”Mình tôi đi trên đường…”


Trực giác dẫn dắt tôi

Cô từng tốt nghiệp cử nhân văn chương, rồi lại đi làm báo, và viết văn, cũng giống không ít sinh viên Văn khoa khác. Phải chăng văn chương là con đường ngắn nhất dẫn đến nghề báo?

Tôi không phải tốt nghiệp văn chương rồi mới chọn nghề báo, mà đã thích nghề báo từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp Văn khoa Đại học Tổng hợp, một thời gian làm ở NXB Văn học, Trường viết văn Nguyễn Du, tôi nhận ra rằng mình chỉ có thể thích hợp với nghề báo. Năng động, linh hoạt và không hề đơn điệu. Vậy là tôi vào Tạp chí Sân khấu, lúc ấy mới ra số thứ 5. Đó là năm 1977, khi tôi 26 tuổi. Và từ đó, tôi bắt đầu thời kỳ tự học và thăng hoa của mình.

Không ít người cũng nuôi mộng trở thành nhà báo, nhưng không phải ai cũng thành. Điều gì đã dẫn dắt cô mãnh liệt đến vậy?

Trực giác đã mách bảo tôi, từ khi còn là một cô bé học sinh. Tôi là người yêu mến quan sát những sự vật hiện tượng xung quanh, và thèm được viết về những sự vật hiện tượng đó. Tôi ham đọc, ham viết. Thời ấy niềm vui duy nhất của tôi là đọc, tôi không ngừng đọc và suy tưởng. Trong đầu óc tôi đầy ắp những ý nghĩ chen chúc. Tôi vô cùng tò mò về con người. Thế giới với tôi là một câu hỏi bí ẩn. Và Con người là điều bí ẩn nhất. Tôi đã thấy một thế giới trong sách, và rất muốn được thấy thế giới bên ngoài thật sự như thế nào. Nên tôi nghĩ nghề báo, và nói chung là nghề viết là thích hợp với mình nhất.

Ai là người có ảnh hưởng nhất với cô trong những buổi đầu ở Tạp chí Sân Khấu?


Người đầu tiên tôi nhớ tới là Thế Lữ, chính ông đã nhận ra khả năng của tôi. Ông nói, sân khấu là con đường đưa chữ từ giấy lên sàn diễn, cháu mê đọc, thì rồi cháu cũng sẽ mê sàn diễn, sẽ trở thành người của sân khấu, vì cháu có đầy đủ khả năng đó. Và từ lời động viên đó, tôi đã trở thành Nguyễn Thị Minh Thái hôm nay.

Tạp chí Sân khấu khi ấy nhà thơ Lưu Trọng Lư làm Tổng biên tập, nhưng người có vai trò mạnh mẽ lại là Thư ký tòa soạn Xuân Trình. Có thể nói, không có Xuân Trình sẽ không có Lưu Quang Vũ và tôi, bởi ông là người rất biết cách làm việc và biết cách tạo điều kiện cho chúng tôi làm việc. Thời ấy Lưu Quang Vũ đang chịu kỷ luật, nên viết báo không được ký tên thật, phải sau 3 năm Vũ mới được vào biên chế chính thức.
Để đào tạo chúng tôi, Xuân Trình buộc tất cả phóng viên đi xem tác phẩm sân khấu hàng đêm, ngồi ngay cạnh, chỉ dạy từng chút một. Ông là người cực kỳ tinh tế, hiểu sân khấu, hiểu phong cách từng đạo diễn và diễn viên.

Vậy với sinh viên của mình, cô dạy cho họ những gì?
 
Tôi dạy sinh viên không hy vọng học khoa báo để trở thành nhà báo. Với những người muốn trở thành nhà báo, Đại học lớn nhất là những tờ báo hay và những nhà báo giỏi. Đại học thứ hai là đời sống, nó dạy mình cách tìm hiểu, cách thông tin và cách viết về nó. Trường lớp kinh viện rất bài bản, khuôn sáo. Với tôi, trường báo chí có một khả năng duy nhất là dạy sinh viên biết họ chỉ có thể trở thành nhà báo khi họ thật sự muốn trở thành. Tôi vẫn nói, tôi không học báo chí tại trường đại học, nhưng điều đó không hề ngăn cản tôi thành nhà báo giỏi. Bởi tôi không thể chịu đựng được việc mình trở thành một nhà báo làng nhàng. Nghề báo cần tập trung tất cả say mê và biết chắc mình có khả năng, có tài năng.
 
