Xếp kiểu gì cho đúng… hạng?
Năm nay, kết quả Làn Sóng Xanh 2007 được công bố một cách… lặng lẽ. Mà trong tình hình ca nhạc lúc này, làm rộn lên cũng chẳng phải chuyện dễ dàng. “Lịch sử” và niềm tự hào 10 năm của bảng xếp hạng ca nhạc này chủ yếu dựa vào những hào quang quá khứ thời kỳ đầu, cái thời “thăng hoa” mãi được tiếc nuối, nhớ nhung, còn bây giờ, có ca sĩ (Đàm Vĩnh Hưng) còn tuyên bố nếu được thêm lần nữa thì sẽ… nhường ngay cho đàn em xứng đáng.
Tất nhiên, vẫn có chuyện người này người kia ấm ức vì… mất giải, như Thanh Thảo, Cẩm Ly, nhưng ấy là chuyện năm nào cũng có và cũng không phải là nội dung chính của câu chuyện lần này.
Làn Sóng Xanh mất đi sức hấp dẫn với cả người trong và ngoài cuộc (ngay chính việc bầu chọn của các fan giờ đây cũng đầy tính nghĩa vụ và công thức) không hẳn bởi thị trường ca nhạc đi xuống, mà bởi chính những tiêu chí quẩn quanh của bảng xếp hạng được coi là đầu tiên và (một thời là) sáng giá nhất, phản ánh một phần quan trọng bộ mặt của đời sống âm nhạc đại chúng Việt Nam.
Tới đây thì câu chuyện đã mở rộng hơn nhiều và Làn Sóng Xanh chỉ là cái cớ để chúng tôi đặt ra vấn đề lần này. Thực tế là đã có nhiều kế hoạch xây dựng các bảng bình chọn, xếp hạng ca khúc nhạc trẻ Việt Nam, ngay lúc này, khi Làn Sóng Xanh hầu như không còn bao nhiêu ép-phê với thị trường ca nhạc, thì trong tương lai gần vẫn sẽ có vài bảng xếp hạng mới ra đời.
Nhưng có thể nói chắc chắn rằng, với bối cảnh hiện tại của cái được gọi là “thị trường nhạc Việt”, không thể mong gì có được một bảng xếp hạng tử tế theo những “chuẩn” mà người ta (những người muốn tạo dựng các bảng xếp hạng) luôn muốn vươn tới, kiểu Billboard Hot 100 hay Top này Top nọ ở Anh, Mỹ, Nhật…
Bởi chúng ta thực sự chưa có một “thị trường” đúng nghĩa, hoặc có ưu ái lắm thì cũng phải nhận thấy rằng cái “thị trường” ấy quá nhỏ, lại lộn xộn, chẳng có thể loại gì cả, từ đó sinh ra những tiêu chí phân loại rất mơ hồ, kiểu “nhạc thị trường”, “nhạc nghệ thuật”, rồi cũ mới, dân ca, nhạc pop đứng lẫn lộn với các dòng nhạc có tính cách tân tìm tòi mà chẳng có cơ sở nào để xếp chúng vào chỗ nào cho xứng cho hợp.
Thị trường nhỏ tí, các con số về lượng đĩa bán ra thường thay đổi tùy vào… cảm hứng của ca sĩ. Hứng lên thì tuyên bố những con số giật mình, buồn quá thì ngồi than thở đĩa lậu chiếm hết thị phần.
Báo chí cũng mỗi người đoán mò một con số khác nhau. Chẳng hạn về đĩa “Ngày ấy và bây giờ” của Mỹ Tâm 4 năm trước, cùng thời điểm, có báo đưa ra con số 50.000, báo khác thì bảo có 20.000 và cả hai đều khẳng định là những con số kỷ lục, nhưng không cho biết kỷ lục dựa vào đâu!
Bản chất một bảng xếp hạng là cho biết được mức độ đại chúng của một sản phẩm âm nhạc (bài hát hoặc album). Thể loại nào cũng có những đối tượng khán giả của nó, và để khách quan, ở các thị trường ca nhạc lớn, ngoài bảng xếp hạng chung, người ta vẫn có những bảng xếp hạng cho từng thể loại âm nhạc.
Những thể loại kén người nghe như nhạc cổ điển có “bảng” riêng, rồi dòng cổ điển giao thoa với pop (classical crossover) cũng có danh sách độc lập.
Mức độ ấy có thể được đo bằng số lượng đĩa bán ra, số lượt được phát trên sóng phát thanh (tổng hợp từ rất nhiều đài, thường dựa trên yêu cầu của khán giả hoặc sự yêu thích của những người biên tập các chương trình ca nhạc phát thanh, vốn có khả năng thẩm định rất tốt, và nghe nhạc trên sóng phát thanh cũng rất phổ biến ở các nước phát triển, trái ngược với ở ta), gần đây thì (tùy nơi) có thêm tiêu chí là số lượt download hợp pháp (mua nhạc trực tuyến).
