“Mẹ Rồng” Emilia Clarke: “Tôi từng suýt chết vì một căn bệnh quái ác khi đóng 'Game of Thrones' ” - Tạp chí Đẹp

“Mẹ Rồng” Emilia Clarke: “Tôi từng suýt chết vì một căn bệnh quái ác khi đóng ‘Game of Thrones’ ”

Review

Nữ diễn viên nổi tiếng vừa có những chia sẻ chưa từng công bố về căn bệnh phình mạch – thứ đã hai lần đe dọa tính mạng cô giữa thời điểm ghi hình siêu phẩm “Game of Thrones”.

“Ngay tại thời điểm mà mọi giấc mơ thời thơ ấu của tôi đang dần thành hiện thực, tôi suýt nữa đã mất đi ý thức, và rồi cả tính mạng mình. Tôi chưa từng thổ lộ câu chuyện này trước đây, nhưng giờ đã đến lúc”. Đó là lời mở đầu cho những dòng tâm sự mà Emilia Clarke – nữ diễn viên thủ vai nữ hoàng rồng Daenerys trong kiệt tác truyền hình “Game of Thrones” viết gửi tạp chí The New Yorker.

Nữ diễn viên Emilia Clarke vừa có những chia sẻ lần đầu tiên về căn bệnh phình mạch của bản thân.

Đẹp Online xin trích lược một phần bức thư dưới đây:

“Tôi đối mặt với căn bệnh mà một phần ba bệnh nhân mắc phải sẽ tử vong ngay lập tức”

Đó là thời điểm đầu năm 2011. Khi ấy tôi vừa mới quay xong mùa đầu tiên của “Game of Thrones'” – series sử thi mới dựa trên bộ sách kỳ ảo của nhà văn George R. R. Martin. Tôi gần như chưa từng có kinh nghiệm diễn xuất chuyên nghiệp, nhưng họ vẫn giao cho tôi vai diễn lớn vô cùng: Daenerys Stormborn nhà Targaryen, hay còn gọi là Khaleesi của Biển Cỏ Dothraki, công nương đảo Dragonstone, người phá bỏ xiềng xích, kẻ không thể thiêu cháy, và Mẹ Rồng. Dù còn nhỏ tuổi, nhưng Daenerys đã bị bán làm dâu một mã tướng man di có tên Drogo. Câu chuyện tiếp diễn sau đó rất dài, tận 8 mùa phim, nhưng cứ hiểu nôm na là cô ấy đã mạnh mẽ lên rất nhiều, trưởng thành hơn rất nhiều. Cô ấy trở thành một biểu tượng nữ quyền và lòng trân trọng bản thân. Trước khi tôi kịp nhận ra, đã có hàng nghìn bé gái khắp nơi đội tóc giả bạch kim và diện bộ cánh thướt tha của Daenerys vào dịp lễ Halloween.

Daenerys Targaryen là vai diễn lớn trong sự nghiệp của nữ diễn viên nổi tiếng.

Hai biên kịch của phim, David Benioff và D.B. Weiss bảo tôi rằng nhân vật này là sự kết hợp của Napoleon, nữ tướng Joan Arc, và Lawrence Xứ Ả Rập. Vậy nhưng, chỉ vài tuần sau khi đóng máy mùa đầu tiên, tôi chẳng còn cảm thấy vô địch như các nhân vật đó nữa, thay vào đó là nỗi sợ hãi. Tôi sợ những ánh mắt chú ý, sợ ngành công nghiệp phim ảnh đồ sộ mà mình mới dò dẫm dấn thân vào, sợ làm thất vọng những độc giả trung thành của bộ sách. Tôi cảm thấy, vượt lên mọi cảm giác khác, một sự trần trụi. Ngay trong cảnh đầu tiên của mình, tôi đã khỏa thân. Và kể từ buổi họp báo đầu tiên trở đi, tôi phải luôn miệng trả lời một câu hỏi duy nhất: “Nhân vật của cô rất mạnh mẽ, sao cô cứ phải cởi đồ vậy?”. Tôi đáp lại rất từ tốn, nhưng trong đầu thì chỉ muốn hét lên: “Cô ấy phải giết bao nhiêu người trong phim thì mới chứng tỏ bản thân được đây?”.

Khi bắt đầu quay phim, cô sợ mọi thứ xung quanh của ngành công nghiệp phim ảnh đồ sộ mà mình mới dò dẫm dấn thân vào.

