Mẹ xin lỗi vì đã cướp mất đi tuổi thơ con - Tạp chí Đẹp

Mẹ xin lỗi vì đã cướp mất đi tuổi thơ con

Tin Tức

Con gái yêu quý!

Mẹ chỉ có duy nhất một đứa con gái, là tài sản lớn và quý giá nhất đối với mẹ. Vì vậy cách tốt nhất mà mẹ có thể mang lại hạnh phúc cho con là đầu tư về việc học hành. Ngay từ ngày con đi học, mẹ đã “ganh đua” để cho con mình vào học những ngôi trường chất lượng cao trong thành phố.

Khi con học cấp 1, mẹ nghĩ rằng việc học thêm là không cần thiết. Với lượng kiến thức con được học tại SGK của Bộ Giáo dục và Đào tạo trang bị ở trường là đã đầy đủ và thậm chí còn bị coi là quá tải, vậy mà tại sao các con vẫn phải học thêm? Vì vậy, mẹ là một phụ huynh hiếm hoi đã từ chối danh sách học sinh học thêm tại trường.

 

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Con nhớ không? Có một lần con buồn rầu mang điểm 5 môn toán về nhà. Xem kỹ bài kiểm tra mẹ thấy con đã sai một số dạng bài tập. Con buồn rầu kể với mẹ, chỉ có những bạn đi học thêm thì mới giải được bài tập đó. Lúc này mẹ mới thực sự ngỡ ngàng. Mẹ vẫn nhẹ nhàng mà nói với con rằng: “Nếu gặp bài không hiểu con hãy nhờ cô giảng dạy cho”. Con trả lời: “Cô bảo, bài này cô không dạy trên lớp, con muốn học thì nhờ bạn bè đi học thêm giảng hộ”. Thậm chí sau đó cô giáo còn chê bai con nữa.

Lúc đó, con khóc thút thít và nhất quyết đòi đi học thêm bằng được. 

Con gái yêu, mẹ mừng vì con hiếu học, nhưng cũng thương con rất nhiều. Thời gian học tập của con quá bận rộn, từ 7h sáng đến 10h tối. Con không được vui chơi, nghỉ ngơi nên sức khỏe và tinh thần sẽ bị giảm sút. Thương con nhưng mẹ vẫn luôn phải động viên con học tập, phải cố gắng hơn nữa.

Bản thân mẹ mỗi tháng cũng phải cắn răng chi một khoản tiền không nhỏ cho con đi học thêm, để giải những bài tập không có trong sách. Con học thêm thì ít mà lấy lòng cô giáo thì nhiều. Mẹ biết vậy là không đúng, nhưng vẫn phải vờ như không có chuyện gì. Mẹ chẳng muốn con gái của mẹ lại bị điểm kém. Mẹ càng không muốn có một ngày nào đó con lại bị cô chê bai trước chúng bạn. Mẹ chẳng muốn con gái của mẹ bị tổn thương. Chỉ vậy thôi. Mẹ coi như đã đánh rơi một khoản tiền hàng tháng, để mua niềm vui cho con. Vậy cũng đáng phải không con? Và chắc là không phải chỉ duy nhất hai mẹ con mình mua vui như vậy.

Con biết không? Cái thời mẹ đi học, không có chuyện cho học sinh đi học thêm, có gì muốn hỏi thầy, thầy cũng nhiệt tình trả lời thấu đáo. Vì thế, học tập là cả quá trình vừa học vừa chơi, ở đó có thầy hiền, bạn mến. Thế nhưng bây giờ mẹ thấy con thật đáng thương, học hành rất căng thẳng. Con đến trường phải xách ba lô nặng trĩu sách vở, sau giờ học chính thì đi học thêm đủ các môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh. Có một Giáo sư đã nói về sự học ở tuổi của các con rằng “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Mẹ mong mỏi điều ấy lắm, nhưng chẳng biết đến bao giờ con mẹ mới có được niềm vui thực sự như vậy.

Điểm số trên lớp của con ngày một cao dần. Ngày càng kỳ vọng vào con, từ một người mẹ có “dị ứng” với học thêm mẹ dần dần chỉ nghĩ cách làm sao truyền tải kiến thức vào đầu con thật nhiều, thật nhiều và tin tưởng nhất định con sẽ thành đạt trong sự nghiệp.

