Dư luận không khỏi bàng hoàng vì thông tin một nữ sinh ở Quảng Ngãi cắt cổ tay để phản đối cô giáo, một học sinh (HS) khác ở TPHCM uống thuốc tự tử vì đánh mất 600.000 đồng tiền quỹ lớp. Cách đây vài ngày, lại có thông tin lớp trưởng tại một trường THPT ở Mê Linh (Hà Nội) cũng để lại thư tuyệt mệnh trước khi uống thuốc tự vẫn là vì làm mất khoảng 500.000 đồng tiền quỹ lớp.
Những thông tin về HS cắt cổ tay, tự tử hay có hành vi tiêu cực khi gặp các sự cố trong học tập và cuộc sống khiến không ít người thấy lo lắng, băn khăn. Nhà trường, chuyên gia tâm lý và phụ huynh nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ở trường chúng tôi đã từng phát hiện những lá thư tuyệt mệnh của HS và ngăn chặn kịp thời hành vi của các em. Có em muốn tìm đến cái chết có khi chỉ vì cãi nhau với bạn bè hay tự ái vì bị bố mẹ, thầy cô la rầy. Tôi vẫn băn khoăn không hiểu những tác động nào mà HS bây giờ rất yếu đuối và dễ tổn thương đến vậy.
Chúng ta phải nhìn nhận thực tế, hiện nay học trò chịu rất nhiều áp lực học tập, lại bị tác động rất nhiều từ bên ngoài như phim ảnh, đồ chơi, trò chơi… chưa kể, các em có hoàn cảnh đặc biệt (bố mẹ bỏ nhau, gia đình không êm ấm…). Trong khi, cá em không được trang bị kỹ năng ứng phó, đối mặt với khó khăn nên chỉ cần những vấp váp, cản trở nhỏ cũng làm cho các em thấy bế tắc.
Chỉ cần một lời phê bình của thầy, hay làm mất tiền, thi trượt… rồi nhiều lý do nhỏ nhặt khác cũng đủ để nhiều bạn trẻ kết thúc cuộc sống của mình. Những vấn đề đó, các em hoàn toàn có thể vượt qua được, giải quyết được nếu như người được người lớn hướng dẫn, trang bị. Nhưng không, không ai chỉ bảo cho các em kỹ năng này cả.
Biết rằng, ở độ tuổi này, hưng phấn trong thần kinh rất mạnh, đôi khi lấn át cả quá trình ức chế nên học trò dễ mất kiểm soát bản thân và có những hành động khó ngờ. Đây cũng là giai đoạn “ương ngạnh” nên đối với người lớn, trẻ có một “dấu cách”… Nhưng lý do quan trọng nhất là các em thiếu hụt trầm trọng kỹ năng ứng phó với các tình huống trong cuộc sống nên dễ rơi vào hố sâu của sự tuyệt vọng mà không thể tự kéo mình lên. Các em đang thật sự chơi vơi trong khủng hoảng tâm lý lứa tuổi của mình.
Không dừng lại ở đó, tôi luôn băn khoăn một câu hỏi trong đầu: Tại sao hầu hết sau khi các vụ tự tử xảy ra, cha mẹ đều bảo “bất ngờ”. Trong gia đình chỉ có một hai người con, chẳng lẽ họ không “nhìn thấy” điều gì khác lạ chăng? Rễ chắc thì cây vững, ít nhiều bộ rễ gia đình cũng lung lay nên cây mới dễ đổ mình đến thế?
Có rất nhiều nguyên nhân về việc HS giải quyết vấn đề bằng cái chết như đua đòi, chơi nổi hoặc dọa người lớn. Một số em thiếu sự quan tâm đúng mức từ gia đình, không có người lắng nghe, chia sẻ…
Tuy nhiên, hiện nay nhiều em được bố mẹ cưng chiều từ nhỏ, không quen với việc phải chấp nhận thất bại hoặc những việc không đúng ý mình, sức khỏe tâm thần không vững nên dễ vấp ngã trong cuộc sống. Thực tế, nhiều HS sống khép kín với xã hội, chỉ lo học tập và giao tiếp với thế giới qua mạng Internet mà ít có những giao tiếp ngoài đời thực nên dễ bị ảnh hưởng bởi những lối sống lệch lạc ở thế giới “ảo”.
