#ModernDating – Paperclipping: Giải mã xu hướng hẹn hò “thoắt ẩn thoắt hiện” của nửa kia

Chắc hẳn bạn không còn xa lạ với “ghosting” khi bị nửa kia “bơ toàn tập” dù đang ở trong mối quan hệ tình cảm. Thế nhưng tới một ngày, đối phương bất ngờ trở lại và gửi tin nhắn mở đầu bằng câu hỏi vu vơ như “dạo này thế nào”. Chưa hết, cuộc nói chuyện này cũng không kéo dài và hoàn toàn không mang tính xây dựng mối quan hệ lành mạnh. Đây có thể là tín hiệu cho thấy bạn đang mắc kẹt trong xu hướng yêu đương độc hại “paperclipping”. 

“Paperclipping” là gì?

Thuật ngữ “paperclipping” bắt nguồn từ chiếc kẹp giấy Clippy, một trợ lý ảo của Microsoft vào đầu những năm 2000. Chức năng của Clippy được cho là quá cơ bản nên hay đưa ra những gợi ý “vô tội vạ”. Vì thế, tính năng này đã gây ra không ít phiền toái khi thường xen ngang vào công việc của người dùng. Sự xuất hiện bất ngờ của Clippy cũng tương tự với những người “thoắt ẩn thoắt hiện” trong một mối quan hệ. Trong tình yêu, “paperclipping” ám chỉ việc đối tượng hẹn hò bất ngờ liên lạc lại với bạn trên các ứng dụng nhắn tin sau một thời gian “bặt vô âm tín”. Hành vi này biểu hiện cho cách duy trì một mối quan hệ mà không cần đầu tư quá nhiều thời gian và công sức.

Đối phương sẽ “kẹp chặt” cảm xúc của bạn bằng cách thiết lập và phá vỡ kết nối theo ý muốn của họ. Khi hẹn hò, họ không mong muốn phát triển mối quan hệ lâu dài, thường tránh sự thân mật và hời hợt trong các cuộc trò chuyện. Mặt khác, đối phương có thể là người yêu cũ. Họ xem bạn là một “kế hoạch dự phòng” khi mối quan hệ với người mới không có kết quả. “Paperclipping” có thể mang lại cho các “paperclipper” cảm giác thỏa mãn tức thời khi họ nhận được sự chú ý và quan tâm từ bạn. Thế nhưng, kết nối này cũng chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, đôi khi bạn còn không nhận được sự hồi âm hay bất kỳ tương tác nào. 

Đối phương không có ý định phát triển mối quan hệ lâu dài và có thể xem bạn là “lốp dự phòng” khi mối tình mới không có kết quả.

“Paperclipping” sẽ gây ra tác động tiêu cực đến việc phát triển mối quan hệ lành mạnh. Đó là lúc một trong hai người trốn tránh giải quyết các mâu thuẫn, phớt lờ cảm xúc của đối phương. Điều này sẽ khiến bạn mệt mỏi và dần mất niềm tin khi duy trì mối quan hệ yêu đương. Hơn nữa, cách thức hẹn hò độc hại này còn tạo ra các “đòn tra tấn” tâm lý cho người trong cuộc. Sự im lặng đột ngột sẽ khiến người còn lại bối rối, lo lắng, thậm chí có xu hướng tự đổ lỗi cho bản thân để tìm câu trả lời cho hành động của đối phương. 

Dấu hiệu bạn đang bị “kẹp” trong “paperclipping”

Dấu hiệu đặc trưng nhất là việc giao tiếp ngắt quãng, thường có khoảng thời gian im lặng dài giữa các đoạn hội thoại. Đối phương sẽ “biến mất” khi bạn đang có cảm tình với họ và quay lại khi cảm xúc về người cũ đang dần phai nhạt. Khi đó, họ sẽ bất ngờ gửi tin nhắn cho bạn, với những câu hỏi chung chung như: “Dạo này anh/em khỏe không?”, “Dạo này anh/em làm gì?”. Tuy nhiên, các mối quan hệ này chỉ diễn ra tốt đẹp trong thời gian ngắn trước khi họ tiếp tục lạnh nhạt, tránh mặt và chấm dứt mọi chuyện trong âm thầm. Thêm vào đó, các “paperclipper” cũng thường tìm lý do để biện minh khi được hỏi về hành động này. Họ có thể giải thích rằng cần thời gian để giải quyết các vấn đề cá nhân hoặc đổ lỗi cho những yếu tố khách quan khác.

Đối phương sẽ bất ngờ bắt chuyện lại với bạn, nhưng chỉ để thỏa mãn nhu cầu muốn được chú ý và quan tâm nhất thời.