Để xả bớt nỗi căng thẳng, tôi tìm đến phòng tập. Một trong những điều cần thiết của một diễn viên truyền hình chính là nó: tập thể hình. Tôi vẫn nhớ rõ, vào buổi sáng ngày 11 tháng 2 năm 2011, tôi đang trong phòng thay đồ ở một phòng tập khu Crouch End, Bắc Luân Đôn, thì bất chợt cảm thấy đau đầu. Trong phút chốc, nó đã nặng đến mức làm tôi choáng váng, khó khăn lắm mới xỏ giày được vào chân. Nhưng tôi vẫn ra phòng tập, và gắng gượng tập vài bài đầu tiên.

Rồi đến lúc huấn luyện viên bảo tôi nằm xuống tập động tác plank, và ngay lập tức, tôi có cảm giác như não mình bị một sợi dây siết lại. Tôi cố làm lơ cơn đau, nhưng không thể. Tôi bảo huấn luyện viên rằng mình cần nghỉ vài phút. Bằng cách nào đó, gần như là bò đi, tôi trở lại được phòng thay đồ, gục đầu bên chậu rửa mặt và nôn thốc nôn tháo. Suốt thời gian đó, cơn đau trong đầu tôi chỉ tăng lên chứ không hề giảm. Và trong thâm tâm, tôi biết mình đang gặp rắc rối rất nghiêm trọng.

Trong vài tháng sau đó, tôi cố gắng vượt qua cơn đau và những lần chóng mặt. Tôi tự nhủ với mình “Mày làm sao mà liệt người được”. Và sau mỗi lần nghĩ như vậy, tôi bất giác lại duỗi ngón tay ra để biết chắc điều ấy vẫn còn đúng. Việc học thuộc những câu thoại trong “Game of Thrones” đã giúp tôi giữ lại chút nào đó tâm trí mình, nhưng cũng chẳng duy trì mãi được.

Để giải tỏa những căng thẳng, Emilia Clarke đã tìm đến phòng tập thể hình.

Rồi tới lúc tôi nghe một giọng phụ nữ từ buồng bên cạnh vọng sang, hỏi xem tôi có ổn không. Và tôi không ổn chút nào. Cô ấy chạy sang giúp tôi đứng lên, và từ đó, mọi thứ tôi nhớ chỉ còn là mảng mờ mịt. Tôi nhớ mang máng tiếng còi xe cấp cứu, tiếng nói của bác sĩ, lời chẩn đoán của họ rằng mạch của tôi đang yếu đi. Tôi nôn không ngừng. Có người tìm thấy di động của tôi và gọi cho bố mẹ tôi, khi đó đang sống ở Oxfordshire.

Tôi bị chảy máu vùng dưới màng nhện bọc não (hay viết tắt là SAH), một kiểu đột quỵ gây nguy hiểm đến tính mạng, do máu chảy vào vùng bao quanh não bộ. Tôi vừa bị phình, vừa bị vỡ động mạch.

Tôi vẫn không tài nào nhận thức rõ được mọi thứ xung quanh mình, chỉ lờ mờ cảm thấy mình đang được đặt lên giường, đưa lên xe cứu thương, rồi vào một căn phòng đầy mùi thuốc tiệt trùng. Chẳng ai biết tôi gặp phải chuyện gì, nên các bác sĩ không thể cho tôi thuốc để giảm cơn đau. Cuối cùng, tôi được đưa đi chụp não. Kết quả cho ra rất nhanh và đáng lo ngại: tôi bị chảy máu vùng dưới màng nhện bọc não (hay viết tắt là SAH), một kiểu đột quỵ gây nguy hiểm đến tính mạng, do máu chảy vào vùng bao quanh não bộ. Tôi vừa bị phình, vừa bị vỡ động mạch.

Sau này tôi mới biết, khoảng một phần ba bệnh nhân mắc chứng này sẽ tử vong ngay lập tức, hoặc rất nhanh sau đó. Với những người may mắn sống sót, họ cần được điều trị khẩn cấp để chỗ mạch phình không vỡ. Nhưng kể cả như vậy, vẫn có khả năng rất cao bị chảy máu lần thứ hai, có thể gây chết người. Nếu tôi may mắn qua khỏi thêm cả lần đó, chi phí chữa trị sẽ lên cao đến mức không dám tưởng tượng. Và kể cả đến lúc đó, vẫn không có gì đảm bảo mọi nguy hiểm đã qua đi.