Khi mới vào tòa soạn, tôi từng bị mắng sa sả, nhưng không cho phép mình được khóc, suy sụp, phải lăn xả để học, thậm chí không ngại việc “trà nước điếu đóm” cho các đồng nghiệp cao tuổi, tập uống rượu, uống café, không từ chối những cung cách sinh hoạt bình dân. Không cảnh vẻ, phải có tác phong “quần chúng”… Đã làm nhà báo phải biết tất cả những điều đó.

Với cô, nghề báo có nghĩa là…
 
Tôi cho rằng nghề báo là một nghề cô đơn, bởi không ai có thể làm thay bạn bất cứ việc gì, nó cần sự tổ chức và tư duy rất độc lập. Đây không phải một lựa chọn bình thường mà là sự tập trung tất cả tinh lực, năng lực, ham mê, chí hướng. Nó cũng không phải là một nghề danh giá hay thời thượng, mà là nghề nguy hiểm và đòi nhiều hy sinh, thậm chí là cả hạnh phúc riêng. Đó là mặt trái nghề nghiệp.
 
Người chồng đầu của tôi bức xúc về một người vợ chỉ mê đi và viết. Chúng tôi một người làm nghề kỹ thuật, tại chỗ, một người có vẻ nghệ sĩ, hay xê dịch, lệch nhau về bản chất. Cuối cùng ông ấy đề nghị tôi chọn giữa chồng và công việc, và tôi nói, tôi chọn nghề.
 


Không cho tất cả trứng vào một cái rổ

Trong cuộc hôn nhân thứ hai, với bố ca sĩ Hồng Nhung, cô có giải quyết được mâu thuẫn đó không?

Ông Xuân Trình đồng ý cử tôi đi 6 năm ở Liên Xô và đặt vào tay tôi một tiền đồ sáng sủa: bảo vệ luận án TS nghệ thuật học xong, khi về nước, tôi có thể trở thành Phó tổng biên tập của Tạp chí Sân khấu, hoặc Phó giám đốc NXB Sân khấu, được nhà cửa đàng hoàng… Nhưng tôi thấy rằng, tất cả những thứ đó không cần bằng một gia đình. Từ Liên Xô trở về, tôi khăn gói theo người đàn ông của tôi vào Sài Gòn, bỏ lại tất cả, dù bạn bè ngăn cản. Sau này trước khi mất, Xuân Trình vẫn không thích tính bướng bỉnh của tôi, và cho rằng tôi đã làm một việc điên rồ. Nhưng tôi biết chắc đó chính là tính cách của mình.

Giữa hai sự lựa chọn, ở hai thời điểm, cô đã có quyết định trái ngược nhau. Xin phép được hỏi cô, điều gì đã thay đổi vậy?


Sự trải nghiệm. Mâu thuẫn lớn nhất của phụ nữ nói chung, chứ không riêng phụ nữ làm báo, mà tới giờ rất có thể không giải quyết được, là việc cân bằng giữa vai trò xã hội và gia đình. Làm tốt cả hai là một nỗ lực gần như tuyệt vọng. Lần thứ nhất, tôi chọn nghề nghiệp, bởi tôi không thể tưởng tượng được hình ảnh mình ngày ngày cặm cụi làm một nhân viên đánh máy chữ chăm chỉ. Và cuộc sống gia đình khi ấy quá chán nản.
 
Nhưng sau từng ấy năm cô đơn dằng dặc, tôi mới thấy gia đình là cái đáng giá nhất. Và tôi quyết định chọn người đàn ông hiểu được mình. Nhưng có lẽ tôi lại nhầm lẫn một lần nữa. Giữa chúng tôi, có lẽ là bạn như đã từng là bạn bè trước đó là tốt hơn cả. Chuyện lại phải chia tay lần nữa sau vài tháng ngắn ngủi, tôi nghĩ có lẽ chỉ có thể nói bằng hai chữ: Số phận.

Và cô trở thành một nhà báo người Hà Nội ở đất Sài Gòn từ đó?

Tính tôi vốn sĩ diện và hơi bị… hiếu thắng. Tôi đã bỏ qua lời khuyên của bạn bè Hà Nội mà vào đây, thì không thể bỗng chốc mà trở lại được. Tôi quyết phải làm nên sự nghiệp mới quay về. Thế là với một chiếc vali, một tấm bản đồ, tôi đi tìm mãi cũng được cho mình căn hộ 25m2 thuê trên lầu 6 một khu chung cư. Tôi vừa đi dạy đại học, vừa viết báo, gắng tự mình nuôi con từng ấy năm trời.
 
