Mẹ Sơn Đoàn: "Con có là gì, con vẫn là con của mẹ"​ - Tạp chí Đẹp

Mẹ Sơn Đoàn: “Con có là gì, con vẫn là con của mẹ”​

Giải Trí

– Sơn nói, khi đón tin anh ấy và nhà thiết kế Adrian Anh Tuấn yêu nhau, cô rất bình tĩnh, trong khi nhiều bà mẹ khác có thể choáng váng, thậm chí suy sụp. Điều gì giữ cô bình thản đến vậy?

–  Thật ra tôi bất ngờ, lặng người luôn vì thương. Nhưng trước hết phải bình tĩnh để trấn an cả mẹ và con. Tôi phải an ủi phủ dụ nó.  Khi viết thư cho tôi, kể hết về con người thật của mình, Sơn đã phải dằng xé bản thân dữ lắm. Tôi không thể làm sâu thêm vết thương. Sơn đâu muốn thế. Sơn chẳng có lỗi gì. Tâm tôi dậy lên tiếng nói hãy đồng hành sát cánh bên con. Phải làm ngay. Làm tức thì.

– Có lúc nào, cô lờ mờ cảm nhận được sự khác biệt giới tính của con trai mình, trước khi lắng nghe lời thú tội đó?

– Tôi… “chơi” rất thân với hai chị em Sơn. Ngày Sơn học trung học, tối tối mẹ nằm trên giường con dưới đất. Tôi hay đưa tay xuống vò đầu thằng con. Mẹ con nói chuyện cả buổi. Chẳng lờ mờ nhận xét gì hết. Vô tư. Cho đến một ngày giật mình, ủa thằng này không thấy đưa bạn gái về nhà chơi. Chỉ có mỗi thằng Tuấn về ăn bún thang phở gà, giao thừa lại đến mừng tuổi, rồi hai đứa rủ mẹ đi ciné, mời mẹ đi ăn cơm Hàn quốc… Tôi thoắt nhớ lại hình ảnh trong bữa ăn, Sơn vớt hết hành từ bát Tuấn sang bát nó. Sơn bảo: “Tuấn không biết ăn hành mẹ ạ”. Tôi mới chợt nghĩ: “Chết cha… hay là ???”

Bà Nguyên Hợi cùng con trai Sơn Đoàn và người bạn đời của anh – NTK Adrian Anh Tuấn

– Cô có trải qua khoảng thời gian tự chấp nhận sự khác biệt của con mình như anh Sơn cũng “có giai đoạn dài, con vật vã lắm, đấu tranh với bản thân mình nhiều lắm” (trích thư Sơn Đoàn gửi mẹ – PV) không, thưa cô?

– Tôi không vật vã, vì tôi biết nếu xô Sơn ra là tôi mất luôn con. Con mình mình không cưu mang thì ai cưu mang giùm đây. Sơn là người hứng chịu và sống chung với bản thân mình, phải đối diện  với đời nhiều hơn. Việc của tôi là phải thông lưng sát cánh cùng con… ứng chiến với đời.

Ngày đám cưới Sơn, thông tin tràn lan lên mạng. Lối xóm, đồng nghiệp, người thân tình, kẻ tò mò dò hỏi: “Sơn bao giờ đám cưới bác?” Tôi nghiêm trang và cười rất tươi, vui vẻ trả lời: “Ui nó mới đám cưới đó. Tui mới đi dự đám cưới nó về đây. Các cậu ấy tổ chức ở xa. Không mời mọi người được”. Thị phi giang hồ đang muốn mon men nhẹ bước vào cửa nhà mình. Tôi mở toang cửa rước nó vào nhà. Thị phi không còn là thị phi. Ai nghĩ gì thì tùy.

– Vậy tâm trạng của một bà mẹ thế nào, khi lẽ thường được một cô con dâu, giờ lại có thêm một người con trai nữa?

–  Thật ra, Sơn và Tuấn tự lo đám cưới. Hai bên cha mẹ không phải lo chi. Tôi lên mạng và đọc sách là thú vui, nên thường xuyên cập nhật thông tin của nhiều người nhiều quốc gia. Chuyện đồng tính dần trở nên… không-có-gì-ầm-ỹ-trong-tôi. Thời “@” chuyện gì cũng xảy ra được. Việc đến, tôi phải thật tĩnh tâm yên lặng mà quan sát. Nhưng bố Sơn sốc nặng. Ông có bệnh tim, lại bị cao huyết áp. Manh động ồn ào là cận kề nguy hiểm. Hôm đám cưới, nhìn chúng nó, đứa nào cũng thanh xuân tươi đẹp.Tôi thấy dạt dào tình thương và cảm nhận nhiều về khó khăn sau này mà các con phải đối mặt. Vợ chồng bình thường lấy nhau khó một, hai đứa này khó mười. Liệu chúng có đủ tình yêu và lòng can đảm để cùng nhau vượt khó trước những cái nhìn khe khắt của xã hội. Ơn trời, cho đến hôm nay cả nhà đều ổn.

Chị Sơn ở xa về ủng hộ em, an ủi cha già. Sau đám cưới em trai, hai mẹ con ngồi trong phòng thờ. Con chị cầm tay tôi nói: “Mẹ giỏi lắm. Mẹ can đảm lắm”. Tôi òa lên khóc. Khóc như mưa. Sự dữ nhất qua rồi. Con chị cũng khóc. Khóc mừng. Mừng vì ông ấy không đột quỵ bán thân bất toại. Mừng vì ông ấy không mất đi. Ông ấy mà qua đời Sơn ngàn đời cam tội bất hiếu không bao giờ rửa sạch. Khóc cũng thêm phần thương thằng Sơn quá.