“Mẹ Rồng” từng trải qua khoảng thời gian nguy kịch khi đối mặt với  căn bệnh quái ác.

Vào buổi đêm, tôi được chuyển đến Viện Thần Kinh và Phẫu Thuật Quốc Gia, một tòa nhà gạch đỏ đẹp đẽ nằm ở khu trung tâm Luân Đôn. Mẹ tôi phải thu mình ngủ trên ghế ở khu thăm nom, trong khi tôi mê mê tỉnh tỉnh, lẫn lộn giữa đau đớn, mệt mỏi và ác mộng.

Tôi nhớ mình được đưa cho tờ đơn đăng ký phẫu thuật. Phẫu thuật não ư? Tôi đang ở giữa cuộc sống diễn viên bộn bề, tôi làm gì có thời gian phẫu thuật não? Nhưng cuối cùng, tôi cũng thỏa hiệp và chấp nhận kí. Rồi tôi được gây mê. Trong vòng 3 tiếng sau đó, các bác sĩ đã chữa não cho tôi. Nhưng đó chưa phải là ca phẫu thuật cuối cùng, và còn chưa phải là ca tệ nhất. Lúc đó, tôi mới 24 tuổi.

Dù mới 24 tuổi nhưng Emilia Clarke đã phải đối mặt với một căn bệnh hết sức nguy hiểm.
“Cha tôi nói diễn viên đều là đồ tự phụ và thất nghiệp”

Tôi lớn lên ở Oxford và chẳng mấy khi để tâm đến sức khỏe. Hầu hết những suy nghĩ của tôi là về diễn xuất. Cha tôi là thiết kế âm thanh. Ông từng góp công trong các vở kịch “Câu Chuyện Miền Tây”“Chicago” trên sân khấu West End. Mẹ tôi thì là một doanh nhân, bà là phó chủ tịch mảng marketing của một văn phòng quản lý đa quốc gia. Gia đình tôi không giàu có, nhưng anh trai và tôi vẫn được học trường tư. Cha mẹ, vốn luốn muốn chúng tôi có những gì tốt nhất, luôn phải chật vật với chi phí đắt đỏ hàng năm.

Tôi không nhớ rõ từ khi nào mình bắt đầu muốn làm diễn viên. Cha mẹ bảo tôi đó là vào năm lên 3 hay 4 tuổi. Tôi đi cùng cha đến nhà hát kịch, và mê mệt những hoạt động trong cánh gà: những câu chuyện phiếm, đạo cụ, phục trang, tới cả những tiếng nhắc nhau khe khẽ khi đèn mờ dần. Lúc tôi 3 tuổi, cha đưa tôi đi xem vở kịch “Du Thuyền Ca Múa”. Dù tôi hồi nhỏ là đứa trẻ rất nghịch và ồn ào, nhưng tôi đã ngồi yên lặng xem hết hơn 2 tiếng vở kịch đó. Khi tấm màn khép lại, tôi đứng trên ghế và hoan hỉ vỗ tay trên đầu.

Đam mê diễn xuất cháy bỏng nhưng chính bản thân cô cũng không nhớ rõ từ khi nào mình bắt đầu muốn làm diễn viên.

Về nhà, tôi bắt đầu bật băng xem đi xem lại bộ phim “Yểu Điệu Thục Nữ” (My Fair Lady) đến mức cuộn băng suýt thì hỏng. Tôi mê mệt câu chuyện về người thợ điêu khắc Pygmalion tạo nên vợ mình từ bức tượng  trong thần thoại Hy Lạp. Và từ đó, tôi nghĩ chỉ cần tập luyện chăm chỉ và được hướng dẫn tốt, tôi ắt sẽ thành công. Cha tôi không hài lòng lắm khi tôi bảo ông mình muốn làm diễn viên. Ông ấy đã biết kha khá diễn viên rồi, và theo ý ông, họ đều là đồ tự phụ và thất nghiệp.