Sài Gòn là môi trường báo chí với cơ chế thị trường khắc nghiệt, luôn tồn tại sự ganh đua quyết liệt, hoặc thành nhà báo giỏi, hoặc là bị văng ra khỏi guồng quay. Tôi lao vào làm việc, với những chuyến đi liên miên, mang quyết tâm mỗi bài báo của mình đều phải hay nhất, mình phải ở hàng topten trong những cây bút bình luận nghệ thuật. Nhưng tôi cũng biết, sâu thẳm trong đó là nỗ lực tìm niềm vui trong công việc để khoả lấp, để cân bằng cuộc sống của mình. Sau 9 năm, khi đã đạt được vị trí mong đợi cả trong lĩnh vực giảng dạy lẫn báo chí, tôi mới đưa con gái trở về Hà Nội. Và như bạn thấy, tôi lại tiếp tục sống và làm việc như thế…

Phải chăng cô ép mình quên đi khao khát về mái ấm gia đình?

Tôi không cực đoan đến mức vì hai lần đổ vỡ mà chán ghét cuộc sống gia đình và căm thù đàn ông. Cuộc sống gia đình đáng mơ ước chứ, và đàn ông thì rất đáng để yêu, nếu không có ít nhất một người đàn ông tử tế thì hơi… khó sống. Cuộc sống về căn bản lại cũng phải cần sự cân bằng Âm Dương. Nhưng tôi thường tâm đắc với câu ngạn ngữ của phương Tây thế này, “Bạn đừng bao giờ mắc tất cả những chiếc áo của mình vào một cái đinh”, hoặc “Đừng cho tất cả trứng vào một cái rổ, nếu bị vỡ thì sẽ vỡ hết”. Tôi không dẹp bỏ ước mơ về một gia đình, nhưng đó không phải là tất cả niềm hy vọng. Tôi chấp nhận số phận, nếu không có được một gia đình, tôi vẫn có những niềm vui khác, thậm chí vẫn có bạn trai thân thiết chứ. Tại sao không?

Theo cô, một người đàn ông như thế nào thì có thể trở thành chồng của nữ nhà báo?


Đừng đặt nặng việc là nữ nhà báo hay nghề gì khác, mà quan trọng là hai người có thật sự yêu thương nhau không, nếu yêu thương thì có thể kê bằng những chỗ lệch. Nhưng nói gì thì nói, chọn nghề báo đã là chấp nhận khả năng cuộc sống gia đình có lắm khi không được trọn vẹn. Bởi bản chất của nữ nhà báo là tự tin về mình, rất ít người mặc cảm về thân phận. Còn đàn ông Việt Nam thì đa phần đều gia trưởng từ trong máu. Họ khó chấp nhận những người vợ “dân chủ” quá, và dù có chịu được, thì bản thân cái sự “chịu đựng” đó cũng gây mệt mỏi cho mình.

Ngẫm lại những biến cố trong cuộc đời mình, cô thấy những ngã rẽ đó là do cô chủ động lựa chọn, hay số phận đưa đẩy?

Cũng có trường hợp do mình chủ động, nhưng phần lớn cuộc đời không bao giờ cho mình biết trước điều gì. Mà trái khoáy, éo le thì mới gọi là cuộc đời, nếu không chắc sẽ nhàm chán lắm. Chỉ có điều, trước những biến cố, mình biết phải làm gì. Tôi nghĩ lương tri sẽ mách bảo mình cần làm gì trong những trường hợp ấy. Điều cốt yếu là cho dù có lúc tưởng sụp đổ, cũng đừng bao giờ tự phá bỏ đời mình.
 
Tôi không thích bày biện nỗi buồn để người khác phải thương hại, nhưng thật sự có nhiều lúc trầm uất chỉ muốn… chết cho nhẹ. Nhưng rồi tự phải gượng dậy thôi. Phải tự vịn vào bản thân, vì không còn cách nào. Đó là kinh nghiệm riêng, có phần cay đắng nhưng có lẽ khá thú vị của tôi. Mong đồng nghiệp trẻ là bạn không phải trải qua những kinh nghiệm tương tự. Ấy là tôi mong thế! Và trong mọi trường hợp, tự gượng dậy sẽ làm mình khỏe mạnh hơn!

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn trường ĐHTH Hà Nội, chuyên ngành Văn học
Tiến sĩ tại Viện Sân khấu, Điện ảnh, Âm nhạc St-Petersbourg SNG.
Uỷ viên hội đồng Khoa học liên ngành Báo chí- văn học của ĐHQGHN.
Uỷ viên hội đồng Lý luận phê bình Hội nhà văn Việt Nam
Chủ tịch hội động Lý luận phê bình Hội nhà văn Hà Nội
Chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa Truyền thông, Khoa Báo chí Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.

 

 Quế San (thực hiện)

    


From the same category