MEN OF THE YEAR 2012 – Director Victor Vũ

Kiệm lời và hạn chế tối đa những câu hỏi liên quan đến đời tư, những bài phỏng vấn về anh dễ gây cảm giác khô khan. Nhưng Victor Vũ quan niệm, đạo diễn không phải là một “celeb” (người nổi tiếng) mà là người đứng sau mỗi bộ phim. Bù lại, anh là người mát tay trong việc tạo ra các “celebs”. Những Vân Trang, MiDu, Khương Ngọc, Kathy Uyên… và đặc biệt là Maya đều nổi lên nhờ xuất hiện trong các bộ phim của Victor Vũ.


Phim sau tốt hơn phim trước

5 năm, 5 bộ phim và ở bộ phim sau, Victor Vũ lại gây bất ngờ cho khán giả hơn ở bộ phim trước. Sự chuyên nghiệp cũng như khả năng biến hóa giữa các thể loại và đề tài cũng là một thế mạnh ở anh mà hiếm đạo diễn Việt Nam nào có được. Hãy bắt đầu từ niềm cảm hứng và giấc mơ điện ảnh của anh.

Anh có nhớ quyết định đi học đạo diễn để làm phim bắt đầu từ lúc nào không? Và ai là người ảnh hưởng đến anh nhiều nhất?

– Thật ra tôi cũng không biết rõ khi nào tôi chọn con đường điện ảnh. Tôi chỉ biết là lần đầu tiên tôi bước vào rạp cinema lúc 7 tuổi và xem phim “E.T.” của đạo diễn Steven Spielberg, là tôi say mê về điện ảnh. Rồi mấy năm sau, khi tôi 12 tuổi, tôi dùng máy video để quay những phim ngắn mà người trong gia đình làm diễn viên cho tôi. Nên quyết định đi học đạo diễn là một điều tôi nghĩ cũng “tự nhiên” (cười).  

Bộ phim đầu tiên anh xem và nhớ nhất là bộ phim nào, của đạo diễn nào? 

– Cũng là phim “E.T.” của đạo diễn Steven Spielberg. Tôi nhớ cám giác lần đầu tiên ngồi trong một phòng chiếu, trước một màn ảnh lớn, tất cả mọi người xung quanh tập trung vào màn ảnh đó và theo dõi một câu chuyện được kể qua những hình ảnh và âm thanh thật hấp dẫn, xuyên suốt 2 tiếng đồng hồ tôi như sống trong một thế giới khác. Đó là cảm giác tôi luôn muốn đem lại cho khán giả. 

Trước khi làm đạo diễn, anh từng tham gia làm kỹ xảo cho một hãng phim ở Mỹ. Lý do anh rời bỏ công việc này? Kinh nghiệm làm kỹ xảo cho các bộ phim lớn của Hollywood giúp ích gì cho anh khi đạo diễn các bộ phim ở VN sau này?

– Thường tốt nghiệp xong, tìm công việc đạo diễn không phải là dễ. Tôi phải kiếm sống, và công việc giúp tôi kiếm sống là thuộc về kỹ xảo. Đây không phải là công việc lý tưởng cho tôi, nhưng tôi đã học hỏi được rất nhiều về phần hậu kỳ. Chắc chắn là còn nhiều hơn lúc tôi đang đi học. Nếu sử dụng đúng cách, công nghệ kỹ xảo là một thứ có thể giúp nhà làm phim thực hiện những gì mà trước đây không làm được. Càng biết rõ tôi càng hiểu công nghệ này, nêu không khéo, sẽ làm cho khán giả mất tập trung vào nội dung chính của phim.   

Sau 2 bộ phim làm tại Mỹ, động lực nào thúc đẩy anh về Việt Nam làm phim? 

– Thật ra, tôi đã về Việt Nam trước đó, trong năm 2001 để nghiên cứu và xin phép cho dự án phim “Oan Hồn,” nhưng không được. Tôi quay về Mỹ, và quyết định dựng cảnh Việt Nam để quay phim “Oan Hồn.” Dĩ nhiên là bối cảnh có rất nhiều hạn chế, nhưng vì quyết tâm làm phim ma kiểu “Việt Nam” nên tôi đã tìm mọi cách để thực hiện ở Mỹ. Lúc đó, trong “kho” của tôi còn rất nhiều dự án muốn thực hiện ở Việt Nam.  Trong năm 2007, tôi trở lại Việt Nam để tìm hiểu thêm cho kịch bản “Chuyện Tình Xa Xứ (Passport to Love).” Lúc đó Việt Nam đã thay đổi rất nhiều và tôi phải chỉnh lại kịch bản để phù hợp hơn. Là một người sinh ra và lớn lên ở Mỹ, lúc đó mục tiêu lớn nhất của tôi là làm một bộ phim mà khán giả Việt Nam có thể cảm nhận, nhưng vẫn theo phong cách của mình.  

