Một trẻ nhỏ bị mắc bệnh teo não do virus Zika gần Recife, thủ phủ Pernambuco, miền đông bắc Brazil ngày 1/2 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
WHO nhấn mạnh dựa trên các bằng chứng hiện có, lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với trẻ sơ sinh và người mẹ vẫn lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm ẩn nào liên quan tới khả năng truyền nhiễm virus Zika qua nguồn dưỡng chất quý giá này.
WHO cũng lưu ý rằng mặc dù đã phát hiện virus Zika có trong sữa mẹ của 2 sản phụ bị lây nhiễm loại virus này, song chưa có bất kỳ báo cáo chuyên môn nào xác nhận khả năng truyền bệnh cho trẻ qua con đường này.
Tuyên bố của WHO nêu rõ giới chức y tế thế giới và các chuyên gia dự kiến sẽ tiến hành đánh giá một cách có hệ thống đối với nguy cơ lây nhiễm nói trên vào tháng 3 tới để có thể tiếp tục đưa ra những lời khuyên phù hợp.
Trước đó, ngày 24/2, Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan cảnh báo virus Zika đang đặt ra một thách thức không nhỏ đối với nhiều quốc gia, đồng thời nhận định diễn biến dịch có thể tồi tệ hơn trước khi ghi nhận kết quả khả quan.
Virus Zika lây nhiễm qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes – loài côn trùng hiện có mặt tại 130 quốc gia trên thế giới. Triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm virus là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Theo WHO, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự liên quan chặt chẽ giữa virus Zika với chứng teo não ở thai nhi và hội chứng rối loạn hệ thống miễn dịch Guillain Barré, có thể gây tử vong. Tuy nhiên, chưa có vắcxin phòng ngừa loại virus nguy hiểm lần đầu tiên được phát hiện ở những con khỉ Rhesus trong rừng Zika ở Uganda từ năm 1947 này.
Tính đến nay, gần 50 quốc gia và các vùng lãnh thổ – chủ yếu tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, đã xác nhận có các trường hợp nhiễm virus Zika. Brazil là nước ghi nhận số ca mắc cao nhất với 1,5 triệu người. Các đợt bùng phát virus trước đây từng được ghi nhận tại khu vực châu Phi, Đông Nam Á, các quần đảo ở Thái Bình Dương và một số nước ở châu Mỹ.
Theo VietnamPlus