Mỏ sắt lớn nhất ĐNA: “Đói vốn, bán lúa non”

“Bán  lúa  non”

Những ngày cuối tháng 7/2012, hàng nghìn người dân ở khu vực Mỏ sắt Thạch Khê không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh Cty CP Sắt Thạch Khê (Cty TIC) tiến hành khoan những mũi khoan đầu tiên vào khối quặng khổng lồ nằm dưới lớp tầng phủ để đưa quặng lên khỏi mặt đất. Vậy là mong ước bao đời của ngưòi dân nhìn thấy “đống vàng” dưới đất đã thành hiện thực.

Những tấn quặng đầu tiên tại Mỏ sắt lớn nhất ĐNA đã được đưa lên.
Cty TIC đã huy động hàng chục phương tiện, hàng trăm công nhân để khai thác quặng trong tầng đất phủ đến độ sâu (-28 mét). Ngay ngày đầu ra quân, dự kiến TIC sẽ khai thác được khoảng 800 tấn quặng. Đến nay sau nhiều ngày tiến hành khai thác, đã đưa được khoảng 4000 tấn quặng lên tập kết trong khu vực mỏ.

Quặng sắt ở đây được biết đến là loại quặng có hàm lượng sắt cao (60-65%) nên khi biết thông tin TIC chính thức đưa quặng lên khỏi mặt đất để bán, rất nhiều khách hàng trong nước như Tập đoàn Hòa Phát, Vạn Lợi, luyện kim Thăng Long đã đặt vấn đề để được mua quặng sắt Thạch Khê.

Chia sẻ với chúng tôi, TGĐ mới của Cty TIC, ông Nguyễn Văn Sinh cho biết, việc khai thác quặng lên để bán cho các DN là việc làm cần thiết để giải quyết rất nhiều vấn đề bức xúc đang đặt ra. Dự kiến trong năm 2012 Cty sẽ khai thác khoảng 200 nghìn tấn trong tổng số 920 nghìn tấn mà Chính phủ cho phép tận thu để bán.

“Hiện giờ Cty đang rất khó khăn, ngay cả cổ đông chi phối là Tập đoàn Vinacomin cũng thế, nằm trong bối cảnh chung, việc góp vốn của các cổ đông thì vẫn đang ì ạch. Để giải quyết các vấn đề nóng, bức xúc của người dân thì chỉ còn cách lấy tiền từ bán quặng để làm.

Dự kiến, nếu đưa được gần 1 triệu tấn quặng lên sẽ đưa về cho Cty khoảng 700 tỷ đồng. Ngay sau khi có tiền, Cty sẽ giải quyết các vấn đề bức bách như hoàn thiện các khi tái định cư, xây dựng nghĩa trang, trả tiền đền bù còn nợ… Đói vốn nên đành phải bán lúa non”, ông Sinh cho biết.

Tuy nhiên, vị TGĐ cũng không thể biết được thời gian nào sẽ hoàn thành việc mua bán, có tiền để giải quyết các vấn đề dân sinh cần phải làm. “DN nào đăng ký mua thì chúng tôi buộc phải đưa tiền trước mới bán, không thì thôi”.

Phần lớn người dân vùng  mỏ thấy phấn khởi, tuy nhiên, những lời hứa của DN đối với dân thì vẫn chưa được thực hiện, họ vẫn đang chịu khổ.
Theo ông Sinh, hiện Cty đang còn nợ 15 tỷ những khoản cực kỳ cấp thiết nhưng toàn bộ tiền mà Cty đang có chỉ có 14 tỷ. Những vấn đề cấp bách như mồ mả bị san lấp, xây nghĩa trang mới, tiền kiểm đếm đền bù GPMB, nợ nhà thầu thi công các khu tái định cư…

Trong trường hợp quá cần Cty sẽ trích tiền hoạt động ra để làm, như việc rót thêm tiền để hoàn thành các khu TĐC, không phải đợi tiền bán quặng.

Về việc trước đây địa phương (Hà Tĩnh) có chủ trương không đưa quặng ra khỏi địa bàn tỉnh, ông Sinh cho biết, do thời kỳ trước tỉnh đặt hy vọng nhiều vào các dự án thép, và tiến độ mỏ sắt sẽ như dự kiến. Tuy nhiên đến bây giờ thì thực tế đã khác.

“Giờ dân đang kêu như thế, Cty thì đang khó khăn, nếu không bán quặng thì lấy tiền đâu để giải quyết. Hai nữa là tỉnh cũng nhắc chúng tôi thực hiện thực hiện nghiêm túc Thông báo 164 của Thủ tướng, trong đó có việc cho phép bán số quặng tận thu”.

Quá hạn báo cáo Thủ tướng

Liên quan đến những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Văn bản 52 ngày 17/2/2012, trong đó có việc giao cho Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Than khoáng sản VN, Cty TIC… phân tích, đánh giá lại toàn bộ Dự án về cơ cấu sản phẩm, thị trường tiêu thụ, phương án huy động vốn, hiệu quả dự án… để khẳng định tính khả thi của dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2012.

Tiếc đất để hoang tại các khu TĐC, người dân Thạch Khê tranh thủ ra cấy trồng
Thế nhưng, đến những ngày cuối tháng 7, việc báo cáo này vẫn chưa được thực hiện. Nói về vấn đề này TGĐ Sinh cho biết, do việc lập dự án điều chỉnh vẫn chưa hoàn thành nên Cty chưa thể báo cáo theo chỉ đạo được. Có thể đến hết tháng 8, Cty mới có báo cáo toàn bộ dự án trong giai đoạn mới.

Một nội dung nữa mà Phó Thủ tướng chỉ đạo thực hiện, đó là yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản VN, Cty TIC phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh rà soát, xác định những hạng mục hạ tầng khu tái định cư mang tính cấp thiết, tối thiểu để tiếp tục đầu tư xây dựng, sớm ổn định đời sống của nhân dân trong khu vực dự án mỏ sắt Thạch Khê…

Thế nhưng đến nay, sau gần 6 tháng Phó Thủ tướng có ý kiến, việc thực hiện chỉ đạo này vẫn chưa vào đâu. Các khu tái định cư vẫn dang dở, người dân vẫn đang khốn khổ ở vùng mỏ.

Tại Thông báo số 52 của Văn phòng Chính phủ cũng nêu rõ những tồn tại của dự án Mỏ sắt Thạch Khê. Cụ thể, Dự án khai thác, tuyển quặng và Dự án sản xuất phôi thép 2 triệu tấn/năm chưa được phê duyệt; phương án bố trí vốn, phương án tiêu thụ sản phẩm của Dự án khai thác, tuyển quặng chưa cụ thể;

Một số đơn vị tham gia góp vốn chưa thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc góp vốn và thoái vốn tại Công ty cổ phần sắt Thạch Khê làm ảnh hưởng tiến độ của dự án; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng thiết yếu tại khu tái định cư không đồng bộ, gây khó khăn đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, dự án điều chỉnh đang được Cty hoàn thiện để trình phê duyệt sẽ có nhiều đột phá, không rập khuôn theo dự án, thiết kế cũ của Liên bang Nga từ những năm 1987 đã không còn phù hợp. Sẽ có rất nhiều thay đổi lớn trong việc thực hiện dự án này.

Cũng theo vị TGĐ này, dự án điều chỉnh lần này sẽ thực sự là “cuộc cách mạng” về cách thực hiện. Sẽ giảm được chi phí cực lớn nhưng hiệu quả hơn…

Theo Vietnamnet


From the same category