Nhưng vấn đề cốt yếu là các em sống mà không có ước mơ hoài bão, chưa xác định được mục đích lý tưởng sống của mình, chưa hiểu được vai trò quan trọng của mình đối với gia đình và xã hội nên chưa biết quý trọng bản thân.
Thế nên để giải quyết vấn đề này cần nhìn nhận một cách tổng thể. Công tác giáo dục toàn diện HS trong nhà trường phổ thông cần đẩy mạnh hơn nữa với các hoạt động Đoàn Đội, ngoại khóa, công tác xã hội cũng như động tập thể nhằm rèn luyện kỹ năng sống cho HS.
Có nhiều vấn đề chúng ta cần giáo dục HS như rèn luyện tư duy sống tích cực, sống có ích, sống có trách nhiệm trước hết là với bản thân rồi đến gia đình và xã hội. Đặc biệt giáo dục cho các em biết rõ vai trò, vị trí của các mình đối với sự phát triển của xã hội để các em biết trân trọng bản thân, giữ mình để mai này phục vụ đất nước.
Ngoài ra, gia đình và nhà trường cần tăng cường nắm bắt tư tưởng, tâm tư nguyện vọng và diễn biến tâm lý của các em nhằm có biện pháp hỗ trợ kịp thời trước những khó khăn của các em.
Cuộc sống hiển nhiên có khó khăn, sẽ có rất nhiều điều không vừa ý chúng ta, đó là điều không thể tránh khỏi. Các em HS cũng cần biết và hiểu về điều này để không bi quan, bế tắc trước những sự cố đến với mình mà nên nhìn sự việc một cách tích cực hơn. Khó khăn, thất bại cũng là những nấc thang giúp mình trưởng thành, chững chạc.
Bố mẹ, thầy cô không thể kè kè bên học trò suốt ngày hay suốt đời vì thế muốn biết được tâm tư lo lắng của con hãy tạo điều kiện, giúp đỡ các em có thói quen bày tỏ cảm xúc, vấn đề của mình. Ngoài ra cần trang bị cho trẻ cách ứng phó đối với những va vấp, những điều chưa như ý mình và cách chấp nhận sự thật để tìm người giúp đỡ trước sự việc được cho là đã rất “tệ hại” của mình.
Chỉ mấy trăm nghìn tiền quỹ lớp mà phải đánh đổi cả tính mạng thì quá đau lòng. Nếu các em biết cách chia sẻ, bày tỏ cảm xúc với người thân, bạn bè… chí ít cũng sẽ có những hướng gợi mở để giải quyết khó khăn.
HS cần được giáo dục ý thức về giá trị bản thân và trách nhiệm đối với chính mình và những người xung quanh như bạn bè, gia đình, thầy cô nhiều hơn nữa. Có như vậy các em mới không đánh dễ dàng đánh đổi thân thể, cuộc sống của mình vì đánh mất mấy năm ngàn hay những khúc mắc trong đời sống.
Nhà tôi có hai cháu nên mọi nhu cầu và yêu cầu trong cuộc sống của con mình đều cố gắng đáp ứng vì không muốn cháu phải lo lắng điều gì. Tôi mong tương lai con mình sau này sẽ thành công, bây giờ luôn động viên con học rất nhiều. Ngoài thời gian ở lớp, gia đình cho cháu đi học thêm, học ở trung tâm, học năng khiếu…
Con qua tuổi dậy thì tôi mới mơ hồ nhận ra, cháu luôn lúng túng trước mọi tình huống bất thường đến với mình như mỗi bị bạn giận, cô la cháu buồn chán đến mức bỏ ăn. Ra ngoài cháu rất sôi động nhưng về nhà lại khép kín, giữ khoảng cách với bố mẹ rất lớn, chúng tôi không thể nào tiếp cận được với con. Nếu cháu làm sai hay phạm lỗi lầm nào đó, chắc gì cháu đã nói với tôi, tôi không hiểu lúc cháu sẽ tìm đến ai?
Quả thật lâu nay cháu làm gì không đúng mình thường la mắng, chỉnh đốn, phạt chứ ít đồng cảm, chia sẻ cho con các giải pháp. Phải chăng chính những người làm bố mẹ như chúng tôi cũng thiếu hụt kỹ năng tiếp cận, trò chuyện với con?
Giờ việc tôi có thể làm là giảm tải việc học cho con, không đặt nặng việc cháu phải đạt kết quả học tập này nọ mà sẽ hướng con đến tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng sống để cháu mạnh mẽ, tự lập hơn trước khi là một HS giỏi.