Bạn đã hiểu và rất thông cảm với nhu cầu chăn gối của người bạn đời trong cuộc sống lứa đôi. Dù điều này ít khi xảy ra, nhưng biết đâu chẳng là trường hợp của bạn: trở thành nạn nhân của tình trạng “sưu cao thuế nặng”.
Hôm qua vừa “đóng thuế giường”, hôm nay phải “tạm ứng”, ngày mai lại “truy thu”, rồi ngày kia bị áp đặt không tranh cãi nộp “siêu giá trị gia tăng”… Phải “trốn thuế” ra sao đây? Bạn hiểu ra sao câu khuyên răn “gái 30 tuổi đã toan về già” của các cụ…
Quá mãnh liệt là… bệnh
Nhu cầu tình dục là chuyện bình thường trong cuộc sống như ăn, như ngủ, như làm việc, như giải trí và chẳng có gì xấu xa. Nếu xưa kia các cụ chỉ nhấn mạnh đến nghĩa vụ sinh con đẻ cái, duy trì những thế hệ nối dõi tông đường, chuyện “sex” bị coi là dung tục, thì ngày nay, người ta có thể nói thẳng, rằng nó đem lại nguồn lạc thú, làm nên hạnh phúc lứa đôi, gắn kết tình cảm vợ chồng và rất có lợi cho sức khỏe.
Song như mọi nhu cầu khác, chuyện “yêu đương” cũng có mức độ của nó. Mức độ nào thì còn tùy thuộc vào sức khỏe, tuổi tác, hoàn cảnh cụ thể, tùy cả thói quen của từng dân tộc nữa (Xin mở một dấu ngoặc: Một cuộc điều tra mới đây trên 26.000 người ở 26 nước ở lứa tuổi dưới 40 cho kết quả: 87% số người được hỏi tại Hy Lạp trả lời mình làm “chuyện ấy” trung bình mỗi tuần một lần trở lên, trong khi Nga 80%, Trung Quốc 78%, Malaysia 74%, Pháp 70%, Ấn Độ 68%, Thái Lan 65%, Anh 55%, Mỹ 53%, Nhật 34%… Còn nhiều nước nữa nhưng không thấy ghi Việt Nam.
Còn về tuổi tác Viện Tính dục học Kinsey của Mỹ đưa ra những con số trung bình của thế giới: các cặp vợ chồng ở lứa tuổi 18-29 quan hệ tình dục trung bình 112 lần mỗi năm, 30-39 tuổi 86 lần, 40-49 tuổi 69 lần. Tất nhiên đây là số trung bình và chẳng có gì là “chuẩn” để bạn phải noi theo mà chỉ để tham khảo cho vui thôi).
Vượt quá mức độ là… bệnh. Trong y học, người ta dùng thuật ngữ aphrodisia để chỉ bệnh đó.
Số phụ nữ có ham muốn quá mạnh không nhiều, thế nhưng các Trung tâm tư vấn chuyện sức khỏe sinh sản cho biết, hầu như không ngày nào không bị những ông chồng “nạn nhân của sự bạo hành” trong chuyện ấy từ “phái yếu” trong gia đình (mà chẳng yếu tí nào) gọi điện đến than thở.
Hết bắt nộp thuế giường, lại đòi tạm ứng, đòi truy lĩnh, bắt trả nợ… Câu “tốt nái hại sống” trong những trường hợp này đúng hơn bao giờ hết, mà cái tin trên báo mà ĐẸP số trước đăng nguyên văn về một ông chồng bị vợ dùng phương pháp cơ học biến thành vô sinh là một ví dụ cụ thể.
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng từng chứng minh một số trường hợp sự ham muốn mãnh liệt thường gặp ở những quý bà thành đạt (có lẽ cảm thấy mình có quyền hưởng thụ mọi thứ, có quyền đòi hỏi được “chiều chuộng” (trong đó có chuyện tình dục), xứng đáng với công sức mình đã từng bỏ ra, hoặc tìm đến “chuyện ấy” như một cách giải tỏa căng thẳng); ở những phụ nữ có đời sống tinh thần phong phú, những phụ nữ làm giỏi những nghề nghiệp mà ưu thế thường thuộc về nam giới…
Người ta còn chứng minh những phụ nữ làm nghệ thuật rất hay ngoại tình, ly hôn nhưng chưa chắc ham muốn đã nhiều mà chẳng qua môi trường nghệ thuật khiến họ thích thú chuyện phiêu lưu, tìm cảm giác mới lạ. Người “đa tình” chưa chắc đã là người nhu cầu sinh lý mạnh.
Lại nữa, có những nghiên cứu khoa học những chứng minh, các bà xã ham chuyện gối chăn chẳng phải lỗi ở các bà mà ở cái hocmon quái quỷ cơ thể sinh ra có tên là oestradiol.
Đã là bệnh thì cần chữa. Chắc chắn các bác sĩ có thể tư vấn và kê đơn để điều chỉnh sự nồng nàn thái quá của các nữ tướng trong chốn phòng the.
Các cụ lang cũng tự hào Đông y có những bài thuốc “hạ hỏa” rất hiệu nghiệm để “cứu vớt” các ông chồng có bà xã quá sung mãn.
