng tảo hôn của trẻ em gái vị thành niên.
Ông Lê Cảnh Nhạc chia sẻ thực tế ở nhiều quốc gia, một em gái khi đến tuổi dậy thì đã được gia đình và cộng đồng cho là sẵn sàng để kết hôn, mang thai và sinh con. Em có thể bị ép phải kết hôn sớm và bỏ học, bị ảnh hưởng tới sức khỏe do phải sinh nở trước khi cơ thể em sẵn sàng cho việc đó.
Các em cũng có thể không được hưởng quyền con người; không được đi học; sức khỏe không tốt và gần như không kiểm soát được cơ thể của mình.
Ông Lương Quang Đảng, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cũng cho biết về một nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc chỉ ra bốn nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vị thành niên gái và nữ thanh niên bị bỏ lại phía sau, đó là: bạo lực giới; thiếu hụt cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế; thiếu hụt cơ hội tiếp cận giáo dục và chính sách không được triển khai trên thực tiễn. Vì vậy, để xóa bỏ các khoảng cách giữa trẻ em gái và trẻ em trai, cần phải chấm dứt bạo lực giới, bảo đảm tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng, đưa trẻ em gái đến trường, trao quyền cho trẻ em gái, phụ nữ trẻ và thay đổi những quan niệm xã hội cũ.

Nỗ lực trao quyền cho trẻ em gái vị thành niên

Theo ông Lê Cảnh Nhạc, vị thành niên, thanh niên là tương lai của mỗi quốc gia, dân tộc. Bảo vệ quyền của vị thành niên, thanh niên, đầu tư việc giáo dục có chất lượng, giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục toàn diện là việc làm hết sức cần thiết cho sự phát triển của vị thành niên, thanh niên, gia đình, cộng đồng và đất nước.
Chương trình nghị sự Phát triển bền vững 2030 là cơ hội có một không hai để trẻ em gái vị thành niên được hưởng các quyền của mình, được hiện thực hóa mong ước của các em và thay đổi thế giới của chúng ta. Khi các nước đầu tư cho y tế và giáo dục dành cho thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên, tạo cơ hội cho các em phát huy trọn vẹn năng lực bản thân, thì các em sẽ có điều kiện tốt hơn để tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm đói nghèo.
Trẻ em gái vị thành niên cần phải được tạo điều kiện để có thể bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và khỏe mạnh.
Ông Lê Cảnh Nhạc cho rằng với một nước có nhóm dân số trẻ đông như Việt Nam, việc đầu tư cho giáo dục và y tế nhằm hỗ trợ trẻ em gái vị thành niên, tạo công ăn việc làm cho các em là giải pháp cần thiết, góp phần phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, cho biết ở mức độ toàn cầu, UNFPA hỗ trợ các quốc gia trong việc nỗ lực trao quyền cho các trẻ em gái tuổi vị thành niên thông qua các chương trình bảo vệ nhân quyền và tăng cường tiếp cận thông tin và các dịch vụ, trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục. UNFPA cũng không ngừng vận động chấm dứt các hủ tục như tảo hôn và cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ.
Năm 2015, các chương trình của UNFPA đã hỗ trợ được 11,2 triệu trẻ em gái trong độ tuổi 10-19 tiếp cận được thông tin và các dịch vụ về sức khỏe tình dục và sinh sản. Đồng thời, hỗ trợ thành công 89 quốc gia xây dựng, thực hiện luật và các chính sách để trẻ em gái độ tuổi vị thành niên được hưởng các dịch vụ liên quan tới sức khỏe sinh sản và tình dục.
Chia sẻ về các hoạt động hỗ trợ cụ thể cho trẻ em gái vị thành niên tại Việt Nam, bà Astrid Bant cho biết UNFPA đã có các chương trình truyền thông nhằm hỗ trợ các quyền của giới trẻ, trong đó có quyền tiếp cận thông tin, dịch vụ liên quan tới sức khỏe sinh sản và tình dục. Hoạt động này nhằm hướng tới mục tiêu, tất cả thanh thiếu niên Việt Nam sẽ tiếp cận được các dịch vụ và thông tin mà họ cần; đồng thời, tất cả trẻ em gái trong độ tuổi thanh thiếu niên và phụ nữ Việt Nam có thể mang thai khỏe mạnh và an toàn.
UNFPA cũng đang hỗ trợ nhằm cải thiện việc tiếp cận các biện pháp tránh thai cho thanh niên chưa kết hôn, đặc biệt là những người di cư trẻ có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên chưa lập gia đình, những người trẻ là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, UNFPA giúp Việt Nam đưa các chương trình giáo dục kỹ năng sống và các kiến thức về HIV cũng như sức khỏe sinh sản-sức khỏe tình dục tới thanh niên ngoài trường học, trong các cơ sở dạy nghề.

Hiện nay, UNFPA đang làm việc với Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch quốc gia mới về ung thư cổ tử cung nhằm giúp trẻ em gái có thể tiêm vắc xin cũng như những phụ nữ được chuẩn đoán bị tổn thương tiền ung thư sẽ được sàng lọc và điều trị.
Theo VietnamPlus

From the same category