Trường mẫu giáo của tôi, ngôi trường Sóc Nhỏ ở Oxford là một nơi bình dị, ngăn nắp và dễ chịu. Khi lên 5 tuổi, tôi được đóng vai chính trong vở kịch. Tiếc là tới lúc lên sân khấu và nói thoại, tôi lại quên hết toàn bộ. Tôi cứ đứng giữa sân khấu, đơ người ra, cảm nhận mọi thứ xung quanh. Ở hàng ghế đầu, các giáo viên đều cố nhép miệng để nhắc tuồng cho tôi. Thực ra, tôi đâu có sợ. Tôi rất bình tĩnh, như thể đang làm quen với ngôi nhà mới mà mình sẽ cư trú rất lâu. Trạng thái đó tới giờ vẫn thường xuyên diễn ra. Tôi có thể đứng trên thảm đỏ, với cả ngàn máy ảnh xung quanh mà không nao núng. Tất nhiên, bảo tôi đi ăn tối với 6 người lạ đi, mọi chuyện sẽ khác ngay.

Theo thời gian, tôi bắt đầu diễn tốt hơn, cũng thuộc thoại hơn. Nhưng tôi chẳng phải thiên tài diễn xuất.

Theo thời gian, tôi bắt đầu diễn tốt hơn, cũng thuộc thoại hơn. Nhưng tôi chẳng phải thiên tài diễn xuất. Năm tôi lên 10, cha dẫn tôi đi thử vai trong vở kịch “Cô Bé Tạm Biệt” của Neil Simon ở nhà hát West End. Khi vào bên trong, tôi thấy cô bé nào thử vai đó cũng hát một bài trong vở nhạc kịch “Đàn Mèo”. Còn tôi thì chỉ biết hát bài dân ca “Cưỡi Lừa”. Sau khi kiên nhẫn nghe tôi hát hết, có người hỏi tôi: “Cháu hát bài khác hiện đại hơn được không?”. Và rồi tôi gân cổ lên hát bài “Wanna be” của nhóm Spice Girls. Cha tôi chỉ biết ôm mặt. Tất nhiên là tôi trượt vai, thật may làm sao. Cha tôi bảo: “Sẽ tệ hơn nhiều nếu con được chọn, và họ chê con bằng những bài báo”.

Khi được cháy với đam mê diễn xuất, “mẹ rồng” dường như không sợ mọi thứ xung quanh.
Tôi kiếm sống bằng những công việc ở quán nước, trung tâm điện thoại, thậm chí chỉ đường nhà vệ sinh trong bảo tàng. Mỗi giây đều dài như vài ngày.

Nhưng tôi vẫn kiên trì. Ở trường, tôi đóng Anita trong “Câu Chuyện Miền Tây”, Abigail trong vở “Nồi Luyện Kim”, một trong ba mụ phù thủy trong vở “Macbeth”,  Viola trong vở “Đêm Thứ Mười Hai”. Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi nghỉ một năm, thử làm công việc bồi bàn và đi du lịch ba lô tới châu Á. Rồi tôi bắt đầu theo học lớp diễn xuất ở Trung Tâm Kịch Nói Luân Đôn để thi đỗ khóa học 3 năm. Là lính mới, chúng tôi phải học mọi thứ, từ vở “Vườn Anh Đào” tới vở “Dây Điện”. Tôi không được diễn vai chính, các cô nàng cao, tóc vàng, mảnh mới được nhận vai đó. Tôi chỉ được đóng bà mẹ dân Do Thái trong vở “Thức Giấc và Hát!”. Các bạn sẽ cười chết khi nghe tôi nhái giọng vùng Bronx cho xem.

Sau khi tốt nghiệp, tôi tự hứa với chính mình: trong một năm tới, tôi sẽ chỉ diễn những vai có tiềm năng. Tôi kiếm sống bằng những công việc ở quán nước, trung tâm điện thoại, thậm chí chỉ đường nhà vệ sinh trong bảo tàng. Mỗi giây đều dài như vài ngày. Nhưng tôi rất quyết tâm: Một năm không diễn vai linh tinh, không tham gia những vở kịch chắp vá nữa.

Khi vừa tốt nghiệp, Emilia Clarke quyết tâm chỉ diễn những vai có tiềm năng.
Nhảy điệu gà đập cánh và người máy khi thử vai cho ‘Game of Thrones’. Tôi biết mình hỏng bét rồi.