Và đến bây giờ sau 5 năm và 5 bộ phim đã chiếu rạp, hầu hết đều ăn khách, được đánh giá cao về tay nghề, anh có nghĩ mình có một bước tiến quá nhanh không? 

– Tôi không biết là có nhanh quá hay không, tôi chỉ biết là trong 5 năm ở Việt Nam tôi đã làm việc rất chăm chỉ, tôi luôn mong phim sau sẽ tốt hơn và thú vị hơn phim trước. Tôi cũng là một khán giả yêu điện ảnh. Nên tôi chỉ làm theo những gì mình cảm thấy đam mê nhất.   


“Năm vàng” & bộ phim hài lòng nhất

Victor Vũ là thế hệ đạo diễn Việt kiều thứ 2 trở về nước làm phim sau thế hệ đầu của những năm trong thập niên 90, với những tên tuổi tiêu biểu như Trần Anh Hùng hay Tony, Tim Bùi. Nhưng rõ ràng, Victor Vũ và Charlie Nguyễn, hai đại diện tiêu biểu nhất của thế hệ thứ 2 này chọn một con đường khác, hợp thời hơn. Nếu thế hệ trước như Trần Anh Hùng và Tony Bùi chọn những bộ phim nghệ thuật với dấu ấn cá nhân rõ nét, nhằm chinh phục các LHP Quốc tế hay khán giả nước ngoài thì Victor và Charlie chọn phong cách làm phim giải trí tiêu chuẩn cao và hợp thị hiếu khán giả nội địa. Và với tài năng của mình, rõ ràng là họ tìm được một lối đi dễ dàng hơn nhiều. Bởi một tên tuổi lớn như Trần Anh Hùng mất gần 20 năm cũng chỉ có 5 bộ phim. Tony Bùi 13 năm sau bộ phim đoạt nhiều giải quốc tế như “Ba mùa” thậm chí chưa đạo diễn được bộ phim thứ 2. Trong khi đó, anh và Charlie Nguyễn mới về nước 4, 5 năm đã có trong tay 4, 5 bộ phim và tiếp tục có những dự án tiếp theo. Thậm chí, có một nguồn tin cho rằng, sau “Thiên mệnh anh hùng” và “Scandal”, Victor Vũ còn được một hãng phim ở Hollywood mời làm phim, cụ thể hơn là một series cho HBO. Chúng tôi muốn anh xác nhận về điều này, nhưng Victor Vũ bỏ ngỏ câu trả lời… 

Nếu được Hollywood mời làm phim lúc này, anh có nhận lời? 

– Nếu tôi đam mê với đề tài thì sẽ nhận. Tôi tin là phải đam mê mới làm tốt được. Không đam mê, thì bao nhiêu tiền chưa chắc làm tốt được. Và nếu không làm tốt, thì chưa chắc có lần thứ hai.  

Làm “Scandal” ngay sau “Thiên mệnh anh hùng” và cả hai đều ra mắt trong một năm, anh có nghĩ đây là “năm vàng” của anh không? Trước khi ra mắt “Scandal”, anh có nghĩ bộ phim này gây được tiếng vang và thành công như thế không?

– Năm 2012 đúng là một năm đặc biệt cho tôi. Khi làm phim, tôi chỉ biết cắm đầu vào công việc thôi. Tôi chẳng biết nghĩ gì hơn. Nên trước khi ra mắt một bộ phim, tôi rất hồi hộp. Tôi không biết khán giả sẽ đón nhận như thế nào. Sự thành công của “Scandal” là ngoài những gì tôi mong đợi.  

Trong 5 bộ phim đã thực hiện tại VN, bộ phim nào khiến anh hài lòng và tự hào nhất?

– Có thể là “Scandal.” Vì đây là bộ phim theo thể loại tôi thích nhất và một đề tài tôi cảm thấy rất gần gũi. 

Quay trở lại scandal của bộ phim “Giao lộ định mệnh”. Sự kiện này đi qua khá lâu, nhiều người từng nghĩ rằng anh sẽ khó vượt qua được cú sốc này, nhưng chỉ vài tháng sau, với “Cô dâu đại chiến” anh đã lật ngược thế cờ ngoạn mục ít ai có thể nghĩ đến. Tại thời điểm đó, sức mạnh nào giúp anh vượt qua được cú sốc này? Và ở thời điểm này, nhìn lại scandal này, anh có muốn nói gì không?

– Không trả lời.

