MEN OF THE YEAR 2012 – Icon Dương Thụ

Cũng ở độ tuổi ấy, ông vẫn đi về thường xuyên giữa Sài Gòn và Hà Nội cho các dự án âm nhạc lớn, đi nước ngoài để thưởng thức các show âm nhạc thế giới hoặc xem đội tuyển Việt Nam thi đấu. Chưa hết, ông còn đứng ra điều hành cả một dự án nghệ thuật “Cà phê thứ bảy”. Ở độ tuổi ấy, hầu hết đã nghỉ ngơi hoặc chỉ làm cho vui, còn Dương Thụ thì quá nhiều năng lượng, đến nỗi thỉnh thoảng ông lại bị… vợ mắng, vì can tội “cứ tưởng mình còn trẻ”. Nhất là năm 2012 vừa qua, lại càng bị mắng tợn! Nhưng ông bảo, với một người tham công tiếc việc như ông, đôi khi cũng cần được ngăn cản, “mắng mỏ” để được “hãm” bớt…


Vợ là người to gan nhất!

Để biết vì sao Dương Thụ… lấy được vợ trẻ và “cầm chân” nhau được bằng ấy năm giời, lại là một “chân – dài – thông – minh” hẳn hoi (và là “chân dài” hiếm hoi của làng báo), thì cần phải nghe ông trò chuyện (dĩ nhiên không phải lúc cầm mic đứng trước đám đông và… quên nhìn đồng hồ như hôm ông làm show riêng vừa rồi). Vì lúc đó mới rõ cái duyên của ông: rủ rỉ rù rì, vừa khiêm tốn lại vừa kiêu hãnh, vừa khó tính lại vừa nồng nhiệt… – một “trường phái” rất dễ… “kích động” đàn bà, nhất là đàn bà cá tính. Bởi cái sự rủ rì rù rì ấy, nếu như không có cả một kho kiến thức và kinh nghiệm sống, sẽ rất dễ chán; nhưng nếu là ngược lại, thì lại sẽ rất hút chuyện, như cách của nàng Sheherazade trong “Nghìn lẻ một đêm”.

Gợi chuyện Dương Thụ không dễ, nhưng một khi ông đã vào chuyện, cũng y hệt như khi ông vào việc, thì đừng hòng ngăn ông lại được, kể cả vợ là Trời. “Năm rồi, thấy tôi lại tiếp tục “ngoan cố” làm Cà phê Thứ Bảy, thậm chí còn đưa ra Hà Nội, cô ấy hờn mát: “Hay anh dọn lên quán mà ở đi!” Hoặc, biết tôi hay tìm cách hỗ trợ cho việc nghiên cứu Trần Nhân Tông và Văn hóa Lý Trần, lại bảo: “Sao anh không vào chùa mà tu tập, ở nhà làm gì!” Lâu lâu, lại không quên cảnh báo: “Già rồi đấy, đừng cứ tưởng mình còn trẻ!” Thực ra, chỉ là vì cô ấy thấy tôi tham công tiếc việc quá, nên chỉ muốn tôi được nghỉ ngơi. Dù hơn ai hết, cô ấy hiểu, đi với tôi là nghỉ. Tất nhiên đi nghỉ thì nên có vợ bên cạnh. Rất hiểu điều này nên chỉ trừ đi xem bóng đá, chuyến đi nào vợ tôi cũng đi cùng. “Không có cô ấy, tôi làm sao tự mình xoay xở được. Tôi không tháo vát, lanh trí như người ta tưởng. Ngớ ngẩn lắm!” – Ông chồng khó tính và “ngớ ngẩn” biết ơn vợ.

Trong nhiều cái sự “không biết” và phải trông hết vào vợ ấy, có cả chuyện lái xe ôtô, nên bao năm nay, là luôn phải ngồi bên ghế phụ. “Tôi rất nhà quê, thấy tự mình lái xe ôtô nom có vẻ oai quá, nên ngượng lắm! Đi xe gắn máy rẻ tiền hoặc xe bus có vẻ ổn vì thấy đúng mình hơn…” – “Người nhà quê sành điệu” gãi đầu.

Thế thì kể ra ông bị mắng cũng có oan đâu nhỉ! Thường, trong những trường hợp nào thì ông chấp nhận “bị mắng”? 

– Trong từ điển của tôi không có chữ chấp nhận mà chỉ có chữ thừa nhận. Tôi thừa nhận việc người khác mắng mình là đúng với họ và cũng có trường hợp là đúng với mình. Tôi già rồi, có lẽ vì thế mọi người có phần độ lượng, nên không mắng thật bao giờ. Nếu thế thì ai cũng có quyền “mắng” cả! Tất nhiên người “to gan” nhất vẫn là vợ. Vì với vợ mình luôn là người có nhiều khuyết điểm nhất.

