Tuổi trẻ, âm nhạc và những năm bom đạn
Tôi là một cô gái Hà Nội chính hiệu, sinh ra tại đất Thăng Long và lớn lên trong tiếng đàn ca réo rắt. Gia định tôi là gia đình làm nghệ thuật, bố mẹ mở trường tư dạy Piano và Accordeon. Có lẽ nhờ thế mà âm nhạc ngấm vào máu thịt và dần dà trở thành một phần không thể tách rời trong tôi.
Dòng máu “con nhà nòi” cộng với sự chỉ bảo của cha mẹ đã xây lên trong tôi tình yêu âm nhạc mãnh liệt. Trong số nhiều nhạc cụ có thể chơi, tôi thích đàn accordeon hơn cả. Thời bấy giờ, con gái chơi accordeon rất hiếm. Chơi mà còn theo nghề lại càng hiếm hơn, thế mà tôi trot đam mê nó và chọn accordeon làm sự nghiệp của mình.
Tôi nhớ như in, năm tôi học lớp 10 (tức là lớp 12 bây giờ) do chiến tranh nên trường phải sơ tán học sinh về nông thôn. Từ một cô gái thành thị, nay phải cởi bỏ tấm áo hoa, thay bằng những tấm áo nâu đến trường thật là lạ lẫm. Cũng may sức trẻ, sự hồn nhiên giúp tôi nhanh chóng làm quen với nếp sống mới. Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn thầm biết ơn những năm tháng sơ tán ấy, biết ơn tiếng cười trong trẻo của tuổi 17, biết ơn những trải nghiệm chỉ có được một lần trong đời: Đó là những ngày tháng được sống trong tình cảm đầm ấm của thầy cô và bè bạn.
Những năm về quê ấy, tôi phải bỏ nhiều thói quen khi sống ở thành phố. Tuy nhiên có một thứ tôi không tài nào bỏ được, đó là cây đàn accordeon. Tốt nghiệp phổ thông, tôi xin vào đội văn công quân đội. Với tất cả nhiệt huyết tuổi trẻ, tôi ôm cây đàn cùng đồng đội đi khắp các trận địa, từ Đông Bắc đến Quân khu Tả ngạn, chơi cho bộ đôi nghe. Xa đến mấy, hễ có lịch biểu diễn là tôi đi, không hề ngại khó ngại khổ.
Lúc bấy giờ, phần thưởng lớn nhất cho tôi và các anh chị trong đoàn là tiếng hò reo cổ vũ, những tràng pháo tay không dứt, và cả ánh mắt tiếc nuối của những anh bộ đội khi đoàn văn công phải rời đi. Tình cảm quân dân lúc đó, thiêng liêng và cảm động làm sao!
Sau này, khi có dịp biểu diễn trên sân khấu lớn tại Berlin, rồi biểu diễn trong buổi lãnh đạo cấp cao như Đại tướng Võ Nguyên Giáp – thủ tương Phạm văn Đồng tiếp các lãnh đạo các nước, cảm giác tự hào, vinh dự và hạnh phúc trong tôi vẫn còn y nguyên.
Khi chiến tranh kết thúc – hoà bình trở lại , tôi trở về học Đại học Âm nhac tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam) học tập trong 4 năm. Sau khi ra trường, tôi được giữ lại làm giảng viên và làm việc cho đến tận khi nghỉ hưu.
Làm cô giáo dạy cả ngàn học sinh nhưng về nhà vẫn phải học làm vợ, làm mẹ
Tại học viện, tôi quen với ông xã bây giờ, cũng là một giảng viên. Sau một thời gian tìm hiểu, chúng tôi kết hôn. Năm đó tôi cũng đã 30. Thời bấy giờ, tuổi kết hôn như tôi đã bị coi là rất muộn. Ngay năm đó tôi có con gái đầu lòng và tận 8 năm sau, năm 1988 mới sinh cô con gái thứ 2. Cô con gái đó chính là Mi Vân.
Quãng thời gian sau khi kết hôn, làm vợ rồi làm mẹ với tôi là một điều vô cùng mới mẻ, nó có nhiều thăng trầm, mang đến cho tôi nhiều trăn trở, nhưng cũng mang lại vô số niềm vui. Tôi nhận thấy, nuôi dạy con cái là một việc đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và không hề đơn giản. Như việc tôi nuôi dạy hai cô con gái cách nhau 8 tuổi của mình cũng rất khác nhau.
Nếu như khi con gái đầu sinh ra, đất nước mình vẫn là thời bao cấp, cuộc sống khó khăn đủ đường thì cô em út ra đời vào thời mở cửa nên mọi thứ dễ dàng hơn . Tôi còn nhớ như in, ngày cô con gái đầu đầy năm, chúng tôi phải tính toán nhịn ăn cả tháng để dồn tem phiếu mua được 1,2 kg thịt lợn về làm bữa bún chả liên hoan. Sau này, cuộc sống kinh tế đỡ khó khăn hơn, nhưng việc giáo dục các con không vì thế mà trở nên dễ dàng hơn.
Trong quãng thời gian chung sống, như bao gia đình khác, có lúc vợ chồng tôi cũng cơm không lành, canh không ngọt. Hai vợ chồng đều nghệ sĩ, tính cách có phần bay bổng, có những lúc tưởng như cãi vã đến khó làm hoà được, thế mà giận đến mấy, hễ nhìn các con lớn khôn xinh đẹp thì lại có thể bỏ qua hết cho nhau.
Lên chức bà ngoại và chiêm nghiệm về “cái nợ đồng lần”
Trong suốt nhũng năm tháng “làm nghề” vợ và mẹ, tôi chiêm nghiệm và nhận thấy “cái nợ đồng lần” giữa cha mẹ và con cái mà ông bà ta hay nói quả không sai.
Làm cha mẹ thì thật khó để mà không lo, nào là lo nuôi con ăn học, con lớn lại lo con đi làm, rồi dựng vợ gả chồng…Như tôi, giờ đã là bà ngoại của cả thảy bốn đứa cháu mà đôi khi vẫn không tránh khỏi cảm giác lo lắng cho chính con cái của mình.
Thế nhưng, thời đại bây giờ, mọi thứ thoáng hơn khiến tôi cũng phải tìm cách thích ứng để trở thành một người mẹ, người bà hiện đaị hơn. Tôi vui vì thấy bây giờ con cái được tự do yêu đương và sẵn sàng đấu tranh cho hạnh phúc của mình. Nếu không may hôn nhân không như ước vọng, người ta không còn phải cố sống với nhau cho khỏi mang tiếng như ngày xưa nữa mà có thể chia tay rồi đi tìm hạnh phúc mới.
Tôi nhận thấy, mình không nên cứ mãi lo lắng cho con cho cháu, mà nên học cách vui với những niềm vui của chúng, thích ứng, điều chỉnh với những quan niệm, tư duy mới để không trở thành một bâc phụ huynh lạc hậu. Xét cho cùng, muốn hiểu chia sẻ và xa hơn là làm chỗ dựa cho con cháu, trước hết mình phải hiểu chúng đã, phải không nào?