Miếng ngon may mắn đầu năm

Đậu

Ở nhiều nước, đậu được xem là biểu tượng của sự thịnh vượng, giàu sang, một phần là do hình dáng của chúng giống hình tròn của đồng tiền, một phần là khi nấu, đậu sẽ nở phình lên tượng trưng cho tiền vào đầy túi. Người miền Nam nước Pháp chuộng đậu xanh trong bữa tiệc đầu năm còn người Mỹ lại thích dùng đậu đen, trong khi đó người Ý lại kết hợp đậu lăng với xúc xích hoặc thịt heo.

Một ưu điểm khác của tục ăn đậu đầu năm chính là vì nguồn dinh dưỡng tuyệt vời của chúng. Đậu vừa dồi dào protein, lại không thiếu chất xơ và cacbonhydrat cần thiết. Đó là chưa kể chúng không chứa cholesterol và chất béo – thứ cần được giảm triệt để vào những ngày này.

 

Thịt heo

Người Ý cho rằng thịt heo là biểu tượng của sự dồi dào và điềm lành. Thậm chí họ còn có một câu nói bất hủ rằng nếu bạn ăn thịt heo vào đầu năm thì sẽ sống sung sướng trong suốt một năm. Nguyên nhân sâu xa của tập quán ăn thịt heo là do khi di chuyển, cơ thể con vật này luôn theo hướng tiến lên và nó dùng móng vuốt kìm chặt dưới đất để đi lên. Không chỉ vậy, vẻ ngoài “mũm mĩm” của heo khiến người ta liên tưởng đến cuộc sống đầy đủ, sung túc. Đó là lý do mà thịt heo (nhất là thịt nạc) luôn là thứ không thể thiếu trên bàn tiệc đón năm mới ở các nước Tây Âu. Người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và cả Hungary, Cuba… thường trang trí bữa tiệc năm mới bằng bánh hạnh nhân hình con vật này. Còn người Thụy Điển, người Đức vẫn xem xúc xích heo là món yêu thích trong bữa ăn của mình.

Một trong những quan niệm phổ biến nhất của người châu Á là ăn mì dài sẽ mang đến sự trường thọ, khỏe mạnh. Trong khi người Nhật thường dùng mì Toshikoshi soba (còn gọi là mì “trải dài qua các năm”) là những sợi mì dài, mỏng, làm từ lúa mạch để cầu mong may mắn về sức khỏe và tuổi thọ, thì người Hoa dùng sợi mì vàng rất dài. Khi ăn mì, họ không cắn nhỏ sợi mì thành từng miếng mà ăn cả gắp mì; vì họ quan niệm, cắn nhỏ sợi mì tức là đang cắt nhỏ tuổi thọ của mình.

Cá là một phần không thể thiếu trên bàn tiệc đầu năm từ bao đời nay, đặc biệt là những loại có vảy bạc tượng trưng cho sự giàu có và may mắn, vì sự chuyển động uyển chuyển của cá dưới nước khiến người ta liên tưởng đến sự luân chuyển nhịp nhàng từ năm cũ qua năm mới. Không chỉ vậy, cá thường di chuyển theo đàn khi di cư nên gợi đến sự dồi dào may mắn mà con người mong ước. Nếu ở Trung Hoa, người ta đón Tết bằng cả một con cá lớn nguyên vẹn trong bữa tiệc, như lời cầu nguyện về một cuộc đời dài trọn vẹn, thì tại Nhật, người ta lại ăn tôm thay vì cá.

 

Rau xanh

Đương nhiên ai cũng biết rau xanh là món trong các bữa ăn. Nhưng có thể bạn chưa biết người ăn rau xanh trong  bữa tiệc đầu năm không chỉ vì lý do sức khỏe (rau xanh chứa rất nhiều vitamin, canxi, sắt, Maggie… và rất tốt cho tiêu hóa), mà màu xanh của rau còn tượng trưng cho sự phát triển thịnh vượng. Tại Đức, Ireland và một số vùng ở Mỹ, người ta cho rằng các loại rau cải xanh gợi liên tưởng đến điềm may nhờ màu sắc và hình dáng giống tờ tiền xanh. Ngoài ra, một số thì quan niệm rằng nếu ăn nhiều rau trong ngày đầu năm mới, cả năm sẽ sung túc.

Nho

Tây Ban Nha là nơi nổi tiếng với phong tục ăn 12 trái nho tươi ngay sau khi kim đồng hồ vừa gõ một tiếng đón chào năm mới. Truyền thống ấy bắt đầu từ năm 1909, vẫn còn được lưu giữ đến tận bây giờ và phổ biến ra nhiều quốc gia khác như Venezuela, Ecuador, Peru, Mexico. 12 trái nho tượng trưng cho 12 tháng sắp tới được may mắn và hạnh phúc, đồng nghĩa với việc nếu trái nho thứ 3 có hơi chua thì tháng 3 sắp tới có lẽ sẽ diễn ra một chút khó khăn. Nhưng nếu lo sợ 12 quả nho không ngọt đều, người ta sẽ dùng rượu nho, bánh nho hoặc salad nho.

Cũng liên quan tới trái nho, người Pháp không dùng rượu nho để đón chào năm mới mà phải uống hết toàn bộ số rượu nho trong nhà trước thời khắc giao thừa, vì họ cho rằng năm mới rượu cũ sẽ còn vướng đọng những điểm xấu. Còn người Ý thì dùng nho, rượu vang và bánh nướng số 8 để mở tiệc đón năm mới, vì theo phong tục của họ, càng ăn nhiều nho càng làm được nhiều việc và… giàu có. Lý do thứ hai để nho trở thành sự lựa chọn của họ là chúng rất dễ ăn, đồng thời chứa rất nhiều dưỡng chất như vitamin, chất khoảng, beta-caroten và chất chống oxy hóa bảo vệ da và tóc.

Những món không nên ăn đêm giao thừa

Có những thức ăn đem đến cho con người sự may mắn, thì cũng phải có những thứ ngược lại. Như tôm hùm là một ví dụ điển hình. Theo nhiều người, tôm hùm có xu hướng di chuyển về phía sau, gợi nhắc những hối tiếc đã qua. Một số người lại cho rằng nên tránh các loài chim vì có thể khiến may mắn bay đi mất.

Không chỉ riêng thức ăn, mà cách ăn trong đêm giao thừa cũng khiến con người phải “vắt óc” suy nghĩ mà thể hiện. Ở Đức, thông thường người ta sẽ cố chừa lại một ít thức ăn trong đĩa qua đêm để đảm bảo chắc chắn sẽ có thức ăn dự trữ cho năm mới cũng như người Việt Nam hay Philippines vẫn thường để lại thức ăn trên bàn tiệc vậy.

Dù sao đi nữa, may mắn chỉ đến với những ai biết cách ăn. Chỉ nên chọn những thực phẩm bổ dưỡng vào ngày tết nếu bạn không muốn bị rối loạn tiêu hóa và đừng quá tham lam, nếu không nơi đầu tiên bạn cần phải xuất hiện sau tết có lẽ là phòng tập đấy!

Chẳng phải điều may mắn nhất mà mỗi người trong chúng ta có thể có là sự khỏe mạnh hay sao?

Theo Mẹ yêu bé

From the same category