Michael Keaton và ước vọng cất cao đôi cánh lần nữa

Người đàn ông nỗ lực không ngừng

“Birdman” đã chiến thắng tại hạng mục danh giá nhất dành cho Phim xuất sắc, thế nhưng tượng vàng dành riêng cho cống hiến của Michael Keaton – vai nam chính Riggan thì đã không được trao tại Oscar năm nay. Với những nỗ lực không ngừng của bản thân, người đàn ông này đã biết cách để biến bóng dáng Batman (vai diễn chính Keaton từng thủ vai) trở thành bước đệm để vượt lên cái bóng của bản thân.

Hình ảnh Michael Keaton mở đầu “Birdman”

Chàng trai trẻ mang trong mình dòng máu Ireland sinh ra trong một gia đình có tới 7 người con, Michael John Douglas – tên thật của Michael Keaton – đã bén duyên với nghiệp diễn qua những vai đầu tiên trong các chương trình tivi và phim dài tập tại Pittsburgh. Khi nhận ra dường như đó là mảnh đất không hề niềm nở với mình, ông đã quyết định chuyển tới Los Angeles, và tại đây người ta biết đến một diễn viên tiềm năng dưới cái tên Michael Keaton, nhằm tránh bị nhầm lẫn với ngôi sao đang nổi danh lúc đó là Michael Douglas. 

Một trong những bộ phim truyền hình đầu tiên mà Michael Keaton tham gia sau khi dời tới Los Angeles mang tên “Working Stiffs”, và vận may vẫn chưa mỉm cười với ông khi bộ phim chỉ “thọ” được 8 tập trước khi bị “chết yểu”. Tuy nhiên, sau đó tài năng diễn xuất của diễn viên này đã được nhìn nhận khi ông giành được vai diễn trong “Night Shift”, tác phẩm đánh dấu thành công đầu tay của Michael Keaton với thể loại hài.

Cứ tưởng rồi đây Michael Keaton sẽ tiếp tục cống hiến ở dòng phim hài sở trường, thế nhưng anh lại nhận lời Tim Burton để khởi đầu duyên nợ với “Batman” trong vai Người Dơi. Bất chấp hàng ngàn lá thư phản đối từ người hâm mộ khi một diễn viên hài đeo mặt nạ siêu nhân, để rồi chính họ sau đó lại vỗ tay tán thưởng và ca ngợi anh ta. 

Thành công của Michael Keaton với “Batman” vượt xa những gì mọi người kì vọng, nhưng cũng là đỉnh cao mà nam diễn viên này cảm thấy phải rời bỏ nó. Keaton lại quyết định rẽ sự nghiệp sang một hướng khác khi theo đuổi dòng phim độc lập. Lĩnh vực này đã đem lại cho nam diễn viên kinh nghiệm diễn xuất tuyệt vời nhưng lại lấy đi của ông hào quang, danh vọng và thậm chí tiền bạc trong những năm gần đây. Sau khi chuyển sang dòng phim độc lập, khán giả vẫn thấy thấp thoáng đâu đó hình bóng Michael Keaton trong những bộ phim lớn, nhưng thường thì đó chỉ là những vai phụ mờ nhạt. Ông cũng thỉnh thoảng tham gia lồng tiếng trong những bộ phim hoạt hình. Tuy vậy người đàn ông “có máu lập dị” này vẫn ấp ủ trong mình một dự định lớn, một canh bạc lớn. 

“Birdman” – sự cám dỗ của danh vọng và địa vị

“Birdman” ra đời, là thành quả của một ván cược liều lĩnh. Vai diễn chứa đựng những chiêm nghiệm sâu sắc của Michael Keaton về cuộc đời và sự nghiệp của chính bản thân mình. Đây hoàn toàn không phải là những dự án phim “an toàn”  mà là một con đường táo bạo Michael Keaton đã chọn để khẳng định bản thân.

Michael Keaton hóa thân thành Riggan trong “Birdman”

Thoát khỏi sự u ám nặng nề của “21 Grams”, “Babel” hay “Biutiful”, với “Birdman”, đạo diễn Alejandro González Iñárritu đã gợi lên rất nhiều vấn đề lớn – đức tin, lòng tự trọng, tình thân, hôn nhân, chuyện toàn vẹn trong sáng tạo, di sản nghệ thuật – bằng phong cách thẳng thắn và nhẹ nhàng hiếm thấy trong các tác phẩm của mình. Người ta tìm thấy sự tương đồng giữa “Birdman” và “Gravity” của đạo diễn Cuaron năm trước, cũng ở lối tưởng tượng phóng khoáng, thuần tuý điện ảnh, bất chấp khuôn mẫu, thể hiện ý tưởng bằng cách trực quan nhất.

