CSGT coi dân như người thân
Như đã thông tin, việc điều chỉnh tác phong, văn hoá ứng xử của Phòng CSGT Hà Nội được lãnh đạo Cục CSGT đánh giá cao.
Phóng viên đã có cuộc tiếp xúc với nhiều CSGT chốt trực tại một số địa điểm trên địa bàn Hà Nội.
Tại Đội CSGT số 5 (chốt trực cửa ngõ vào nội thành Hà Nội phía quận Long Biên), hầu như các chiến sỹ lúc nào cũng bỏ túi cuốn cẩm nang màu vàng (được lưu hành nội bộ) có tên gọi “Quy tắc ứng xử và văn hoá giao tiếp của lực lượng CSGT Hà Nội”.
Cách rèn quân của lãnh đạo đội ở đây như sau: Sáng nào cũng giao ban sớm, đọc báo nắm tin tức và đánh giá công việc ngày qua và ngày mới. Công an quân lệnh như sơn.
Chính Đội CSGT số 5 từng có nhiều chiến sỹ có cử chỉ đẹp khiến nhiều người dân cảm động: khi trời rét đến chảy máu mũi không bỏ vị trí (gần cầu Chương Dương), hoặc cứu người gặp nạn.
Cách đây không lâu, hai chiến sỹ trẻ thiếu úy Hoàng Minh Hiếu (sinh năm 1986) và thượng sỹ Nguyễn Thanh Hải (sinh năm 1989) đã thuyết phục một người mẹ đang định vứt đứa con xuống sông hồng rồi tự vẫn.
Thiếu úy Hiếu kể: “Hôm đó, chúng tôi đang trực tại đầu cầu Chương Dương thì được người dân thông báo. Tôi và Hải lao tới, lúc đó đứa bé khoảng 9 tuổi đang bám vào thành cầu, còn người mẹ trẻ khóc lóc. Chúng tôi trấn an họ. Tôi bế đứa trẻ, Hải ôm người mẹ (lúc đó đã ngất lịm) đưa về chốt để trấn an và sau đó đưa về nhà”.
Hiếu cũng cho biết đã tham gia 2 đợt học tập tác phong, điều lệnh và văn hoá ứng xử do Phòng CSGT tổ chức. Cả 2 lần học, các câu hỏi làm thu hoạch đều xoay quanh văn hoá giao tiếp. Cả Đội CSGT số 5 đều hoàn thành tốt.
“Tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình ứng xử với người dân giống như với người thân. Bởi vì, lưu thông trên đường hàng ngày còn có cả người thân của mình nữa”, thiếu úy Hiếu nói.
Thượng úy Phạm Ngọc Thành (sinh năm 1982) thuộc Đội CSGT số 5 cũng nói: “Rõ ràng những người trẻ như chúng tôi nhận thức sâu sắc hơn sau khi được tập huấn. Bài thu hoạch được viết tay dài 4 trang xung quanh các tình huống ứng xử văn hóa”.
Sáng 19-9, trao đổi với phóng viên, một chiến sỹ CSGT trẻ thuộc Phòng CSGT Nam Định cũng cho biết: “Thường những cán bộ trẻ dễ va vấp trong ứng xử khi làm nhiệm vụ nên lãnh đạo Phòng CSGT lúc nào cũng bám sát để chỉ bảo tận tình. Nhiều khi phát hiện ra lỗi vi phạm nhưng có thể do cách ứng xử khiến người dân không phục vì thế giải quyết công việc trở nên khó khăn hơn”.
Đại úy Trần An Ninh (Đội phó Tuần tra Kiểm soát số 61-thuộc Phòng CSGT Hà Tĩnh) – người tới đây sẽ được tuyên dương chiến sỹ trẻ tiêu biểu của tỉnh Hà Tĩnh, nói: “Qua học tập, nâng cao, tôi thấy mình tận tuỵ hơn với công việc”.
Đại úy Ninh là người từng cùng đồng đội dầm mưa hết khô lại ướt trong 3-4 ngày liên tục để dìu từng chuyến xe ô tô vượt qua lũ.
Mới đây thôi, trong khi xử lý vi phạm, anh Ninh đã cùng đồng đội phát hiện ví tiền có hơn 14 triệu đồng rơi trên quốc lộ 1 và đã liên lạc suốt 2 tiếng đồng hồ với các đồng nghiệp trên tuyến để chặn xe trả của đánh rơi.
Một thanh niên nghèo làm nghề lái xe đã ngỡ ngàng khi nhận lại số tiền vừa đi vay.
Cẩm nang đạo đức CSGT
Phòng CSGT Hà Nội đã tham mưu Công an TP Hà Nội soạn cẩm nang ứng xử văn hóa CSGT thế nào? Đây thực ra là văn bản số 11, được in thành cuốn sách nhỏ 24 trang, có 4 chương.
“Nếu CSGT Hà Nội thực hiện nghiêm đúng quy định này, chắc chắn sẽ là những người thi hành công vụ văn minh nhất so với cả nước”, một chuyên gia giao thông đọc xong, nói.
Trong đó có những đoạn quy định về công tác tiếp dân: “Phải có bàn ghế, đảm bảo lịch sự, gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, đủ ánh sáng; có biển chức danh ghi cấp bậc, họ tên… Khi người dân đến giải quyết công việc, cán bộ chiến sỹ phải chào, mời người dân ngồi, thái độ thân thiện, hoà nhã, không được lạnh nhạt, thờ ơ, cửa quyền, hách dịch, coi thường, dọa nạt nhân dân, nói trống không. Người dân đáng tuổi nào so với mình thì xưng hô theo lứa tuổi của họ (ông, bà, anh, chị…), cán bộ làm nhiệm vụ phải xưng “tôi” với người dân”.
Điều thấm thía nhất trong cẩm nang này là “phải tự đặt cá nhân mình (CSGT) vào vị trí, hoàn cảnh của người dân đang cần giúp đỡ để giải quyết…”.
Cuốn cẩm nang bỏ túi này quy định chi tiết cả những điều tưởng như tối thiểu: “Luôn tôn trọng, lễ phép, lắng nghe ý kiến người dân, giải thích rõ ràng những vấn đề liên quan”.
Cách chào hỏi, xưng hô, bắt tay với cấp trên, cấp dưới cũng được quy định chặt chẽ. Đặc biệt, có đến 12 điều cán bộ chiến sỹ không được làm khi thực hiện nhiệm vụ: Nói tục, khoanh tay trước ngực, đút tay túi quần, ngáp dài, vươn vai, hất hàm hỏi chuyện, hút thuốc, nhai kẹo cao su, huýt sáo; kéo dài thời gian xử lý, xử lý qua trung gian; nhận tiền; mặc quân phục không ngồi ăn uống trên vỉa hè, lòng đường…
Theo Tiền Phong