Minh Ngọc-Hành trình sống và yêu - Tạp chí Đẹp

Minh Ngọc-Hành trình sống và yêu

Bộ Sưu Tập

Sống là quan trọng
Viết văn, đạo diễn, đóng phim, đóng kịch, giảng dạy… chị đảm đương quá nhiều công việc một lúc. Nhưng không có người đàn ông bên cạnh để chia sẻ. Chị đúng là “tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan” như chữ của nhà thơ Đoàn Thị Tảo…
Tôi nghĩ mình đa đoan từ lúc bẩm sinh. Có lẽ tính tôi giống má tôi, tào lao và chẳng biết nói không, ai nhờ việc gì cũng giúp. Nên vì thế đã thiếu mất phần chăm sóc cho mình.

Làm việc không mệt mỏi như thế, bởi lẽ chị có quá nhiều năng lượng hay đơn thuần là sự tham lam của người đàn bà đa đoan?
Tên tôi là Ngọc, điều đó làm liên tưởng đến sự cọ sát của hạt cát trong lòng con trai để hình thành viên ngọc. Cuộc đời tôi cũng có nhiều trận kinh hoàng, không thể kể với ai. Qua những lần đó, tôi mừng nhất là mình sống được. Trong lúc chòi đạp để sống, tác phẩm tình cờ ra đời nên nhiều khi chẳng có gì cao đạo cả. Vấn đề là mình tự cứu lấy mình.

Có những người sống không thể không yêu. Nhưng cũng có những người sống không thể không làm việc. Còn chị, đâu là chuyện “không đừng được”?
Tôi không coi trọng hai việc đó mà tôi coi trọng việc sống. Trong lúc sống, để cứu mình, tôi cố gắng yêu. Để cứu tình yêu đó, tôi làm việc.

Trong hành trình sống: yêu và làm việc, những người chị quen, dù tốt hay xấu đều có cơ hội xuất hiện trong tác phẩm?
Tôi là người không có khả năng sáng tạo dồi dào để có thể hư cấu 100%, nên phải mượn những bóng dáng xung quanh. Trong quá trình vay mượn đó, tôi cũng gặp nhiều tai nạn nghề nghiệp. Nhiều khi không cố tình, có một vài điều nhạy cảm, người ta thấy hình ảnh mình không có trong nhân vật chính diện mà lại lừng lững ở những vai phản diện, cộng thêm tưởng tưởng của họ, thế mới chết! Có thể tôi kém tài, không đủ khả năng để không gợi sự liên tưởng. Nhưng tôi thú vị, khi nghĩ đến giai thoại về nhân vật AQ của Lỗ Tấn.

Chị không sợ những người quen “lộ liễu” trong các nhân vật phản diện sẽ trả đũa nhà văn Minh Ngọc?
Tôi sẵn sàng đón nhận tất cả những lời mắng mỏ, chửi rủa. Không phải vì tôi có thần kinh thép, mà do tôi luôn đảo ngược các giá trị. Tôi rất thích câu nói: “Thảm kịch của tình yêu không phải là sự chia phôi hay chết, mà là sự dửng dưng”. Nên ai nói xấu tôi là quá yêu tôi, còn không yêu là dửng dưng không buồn nhắc đến tên Minh Ngọc. Trước đây tôi có người bạn, sau một thời gian khá thân, anh ta quay sang nói xấu tôi. Tôi nói: “Tại anh ta quá yêu tôi”. Khi điều đó đến tai, anh bạn này đã chấm dứt việc nói xấu vì sợ mang tiếng… yêu tôi.

