Ngày 6/5 (theo giờ Việt Nam), Met Gala 2025 chính thức diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (New York), thu hút đông đảo khách mời, quy tụ các ngôi sao, nghệ sĩ trẻ, và những nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực thời trang, nghệ thuật, thể thao và chính trị. Với chủ đề “Superfine: Tailoring Black Style” đi kèm với tinh thần “Tailored for You”, sự kiện năm nay vượt xa khỏi khuôn khổ của một buổi tiệc thị giác thường niên. Trong hàng trăm phút vàng son của đêm tiệc được xem như “Oscar của làng thời trang”, với ít nhất 4 dư âm vẫn còn đọng lại.
Dẫu không công khai xuất hiện trên thảm đỏ, nhưng sự tham gia của Kamala Harris tại Met Gala 2025 lại mang một tầng nghĩa đặc biệt. Trong chiếc đầm lụa đen trắng được thiết kế riêng bởi Off-White, cựu Phó tổng thống Hoa Kỳ hiện diện như một biểu tượng của chủ đề năm nay “Superfine: Tailoring Black Style”.

Bà là nữ phó tổng thống đầu tiên tại Hoa Kỳ, đồng thời là người phụ nữ Mỹ gốc Phi và gốc Á đầu tiên giữ chức vụ cao nhất trong lịch sử chính trị Mỹ. Chính vì thế, tầm ảnh hưởng của Harris không chỉ đại diện cho sự thay đổi trong cục diện chính trị, mà còn là nhân chứng sống động cho sự đa dạng và bao hàm trong quyền lực. Đi cùng với tinh thần tôn vinh “Black Dandyism” – một phong cách xuất phát từ phong trào kháng nghị thầm lặng, nơi người da màu dùng thời trang để định nghĩa sự tồn tại, phẩm giá và thẩm mỹ, sự hiện diện của Harris chính là lời khẳng định mạnh mẽ ấy: thời trang và chính trị không phải hai trường phái tách biệt.
“Nghệ thuật luôn có tác động sâu sắc không chỉ đến văn hóa, mà cả đến chính sách và chính trị. Nghệ thuật dù là múa, âm nhạc, thị giác hay thời trang thì đều có thể nắm bắt tâm trạng và tiếng nói của con người mà không cần lời nói”, Kamala Harris chia sẻ. Đồng thời, việc Harris được đích thân Anna Wintour – tổng biên tập tạp chí Vogue và đồng chủ tịch Met Gala – mời tham dự cũng là một tín hiệu rõ ràng cho thấy nghệ thuật và chính trị vẫn đang đồng hành cùng nhau định hình thế giới, nhất là vào thời điểm mà những vấn đề như chủng tộc, giới tính và đại diện văn hóa đang được đặt lên bàn cân trong các cuộc tranh luận toàn cầu.
Nhắc đến Met Gala 2025, khán giả sẽ nhớ đến những khoảnh khắc như màn tái hợp của ba mảnh ghép Blackpink trên đất Mỹ, các thiết kế táo bạo và cảm hứng, hay khoảnh khắc Rihanna thông báo mang thai lần ba,… Nhưng có một điều phải nói đến, tất cả đều hiện diện trên bức nên xanh thẫm, trải dọc hoa thủy tiên – một loài hoa mang theo lớp ý nghĩa văn hóa và thần thoại được gói ghém: sự khởi đầu, sự soi chiếu, và cả niềm kiêu hãnh.
Soi chiếu với tầng nghĩa của hoa thủy tiên trong thần thoại Hy Lạp, câu chuyện về chàng trai tuyệt sắc Narcissuss mê mẩn hình bóng chính mình phản chiếu trên mặt nước, trở thành một phép ẩn dụ giàu sức suy tưởng khi đặt trong bối cảnh của triển lãm “Superfine: Tailoring Black Style”. Ở đó, bản sắc của người da đen chẳng thể bị bóp méo qua lăng kính của người khác, mà chính họ kiến tạo, cắt may, gìn giữ và phô bày theo cách họ lựa chọn.
Nghệ sĩ Cy Gavin – người lên ý tưởng cho thiết kế thảm hoa – đã chuyển hóa hoa thủy tiên thành những vì sao trong tranh vẽ “Untitled (Sky)”, nơi bản thể được phản chiếu và tỏa sáng trong bầu trời đêm. Cách sắp đặt này không chỉ tạo nên một hành trình thị giác tuyệt đẹp khi bước lên những bậc thang bảo tàng, mà còn khơi dậy cảm giác chiêm nghiệm sâu sắc về vẻ đẹp, sự mong manh và niềm kiêu hãnh trong hành trình làm chủ cái tôi.
Một điều không thể phủ nhận, chủ đề “Superfine: Tailoring Black Style” tại Met Gala năm nay khiến ai cũng phải bật lên suy nghĩ “Đáng lẽ, André Leon Talley nên ở đây”. Như lời Anna Wintour chia sẽ trong thư ngỏ, đêm này quả thật là “dành riêng cho ông”, dù ông không thể xuất hiện, nhưng Talley vẫn hiện diện cùng sức ảnh hưởng sâu rộng của một huyền thoại.
Không phải ngẫu nhiên mà một trong những bộ suit của Talley được chọn để trưng bày trong triển lãm năm nay, cũng như việc nhiều nghệ sĩ, từ Anne Hathaway, Al Sharpton, Colman Domingo đến Doechii, đã chọn những cách riêng để tưởng nhớ ông trên thảm đỏ. Đó là sự tri ân dành cho người đàn ông đã dành cả sự nghiệp để thúc đẩy sự hiện diện của người da đen trong thế giới thời trang vốn khắt khe và nhiều rào cản.
Những chiếc quạt in chân dung, áo choàng xanh lấy cảm hứng từ trang phục đặc trưng mà cố biên tập từng mặc, hay thậm chí là việc tái hiện lại bức ảnh dáng vẻ rạng ngời của ông khi bước ra từ khách sạn với vợt tennis và túi Louis Vuitton – tất cả đều là những sự đan cài đầy dụng ý, để nói rằng: “Ông ấy có mặt ở đây, giữa chúng ta”. Và có lẽ, chính thông điệp “Hãy tận hưởng niềm vui” mới là di sản tinh thần lớn nhất mà Talley để lại.
Sau hơn hai thập kỷ vắng bóng, Diana Ross – người phụ nữ từng định hình nên cả một thế hệ âm nhạc và phong cách, đã trở lại trên bậc thang danh giá của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan như thể cô chưa từng rời đi. Ở tuổi 81, chính bản thân bà đã là một chương sử sống. Trong chiếc đầm đính pha lê do chính Ross thiết kế, với tà áo thêu tên các con và các cháu, bà bước đi trên thảm xanh như mang theo cả một dòng chảy huyết mạch của lịch sử da đen, của di sản, của tình thân và lòng tự hào không thể đo đếm.

Trong một đêm vinh danh phong cách và di sản của người da đen, sự trở lại của Ross là khoảnh khắc lịch sử khép lại một vòng tròn: từ một biểu tượng tiên phong của thập niên 70 đến nhân chứng sống cho sự trưởng thành của văn hóa thời trang da đen. Có thể nói, sự xuất hiện của một huyền thoại âm nhạc khiến ai cũng phải ngước nhìn, như chính thời đại phải dừng lại để chiêm ngưỡng bà.