Vào mùa xuân năm 2010, người đại diện gọi cho tôi và nói đang có một buổi thử vai ở Luân Đôn cho một series phim truyền hình mới của HBO. Chẳng là tập đầu tiên của “Game of Thrones” đã không được chấp nhận, và họ phải tuyển lại nhiều vai, trong đó có Daenerys. Yêu cầu của vai diễn này là một nữ nhân đẹp bí ẩn, tóc trắng muốt. Còn tôi là một cô nàng Anh thấp bé, nảy nở và tóc đen. Sao cũng được. Để chuẩn bị thử vai, tôi phải học thuộc hai đoạn hội thoại thuộc hai cảnh, thứ nhất là ở tập 4, khi Daenerys bị anh trai đánh và phản kháng; một cảnh ở tập 10, khi Daenerys đi vào biển lửa và không mảy may thương tích.

Khi còn học trong trường diễn xuất, nữ diễn viên Emilia Clarke không ít lần gục trên sân khấu. Đó cũng là những dấu hiệu đầu tiên về căn bệnh chảy máu vùng dưới màng nhện bọc não mà cô mắc phải.

Vào thời điểm đó, tôi vẫn luôn nghĩ mình khỏe mạnh. Đôi khi tôi thấy hơi choáng váng, vì tôi bị nhịp tim và huyết áp thấp. Đôi lúc tôi còn lả đi. Năm 14 tuổi, tôi bị đau đầu dữ dội và phải nằm lì trên giường suốt nhiều ngày. Và khi học trường diễn xuất, tôi không ít lần gục trên sân khấu. Nhưng tất cả những thứ đó dường như rất dễ giải quyết. Chúng chỉ giống như hệ quả của sự căng thẳng khi muốn làm diễn viên, hoặc căng thẳng trong đời sống nói chung. Mãi về sau này tôi mới biết, đó có lẽ là những dấu hiệu cơ thể đang nói cho tôi biết.

Những dấu hiệu cơ thể thường xuyên căng thẳng chính là dấu hiệu cảnh báo một căn bệnh nguy hiểm đang rình rập cô.

Tôi thử vai “Game of Thrones” ở một phòng thu âm nhỏ xíu tạ khi Soho. 4 ngày sau đó, tôi nhận một cuộc gọi lại. Có vẻ như lần thử vai của tôi không tệ lắm, và họ muốn tôi bay tới Los Angeles trong vòng 3 tuần sau đó để thử vai trực tiếp trước Benioff, Weiss và đại diện hãng phim. Tôi lao vào tập thể hình để có thể xuất hiện thật tự tin. Trong chuyến bay tới Los Angeles, tôi ngồi ở khu doanh nhân, và đã lấy hết các gói trà ở chỗ của mình về làm kỉ niệm. Khi tới buổi thử vai, tôi không dám nhìn lên sau khi tình cờ bắt gặp một diễn viên khác – xinh đẹp, mảnh mai, cao, tóc vàng. Tôi diễn cả hai cảnh được yêu cầu trên một sân khấu tối tăm, bên dưới chỉ có vài người trong đội sản xuất. Khi hoàn thành thử vai và chẳng ai nói câu gì, tôi buột miệng: “Tôi còn làm điều gì khác được không?”.

Tôi lập tức nhảy điệu gà đập cánh và điệu người máy. Có vẻ như tôi đã làm hỏng bét. Tôi chưa bao giờ là người nhảy giỏi cả.

David Benioff nhún vai: “Cô có thể nhảy”. Không muốn làm ngài ấy thất vọng, tôi lập tức nhảy điệu gà đập cánh và điệu người máy. Có vẻ như tôi đã làm hỏng bét. Tôi chưa bao giờ là người nhảy giỏi cả.

Nhưng khi tôi đang rời khỏi nhà hát, họ chạy tới gọi tôi lại và nói: “Chúc mừng, Công Chúa”. Vai diễn đã thuộc về tôi. Tôi cảm thấy không thở nổi. Khi về đến khách sạn, một vài người rủ tôi lên sân thượng làm vài chầu với họ. Tôi từ chối và nói: “Không sao đâu mà”. Đúng là không sao thật, tôi chỉ đơn giản là về phòng, mở một bịch bánh Oreo, vừa xem lại series hài “Friends” vừa gọi điện khoe cho tất cả mọi người mà tôi biết.

Ca phẫu thuật đầu tiên mà Emilia Clarke trải qua được gọi là loại “xử lý tối giản”.
Ca phẫu thuật đầu tiên 

Ca phẫu thuật đầu tiên tôi trải qua được gọi là loại “xử lý tối giản”, hiểu nôm na là họ vẫn chưa mở hộp sọ tôi ra. Thay vào đó, họ dùng một kĩ thuật gọi là cuộn nội mạch, để luồn một ống dây rất nhỏ vào động mạch ở đùi, cứ thế dẫn lên vòng qua tim và tới não, để xử lý đoạn mạch phình.

