Mệt vì osin ‘bùng’ sau Tết

Điên đầu vì người giúp việc thất tín, chị Mây kể: “Con bé giúp việc ở Vĩnh Phúc chứ có xa gì cho cam. Trước Tết, mình đã thương hoàn cảnh mà đưa cho cả tháng lương và 3 triệu tiền thưởng, cùng bao nhiêu quà bánh, hẹn nó chậm nhất mùng 7 phải ra để trông con cho vợ chồng tôi đi làm. Nhưng càng chờ càng sốt ruột, gọi điện về nhà thì tắt máy”.

Sáng nay chị Mây cố gọi điện thì vẫn chỉ là những tiếng bíp bíp. Vừa tức vừa ức, chị xin nghỉ buổi sáng đèo cả con đến các trung tâm tìm người làm tạm. Buổi chiều ông xã phải ở nhà trông con để chị đến cơ quan.

Chị Mây phàn nàn, ông bà nội ngoại đã vào Nam chơi với con cháu nên lúc bí bách này không có ai mà nhờ vả. Con gái chị lại mới được 1 tuổi, rất khó quen với người lạ. Thêm vào đó vợ chồng chị cũng chưa thể an tâm giao nhà cửa, con cái cho người làm mới. Vậy nên trong một vài ngày tới, vợ chồng chị sẽ cố thuê người giúp việc ban ngày. Nếu tìm được người mới tốt hơn sẽ hủy hợp đồng với osin cũ.

Không khá hơn là bao, chị Thu Hồng (Cầu Giấy) cho biết từ mùng 5 Tết tới nay gia đình chị đang “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” do osin trốn lì ở quê không lên.

Chị Hồng kể, mấy tháng trước qua người giới thiệu, chị thuê được một người giúp việc gần 50 tuổi, quê Thanh Hóa. Theo chị, cô này làm việc hơi chậm nhưng chăm chỉ, thật thà. Cơ quan vợ chồng chị khai xuân từ mùng 6, trước đó đã hẹn người giúp việc chiều mùng 5 lên để trông hai đứa nhỏ. Thế nhưng sáng mùng 5 thì cô giúp việc gọi điện bảo dạo này trong nhà nhiều vận rủi, phải làm lễ giải hạn và xin thư thả cho vài hôm qua rằm.

Nghe những câu đó chị Hồng tức điên, vặn hỏi sao không nói sớm thì người giúp việc cho biết không dám nói từ đầu năm và “mách nước” cho chị đi thuê tạm người giúp việc trong vài ngày. “Lão chồng được thể mắng tôi dung túng người làm. Mình đã phải chịu chửi, lại còn phải dọn bao nhiêu là việc trong nhà. Nghỉ Tết mà như đày ải. Biết thế trước đó phải giữ lại một nửa lương để kìm chân osin”, chị Hồng nói.

Cũng theo chị Hồng, một người cùng khu chung cư với chị còn “điên” hơn khi ngay từ mùng 1, osin gọi điện chúc Tết rồi nói không lên nữa. Thế là mấy ngày Tết vợ chồng nhà này phải cuống cuồng chạy vạy nhờ tìm người làm mới vì họ có con chưa đi nhà trẻ.

nguoigiupviec-jpg-1361177854_500x0.jpg 

Tại một trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Xã Đàn, Đống Đa sáng 18/2, có rất đông người đến tìm giúp việc nhà, một phần là do osin cũ mải… “ăn Tết”. Ảnh: P.D.

Theo chị Lương Phương Oanh – giám đốc một trung tâm giới thiệu việc làm, trực thuộc Sở Lao động thương binh xã hội thì chuyện osin “bùng” sau Tết đã trở thành vấn nạn nhiều năm nay.

Sau khi khuyên nhủ vài người giúp việc nhà đi làm tạm cho một gia đình ở Phố Vọng và cuối cùng cũng có một osin nhận lời đi làm, chị Oanh thở dài cho biết, mấy hôm nay trường hợp chị Thúy ở Phố Vọng khiến trung tâm khó xử. Nhà này có 2 con sinh đôi mới một tuổi. Trước đó người giúp việc do trung tâm này giới thiệu cho chị Thúy làm được 2 tháng thì nghỉ Tết, sau đó bỏ luôn không lên. Giờ hai con của chị Thúy chưa cho đi nhà trẻ được, hai vợ chồng đã đến ngày làm, đành phải rối rít nhờ tìm người mới thay thế. Nhưng do điều kiện kinh tế có hạn, gia đình này chỉ có thể trả 3 triệu/tháng nên nhiều người lao động không muốn đi.

“Một gia đình ở Hàng Than còn bức xúc hơn. Nhà này làm ăn buôn bán nên rất kiêng kỵ. Cả năm người ta tìm được ngày mùng 6 đẹp nhất để mở hàng thì gọi điện về cho người giúp việc không liên lạc được, dù cho chủ nhà vẫn đang giữ 600 nghìn tiền đặt cọc”, chị Oanh tiếp.

Cũng theo vị giám đốc trung tâm, đầu năm là thời điểm dễ nhất để người giúp việc lặn mất tăm hay nhảy việc. Vì thế mà dẫn đến hiện tượng khan hiếm người kéo dài khoảng 10 ngày trước rằm tháng giêng. Nguyên nhân của tình trạng này thường do chủ nhà dung túng, và người giúp việc thì thiếu tính chuyên nghiệp.

Chẳng hạn, có những người nhận được việc thời vụ chỉ trong 10 ngày Tết. Nhưng trong thời gian đó, chủ nhà tạm lại nài nỉ hoặc tăng lương dù biết người giúp việc vẫn đang có hợp đồng với nhà khác. Nên thực tế chuyện thiếu người giúp việc là do người chủ này “cướp” của chủ kia.

Một người giúp việc từng nói thẳng với chị Oanh là dù có bị mất nửa tháng lương hay tiền đặt cọc ở chủ cũ, họ vẫn sẵn sàng bỏ vì số tiền hậu đãi ở chủ mới cũng đủ bù. Thêm vào đó, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người giúp việc trốn sau Tết là do họ muốn tìm chỗ làm mới tốt hơn, hoặc do ở quê bận cấy hái, đi lễ chùa đầu năm.

“Chúng tôi vẫn thường khuyên chủ nhà trước khi người giúp việc về Tết chỉ nên trả cho họ một nửa lương, thưởng, ra Tết đúng hẹn sẽ trả hết và mừng tuổi thêm. Tuy nhiên, đôi khi cách làm này không mấy tác dụng một khi người lao động đã muốn bỏ chủ cũ tìm chủ mới”, chị Oanh nói.

Theo VnE

From the same category