Điều nguy hiểm khó thấy hơn là giáo dục của ta đang đi lạc hướng ra xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh. Ảnh: Lê Anh Dũng
Dù dễ dãi và lạc quan đến đâu, ai cũng phải thừa nhận sự lạc hậu của giáo dục. Nhưng điều nguy hiểm khó thấy hơn là giáo dục của ta đang đi lạc hướng ra xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh. Đã đi lạc hướng, đã phát triển lạc điệu thì làm sao đuổi kịp được người ta, làm sao hội nhập được với thế giới văn minh. Mà trong thời đại này, với xu thế toàn cầu hóa không thể đảo ngược, nước nào không hội nhập được, không thich nghi được, tất sẽ bị cô lập, bị bỏ rơi lại sau, “chết lâm sàng” rồi từ từ bị đào thải, nếu không sớm tỉnh ngộ.
Cho nên có thể khẳng định sự lạc hướng, lạc điệu, không giống ai đó của giáo dục là cái căn bệnh gốc, cái nguyên nhân sâu xa từ đó đẻ ra mọi khó khăn, sai lầm của giáo dục.
Mà lạc hướng, lạc điệu trước hết từ tư duy cơ bản về mục tiêu, đường lối, phương pháp giáo dục, nói gọn lại, từ triết lý giáo dục. Đánh giá sự sa sút trầm trọng của chất lượng giáo dục, nhiều ý kiến thường nhấn mạnh khuyết điểm lớn nhất của nhà trường là chỉ chú ý dạy chữ (dạy kiến thức) mà lơ là dạy người. Điều đó theo tôi có lẽ chỉ mới đúng một nửa. Trên thực tế nhà trường của ta dạy người có khi còn chặt chẽ, quyết liệt hơn ai hết. Chỉ có điều cái nội dung và cách dạy người của ta sai, lệch hướng. Sai, lệch hướng vì chỉ nhằm đào tạo ra những mẫu người hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu cuộc sống hiện đại, thiếu những tố chất cơ bản để có thể thành công trong thế giới hiện đại: tự do, trung thực và sáng tạo.
Trong thời kháng chiến giành độc lập thống nhất, chế độ bao cấp khó tránh khỏi về kinh tế, mà về các mặt tư tưởng, văn hóa nó cũng có lý do chính đáng vì phải tập trung mọi cố gắng giành chiến thắng. Nhưng trong thời bình, đời sống có vô vàn nhu cầu đa dạng, thế giới cũng đã thay đổi nhiều, đất nước đã bước sang một giai đoạn lịch sử mới, với biết bao vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội chưa từng gặp trước đây. Nhiều điều mới hôm qua còn cho là đúng, là chân lý bất khả tranh luận, thì nay đều phải xem xét lại, phải nhìn nhận lại với đôi mắt khác. Ngược lại có những điều trước đây bị phê phán, bây giờ phải chấp nhận .
Giáo dục phải hướng tới đào tạo con người hiện đại có cá tính nhưng bao dung, biết giao tiếp và hợp tác, biết làm việc có hiệu quả, có tư duy độc lập, cởi mở với cái mới. Ảnh: Lê Anh Dũng
Kinh nghiệm khắp nơi trên thế giới đêu cho thấy trong những điều kiện ấy mà dạy người theo cách áp đặt, ưc chế tư duy một chiều trong khi giáo lý giảng dạy trong nhà trường trái ngược với thực tế phũ phàng ngoài xã hội thì hệ lụy tất yếu dẫn đến phát sinh và nuôi dưỡng gian dối, đạo đức giả và bạo lực, cuối cùng gây ra bất ổn trầm trọng trong xã hội. Những điều đang diễn ra trong xã hội ta không phải là ngoại lệ.
Cho nên phải từ bỏ những quan niệm, tập quán, cách suy nghĩ về giáo dục đã quen thuôc một thời, can đảm tiến lên thực hiện một nền giáo dục khai phóng, như ở mọi nước văn minh hiện nay, dạy người nhằm rèn luyện nhân cách, phẩm chất trí tuệ, năng lực cảm thụ, ý thức cộng đồng, hướng theo thang giá trị phổ quát của nhân loại đương thời. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể hội nhập thắng lợi vào thế giới văn minh và cái mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh mới có cơ may hiện thực. Bằng không, cuộc hội nhập quốc tế của chúng ta luôn gặp khó khăn và cái mục tiêu ấy sẽ mãi mãi xa vời.
Cụ thể, giáo dục phải hướng tới đào tạo con người hiện đại có cá tính nhưng bao dung, biết giao tiếp và hợp tác, biết làm việc có hiệu quả, có tư duy độc lập, cởi mở với cái mới, thích dấn thân, không ngại đương đầu với thách thức, khó khăn, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm vì mục đích lớn và nhất là nhân ái, lương thiện, trung thực và có đầu óc sáng tạo, là những đức tính tối cần thiết trong đời sống xã hội hiện đại. Đó mới thật sự là dạy người theo nghĩa cao quý nhất. Đó mới thật sự là sứ mạng của giáo dục tiên tiến thời nay.
Giáo dục hiện đang đứng ở ngã ba đường, giống như kinh tế những năm giữa thập kỷ 80. Nếu lúc bấy giờ ta cứ kiên trì chế độ kinh tế tập trung bao cấp mà không nhìn thẳng vào thực tế cuộc sống, kịp thời nhận ra nguồn gốc bế tắc của xã hội để có can đảm thay đổi tư duy, chấp nhận chính cái cơ chế thị trưởng đã từng một thời bị phê phán trước đây, thì làm sao có đường lối đổi mới đã cứu đất nước khỏi sự sụp đổ nhãn tiền.
Ngày nay, sau mấy chục năm chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi các ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc, cũng đã đến lúc giáo dục phải có sự lựa chọn: hoặc là tiếp tục con đường cũ, khác biệt với thế giới văn minh, để ngày càng tụt hậu xa hơn, hoặc là cương quyết thay đổi tư duy, thực hiện bước ngoặc cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển, phù hợp với trào lưu tiến hóa chung của nhân loại, và đáp ứng lợi ích tôi cao của dân tộc.
“Tôi lo lắng vì trẻ em ta vượt trội ở những đức tính mà ở các nước phát triển người ta không đặt yêu cầu quá cao cho lứa tuổi tiểu học vì muốn gìn giữ cho trẻ em tính hồn nhiên trong sáng của tuổi thơ”. Ảnh Lê Anh Dũng
***
Chẳng hạn, năm 1968 lý thuyết “chủ nghĩa xã hội thị trường” do nhà nhà lãnh đạo Tiêp Khắc Dubcek đề xuất bị cả phe xã hội chủ nghĩa coi là phản động, nguy hiểm, nên Dubcek đã bị môt cuộc can thiệp quân sự của Liên Xô lât đổ. Sau này đến giữa những năm 80 chúng ta đã chấp nhận “cơ chế thij trưởng định hướng xã hội chủ nghĩa” thì thực chất cũng là “chủ nghĩa xã hội thị trường” trước đây chúng ta đã bác bỏ.