Tôi chưa bao giờ thấy hoảng hốt như vậy, như thể cảm giác được sự kết túc đang kề cận. Tôi là một diễn viên, công việc của tôi là nhớ lời thoại. Nhưng giờ đến tên mình tôi cũng không nhớ nổi.

Ca phẫu thuật, như đã nói, kéo dài 3 tiếng. Khi tôi tỉnh lại, cơn đau phải nói là không cách nào chịu đựng được. Tôi không nhớ ra nổi mình đang ở đâu. Tầm nhìn của tôi bị hạn chế. Họng tôi bị nối ống, cả người khô nẻ và buồn nôn khó chịu. Họ chuyển tôi ra khỏi phòng theo dõi sát sao sau đó 4 ngày, và bảo tôi rằng việc cần nhất lúc này là vượt qua 2 tuần tiếp theo. Nếu sau khoảng thời gian đó, tôi không gặp biến chứng nào đáng ngại, thì khả năng phục hồi sẽ tương đối cao.

Vào một buổi tối, sau khi cái mốc 2 tuần đã qua đi, một y tá đánh thức tôi dậy, và cho tôi tập một loạt bài tập về nhận tức. Cô ấy hỏi tên tôi là gì. Thật dễ dàng, là Emilia Isobel Euphemia Rose Clarke. Nhưng vào lúc đó, tôi không tài nào nhớ ra nổi. Thay vào đó, chỉ có một tràng từ vô nghĩa xổ ra từ môi tôi, và tôi trở nên hoảng loạn cực độ. Tôi chưa bao giờ thấy hoảng hốt như vậy, như thể cảm giác được sự kết túc đang kề cận. Tôi là một diễn viên, công việc của tôi là nhớ lời thoại. Nhưng giờ đến tên mình tôi cũng không nhớ nổi.

Sau khi phẫu thuật, Emilia Clarke gặp khủng hoảng nghiêm trọng khi trí nhớ bị suy giảm.
Có những khoảnh khắc tồi tệ, khi tôi chỉ muốn rút cái máy duy trì sự sống ra.

Triệu chứng mà tôi mắc phải gọi là chứng mất ngôn ngữ, một hậu quả của những chấn thương não bộ. Dù mọi thứ tôi nói ra chỉ là những mớ hồ ngôn loạn ngữ, nhưng mẹ tôi đã cố hết sức để thuyết phục tôi rằng bà hiểu được hết. Có điều tôi không ngốc. Tôi biết trí nhớ của mình đang kém đi. Có những khoảnh khắc tồi tệ, khi tôi chỉ muốn rút cái máy duy trì sự sống ra. Tôi còn hỏi một nữ y tá xem cô ấy có làm giúp điều đó được không. Công việc của tôi, giấc mơ của tôi, mọi thứ đều xoay quanh ngôn ngữ, qua hội thoại và trao đổi. Không có nó, tôi chẳng còn động lực nào nữa.

Tôi được đưa trở lại phòng theo dõi, và sau khoảng một tuần, chứng mất ngôn ngữ cũng qua đi. Tôi lại nói được, và nhớ lại tên của mình – đủ 5 mẩu cả họ lẫn đệm. Nhưng tôi cũng bắt đầu nhận ra có những người nằm quanh mình không qua nổi giai đoạn theo dõi ấy, và những dáng hình ấy không ngừng nhắc nhở rằng tôi may mắn ra sao. Một tháng sau khi nhập viện, tôi được về nhà trong nỗi khao khát được hít thở không khí trong lành, và tắm nước nóng. Ngay lập tức, tôi trở lại những cuộc phỏng vấn và họp báo. Và chỉ sau đó vài tuần, tôi nhận được lịch trình quay “Game of Thrones” mùa thứ 2.

Bất chấp bệnh tật đang đe dọa tính mạng, Emilia Clarke vẫn tiếp tục tham gia đóng phim.