Lần gần nhất tôi gặp Dương Thụ ở Hà Nội, là hôm ông vừa qua Thái cổ vũ tuyển Việt Nam về. Mất cả tuần, tới lúc về, mặt buồn thiu. Vậy mà chỉ mấy ngày sau đó, quay lại Bangkok, để xem Sting biểu diễn. Lý do đơn giản là… rẻ. “Bangkok còn gần hơn cả Hà Nội, giá sinh hoạt lại rẻ hơn. Đi Malaysia hay Singapore cũng thế. Đi cho những gì mình yêu thích: Bóng đá, âm nhạc, kiến trúc và cả ẩm thực nữa. Mà bóng đá 2 năm mới có một lần đội tuyển quốc gia xuất ngoại đá giải, làm sao không ủng hộ tình yêu của mình được!” – Ông biện hộ. Dù tình yêu ấy vừa qua vẻ như đã không được đền đáp. “Từ ở nhà, tôi đã không tin đội tuyển sẽ vượt qua vòng loại (nên đã viết một bài cảnh báo trước). Đi là để không bỏ rơi đội tuyển thôi!” – Bóng đá Việt Nam thật hạnh phúc khi có được một fan trung thành (vô điều kiện) như Dương Thụ. Khi mà ngay trong cơn thất vọng, con người từng trải ấy vẫn cố gắng giữ một cái nhìn công tâm nhất có thể: “Về vị thế, bóng đá Việt Nam hiện đang ở cửa dưới. Thua là đúng, một bài học tốt cho những ai làm bóng đá! Ngồi trên sân xem đội tuyển thi đấu với tư cách cổ động viên, tôi thương các cháu. Không phải ai cũng bạc nhược như báo chí nói đâu! Không đá được, vấn đề là ở chỗ khác. Khi Minh Đức ra sân, nhìn thấy tôi trên khán đài hét lên: “Nhạc sĩ!”, tôi cảm động muốn khóc. Một đội tuyển chất lượng không bằng những kỳ AFF Cup trước, nhưng không đến nỗi kém như thế. Cách làm bóng đá của ta đấy, biến vàng thành thau, người như Tấn Tài, Thành Lương, Văn Quyết, Trọng Hoàng, Dương Hồng Sơn, Minh Đức… đâu có dở, thế mà…”.  Và thất vọng nhất có lẽ là Công Vinh: “Công Vinh khác với phần lớn những người trong đội tuyển. Cậu ấy là siêu sao nên đá như thế thì tệ quá!”


Điều gì là gạch nối giữa bóng đá và âm nhạc, để đến nỗi, cùng lúc, ông bị cả hai “hành hạ”?

– Xét đến cùng những gì dính đến sáng tạo đều có điểm giống nhau là nó đều giải thoát về mặt tâm lý hoặc trí tuệ cho con người. Nếu bóng đá đạt đến mức nghệ thuật như những gì mà Pele, Maradona, Zidane, Ronaldo (Brazil), Messi đã trình diễn thì nó cũng giống như ta được nghe bản giao hưởng số 6 của Beethoven vậy – một sự giải tỏa, quyến rũ…

Ông có nghĩ, còn một điểm chung nữa, xét cho cùng, đó đều là câu chuyện “màu cờ sắc áo”? 

– Ồ cái này thì không có liên quan đâu! Nó chỉ xảy ra ở trong tôi, vì tôi là Dương Thụ – một người làm nhạc, còn với người khác chắc bóng đá là bóng đá, âm nhạc là âm nhạc đấy! Khi Công Vinh đánh đầu đưa bóng vào lưới Thailand để Việt Nam giành chức vô địch Suzuki Cup 2008, lúc ấy tôi có cảm giác như nghe thấy bản quốc ca Việt Nam nổi lên như sấm dậy. Thế đấy!

Công Vinh sa sút phong độ, Văn Quyến bị bật ra khỏi đời sống bóng đá… – Điều đó theo ông có thể cho những người nổi tiếng nói chung bài học gì?

– Làm sao biết được những người nổi tiếng ở nước ta rút ra được bài học gì. Những người nổi tiếng ở nước ta không dễ hiểu như bạn nghĩ đâu! 

