Độc lập, tự chủ ngay trong nhà mình
Trước đây, trong những gia đình Việt, bữa cơm luôn là thời điểm tề tựu đông đủ các thành viên. Và chẳng có “thế lực” nào (như ti vi, điện thoại, máy nghe nhạc…) cản trở họ giao tiếp với nhau. Trong khung cảnh “chồng chan, vợ húp” bình yên ấy, người ta chia sẻ mọi chuyện buồn vui trong ngày.
Tuy nhiên, hình ảnh đẹp này đang mai một dần và các mối quan hệ gia đình cũng ngày càng lỏng lẻo hơn. Vì sao vậy? Vì cả vợ lẫn chồng đều đi làm từ sáng sớm đến tối mịt. Vì guồng sống chóng mặt khiến họ phải chọn đồ fastfood, phải ăn thật nhanh. Mà không chỉ người lớn, trẻ con cũng có một thời gian biểu kín mít với các giờ học thêm, sinh hoạt ngoại khóa… Ngoài ra, có những ông bố còn cố tình về muộn – vào thời điểm mà lũ con hay nhõng nhẽo quanh bàn ăn đã kịp lên giường đi ngủ. Nhiều cặp vợ chồng tuy về sớm nhưng cũng thường cho trẻ con ăn trước, để chúng ngủ rồi mới ăn sau cho đỡ nhộn nhạo.
Các thành viên trong nhiều gia đình vì thế cứ phần ai nấy ăn. Thay vì trò chuyện quanh bàn ăn, họ giao lưu qua những mẩu giấy nhắn dán ngoài tủ lạnh. Mỗi người về đến nhà sẽ tự lấy đồ ăn sẵn ra rồi vừa ăn vừa xem ti vi, lướt mạng hay chơi game.
Thời thượng hay tụt hậu?
Bạn có bao giờ nghĩ mình cần phải đi ngược lại với xu thế “thời thượng” này không? Có rất nhiều lý do đáng để bạn cùng cả nhà quần tụ quanh mâm cơm đấy.
Trước hết, bữa cơm gia đình chính là khoảng thời gian lý tưởng để mọi người quan tâm đến đời sống tình cảm của nhau. Vừa ăn, các thành viên vừa kể những chuyện xảy với mình trong ngày, nhờ vậy mà mọi người đều nắm được tình hình của nhau, có thể cùng nhau chia vui sẻ buồn hay chung tay giúp đỡ nếu ai đó gặp rắc rối.
Bữa cơm gia đình tuy chẳng phải “thần dược” cho mọi vấn đề giáo dục con cái nhưng rõ ràng, đó là cái cớ tự nhiên nhất để cha mẹ ngồi lại bên con trẻ, từ đó có điều kiện để điều chỉnh những gì còn lệch lạc ở con, giúp con có nếp sống lành mạnh, cân bằng.
Trong điều kiện như nước ta, chẳng cần dựa vào một nghiên cứu chính thống nào về sức khỏe, ai cũng hiểu rằng ăn cơm nhà an toàn, vệ sinh hơn rất nhiều so với cơm hàng cháo chợ. Vâng, các món ăn do tay bà, tay mẹ chuẩn bị dù thế nào cũng bổ dưỡng, an toàn hơn bởi chúng luôn được nấu bằng tất cả tình yêu thương.
Bữa ăn chung còn tốt cho sức khỏe vì người ta thường ăn nhẩn nha hơn, vừa ăn vừa trò chuyện chứ không ăn hộc tốc như lúc chỉ có mỗi một mình.
Bữa ăn chung cũng dạy cho ta thói quen quan tâm đến người thân khi chia sẻ thức ăn theo đạo lý “kính trên nhường dưới”. Tụ họp bên bàn ăn gia đình, trẻ con dần dần cũng học được những tập tục tốt đẹp này. Ngoài ra, cuộc trò chuyện bên mâm cơm còn giúp các bé phát triển kỹ năng nói, nghe, giúp chúng mở rộng vốn từ và học được cách bày tỏ ý nghĩ của mình bằng lời.
Bữa cơm gia đình còn là dịp để cha mẹ dạy các con thói quen lao động. Các bé hoàn toàn có thể phụ giúp bố mẹ dọn bàn ăn, rửa chén bát. Trẻ lớn hơn thậm chí còn có thể cùng bố mẹ vào bếp nấu nướng.
Đầu tư hay không đầu tư?
Bữa ăn chung lợi đơn lợi kép như vậy, lẽ nào chưa đủ để chúng ta quây quần bên nhau thường xuyên hơn? Nếu ngày thường thời gian quá eo hẹp thì bạn có thể chuẩn bị sẵn những món cơ bản vào dịp cuối tuần, đến bữa chỉ cần cho vào lò vi sóng quay lại.
Công việc cũng cần được thu xếp hợp lý để có thể trở về nhà kịp giờ ăn, ít ra là giờ ăn tối. Bạn có thể đầu tư cho công việc 8 tiếng mỗi ngày, lẽ nào một bữa tối cùng gia đình chỉ trong vòng 30 phút không đáng để bạn “đầu tư”? Còn thời gian biểu dày đặc của các con, bạn cũng nên cân nhắc thật kỹ. Bạn hẳn không mong con làm toán giỏi, nói tiếng Anh như gió nhưng ích kỷ, lãnh đạm vì quá ít cơ hội giao tiếp với người thân, đúng không?
Bài: Bình Minh