Với trẻ con, đúng thật là chúng sẽ luôn có những bất ngờ dành tặng cha mẹ mà chúng ta không thể nào đoán trước được. Thẳng thắn bày tỏ “Con ghét mẹ bắt con chúc Tết” hay thể hiện sự im lặng đáng sợ hoặc òa khóc trước mặt khách khi bị ép chúc Tết vốn là những câu chuyện vừa bực mình vừa buồn cười trong ngày Tết của không ít cha mẹ. Làm sao để con tự tin chúc Tết hoặc hạn chế sự lúng túng của cả trẻ lẫn cha mẹ là cả một câu chuyện đầy thú vị mà cha mẹ cần hiểu để giúp trẻ yêu thêm giá trị Tết.
Trẻ chỉ thích làm điều chúng hiểu và tin
Khi đưa con trở về nhà từ nhà sếp, tôi đã im lặng với con gái. Tôi giận con và cũng cảm thấy khó chịu ngay cả với chính mình. Khó chịu vì không hiểu tại sao con gái lại phản ứng mạnh mẽ trước mặt mẹ và người lớn như thế? Có lẽ cảm nhận được không khí không mấy thoải mái, dễ chịu, nên cháu đã thỏ thẻ hỏi tôi: “Mẹ giận con hả mẹ?”. Chưa kịp “mắng” cho cô nàng bé bỏng ấy một trận để hả cơn giận thì đã nghe nàng thưa thốt: “Năm nào mẹ cũng bắt con chúc Tết, mà con thì đâu có thích chúc Tết. Con đã ‘chiều’ mẹ mấy năm rồi”, tôi bật cười và ôm ngay con gái vào lòng để hôn lấy hôn để lên gương mặt thơm mùi thơ dại của con bé.
Lúc đó, tôi có cảm giác mình là kẻ độc tài, tự cho mình quyền làm mẹ và ép bọn trẻ phải làm điều mình muốn. Chúng ta chỉ thật sự thấy vui và vì yêu quý một ai đó nên mới muốn thể hiện tình cảm qua những câu chúc may mắn, hạnh phúc. Vậy thì tại sao lại bắt trẻ con phải chúc những điều mà chúng còn chưa thể hiểu hết ý nghĩa dành tặng cho những người mà đôi khi chúng chỉ vừa mới gặp lần đầu tiên trong đời? Và tại sao trong 365 ngày, trẻ cũng gặp gỡ bạn bè của ba mẹ, gặp gỡ ông bà, cô chú nhưng không bị bắt chúc những lời đẹp đẽ mà cứ vào dịp Tết, khi chúng đang say sưa với mứt ngon kẹo ngọt, đang vui chơi với các bạn nhỏ khác thì bị lôi ra ép phải chúc Tết?
Trẻ thật sự có cả một khối ấm ức to lớn vào ngày Tết cần cha mẹ thông cảm và hiểu chúng. Vì sao chúng cần chúc Tết? Chúc Tết có ý nghĩa gì? Nếu hiểu được lý do mình phải làm thì tôi tin mọi đứa trẻ sẽ cảm thấy vui khi chúc Tết chứ không phải chúc Tết vì “chiều mẹ”, vì để được “lì xì” hay thậm chí vì nếu không sẽ bị mẹ đánh đòn.
Trẻ thích tự do, và dĩ nhiên có cả tự do chúc Tết
Tôi đã nói với con gái nhỏ của mình rằng tôi sai khi ép cháu chúc Tết, khi bắt cháu phải học thuộc lòng quy tắc chúc Tết. Rằng với người già, con phải chúc sức khỏe, với người trẻ con phải chúc hạnh phúc, với các chú con phải chúc thật nhiều tiền, với các cô con phải chúc tình yêu. Tôi xin lỗi đã làm cho con gái luôn căng thẳng mỗi khi gặp bạn bè tôi, tôi xin lỗi đã làm cho những ngày Tết của cháu lúc nào cũng trong trạng thái chuẩn bị “trả bài” trước mặt mẹ và những người lớn lạ mặt mà cháu chưa kịp quen, chưa kịp thân. Tôi giải thích cho con gái hiểu tại sao phải chúc Tết, rằng người lớn tin khi trao tặng lời chúc về những điều tốt đẹp có liên quan đến sức khỏe, công việc, tình yêu cho một ai đó thì người đó sẽ luôn cố gắng để sống tốt hơn, hạnh phúc hơn và thành công hơn. Vì tình yêu mà tôi dành cho con gái, nên ngày Tết đầu năm tôi luôn chúc con không bị bệnh, chúc con học giỏi có nhiều điểm 10, chúc con có nhiều bạn ở trường để luôn thấy vui và yêu thích việc đi học. Lời chúc ngày Tết vừa là trao cho ai đó một điều may mắn, vừa thể hiện tình yêu mà mình dành cho mọi người trong ngày đầu năm mới. Con có thể thoải mái bày tỏ suy nghĩ về điều tốt đẹp mà con muốn dành tặng cho người lớn hay bạn nhỏ mà con gặp gỡ trong dịp Tết qua lời chúc. Sẽ không có một công thức lời chúc chung mà con phải nhớ. Sẽ không có một quy luật bắt buộc con chúc Tết bất cứ ai.
Một vòng tay ôm là lời chúc Tết dễ thương mà con có thể trao tặng.
Một nụ cười hồn nhiên là lời chúc Tết đáng yêu mà con thể hiện.
Một cái nắm tay là cách con bày tỏ lời chúc Tết ấm áp.
Hãy chúc Tết theo cách con muốn và hãy yêu Tết hơn khi con hiểu chúc Tết chính là gieo yêu thương, gieo hạt giống tốt đẹp từ tâm hồn con đến tâm hồn một người khác trong những ngày đầu năm.
Bài: Yên Lam
Xem thêm: 8 món tráng miệng cho ngày Tết