Cả ba tiêu chí phổ thông ấy đều không có trong các bảng xếp hạng ở ta. Như đã nói, thị trường quá nhỏ, đĩa lậu quá nhiều và công khai, doanh số bán đĩa không được kiểm tra bởi một cơ quan độc lập, nên theo tiêu chí đầu là không được.
Về phát thanh, mô hình ở ta thường là người biên tập chương trình đưa ra vài bài hát “đề cử”, và các fan, như đã được “lập trình”, bắt tay vào bình chọn, rồi tự nơi “đề cử” ra một cái bảng của riêng mình. Còn về download thì… khỏi bàn, khái niệm “mua nhạc trực tuyến” ở Việt Nam là cái gì đó rất xa vời, viển vông.
Vậy chúng ta có thể dựa vào cái gì để cho ra được một bảng xếp hạng thực sự tử tế và làm được đúng “chức năng” phản ánh trung thực “nhiệt độ” của đời sống ca nhạc, của thị trường ca nhạc?
Đấy là một câu hỏi không dễ trả lời, bởi một bảng xếp hạng chỉ có thể hình thành dựa trên sự ổn định, dù có khi chỉ trong một thời điểm nào đó, của thị trường ca nhạc.
Sự ổn định phải được hiểu theo nghĩa rộng, tức là có độ tăng trưởng thị trường cao và đều, có nhiều ngôi sao có sức ảnh hưởng lớn, có nhiều ca khúc tạo được sức lan tỏa rộng, nói đơn giản là bài “hit” lớn, tỉ lệ đĩa lậu phải thấp, ít ra cũng dưới 45 – 50 % chứ không phải trên 90% như hiện nay, và quan trọng hơn nữa là dân trí phải cao.
Dân trí cao thì các gu thưởng thức âm nhạc mới rõ ràng, các sáng tạo âm nhạc mới hay cũ cũng dễ được nhận diện và xếp loại chính xác, các loại fanclub chi phối kết quả bằng phiếu bầu theo chỉ thị mới được giảm thiểu.
Khi đó, người ta có thể nói về những pop, rock, R&B, blues, jazz… một cách tự nhiên, chứ không phải cảnh vẻ và thậm chí… sai chính tả như hiện giờ (thí dụ: blues thành blue, R&B thành A&B)…
Và lo âu đi tìm “cống hiến”
Chữ “cống hiến” ở đây, chỉ là mượn từ tên giải thưởng Cống Hiến do báo Thể Thao & Văn Hóa khởi xướng, đến nay đã qua 3 lần trao giải (trong đó có lần đầu “thử nghiệm” được gọi là giải tiền Cống Hiến), chứ nội dung trong phần này không chỉ nói về giải thưởng đó mà còn các giải khác nữa.
Giờ là lúc các giải thưởng đang vào giai đoạn nước rút. Làn Sóng Xanh công bố sớm kết quả năm 2007 để dồn sức cho cuộc bình chọn lớn nhân 10 năm “lịch sử” bảng xếp hạng này.
Giải Mai Vàng có hàng loạt các chương trình “tiền Mai Vàng” nhằm thu hút sự quan tâm của độc giả, cũng là để thu hút phiếu bầu chọn. Giải Cống Hiến, do tiêu chí đặt ra hàng đầu là sáng tạo mới mẻ, nên thực sự gặp khó khăn khi mà phải cố tìm cho ra những gương mặt, những sản phẩm thực sự có tính… cống hiến để mà đề cử.
Tình trạng chung của các giải thưởng âm nhạc ở Việt Nam là cũng luôn… lúng túng chẳng khác gì trường hợp các bảng xếp hạng. Những tiêu chí đặt ra đôi khi làm khó cho chính các nhà tổ chức giải thưởng.
Giải Làn Sóng Xanh lấy cơ sở là phiếu bình chọn của người nghe đài, mà lực lượng chính gửi phiếu bầu là các fanclub được tổ chức rất bài bản. Nhưng có lẽ nhà tổ chức cũng lo vì nếu phó mặc cho một đám trẻ vị thành niên chăm chỉ viết phiếu thì rất có thể bảng “vinh danh” sẽ rất là… í ẹ.
Vì thế, hẳn phải có bàn tay can thiệp để làm sao bảng “phong thần” mỗi năm vừa có “thị trường” lẫn “nghệ thuật” cho vui vẻ cả làng (mà thường vẫn luôn có vài kẻ ấm ức vì bị loại ra khỏi cuộc chơi dù đã tổ chức bình chọn rất quy mô).
Giải Cống Hiến thì có kết quả cuối cùng do các nhà báo chuyên về văn nghệ bình chọn, có thể coi là có tính chuyên môn tương đối tốt lại phản ánh được cả khía cạnh thị trường của sản phẩm âm nhạc hay gương mặt nghệ sĩ được đề cử.
Nhưng cái khó là quyền đề cử đầu tiên lại thuộc về độc giả, cũng đồng nghĩa với việc các fanclub hoàn toàn có thể tổ chức chiến dịch vận động một cách hợp lệ.