Trong “Scandal”, anh đã có một “cuộc trả thù ngọt ngào” dành cho truyền thông, cụ thể là báo chí lá cải và mạng xã hội. Điều thú vị là nó “hợp lý hợp tình” đến nỗi giới truyền thông cũng phải thừa nhận. Điều gì giúp anh có một am hiểu sâu về truyền thông và có những phản biện sắc sảo như thế? Chi tiết Vân Trang dùng một chiếc cúp giải thưởng báo chí để đánh anh chàng nhà báo giả danh trong phim này rất mỉa mai. Anh có thể nói thêm về “sự ra đời” của chi tiết này?

– Nếu không hợp lý thì tôi đã không làm rồi. Trong phim “Scandal”, hình như toàn bộ giới showbiz được đưa lên thớt, kể cả đạo diễn nữa mà (cười). Vì nghề nào cũng có mặt trái của nó. Cám ơn anh đã thấy sự thú vị ở cái “cúp giải thưởng” của anh chàng nhà báo giả danh cũng như tôi thấy tất cả các chi tiết nhỏ nhặt trong phim “Scandal” đều có giá trị. 

Hình như anh nghiên cứu rất kỹ về “Film genres”. Cụ thể là phim của anh rất chắc về thể loại và anh có thể đi lại giữa các thể loại phim một cách dễ dàng, thậm chí là kết hợp giữa nhiều thể loại trong một bộ phim như “Scandal”. 5 bộ phim của anh hình như cũng ít lặp lại về thể loại. Vậy với thể loại phim nào anh tự tin nhất? Và thể loại phim nào mà anh muốn thực hiện sắp tới?

– Tôi thì rất mê thể loại ly kỳ (thriller). Mặc dù là phim hài, hoặc phim hành động – sẽ luôn có chất ly kỳ trong phim của tôi. Sắp tới, tôi có dự án phim hài và một bộ phim hình sự, cả hai đều rất ly kỳ.

Trong số những đạo diễn ăn khách nhất tại VN hiện nay, người ta thường hay so sánh anh với Charlie Nguyễn. Với “đối thủ” này, anh muốn nói điều gì?

– Không trả lời.

Bộ phim “Scandal” của anh cũng đóng góp thêm một thuật ngữ mới là “phim siêu thị”. Để làm được một bộ phim “siêu thị” được công chúng đón nhận, theo anh cần những yếu tố gì?

– (Cười) Hình như mọi người đang suy nghĩ hơi xa về câu “phim siêu thị.” Đây chỉ là một câu thoại hài hước để nói lên cách nhiều người đánh giá phim ở Việt Nam. Nào là phim thương mại, phim chợ, phim giải trí, phim nghệ thuật. Sự phân biệt như vầy quá đơn giản và tạo ra nhiều hạn chế cho thị trường mình.  Phim nào cũng có khán giả riêng, nếu làm tốt. Một bộ phim ‘giải trí’ không hay, chưa chắc có khán giả. Và một bộ phim ‘nghệ thuật’ hay luôn luôn sẽ có khán giả. 


Nhiều khi tôi thấy mình rất nhạt!

Victor Vũ hầu như không tiết lộ đời tư, nhưng sự xuất hiện của anh bên cạnh những “nàng thơ” xinh đẹp trong các bộ phim cũng khiến dư luận dấy lên nhiều đồn đoán. Tất nhiên là Victor Vũ không trả lời. Và khi truyền thông chưa kịp xác nhận, đã thấy anh xuất hiện bên cạnh một nữ diễn viên khác trong một vài sự kiện sau đó. 

Trong số những nữ diễn viên từng cộng tác như Tăng Bảo Quyên, Kathy Uyên, Vũ Thu Phương, Vân Trang, MiDu, Maya… ai mới là nàng thơ thực sự của anh? 

– Mỗi bộ phim có những đòi hỏi khác nhau về diễn xuất. Nên tôi chọn diễn viên theo nhân vật. Diễn viễn phải hợp vai, từ ngoại hình đến tính cách. 

Vân Trang là nữ diễn viên duy nhất xuất hiện liên tiếp trong 4 bộ phim của anh, kể cả “Cô dâu đại chiến 2” sắp ra mắt? Anh có thể cho biết tại sao anh “ưu ái” nữ diễn viên này đến vậy? 

– Vân Trang là một nghệ sĩ có tài và năng lực. Cô ấy đặc biệt ở chỗ là có thể đổi mới mình trong các vai diễn khác nhau. Cô ấy luôn luôn dốc hết sức cho vai diễn, không ngại khó khăn… và cô ấy cũng rất cầu toàn trong công việc với chính bản thân mình.    

Maya cũng là một phát hiện của anh. Vai diễn chạm ngõ làng điện ảnh này đã giúp cô “lật ngược được tình thế” như Maya đã trả lời phỏng vấn gần đây. Ngoài nhan sắc, anh đánh giá nữ diễn viên này như thế nào? Có phải từ thành công của “Scandal”, anh mới quyết định chọn Maya cho “Cô dâu đại chiến 2”?