Michael Keaton không khó để nhập vai Riggan, vì vai diễn này dường như sinh ra để dành cho ông. Riggan trong “Birdman” từng là một Người Chim xuất sắc, thì Keaton cũng từng vào vai Người Dơi thành công tới mức người ta phải đợi rất lâu sau này mới có Christian Bale vượt qua được hình ảnh mà Michael Keaton đã gây dựng.

Riggan chênh vênh giữa ranh giới mơ hồ của hiện thực – một nghệ sĩ luống tuổi với cuộc sống chật vật, tài năng có hạn, luôn bị ám ảnh bởi cái bóng quá khứ và ảo tưởng tới mức tự kỉ ám thị – một Người Chim được cả thế giới khao khát. Cái khó là làm sao để truyền tải tất cả cảm xúc ngồn ngộn ấy cho người xem. Và Michael Keaton đã làm rất tốt, nhất là với một tác phẩm giàu triết lí ám thị như thế này. Ông đã thổi vào đó năng lượng mà mình đã dành cho những tác phẩm từng làm nên tên tuổi như “Night Shift”, “Beetlejuice”, những cảm xúc mà một người nghệ sĩ từng trải qua, cái ngoảnh đầu về quá khứ vàng son của những “Birdman”, “Batman” trong tiếng hò reo của người hâm mộ…

Diễn xuất của Keaton nhập tâm hoàn toàn vào Riggan, đôi lúc ta không thể phân biệt đâu là bản thể điện ảnh, hay chính là Michael Keaton đang đứng kia trừng trừng phẫn nộ trong cái lãng đãng của vở nhạc kịch “What We Talk About When We Talk About Love” của nhà văn Raymond Carver, băn khoăn về cái thế giới phù phiếm của Hollywood và đám đông khán giả ngồi đó. Không hề dụng công, tất cả diễn ra như một câu chuyện đời đầy nghệ thuật mà Keaton đã kể lại bằng diễn xuất, bên cạnh sự hỗ trợ tuyệt vời của những diễn viên phụ. Họ không làm nền cho Riggan, họ xuất hiện như những mảnh ghép khác màu cho một bức tranh Broadway vốn đã rối rắm. Từ người con gái ngỗ ngược nhưng tinh tế do Emma Stone đóng, tới Edward Norton trong vai một diễn viên quá nhập tâm hay rồi Zach Galifianakis trong vai người quản lý trung thành… đã đem lại sức nặng cho “Birdman”, khiến bộ phim này trở nên xuất sắc trên mọi phương diện từ kỹ thuật với nội dung.

Oscar với Michael Keaton – khi niềm vui chưa tròn vẹn

Khi “Birdman” ra mắt, người ta đã ngỡ ngàng trước sự “tái sinh” của Người Chim. Oscar có thể tỏ ra thích thú với những bộ phim đánh dấu sự trở lại nhưng không vì thế trao giải cho họ, vì thế việc Michael Keaton hụt mất chiếc tượng vàng không bất ngờ. Người ta sẽ còn nhắc mãi về “Birdman” như một trong những nỗ lực đáng ghi nhận nhất của diễn viên luống tuổi nhắm tới tượng vàng Oscar, đáng khâm phục thay khi đây là cái tuổi mà người ta thường không giữ nổi nhiệt cho diễn xuất.

Chủ nhân tượng vàng Oscar 2015 – Eddie Redmayne (trong phim: “The Theory of Everything”) và Keaton (bên phải) trên sân khấu Oscar 2015

Còn nhớ năm 2008 giải Nam chính xuất sắc nhất đã được trao cho Sean Penn thay vì sự trở lại ngoạn mục của Mickey Rourke trong “The Wrestler”.  Năm 1995, John Travolta được đề cử với “Pulp Fiction”, 17 năm sau đề cử cho “Saturday Night Fever” nhưng giải thưởng lại rơi vào tay Tom Hanks trong “Forrest Gump”. Công bằng mà nói, đó đều là những tác phẩm xuất sắc. “The Theory of Everything” cũng là một bộ phim như thế, Eddie Redmayne cũng đã chứng tỏ tài năng và sự hy sinh của mình. Có chăng năm nay, Michael Keaton có được niềm vui chưa trọn vẹn, khi Birdman” chưa thể bay cao trên tất cả những đề cử của mình. Dù vậy, 4 tượng vàng được trao là hoàn toàn xứng đáng, so với tất cả những tác phẩm cạnh tranh tại giải thưởng của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ năm nay thì đây vẫn xứng đáng là tác phẩm có tính đột phá nhất.

Bài: Ngọc King

Ảnh: Daily 

logo


From the same category