#metoo – Khi phụ nữ đủ dũng khí để đấu tranh

Hơn mười năm trước, tôi mới ra trường và đang thực tập tại một tòa soạn. Có lần được giao nhiệm vụ đi phỏng vấn một nhạc sĩ nổi tiếng, tôi đã vô cùng háo hức, không chỉ vì đó là cơ hội nghề nghiệp quý giá, mà còn bởi người nhạc sĩ ấy vốn là thần tượng của cả gia đình tôi.

Tôi vẫn nhớ, những ngày hè nóng bức, ba tôi thường mang đàn ra sau nhà, cất lên những bản tình ca phóng khoáng, nồng nàn, say đắm của ông nhạc sĩ nọ, còn chị em tôi thì vừa ngồi hát theo vừa mơ mộng. Khỏi phải nói gia đình tôi đã vui và tự hào đến thế nào khi tôi gọi điện báo tin. Nhưng rồi chuyện xảy ra nằm ngoài mọi tưởng tượng của tôi, lão nhạc sĩ gạo cội, nổi tiếng, tài năng, được kính nể ấy chỉ muốn động chạm vào cơ thể tôi và liên tục dùng những lời lẽ sàm sỡ.

metoo-3

Bất ngờ, hoang mang và hoảng sợ, tôi vừa cố gắng tiếp tục buổi phỏng vấn vừa căng thẳng nghĩ cách tự bảo vệ mình. Rồi cũng xong, tôi bỏ chạy như ma đuổi khỏi nơi đó, tim đập thình thịch và nước mắt tuôn ra không ngừng. Trong tôi ngập tràn sự thất vọng và đau lòng. Tôi sẽ nói gì với ba đây, khi thần tượng của ông, của tôi và vô số người khác đã hiện nguyên hình là một gã yêu râu xanh kinh tởm?

Nhưng khủng khiếp hơn cả là cảm giác cô độc. Liệu ai sẽ tin khi tôi nói ra chuyện này? Liệu đám đông có cho rằng tôi là một kẻ loạn thần dối trá? Thời điểm đó, mạng xã hội chưa phát triển như bây giờ nên những tiếng nói lẻ loi không có cơ hội xuất hiện, chứ đừng nói đến chuyện được chú ý và tạo ra những hiệu ứng bất ngờ từ đám đông như hiện nay. Lúc đó, tôi đã chọn cách im lặng, tặc lưỡi cho qua, để một tượng đài tiếp tục là một tượng đài, và để cuộc sống bình yên tiếp diễn; nhưng nếu là bây giờ, thì không!

Bắt đầu từ việc “gã trùm” Weinstein (nhà sản xuất phim Harvey Weinstein ở Hollywood – PV) phải trả giá (dù hơi muộn) cho những hành vi đồi bại của mình trong quá khứ, cuộc đấu tranh chống lại nạn quấy rối tình dục giờ đây đã lan rộng ra nhiều lĩnh vực, nhiều quốc gia, từ nghệ thuật cho đến chính trường, từ công sở cho đến những mối quan hệ tưởng như vô hại. Phong trào #metoo (Tôi cũng vậy) đã khuyến khích nhiều nạn nhân, cả nam và nữ, mạnh mẽ đối diện với những đau đớn cũ và thẳng thắn nói ra câu chuyện của mình. Để rồi lần lượt những chiếc mặt nạ đạo mạo bị lột xuống, để lộ bộ mặt thú tính tầm thường của những kẻ dễ dàng để phần con đè bẹp chữ “người”. Những ngày này, chúng ta giật mình nhận ra xung quanh có quá nhiều mặt nạ.

metoo-2

Khi phụ trách chuyên mục này, tôi thường quan tâm đến các câu chuyện tình ái diễn ra đây đó trong lòng những thành phố mà tôi từng đi qua. Dưới bầu trời Paris, New York, London, Tokyo hay Sài Gòn, những chuyện tình và sự kết nối đẹp đẽ về mặt thể xác ngày ngày vẫn tiếp diễn theo muôn vàn hình dáng, lấp lánh như những ô kính màu. Nhưng #metoo thì không phải là chuyện tình, và tình dục của #metoo càng không phải là sự kết nối thể xác đẹp đẽ mà là sự quấy rối, cưỡng đoạt, bạo lực, xâm hại, bệnh hoạn. Liệu cuộc sống ở Paris, New York, London, Tokyo hay Sài Gòn… có còn lung linh như những ô kính màu nếu không ai dám nói #metoo?

Giờ thì tôi có thể tin rằng, khi những hashtag #metoo tràn ngập mạng xã hội, ấy là lúc phụ nữ đã đủ dũng khí để đứng lên tranh đấu, câu chuyện của họ bắt đầu được lắng nghe, thấu hiểu, những niềm cảm hứng mạnh mẽ đang được lan truyền, cổ vũ. Những gì đang diễn ra đều là phản kháng cần thiết, chúng gieo mầm hy vọng trong lành về một thế giới nơi thể xác và tâm hồn của mỗi con người đều được tuyệt đối tôn trọng.


From the same category