Yêu hay làm từ thiện?
“Minh Ngọc bướng bỉnh lắm, muốn cái gì là thực hiện bằng được”, người ta nói về chị như thế?
Thực tế đâu phải tôi muốn gì cũng làm được. Từ lâu tôi đã muốn mình có một đám cưới. Điều kiện của tôi: sức khỏe, công việc, hình thức đều trên trung bình, nhưng không hiểu sao tôi phải sống một mình rất lâu? Nhiều người cho cái dở của tôi là “nhanh quá”. Làm nghề phân tích tâm lý, lẽ ra phải khờ một chút, đằng này, mình cứ nhìn xuyên suốt người ta. Chậm một chút, ít ra mình đã lập gia đình rồi mới đổ vỡ. Đằng này thấy trước sự đổ vỡ, nên nhiều khi đối phương sợ, phải chạy trước!

Nỗi cô đơn của người đàn bà viết có nặng nề hơn mọi người?
Tôi lấy làm lạ là chưa bao giờ cảm thấy cô đơn, không biết hơi ấm của người đàn ông cần thiết đến mức nào. Nhưng dù cần thiết đến đâu vẫn có cái quan trọng hơn, đó là sự tự trọng. Nên tôi không chấp nhận hơi ấm đó bằng bất cứ giá nào.

Dù mạnh mẽ phải có lúc yếu đuối. Khi buồn chị tựa vào đâu?
Điều này làm tôi nhớ đến một người bạn, chị ấy hạnh phúc khi tự thấy mình là bờ vai cho ông chồng dựa vào! Nghề diễn viên nhiều phen cứu tôi. Có những lúc đau đớn, không có bạn chia sẻ, không thể nói với học trò, bờ vai tôi dựa vào để khóc chính là 300 khán giả hàng đêm. Khi vào vai bà già trong vở 8 người đàn bà, tôi đã khóc đến nỗi không diễn viên nào khóc được như tôi. Khi vào cánh gà, đạo diễn hỏi “Có cần phải khóc chỗ này không chị Ngọc?”. Tôi cũng thấy không cần, nhưng vì tôi là Nguyễn Thị Minh Ngọc và tôi khóc giùm cho mình. Sau khi khóc tôi thấy mình khỏe hẳn. Nước mắt giúp tôi xả hết đớn đau.

Còn những khi không có vai diễn để chị nhập tâm trút nước mắt?
Tôi thấy sự cô độc không kinh khủng bằng bị phản bội. Nước mắt là cứu cánh của nỗi đau, nhưng đâu phải lúc nào cũng trút nước mắt ra ngoài. Có những khuya tôi bật dậy, cất lên một tiếng hét câm. Hồi đó tôi sống trong một xóm lao động, nếu tiếng hét bung ra, có khi tôi đánh thức cả xóm. Tôi đã hét và cố nuốt cái tiếng đó vào lồng ngực.

Sau lưng người đàn ông thành đạt là người phụ nữ, sau lưng người phụ nữ thành đạt là người đàn ông làm cô ta… đau khổ! Điều này có vẻ… đúng với chị?
Nhiều người rất hay tưởng tượng về tôi. Đọc truyện của Minh Ngọc, họ nghĩ cô ta đau khổ lắm. Nhưng thực ra tôi phải cứu lấy mình, phải “cắt cơn”, nếu không sẽ tiêu ngay. Mà tôi uổng tôi lắm, không thể để mình đắm lụy mãi. Chỉ có duy nhất một lần bị thất vọng, đâm ra tôi dị ứng về đàn ông. Nhưng tôi không phải chỉ là người đau khổ vì đàn ông, số lượng người đau khổ vì tôi cũng khá đông đấy.

Lí do làm chị thất vọng với đàn ông – đáng ra sẽ là bờ vai để chị tin tưởng?
Tôi từng yêu người “dính” tứ ngũ tường – xì ke, gái gú, bài bạc, rượu chè. Nhiều người nói giỡn tôi, yêu hay làm từ thiện? Thậm chí nói ông ấy tốt với tất cả mọi người, trừ Nguyễn Thị Minh Ngọc! Tôi lý giải: “Em có thể bỏ một người chồng, một người tình, nhưng em không thể bỏ được một đứa con hư”. Ông ấy tạo cho tôi cảm giác ổng là một đứa con hư, nên tôi bị nặng nợ, chia tay mấy chục lần không được. Nhưng sau cùng tôi cũng chấm dứt một cách thanh thản.