Sơn Đoàn chia sẻ: “Đây là ảnh chụp cùng mẹ năm tôi 12 tuổi cũng là tấm ảnh tôi trân trọng nhất”

– Nhưng nếu được thay đổi, cô có mong con trai mình giống như nhiều người khác?

–  Chữ “nhưng” ở đây khó quá cô ạ. Có chữ nhưng thật thì tôi đã đi đón con gái nhà người ta về làm con dâu nhà mình rồi. Tôi có nghĩ đến điều như cô đã hỏi. Nhưng. Cũng nhưng. Nếu Sơn nên duyên cùng một cô nàng. Em ấy về làm dâu đanh đá xem mẹ chồng như lông gà.Xem chồng như nô tì I-Sao-Ra. Thì sao? Hãi lắm! Khổ tâm lắm. Đắng lắm.

– Nếu được làm bà nội, cô có lo lắng khi đứa trẻ sẽ lớn lên trong gia đình có hai ông bố không?

– Nhà có tiếng trẻ thơ bi bô ai cũng vui. Hai đứa này ham con cái, cứ xem chúng nó yêu con chó Lucky thì đủ biết.  Sơn thuờng hay hỏi ý kiến tôi nhiều việc. Như nghỉ chỗ này làm chỗ khác. Xưa khi nó chưa có gia đình tôi cũng ý kiến ý cò… nhưng giờ tôi bảo đã có gia đình. Con phải tự cân nhắc. Việc con cái cũng vậy. Thọat đầu tôi giúp tìm người tử tế mang bầu hộ. Nhưng nhiều trở ngại này nọ kia ấy về hòan cảnh phía những nguời tôi ngỏ ýThú thật tôi cũng e sợ  bé sau này mang nhiều mặc cảm nên tôi thường khuyên Sơn – Tuấn: “Nuôi con không phải là chơi búp bê, nhiều gian nan lắm. Dạy dỗ nuôi nấng một con người rất khó vì đó là một nhân mạng”. Sơn – Tuấn muốn có con, tôi lo nhưng không cản. Tôi tin vào nghiệp và duyên của mỗi người. Có duyên ở với nhau là đùa vui hạnh phúc. Không duyên thì nghiệp, là sống cùng nhau trong địa ngục đời người. Điều quan trọng, Sơn – Tuấn đã thu xếp, chuẩn bị cho em bé và cho chính mình những điều cần thiết ngay từ bây giờ. Nhất là về tinh thần. Bố – Bố hay Bố – Mẹ không nhiều xa cách khác biệt. Hai đứa con tôi hết lòng và tôi cũng hết lòng với sinh linh nhỏ bé đó.

Cặp đôi Sơn – Tuấn bên cạnh mẹ Nguyên Hợi, giờ là mẹ chung của cả hai, mà như Tuấn chia sẻ: “Thật may mắn khi có thêm một người mẹ nữa…”

– Còn đứng ở góc độ là một người ngoài cuộc, không phải Mẹ của anh Sơn thì suy nghĩ của cô có khác khi có nhiều ý kiến trái chiều về việc mang thai hộ ?

– Tôi chẳng suy nghĩ ghê gớm gì đâu. Thoạt đầu thấy tò mò, tìm hiểu sâu.Tôi thấy mình nghiêng về phía họ nhiều hơn. Chập trùng rào cản kỳ thị của xã hội khi bản thân họ muốn vươn lên. Cái-bình- thường của thời đại “@” đã khác cái-bình-thường xưa rất nhiều. Xã hội văn minh không dựa trên giới tính để đánh giá con người. Vị trí trong xã hội hạnh phúc của mỗi cá nhân ít bị gò bó bởi màu da hay giới tính. Gia đình ông Ted Osius – đại sứ Hoa Kỳ đương thời ở Việt Nam là một hình ảnh điển hình. Họ thành công và đẹp đôi quá xá. Chất lượng và giá trị của một mái ấm gia đình không còn nằm trong công thức Bố – Mẹ hay Bố – Bố. Quan trọng là hạnh phúc chân thật. Bố mẹ con cái dạy bảo nhau điều tử tế. Bản thân thì sống hữu ích cho gia đình và xã hội.

– Nhiều bà mẹ đang trải qua cú sốc như cô đã từng, để bên con, có lẽ phải cần nhiều lắm tình yêu thương và lòng bao dung?

– Tôi chỉ là một bà mẹ yêu con như bao bà mẹ khác. Điều tôi mong, khi gặp cảnh ngộ giống tôi, mọi người thật sự bình tĩnh để sáng suốt. Hãy định thần – định tâm nghĩ về nỗi đau mà tự nhiên con ta phải nếm trải. Ta thương con ta. Ta không hoảng hốt nháo nhào tìm người trút tâm tư. Nhìn con. Ôm con. Nói với nó bằng một âm thanh chắc trầm ấm và kiên định như một chân-lý-không-bao-giờ-thay-đổi: Con có là gì. Con có làm  sao. Con vẫn là con của mẹ. Đơn giản.Thế thôi!

KHOAN DUNG CẦN CẢ  MỘT ĐỜI

Khoan dung không chỉ là tha thứ. Khoan dung còn là mở lòng chấp nhận và đón nhận những thứ khác, ngoài mình. Là cái nắm tay người bên cạnh, nụ cười mỉm với người đến sau, hay cái nhìn sẻ chia cho người đến trước… Khoan dung không chỉ trong một ngày 16/11 như UNESCO đã chọn. Khoan dung đôi khi cần cả một đời.

Đẹp tháng 11 xin gửi đến bạn đọc những câu chuyện từ lòng khoan dung, từ những người sống với nhau, để yêu và thương nhau như thế.

Thực hiện: depweb

04/11/2016, 20:02