Mẹ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam: 12 điều người lớn không nên nói và làm với trẻ - Tạp chí Đẹp

Mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam: 12 điều người lớn không nên nói và làm với trẻ

Sống

1. Thấy các bạn nhỏ đang cầm đồ gì trên tay thì cầm lấy và nói: “Nào, ạ đi thì bác cho lấy lại”. Tất nhiên là để trêu đùa và thử xem các bạn có biết nói “ạ” không nhưng hành động đó có gì đó không đẹp. Sao lại lấy của bé rồi bắt bé xin lại?

2. Giục giã: “Mồm đâu, chào bác đi!” Thay vì giục giã, cứ chủ động mỉm cười và nói: “Chào con nhé!” Trẻ con sẽ học qua việc làm gương mà. Tôi cũng không thích cụm từ “mồm đâu” rồi “mắt để ở đâu” khi nhắc nhở trẻ việc gì đó, nghe nặng nề lắm.

3. Động chạm vào cơ thể của bé mà chưa được phép. Ở một số nơi tôi còn thấy các chú bác hay vạch quần bé trai và nói: “Để bác xem ‘hàng’ nào”. Trời ơi, sợ lắm luôn!

4. Nói một cái gì đó có vẻ như bậy bạ rồi thích thú khi trẻ nhắc lại.

5. Hỏi em bé: “Thế tối con ngủ với bố hay với mẹ? Thế bố mẹ có ngủ với nhau không, bố có ôm mẹ không?”. Hỏi xong rồi cười cười kiểu bí hiểm. Như thế là tự nhiên gieo vào đầu bé những suy nghĩ thắc mắc không đáng.

1_69588
Chị Phan Hồ Điệp hiện đang công tác tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội

6. “Mẹ có em thì cháu ra rìa”. Cực lực phản đối câu nói này vì tính sát thương của nó.

7. “Để bà/ bác… gọi công an/ ngáo ộp/ ba bị bắt”. Các bé hay sợ hãi, ám ảnh bởi điều này.

8. “Bố đi lấy vợ/ bố có cô khác rồi”. Rất nhiều em bé cảm thấy giận dữ, bị tổn thương khi nghe thấy điều này.

9. “Cháu lôi thôi/ vụng về/ chậm chạp/ lười/ béo/ xấu giống y như bố/mẹ cháu”. Đây là câu nói “double” đau khổ với trẻ vì không những bị chê lại còn động chạm đến người mà trẻ yêu thương.

10. “Cháu được bố mẹ nhặt ở thùng rác/ ngoài đường/ chợ về đấy”. Tưởng là câu nói đùa nhưng nó khiến trẻ hoang mang vì “nguồn gốc” của mình lắm đó.

11. Các cơ quan vào cuối năm học trao quà (thưởng) cho các cháu đạt học sinh giỏi. Khối cháu bị “đòn oan” vì không đạt học sinh giỏi và làm bố mẹ “mất mặt”. Đôi khi trẻ sợ học vì những áp lực “trên trời rơi xuống” như thế.

12. Vào những buổi biểu diễn, các cô giáo (có cả các mẹ) nhiệt tình trang điểm cho các bé gái. Tôi đã chứng kiến cảnh các cô để các con xếp hàng rồi tô vẽ. Không cần vậy đâu, một chút son thôi là đủ làm các con hứng khởi đến độ không dám uống nước rồi, đừng tước đi nét trong trẻo thiên thần không có gì thay thế được của các con.

Còn nhiều điều kiểu như thế…

“Nuôi dạy một đứa trẻ là nhiệm vụ của cả một ngôi làng”. Đôi khi những gì mình làm tưởng vô tình nhưng lại gây nên những mệt mỏi/ hoang mang/ sợ hãi/ tự ti cho trẻ.

Mọi người hay bào chữa chỉ là vui thôi mà.

Nhưng sẽ không vui được vì nó liên quan đến một con người.

1_49810
Chị Phan Hồ Điệp và con trai Đỗ Nhật Nam

Thực hiện: depweb

18/05/2018, 11:10