Lý giải về điều này, các chuyên gia tâm lý cho rằng “paperclipper” đang lo ngại sự cam kết, trách nhiệm về một mối quan hệ dài hạn và có cảm giác thiếu an toàn, sợ bị từ chối. Vậy nên, họ chủ động rút lui để tránh bị ngột ngạt, kiểm soát. Bên cạnh đó, bối cảnh hẹn hò trực tuyến hiện nay đã và đang thay đổi đáng kể cách hình thành và duy trì các mối quan hệ. Việc hẹn hò qua các nền tảng mạng xã hội giúp việc “quẹt phải”, ghép đôi trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đây cũng là “con dao hai lưỡi”. Bởi đứng trước đa dạng “hồ sơ hẹn hò”, bạn có thể tìm hiểu, nói chuyện với nhiều người cùng lúc, cũng như không bị ràng buộc về một mối quan hệ tình cảm nghiêm túc.

Làm thế nào để thoát khỏi “paperclipping”?

Bạn có mong muốn tiếp tục mối quan hệ với đối phương không? Bạn nên nhìn nhận rõ ràng về mong muốn của bản thân và có đánh giá đúng đắn hơn trong việc duy trì mối quan hệ với đối phương. Không chỉ vậy, bạn cũng thử tự hỏi rằng từ một dòng tin nhắn “dạo này thế nào” của họ có “mở cửa” cho các cuộc nói chuyện sâu để tìm hiểu về nhau trong tương lai không. Và liệu người kia thực sự đầu tư bao nhiêu cho việc tương tác với bạn? Trả lời được những câu hỏi này sẽ giúp bạn tìm ra hướng đi phù hợp, tránh những rắc rối không đáng có. Khi đối phương gửi tin nhắn, bạn có thể chủ động ngừng trả lời và lờ đi những tin nhắn đó để câu chuyện không thể tiếp diễn theo ý thích của họ.

“Paperclipping” thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, không mang tính xây dựng mối quan hệ lành mạnh, do đó bạn có thể chủ động ngừng trả lời và lờ đi tin nhắn để tránh cuốn bản thân vào rắc rối.

Thiết lập quy tắc hẹn hò: Điều này không đồng nghĩa với việc kiểm soát đối phương, mà là cách chúng ta bảo vệ bản thân trước những hành vi “cờ đỏ” hoặc không chuẩn mực. Bởi mỗi người sẽ có ngôn ngữ tình yêu và cách thể hiện tình cảm khác nhau. Giao tiếp là chìa khóa của mọi mối quan hệ và sự thành thật luôn là cách duy trì ngọn lửa tình yêu. Chính vì thế, bạn nên chia sẻ những quan điểm về tình yêu của mình cho đối phương khi muốn phát triển và duy trì mối quan hệ tình cảm lành mạnh. Nhưng nếu họ bất chấp các nguyên tắc đó khiến bạn cảm thấy không thoải mái, bạn nên cân nhắc đặt dấu chấm hết cho đoạn tình cảm này. 

Với các “paperclipper”, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân vì sao bạn vẫn giữ liên lạc với người cũ dù không còn ở bên nhau. Có thể, sau khi chấm dứt tình cảm, bạn cảm thấy nhẹ nhõm và được giải thoát. Nhưng thời gian trôi qua, bạn không quen với nỗi cô đơn hoặc việc hẹn hò với người mới không diễn ra như mong đợi, nên bạn nhung nhớ sự an ủi, thân thuộc từ người cũ. Để tránh viễn cảnh này, bạn nên suy nghĩ rằng mình đang tìm kiếm điều gì ở đối phương lẫn mối quan hệ tình cảm. Một khi đã quyết định dừng lại, bạn nên dứt khoát “dứt áo ra đi”, tránh gieo rắc “tương tư”, phiền muộn cho người còn lại. Đồng thời, bạn nên tập trung đầu tư vào bản thân, mở rộng vòng tròn quan hệ để thu hút những người mới, cùng tần số với mình.

“Paperclipping” có khi còn tồi tệ hơn cả “ghosting”, khi bạn có cảm giác bị nửa kia “chơi đùa” không có điểm dừng. Bất kỳ mối quan hệ nào cũng có tính chất hai chiều, vậy nên không phải mọi nỗ lực từ phía bạn đều có thể cứu vãn cuộc tình của cả hai. Bởi vậy, nếu vô tình rơi vào “paperclipping”, bạn không nhất thiết phải trò chuyện với người cũ khi họ đã chủ động rời xa và cũng không có ý định duy trì mối quan hệ lâu dài. 


From the same category