– Với “Scandal”, Maya quá hợp với vai Trà My. Từ cách nói, thể hiện cảm xúc qua ánh mắt, ca hát, biểu diễn trên sân khấu… tôi nghĩ không có diễn viên nào có thể hợp hơn Maya. Ngoài ra, tôi thấy cô ấy có cách làm việc rất thoải mái và chuyên nghiệp. Trong “Cô Dâu Đại Chiến 2” Maya vào vai môt cô giáo rất đáng sợ (cười)… và hài hước. Với tài năng của Maya, cô ấy sẽ đi xa hơn nữa và tôi hy vọng sẽ có nhiều cơ hội để làm việc với cô ấy.  

BBT của tạp chí TTVH&Đàn Ông ban đầu bầu chọn anh cho giải “Filmmaker of the Year” nhưng cuối cùng quyết định bầu chọn cả ê kip phim “Scandal” cho giải “Team of the Year”? Anh nhận xét như thế nào về cách làm việc kiểu “teamwork” trong điện ảnh?

– Thật ra, gọi là giải thưởng “teamwork” cũng đúng thôi. Vì sự thành công của một bộ phim là do công sức và tài năng của rất nhiều người. Từ sản xuất, ánh sáng, âm thanh, diễn viên, phục trang, thiết kế, dựng phim… tất cả là yếu tố quan trọng để làm ra một sản phẩm điện ảnh. Tôi rất cám ơn ê kip “Scandal” đã hỗ trợ tôi hết mình để thực hiện bộ phim.  

Anh nghĩ gì về nhận xét: “Victor Vũ lúc nào cũng “stylish” như những bộ phim của đạo diễn này”! 

– Tôi thì chẳng thấy mình “stylish” gì cả. Chỉ có hai màu là trắng và đen. Nhiều khi tôi thấy mình rất nhạt!  

Từ một anh chàng Việt kiều thế hệ thứ 2 (sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ), giờ đây anh quyết định sống ở VN, ngay cả Tết cổ truyền cũng ở VN thay vì về sum họp gia đình bên Mỹ. Bố mẹ anh có ủng hộ quyết định này của anh?

– Trước năm 2001, tôi chỉ biết Việt Nam qua hình ảnh trong những tạp chí, phim tài liệu, hoặc những câu chuyện được kể lại từ ông bà, bố mẹ, cô chú. Bây giờ, Việt Nam nói chung và Sài Gòn là một phần nào trong cuộc đời tôi. Tôi không còn cảm thấy xa lạ nữa. Mấy năm làm việc và sống ở Việt Nam đã mang lại cho tôi nhiều kinh nghiệm đắt giá, nhiều bạn tốt, và nhiều cảm hứng mới lạ. Có những năm vì công việc mà tôi không về Mỹ ăn Tết hoặc Giáng Sinh được. Dĩ nhiên là bố mẹ, anh chị em cũng buồn khi ở xa. Nhưng gia đình rất hiểu và ủng hộ công việc của tôi.  Mỗi người có một con đường riêng, một định mệnh.

Q&A

Nỗi sợ lớn nhất trong cuộc đời anh?

Ngày tận thế.

Đức tính nào anh đánh giá cao nhất?

Uy tín. 

Từ hoặc câu nào anh thường hay lặp lại khi nói nhất?

“Thú vị.”

Lúc nào và ở đâu anh thấy hạnh phúc nhất?

Khi làm hậu kỳ. 

Điều gì anh đang suy nghĩ nhiều nhất hiện thời?

Không biết Tết này có về Mỹ được không?

Nếu anh có khả năng thay đổi một điều gì đó về bản thân anh, thì điều đó là gì?

Bớt tính nóng.  

Điều gì với anh là sự đau khổ nhất?

Chứng kiến người thân mình đau khổ

Ai là anh hùng của anh trong các cuốn tiểu thuyết hư cấu?

Sherlock Holmes.  

Ai là nhân vật người hùng yêu thích nhất của anh trong điện ảnh?

Alfred Hitchcock. 

Và đâu là nhân vật phản diện mà anh thích nhất?

Darth Vader. 

Bộ phim nào làm anh khóc?

To Live (đạo diễn Trương Nghệ Mưu)

Đạo diễn yêu thích nhất?

Federico Fellini, Alfred Hitchcock, Billy Wilder, Luis Bunuel

Anh muốn mình chết như thế nào?  

Trong giấc ngủ.  

Phương châm sống của anh là gì?

Sống có chất.

Text: LÂM LÊ

Photo: TUẤN FR.

TTVH & ĐÀN ÔNG 1/2013


From the same category