Vậy làm thế nào để chọn ra được những đề cử cuối cùng xứng đáng mà lại vẫn tôn trọng số phiếu đề cử của độc giả. Đó là một bài toán khó. Và cũng vì thế mà kết quả giải này, dù được chấp nhận về tiêu chí “cống hiến”, vẫn luôn gây tranh cãi.
Giải Mai Vàng còn gây nhiều… cãi cọ hơn, cũng bởi tiêu chí không rõ ràng, lúc thì cho khán giả bầu chọn, rồi bỗng nhiên lại có thêm một Hội đồng nghệ thuật, và cuối cùng lại cho khán giả bầu tiếp, luẩn quẩn như thế nên mới có chuyện thắc mắc kiểu tại sao fan của tôi đông thế mà tôi rớt khỏi giải, còn ca sĩ kia hát nhạc khó nghe, lại không có ảnh hưởng, thế mà ẵm giải.
Nguyên nhân mấu chốt cho mọi tranh cãi chính là ở tính không công khai của các giải thưởng. Trừ giải Cống Hiến công khai danh tính người bầu và lá phiếu của họ (nhưng không công khai số phiếu đề cử của độc giả trước đó), các giải khác hầu như đều… lẳng lặng mà trao (chắc là cho ai mà nhà tổ chức giải cảm thấy xứng đáng).
Và thế là tranh cãi, thế là thắc mắc và kết quả là các giải thưởng, dù đều có chung tiêu chí là tôn vinh sự cống hiến của các nghệ sĩ với đời sống, đều dễ dàng trở thành đối tượng bị nghi ngờ, điều mà lẽ ra với mục đích tốt đẹp ban đầu, các giải này không đáng bị như vậy, thậm chí cần phải được… tuyên dương.
Nhưng, luôn là một chữ “nhưng” to tướng, trong một đời sống ca nhạc không ổn định như lúc này, thì mọi giá trị đều có thể không được nhìn nhận đúng như chúng thực có.
Và nguyên nhân cũng không ngoài cái điều đã được nhắc đến ở phần đầu, rằng chúng ta quá thiếu những cơ sở cho một thị trường ca nhạc có tính chuyên nghiệp.
Cái gì ở trong cái “thị trường kiểu Việt” này cũng nửa vời.
Ca sĩ đổi mới âm nhạc của bản thân bằng cách… quay về hát nhạc xưa, nhạc sến, nhạc sĩ cách tân âm nhạc bằng… đào xới mòn mỏi mấy giai điệu dân gian, “quần chúng” nghe nhạc thì rất không ổn định, và dường như khá thờ ơ với những gì đang diễn ra, từ các fanclub luôn làm theo “nội quy”; phê bình âm nhạc chuyên nghiệp trên báo chí thì không có; nhà báo âm nhạc đa số là tay ngang, làm việc theo cảm tính là chính…
Bằng đó thứ bất ổn (mà vẫn chưa kể hết), vậy thì mệt mỏi và lo âu là đúng rồi còn gì!
Tham khảo về một số bảng xếp hạng có uy tín trên thế giới:
Billboard Hot 100 (của tạp chí âm nhạc Billboard) được coi là bảng xếp hạng “danh giá” và được tham chiếu nhiều nhất, phản ánh khá chính xác sự nóng, lạnh của thị trường âm nhạc Mỹ (thị trường lớn nhất thế giới). Bảng xếp hạng này, đúng như cái tên của nó, tập hợp 100 ca khúc “hot” nhất, được tổng hợp hàng tuần dựa trên số lượng đĩa đơn bán được và số lần được phát của ca khúc trên sóng phát thanh. Có những ca khúc nằm trong Top 100 này nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, vì nó không chịu… thua kém các bài hát mới. Ngoài ra, Billboard còn có các bảng xếp hạng khác như Top Albums, Hot 40, và các bảng riêng cho từng thể loại, phong cách (Classical, Classical Crossover, New Age, Dance, Adult Comtemporary…) Tạp chí Rolling Stone dù cũng đưa ra các bảng xếp hạng có tính thời sự, nhưng quan tâm hơn đến việc tổ chức những cuộc bầu chọn lớn liên quan tới lịch sử âm nhạc đại chúng. Từ đây có: Top 100 ca khúc Album hay nhất mọi thời đại; Top 100 tay guitar vĩ đại nhất; Top 500 Album xuất sắc v.v… Ở Anh, nổi bật có 2 bảng xếp hạng: UK Albums Chart (cho album) và UK Singles Chart (cho ca khúc), đều do The UK Official Chart Company (OCC) tổng hợp, dựa theo doanh số bán ra và số lượt tải về hợp pháp. Từ năm 1999, một bảng xếp hạng có tính toàn cầu ra đời, do một công ty độc lập là Media Traffic tổng hợp và xuất bản, được biết đến với tên United World Chart (cho ca khúc), sau này có thêm Global Top 40 Albums (cho album). Dữ liệu được tổng hợp từ nhiều quốc gia, dưới 3 hình thức: doanh số bán lẻ, số lượt download hợp pháp, số lần được phát trên sóng phát thanh. Khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia được tham chiếu là Singapore, Thái Lan, Philippines và Malaysia. |
Nguyễn Minh |