Gái ba mươi tuổi…
“Trai ba mươi tuổi đang “xoan”, Gái ba mươi tuổi đã toan về già” Người ta thường bảo “Ca dao, tục ngữ vốn đúc kết những sự khôn ngoan, các cụ đã nói thì cấm có sai”… Ấy vậy mà trong trường hợp này không hiểu các cụ thử “lỡm” hay cố tình xui dại cánh mình thì chẳng biết.
Cũng có thể thời xưa, do chế độ dinh dưỡng kém, do lễ giáo phong kiến buộc người phụ nữ phải “ép xác”, do ngộ nhận về sự “tiết hạnh”, do tục tảo hôn nên mới hơ hớ ba chục cái xuân xanh mà cô con gái đầu lòng sắp gả chồng, thì người phụ nữ phải “đứng đắn”, không “nhí nhố” được nữa cho đúng tư thế bà mẹ vợ. Cái cảnh “Thiếp lấy chàng từ thuở mười ba, đến năm mười tám thiếp đà năm con” là có thực.
Hoặc giả bịa ra câu ca dao trên là các cụ cố tình răn đe người phụ nữ vì các cụ biết chính tuổi 30 là độ tuổi “chín mùi” hơn bao giờ hết, con cháu có thể liều lĩnh nhất thời mà lầm lỡ chăng.
Khi tuổi càng lớn, có thể lão hóa dần thì cơ quan nào cũng “già” theo. Sẽ đến một ngày, tháng tháng “đèn” không đỏ nữa vì trứng còn đâu mà rụng, khả năng sinh sản không còn và hiện tượng cứ tạm gọi là nam hóa xuất hiện.
Người phụ nữ không còn sôi nổi khi tham gia vào cuộc “song đấu”, ngọn lửa đam mê lụi tàn dần mà các bác sĩ gọi là quá trình tắt dục. Sự thiếu hụt và cạn kiệt hóc-môn nữ estrogen sau khi mãn kinh có thể dẫn đến những thay đổi ở chính “vũ khí chiến đấu”, cũng như ở sự đáp ứng tình dục.
Da ở vùng cấm địa trở nên khô, kém đàn hồi. Nạn “hạn hán” xảy ra. Mức độ nhạy cảm giảm sút hẳn, thậm chí xuất hiện cảm giác khó chịu khi “bị” (mà trước kia là “được”) đụng chạm. Các thao tác “chiến đấu” trở nên khó khăn hơn, khó đạt được khoái cảm, có khi còn đau đớn nữa.
Thế nhưng trước khi rơi vào trạng thái ấy lại là một giai đoạn biến động lớn về mặt sinh học. Sự thay đổi việc tiết hóc-môn có thể làm bùng phát những ham muốn mà y học gọi là sự hồi xuân.
Đã có những trường hợp người phụ nữ không kiềm chế được mình, rất có thể mê muội lao vào những cuộc tình không xứng đáng, đánh mất khả năng phán xét và sự kiêu hãnh, làm dáng một cách lố bịch và có những hành động táo bạo như một cô gái vị thành niên.
Khi bà xã bước vào giai đoạn này, chính bạn phải là người quan tâm điều chỉnh để mọi việc diễn ra một cách bình thường và dẫn dắt để người bạn đời của mình cân bằng cuộc sống.
Sau khi với sự trợ giúp rất tế nhị của bạn, bà xã đã vượt qua được giai đoạn sôi động này và không rơi vào trạng thái vĩnh viễn nghỉ hưu “chuyện ấy”.
Các nhà khoa học cho rằng nhu cầu tình dục không có tuổi, vì nó không đơn thuần là nhu cầu sinh lý mà còn là nhu cầu tâm lý, là sự trải nghiệm của quá khứ, hoặc một… thói quen như mọi thói quen khó bỏ khác. Cũng cần lưu ý, việc quan hệ tình dục cũng cần phải “văn ôn võ luyện”, nếu không dẫn đến tình trạng tắt lịm để rơi vào lãnh cảm. Ở lứa tuổi tóc đã muối tiêu, vợ chồng cần săn sóc nhau và tạo điều kiện khơi dậy cảm xúc tình dục hơn cả thời trẻ.
Trong vài thập kỷ qua, nhờ điều kiện vật chất, dinh dưỡng được nâng cao, chăm sóc y tế được đảm bảo, tuổi “yêu” của phụ nữ đã kéo dài khá nhiều. Một điều tra ở Pháp cho thấy, “ngọn lửa yêu đương” ở phụ nữ trên tuổi 50 vẫn bùng cháy khôn nguôi. Nếu như những năm 70 của thế kỷ trước chỉ 53% phụ nữ ở tuổi 50 còn yêu thì con số hiện nay là 90%.
Câu chuyện đã dài. Qua đó, mong bạn hiểu và thông cảm với những đòi hỏi “rất chính đáng” của bà xã để thu xếp mọi điều cần thiết, làm bà xã hiểu dù đôi khi bạn có sao lãng chuyện chăn gối thì không hề có nghĩa là giảm sút tình yêu.
Chuyện chăn gối khi tuổi tác càng lớn đòi hỏi chất lượng hơn số lượng. Các cụ chẳng dạy “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” đó sao.