Và vì “người nổi tiếng không dễ hiểu”, nên Dương Thụ cũng không chịu “dễ hiểu” theo cách của ông: cách ông không chịu già, và đừng hòng ngồi yên một chỗ. “Giời sinh ra mình là một kẻ làm việc chung thân. Đã làm việc thì không nghĩ đến tuổi. Tôi không hay nghĩ đến chuyện trẻ, già. Cũng không nghĩ nhiều về hạnh phúc. Hạnh phúc là khi ta được sống, được làm việc. Làm nhạc, dù là sáng tác hay sản xuất chương trình, là giám đốc nghệ thuật hay biên tập âm nhạc đều khiến tôi được sống nhiều nhất với khả năng của mình, với sở thích của mình. Cuộc đời tôi, với một góc nhìn khác có thể là một bi kịch, nhưng với tôi nó không phải là một tấn kịch nào cả mà là một đời sống trần trụi với đầy đủ hỷ nộ ái ố. Không được sống như chính mình, chỉ sống như là một công cụ thì coi như đã chết. Đấy mới là bi kịch”.

Theo cách đó, 2013, vì thế, ngoài việc tiếp tục theo đuổi “Cửa sổ âm nhạc”, Dương Thụ sẽ lại khởi động thêm một dự án mới: “Những giai điệu tuyệt vời”(hay Giao hưởng cho tuổi 20) với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia và các ngôi sao ca nhạc hàng đầu, giới thiệu những giai điệu Việt Nam được chuyển soạn hoặc phối khí cho dàn nhạc giao hưởng. Dự kiến sẽ diễn ra vào dịp cuối năm, sau buổi hòa nhạc thường niên “Điều còn mãi…”.

Nghĩa là, nhất quyết không chịu ngồi yên! Giải “Biểu tượng” trao cho người chưa bao giờ chịu ngồi yên ấy, theo ông, đã đúng lúc?

– Tôi hơi bị bất ngờ khi được báo tin này. Tôi không phải là “người của các giải thưởng” nên chuyện này cũng hơi “hài hước” một chút. Tất nhiên đây là giải thưởng của một tờ tạp chí dành cho cánh đàn ông. Chắc với họ, “Dương Thụ, thế là xong, trọn đời rồi, còn làm gì được nữa, trao giải thưởng thôi!”. Hoặc “ông này làm việc rất cặm cụi, 70 rồi vẫn chưa chịu nghỉ, thế mà chẳng bao giờ, chẳng có ai tặng giải thưởng gì, tội nghiệp! Ta tặng để an ủi ông ấy vậy!”… Giá là tạp chí của cánh đàn bà, chắc là họ sẽ nghĩ khác: “Bây giờ cánh trẻ nó yếu quá, đàn ông như ông này 70 tuổi, còn phong độ thế chắc là hấp dẫn chị em, tặng giải thưởng thôi!”, đại loại thế. Phần mình, tôi chỉ e, giờ già rồi, lên nhận giải chắc trông không được oách lắm!

Ô, ông có nhầm không? Trông ông vẫn oách như thường, ít ra là về chiều cao!

Q&A

Con rắn, thoạt tiên, nó gợi lên trong ông cảm giác gì?

Sợ hãi.

Con vật ông cầm tinh? Nó có gì thua và hơn con rắn?

Tôi ngọ giáp mùi nên đầu dê mình ngựa. Vì là con vật không có thật nên không có gì để so với rắn.

Con vật gì theo ông có thể làm nguyên mẫu cho tượng vàng “Thành tựu trọn đời”, hay “Cống Hiến”?

Con trâu. Con trâu vất vả cả đời, không kéo cày được thì bị đem ra làm thịt.

“Nhân vật của năm”, trong làng giải trí ở ta, theo ông, nên là ai? 

Tôi hầu như không biết ai trong số họ. Chỉ thấy họ trên trang bìa các tờ tạp chí làm sao mà dám lựa chọn.

Năm nay ông sẽ ăn Tết ở đâu?

Khu nhà nghỉ của tôi trên sườn núi Chè, Bắc Ninh. 

Món ăn ông thích nhất trong ngày Tết? 

Hành muối. Nhưng phải là hành muối bắt đầu chua, ăn kèm với bánh chưng mới tuyệt!

Nếu cần tặng showbiz một lời chúc mừng năm mới, ông sẽ nói…

Người Việt ta chúc tết thường dùng câu “tiền vào như nước”. Giải trí là một ngành kinh doanh hái ra tiền. Ngôi sao giải trí chỉ lên sân khấu hát có 3 -4 bài, cátxê 80 đến 100 triệu là đã bằng tiền tôi kiếm được trong gần một năm. Tiền nhiều thế thì biết chúc gì nữa đây, khó thật!

Text: THƯ QUỲNH

Photo: TUẤN FR.

TTVH & ĐÀN ÔNG 1/2013


From the same category