Tôi đã trở lại guồng quay cuộc sống, nhưng khi còn nằm viện, các bác sĩ đã lưu ý tôi rằng tôi vẫn còn một đoạn mạch phình nhỏ hơn ở phần não bên kia, và nó có thể vỡ ra bất cứ lúc. Nhưng họ cũng nói rằng nó khá nhỏ, và có khả năng nó sẽ ở yên đó, vô hại không thời hạn. Chỉ cần theo dõi cẩn thận và mọi chuyện sẽ ổn. Việc hồi sức cũng chẳng phải nhanh chóng. Tôi vẫn còn đau nhức, và chịu đựng tàn dư của thuốc mê. Tôi nói với các sếp ở hãng phim về tình trạng của mình, nhưng cũng bảo họ rằng tôi không muốn chuyện này lộ ra ngoài. Bộ phim đơn giản là vẫn phải tiếp tục.

Dường như ca phẫu thuật không có hiệu quả khi Emilia Clarke vẫn đối mặt liên tục với những triệu chứng bệnh.
Ngay từ trước khi season 2 khởi quay, tôi đã cảm thấy không yên tâm về bản thân. Tôi vẫn rất mê mụ, rất yếu ớt, đến mức đôi khi tôi cảm thấy ca phẫu thuật kia chẳng có tác dụng gì.

Ngay từ trước khi season 2 khởi quay, tôi đã cảm thấy không yên tâm về bản thân. Tôi vẫn rất mê mụ, rất yếu ớt, đến mức đôi khi tôi cảm thấy ca phẫu thuật kia chẳng có tác dụng gì. Trong chuyến đi quảng bá vòng quang Luân Đôn, tôi nhớ rõ cảm giác ngồi trước mặt đám đông nhưng chẳng biết chuyện gì đang xảy ra. Đôi khi tôi phải uống thuốc giảm đau trong khoảng nghỉ giữa những cuộc phỏng vấn. Tôi thất vọng bản thân ghê gớm, bởi vì, xin được nói thẳng, ấn tượng bề ngoài là thứ quan trọng nhất khi làm một diễn viên. Tôi đang ngồi đó, nắm trong tay một cơ hội ngàn vàng mà không ai có được, và tất cả những gì hiện ra trên mặt tôi là một vẻ ngơ ngác hoang mang.

Rồi cũng đến lúc quay season 2 ở Dubrovnik, Tây Ban Nha. Tôi không ngừng tự nhủ: “Mình không sao, mình đang ở độ tuổi khỏe nhất trong đời mà. Mình ổn cả”. Tôi lao đầu vào công việc. Nhưng sự thật là cuối ngày quay đầu tiên, tôi chỉ còn cách lết về khách sạn và đổ ập lên giường vì mệt. Tất nhiên, tôi luôn nỗ lực hết mình trước máy quay, nhưng bên trong thì tôi vô cùng chật vật. Season 2 là mùa tôi đóng tệ nhất. Tôi còn chẳng biết nhân vật của mình đang làm gì nữa.

Nữ diễn viên luôn nỗ lực hết mình trước máy quay, dù bên trong cơ thể vô cùng chật vật.
Ca phẫu thuật lần hai thất bại…

Năm 2013, sau khi quay xong season 3 “Game of Thrones”, tôi nhận được một vai diễn ở Broadway tận nước Mỹ. Đó là vai Holly Golightly. Khi diễn tập, mọi thứ đều tuyệt vời. Nhưng sau khi vở kịch ra mắt, chẳng mấy chốc mà chúng tôi hiểu ra nó sẽ không thành công. Nó chỉ được diễn trong vài tháng ngắn ngủi, rồi bị ngừng hẳn.

Các bác sĩ nói thẳng rằng cơ hội sống rất mong manh nếu họ không phẫu thuật lại ngay lập tức. Và lần này, họ cần tiếp cận não tôi bằng cách truyền thống, tức là mở hộp sọ ra.

Trong thời gian ở New York để tham gia vở kịch ấy, tôi tranh thủ đi chụp não, một việc mà giờ đây tôi phải làm định kì. Phần mạch phình ở nửa não kia của tôi đã lớn gấp đôi, và bác sĩ ở đó khuyên tôi nên “giải quyết nó ngay”. Tôi được bảo rằng ca phẫu thuật lần này sẽ đơn giản hơn, dễ dàng hơn lần trước. Tôi lại mặc bộ đồ bệnh nhân ở một bệnh viện khu Manhattan. Cha mẹ tôi đã có mặt. “Gặp con sau 2 giờ nữa nhé”, mẹ tôi nói trước khi tôi được đưa vào phòng mổ. Chỉ là luồn thêm một ống dẫn nữa vào não tôi thôi, ổn cả mà.