Cho đến khi có quy định nhà trường cấm dạy thêm với học sinh tiểu học và học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy thêm 2 buổi/ ngày thì mẹ lại thêm hoang mang. Như vậy, con sẽ có thời gian để nghỉ ngơi, nhưng có lẽ sẽ học kém đi vì không được kèm cặp. Thế là mẹ đã quyết định sẽ cho con học thêm gia sư. Bởi dẫu sao, khi học thêm ở trường, trong một lớp học có đến mấy chục học sinh với các trình độ giỏi kém khác nhau thì thầy cô làm sao có thể giám sát được các con, phương pháp gia sư với một thầy, một trò sẽ tốt hơn.

Con nhớ cuộc trò chuyện của hai mẹ con mình chứ? Trước khi thuê gia sư, mẹ đã hỏi con về vấn đề này, xem ý kiến của con thế nào. Con đã tỏ ý không muốn học thêm nữa. Từ một cô bé ham học, con trở nên… sợ học. Mẹ chẳng hiểu sao dù như thế nhưng mẹ vẫn quyết định cho con học thêm. Có lẽ, vì sợ con thua bạn, thua bè nên mẹ đã vừa dụ dỗ vừa ép con học cho bằng được. 

Biết rằng việc thuê gia sư rất có ảnh hưởng lớn đến học tập của các con nên mẹ đã thức cả đêm tìm hiểu kỹ lưỡng trên mạng, thấy các trung tâm đầy rẫy như nấm mọc sau mưa. Trung tâm nào cũng được quảng cáo là có gia sư giỏi, chất lượng cao. Đau đầu trong các câu hỏi trung tâm nào chất lượng? Nên chọn giáo viên hay chọn sinh viên? Nên chọn sinh viên ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa hay HV Ngân hàng? Bởi đầu vào sư phạm hiện tại không cao nên sợ chất lượng sinh viên sư phạm kém hơn các trường khác? Cuối cùng, mẹ cũng gọi điện đến một trung tâm và đăng ký gia sư cho con.

Gia sư đầu tiên đến dạy một tuần sau đó. Cô gái mặt còn non choẹt tuy chịu khó nhưng lại rất kém trong kinh nghiệm. Cô giáo thứ hai đến dạy con tuy có lối giảng bài gần gũi, tạo cho con sự thoải mái nhưng lại quá hiền lành nên con không nghe lời. Rồi gia sư thứ ba cũng rời khỏi nhà khi cô này hời hợt, và giảng sai cho con kiến thức. Hàng ngày, cô ấy đến chỉ cần mang quyển sách giải, hướng dẫn rồi giúp con chép bài, vì vậy đến khi sách sai thì gia sư cũng sai. Mỗi lần “đuổi việc” một gia sư là mỗi lần mẹ lại trở nên nóng nảy hơn với con. Thế mới biết, không phải đơn thuần cứ bỏ tiền ra là có được ngay một gia sư tốt cho con học. 

Sau mấy lần đổi gia sư, con chả nói gì, lặng lẽ thu xếp sách vở vào ba lô chuẩn bị cho ngày mai đi học. Dần dần, mẹ phát hiện con ngày càng có thêm tính ỷ lại, ít động não vì đã biết tâm lý người gia sư chắc chắn sẽ giảng bài cho mình. Sự thông minh, ham học hỏi của con dần bị biến mất. Đến lúc này, mẹ mới thật sự mất phương hướng trong cách giáo dục con. Quá lo lắng, mẹ không biết làm thế nào để mang lại điều tốt đẹp cho con cả.

Đến ngày ngừng học thêm, ngừng học gia sư mẹ mới có thời gian ngồi nhìn lại con mình. Con đã gầy rộc đi trông thấy, vì chồng sách cao trước mặt, vì chiếc cặp nặng sau lưng. Và còn bởi con có một người mẹ chỉ biết ép con học mà không cho con niềm vui thực sự của một đứa trẻ.

Mẹ xin lỗi vì đã cướp mất đi tuổi thơ con!

Theo Giáo Dục Việt Nam

Thực hiện: depweb

06/11/2012, 17:16