Tôi cảm ơn hai người đàn bà trước
Dù thất vọng, nhưng chị vẫn yêu. Tình yêu còn mãnh liệt hơn khi chị quyết định kết hôn ở tuổi 52?
Tôi đã gặp được người cần tìm. Đó là người đàn ông tử tế, cùng điểm chung với tôi – làm cái gì cũng phải làm đến cùng. Trong một buổi tiếp xúc với bạn bè ở Hà Nội, mọi người điều tra ai tấn công ai trước. Ông ấy trả lời: “Người quyết định tất cả mọi chuyện là tôi”, bấy nhiêu đủ để tôi nể phục. Một trong những điều quan trọng, giúp tôi quyết định đám cưới là vì gần như tôi với ông ấy không biết rõ về nhau!

Nhưng hiểu nhau luôn là nền móng cho một cuộc hôn nhân bền vững?
Một người bạn của chồng nói lại với tôi: ổng bị sét đánh, bạn bè khuyên ngăn nhưng không cản được ông ấy. Sau khi gặp tôi, ông ấy gọi điện thoại hỏi tôi đã có người đàn ông nào chưa? Nếu có ông ấy sẽ nói người đó đi qua một bên để mình thay vào. Sự “tấn công” mạnh mẽ đó làm tôi nhận ra: người đàn ông này đủ bản lĩnh để cùng mình đi hết đoạn đường còn lại.

Chị có nghĩ hai cuộc hôn nhân đổ vỡ của chồng là thiệt thòi của người lên xe hoa ở tuổi ngũ tuần như chị?
Ngược lại, tôi cảm ơn hai lần đổ vỡ đó. Ngồi với bạn bè, tôi thường nói: những người đàn ông tử tế đã có nơi có chốn, rất khó khăn để kiếm một người tử tế mà lại ở một mình. Nên tôi phải cảm ơn hai người đàn bà đã để trống chỗ đó, giúp tôi có được người đàn ông tử tế.

Chị có quên được quá khứ của chồng?
Quá khứ chỉ là hương hoa, quan trọng là hiện tại. Ông ấy nói: “Em là người yêu đầu tiên” và tôi tin điều đó. Chưa biết khi nào sẽ phai niềm tin, nhưng bây giờ tôi hạnh phúc! Tôi không coi hai người đàn bà trước là quá khứ nặng nề, kể cả những đứa con riêng. Đứa con trai đầu của ông ấy đã về Việt Nam và đi chơi chung với chúng tôi. Sắp tới, tôi sẽ làm quen với hai đứa con của bà thứ hai.

Điều gì thay đổi một phụ nữ từng mất niềm tin lại đặt niềm tin mãnh liệt đến thế ở người đàn ông cách xa mình đến nửa vòng trái đất?
Tôi biết chuyện ông ấy vay 10 nghìn đô về Việt Nam cưới tôi là sự thật. Đều trong tư thế tay trắng, nhưng tôi tin hai người tử tế gặp nhau tương lai sẽ khá hơn.

Sẽ “khá hơn” trên nước Mỹ, nơi mà chị vừa có những dự án sân khấu ấn tượng?
Chồng tôi đã quay trở lại Mỹ để tiếp tục công việc. Tôi phải giải quyết một số công việc ở Việt Nam nên không thể sang cùng. Tương lai, chúng tôi chưa biết giải quyết thế nào cho hợp lý. Nhưng những người bạn như Việt Linh, Lý Lan vẫn về Việt Nam làm phim, dịch sách, thậm chí họ làm tốt hơn khi còn ở Việt Nam. Tôi nghĩ chuyện ở đâu không quan trọng, mà quan trọng là mình làm được những gì./.


Dương Thúy (thực hiện)

Thực hiện: depweb

25/03/2005, 12:18