Khống chế hoa hồng cho các đại lý có minh bạch được giá xăng dầu. Ảnh: Xuân Phú.
Minh bạch thù lao, quỹ bình ổn
Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 234, đang được Bộ Tài chính xây dựng, thị trường xăng dầu sẽ có những điểm minh bạch hơn với những khoản chi phí của doanh nghiệp được quy định rõ ràng, đặc biệt sẽ siết cụ thể mức hoa hồng của đại lý.
Theo đó, chi phí kinh doanh định mức, gồm thù lao cho tổng đại lý, đại lý khi giao xăng dầu do doanh nghiệp đầu mối thỏa thuận nhưng mức hoa hồng (thù lao) không được vượt quá 50% mức chi phí kinh doanh định mức và được điều chỉnh phụ thuộc vị trí, mức đầu tư và lượng bán ra của từng cửa hàng.
Dự thảo cũng quy định, tổ giám sát liên ngành sẽ có trách nhiệm quy định mức trích quỹ thấp hơn quy định hoặc tạm thời ngừng trích quỹ khi các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng trên 12% so với giá hiện hành hoặc việc tăng giá xăng, dầu có tác động bất lợi đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống người dân.
Ngoài ra, doanh nghiệp đầu mối có trách nhiệm tính lãi suất đối với số tiền quỹ bình ổn giá được trích lập theo mức lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng thương mại.
Trường hợp số dư của quỹ bình ổn giá không còn, doanh nghiệp đầu mối được bù đắp bằng mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại áp dụng cho các tổ chức kinh tế vay kỳ hạn 1 tháng.
Phần chênh lệch quỹ bị âm sẽ được bù đắp lại từ tiền trích quỹ trong thời gian tiếp theo.
Theo Bộ Công Thương, cần đưa ra mức cụ thể của chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức trước thuế của doanh nghiệp. Ví dụ có thể quy định điều chỉnh định mức chi phí kinh doanh là 860 đồng/lít, kg, lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít, kg.
Con số cụ thể về chi phí định mức sẽ được Bộ Tài chính điều chỉnh và công bố tại thời điểm tháng đầu tiên hàng năm hay quý I hàng năm và đưa ra nguyên tắc, cơ sở tính toán để điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức.
Cũng theo Bộ Công Thương, để tránh tình trạng doanh nghiệp đầu mối đẩy thù lao đại lý lên cao nhằm tăng lượng bán ra khi giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, dự thảo quy định mức thù lao tối đa không quá 50% mức chi phí kinh doanh định mức.
Ngược lại, tránh trường hợp doanh nghiệp đầu mối giảm thù lao đại lý xuống thấp để giảm thiểu lỗ khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, đề nghị quy định thêm mức thù lao tối thiểu.
Theo đó, mức này có thể tính tương đương 30% mức chi phí kinh doanh định mức, giao xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Việc quy định như vậy, sẽ ngăn chặn được tình trạng găm hàng.
Đặc biệt, theo đề nghị của Bộ Công Thương, khi quỹ có kết dư ở mức nhất định, người tiêu dùng và doanh nghiệp không phải trích bổ sung cho quỹ đồng nghĩa với việc giá xăng dầu bán lẻ trong nước sẽ rẻ được vài trăm đồng/lít, kg.
“Cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định về việc chỉ sử dụng Quỹ bình ổn giá trong trường hợp quỹ dương. Khi quỹ bị âm, nếu tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải bỏ vốn kinh doanh để bù đắp.
Điều này không đúng với bản chất của quỹ là do người tiêu dùng đóng góp trong khi tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp khi phần lớn vốn lưu động đều phải vay ngân hàng”– Bộ Công Thương đề xuất.
Bộ Công Thương cũng cho rằng cần quy định rõ và công khai việc hạch toán lãi suất thu được từ quỹ bình ổn giá cũng như có quy định cụ thể về kết dưa chuyển quỹ bình ổn giá bị âm khi kết thúc năm tài chính.
Siết quản lý doanh nghiệp độc quyền
Việc khống chế mức chi trả hoa hồng sẽ ngăn chặn được tình trạng găm hàng của đại lý xăng dầu. Ảnh: Xuân Phú.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền cho rằng, cần rút ngắn thời gian tính giá cơ sở xuống còn từ 10 – 15 ngày để bám sát hơn biến động giá xăng dầu thế giới. Điều chỉnh sớm quy định về tính hoa hồng đại lý cũng là việc cần làm.
TS Hiền cho rằng, quan trọng nhất với thị trường xăng dầu là điều chỉnh hành vi, giám sát chặt chẽ hơn nữa hoạt động của các doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trong kinh doanh xăng dầu.
“Vấn đề phải minh bạch trong công bố thông tin từ các cơ quan quản lý trước. Mọi chuyện sẽ sáng tỏ khi thị trường có sự cạnh tranh hoàn hảo trong khi ở Việt Nam riêng Petrolimex đã chiếm tới gần 60% thị phần. Cần quản lý chặt độc quyền, tập trung quản lý chặt Petrolimex còn các doanh nghiệp nhỏ khác để họ tự điều chỉnh giá ở mức có lợi nhất cho người dân và bất cứ lúc nào họ có điều kiện, không nhất thiết phải theo đúng ngày quy định mới được giảm giá”– Bà nói.
Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cũng cho rằng, việc minh bạch thị trường xăng dầu có nhiều điều đáng bàn. Ngay trong việc quản lý cũng có ý kiến khác nhau.
Trước chuyên gia đề nghị tính giá cơ sở theo giá 10 ngày thì Bộ Tài chính ủng hộ còn Bộ Công Thương không ủng hộ.
Trong khi doanh nghiệp cũng thấy rằng việc tính giá cơ sở theo 10 ngày là hợp lý. Đặc biệt cần có quy chế công khai minh bạch hoạt động của các doanh nghiệp lớn trên thị trường.