Một số người may mắn có được lỗ chân lông nhỏ và làn da mịn màng. Một số người thì không. Điều này được giải thích bằng nhiều nguyên nhân: gien, môi trường sống và cuối cùng là chế độ chăm sóc da. Hai nguyên nhân đầu hầu như rất khó thay đổi, và bởi vậy, bài viết này sẽ tập trung vào nguyên nhân thứ ba – việc mà chúng ta có thể làm ngay bây giờ để hạn chế sự gia tăng hơn nữa của các lỗ chân lông.
Vì sao lỗ chân lông lớn?
Khi còn bé, lỗ chân lông của chúng ta rất nhỏ, gần như không nhìn thấy được và da thì mịn như sứ. Khi trưởng thành, cơ chế sản sinh dầu dao động do những thay đổi về hóc-môn, vòng tuần hoàn da không đều đặn, sự sản sinh tế bào không đều đặn, sự sản sinh tế bào da mới không liên tục và gia tăng mất nước, làm cho lỗ chân lông bị giãn nở.
Trên thực tế, các nghiên cứu cho biết có khoảng hơn 300.000 lỗ chân lông trên bề mặt da và có đặc thù lớn hơn gấp đôi từ độ tuổi 20 đến 50. Hãy bỏ qua yếu tố gien (thứ đã quy định kích cỡ sẵn có của lỗ chân lông và bạn không thể thay đổi nó) để xem xét những yếu tố nào đang trực tiếp ảnh hưởng đến sự mở rộng của nỗi ám ảnh này:
1. Da không sạch: Làn da không được làm sạch đúng cách khiến bụi bẩn và các chất bã nhờn ứ đọng sâu trong lỗ chân lông gây bít tắc. Tế bào chết không được tẩy một cách đều đặn sẽ đọng lại xung quanh bề mặt của lỗ chân lông. Cả hai nguyên nhân này đều khiến lỗ chân lông phải không ngừng giãn ra để “thở”, dần dần chúng sẽ to hơn kích cỡ thật và lan tràn trên toàn bộ bề mặt da (đặc biệt là các vùng như trán, cằm, mũi và hai má).
2. Da mất cân bằng, thừa dầu, thiếu nước: Da thừa dầu, thiếu nước tức là luôn trong tình trạng đổ dầu nghiêm trọng ở vùng chữ T song lại khô ở các cùng da khác. Khi trang điểm, bạn thường thấy không ăn phấn do da không có độ ẩm thích hợp, nhưng chỉ cần 2-3 tiếng sau, phấn hầu như bị trôi do quá nhiều dầu. Điều này là do da bị làm sạch quá kỹ với các chất tẩy rửa mạnh mà thiếu bổ sung (hoặc có thể không dám bổ sung vì nghĩ là da quá dầu nên không muốn dưỡng ẩm). Khi mất nước, da càng đổ dầu nhiều hơn như một cách “phản ứng” lại tình thế. Mất nước làm cho tế bào da trở nên mỏng hơn, gia tăng khoảng cách giữa các tế bào, trong khi đó lượng dầu thừa tiếp tục góp phần vào việc bít tắc các lỗ chân lông.
3. Da sớm lão hóa: Bước vào độ tuổi 30, các dấu vết của sự lão hóa đã có thể nhìn thấy rõ ràng trên da. Ở một số người, quá trình này bị thúc đẩy do chế độ ăn uống, nghỉ ngơi không lành mạnh, stress, mất ngủ và lười vận động. Quá trình sớm lão hóa này khiến da chảy sệ, mất đi độ săn chắc và góp phần làm giãn lỗ chân lông. Giống như khi một tấm mút sử dụng nhiều và bị giãn, bạn có thể thấy rõ các lỗ trên đó mở rộng và mất đi sự đàn hồi. Quá trình này cũng làm suy giảm sự tăng trưởng bình thường của các tế bào. Da không mịn do các tế bào mới chậm thay thế các tế bào cũ.
Những nguyên nhân này giải thích cho việc, một số người có lỗ chân lông to cảm thấy tình trạng da khả quan hơn nhiều vào buổi sáng và càng lúc càng tệ đi sau một ngày làm việc. Các lỗ chân lông đã thực sự giãn ra sau 8 tiếng bị ảnh hưởng bởi môi trường máy tính, điều hòa và nhất là khi bị che giấu bởi một tầng make up kéo dài, không có quy trình làm sạch xen kẽ thích hợp.
Nguyên lý thực của các sản phẩm thu nhỏ lỗ chân lông
Khi một sản phẩm quảng cáo là chúng có thể thu nhỏ lỗ chân lông, điều này không có nghĩa là chúng “thực sự thu nhỏ kích cỡ thật của lỗ chân lông”. Không có sản phẩm thần kỳ nào thoa ngày hôm trước, ngay ngày hôm sau bề mặt da có thể mịn màng như trẻ em.
Hầu hết các sản phẩm thu nhỏ lỗ chân lông trên thị trường hoạt động theo cách giải quyết từng nguyên nhân mà tôi đã đề cập tới ở trên. Thường thì chúng sẽ có trong đó một số thành phần giúp tẩy da chết (kích thích lớp da cũ bong ra để thay thế bởi lớp tế bào mới trẻ trung hơn), một số thành phần dưỡng ẩm (bổ sung lượng nước bị mất đi nhằm làm cân bằng lượng dầu và nước), một số thành phần giúp chống lại quá trình oxi hóa (tác nhân gây lão hóa, chảy sệ)…