Nhưng rốt cuộc thì chẳng ổn chút nào. Khi họ đánh thức tôi dậy, tôi lập tức gào thét vì đau. Ca phẫu thuật đã thất bại, và tôi bị xuất huyết rất nghiêm trọng. Các bác sĩ nói thẳng rằng cơ hội sống rất mong manh nếu họ không phẫu thuật lại ngay lập tức. Và lần này, họ cần tiếp cận não tôi bằng cách truyền thống, tức là mở hộp sọ ra.

Ca phẫu thuật lần hai bị thất bại khiến Emilia Clarke phải đối mặt với những khoảnh khắc sinh tử.

Quá trình phục hồi sau lần đó còn đau đớn hơn nhiều so với lần đầu tiên. Nhìn tôi khi ấy, bạn sẽ có cảm giác tôi đã trải qua những thứ khiến khó khăn của Daenerys trên phim nhìn như trò trẻ con. Khi được đưa ra khỏi phòng phẫu thuật, tôi vẫn có một ống dẫn nối từ đầu ra. Một phần xương sọ tôi đã được thay bằng titan. Hiện giờ thì không còn nhìn thấy vết sẹo kéo dài từ đỉnh đầu tới tai nữa. Quan trọng nhất là, tôi tiếp tục lo sợ về khả năng mất ý thức hoặc cảm giác. Tôi sẽ bị giảm tập trung, giảm trí nhớ, hay giảm thị lực? Giờ đây, tôi hay đùa rằng ca phẫu thuật ấy khiến tôi đánh mất gu thẩm mĩ về bạn trai. Thật vui vì tôi có thể nhìn lại quãng thời gian đó và cười lớn, dù thực sự là nó chẳng vui vẻ gì hết.

Emilia Clarke luôn lo sợ bản thân sẽ bị giảm tập trung, giảm trí nhớ, hay giảm thị lực.

Ở lần phẫu thuật đầu tiên, tôi từng cảm thấy mình đã chạm tới đáy của mọi thứ tồi tệ. Thì ra, chúng vẫn chẳng thấm vào đâu so với sự suy sụp sau ca phẫu thuật thứ hai. Tất cả trở nên đen tối, tiêu cực hơn cả nghìn lần. Và tệ nhất là, tin tức về bệnh tình của tôi đã ít nhiều truyền ra ngoài. Tạp chí National Enquirer đã viết một bài báo về tôi, 6 tuần sau ca phẫu thuật. Nhưng cũng chỉ dừng ở đó. Có lần phóng viên hỏi tôi về chuyện sức khỏe, và tôi phủ định mọi thứ…

Vượt lên tất cả mọi thứ, cô nàng vẫn cháy hết mình với đam mê diễn xuất và với những hoạt động từ thiện.

…cho tới tận ngày hôm nay. Trong quãng thời gian từ ca phẫu thuật thứ hai tới hiện tại, tôi đã hồi phục vượt quá mọi kỳ vọng của bản thân. Giờ đây, tôi đã trở lại là 100% con người mình. Nhưng tôi biết chắc chắn mình không phải người duy nhất. Vô vàn người đã gặp hoàn cảnh tồi tệ hơn nhiều, và hoàn toàn thiếu thốn những sự ủng hộ, chăm sóc tận tình mà tôi đã may mắn nhận được.

Ngoài công việc diễn xuất, tôi quyết định dấn thân vào từ thiện. Một tổ chức do chính tôi sáng lập cùng các cộng sự ở cả Mỹ và Anh vừa chính thức ra đời. Nó có tên SameYou (Bạn Cũng Thế), và có mục tiêu giúp đỡ điều trị cho những người bị chấn thương não hoặc tai biến. Mỗi ngày trôi qua, tôi đều cảm thấy biết ơn mẹ, anh trai, những bác sĩ, y tá và bạn bè tôi. Và mỗi ngày trôi qua, tôi đều nhớ về cha tôi, người đã qua đời năm 2016 vì ung thư, nhưng vẫn ở bên cạnh nắm tay tôi tới cùng.

Tôi không thể bày tỏ hết sự tự hào và may mắn khi mình đã hoàn thành chặng đường mang tên “Game of Thrones”. Thật hạnh phúc khi được chứng kiến cái kết của nó, và chứng kiến sự khởi đầu của những chuyến phiêu lưu tiếp theo.

Thực hiện: Đinh Duy Vũ

25/03/2019, 10:00