Mẹ đừng làm con sợ được không? - Tạp chí Đẹp

Mẹ đừng làm con sợ được không?

Sống

Mẹ xin lỗi vì đã làm con sợ

Một hôm, vào ngày nghỉ, chị gái tôi gửi con gái chị ấy, nhờ vợ chồng tôi trông giúp vì cả hai vợ chồng anh chị ấy đều bận. Cháu gái tôi 4 tuổi rồi, rất đáng yêu, tôi vui vẻ nhận lời. Tôi nhớ, hôm ấy, chị gái tôi dừng xe ở đầu ngõ và cho con gái tự cầm balo chạy vào nhà tôi. Thấy cháu gọi cửa, tôi ra mở, nhìn thấy khuôn mặt con bé có gì đó khang khác và hơi hốt hoảng. Tôi đợi cháu vào nhà, hỏi “Quỳnh sao thế?”. Cháu tôi có vẻ hơi chột dạ nhưng vẫn không nói gì. Tôi nghĩ, không nên hỏi gì thêm kẻo con bé sợ, đợi lát nữa rồi tính sau. Rồi tôi bảo cháu xuống bếp ăn sáng, cháu tôi cứ khăng khăng không xuống mà bảo “Con ăn rồi dì ạ”. Tôi hỏi “Quỳnh ăn gì rồi”, cháu bảo “Mẹ mua xôi cho con ăn rồi mà”. “Quỳnh cứ xuống ăn với em Bông cho vui, ăn thêm một tí mì cũng được”. Cháu gái tôi thấy tôi nói vậy mới xuống ăn mì. Buổi chiều, khi mẹ cháu đến đón, chị hỏi con gái “Hôm nay Quỳnh có ăn hết xôi không?”. Cháu tảng lờ, giả vờ gọi em Bông rồi chạy biến. Tôi ngạc nhiên, hỏi chị, “Em tưởng Quỳnh ăn xôi ở nhà”. Chị tôi bảo “Không, trên đường đi chị mới mua xôi, dặn Quỳnh mang đến cho em Bông ăn cùng mà”. Tôi bảo “Khi Quỳnh đến đây, em không thấy cầm gói xôi nào, dù Quỳnh cũng nói là con ăn xôi rồi nên không muốn ăn sáng nữa“.

 

Nói xong tôi mới giật mình nhớ lại, lúc gần trưa, bác hàng xóm nhà tôi có dặn mọi người để ý gom rác cẩn thận, đừng để rơi ngoài ngõ. Bác bảo có gói xôi nhà ai làm rơi, mấy con cún tha lôi bẩn quá. Chắc chắn là khi vào đây, do cầm balo cồng kềnh, không cẩn thận, Quỳnh đã làm rơi gói xôi mà không dám nói, thảo nào khuôn mặt đầy vẻ sợ sệt khi tôi mở cửa. Tôi hỏi chị gái mình, có phải chị rất hay mắng mỏ Quỳnh không, sao có việc nhỏ như vậy Quỳnh cũng không dám nói. Thậm chí, lúc đầu, còn định không ăn sáng vì sợ tôi nói lại với mẹ cháu là cháu ăn mì, chuyện làm rơi gói xôi sẽ bị phát hiện. Chị tôi trầm ngâm, đúng là dạo này chị rất nóng nảy, đi làm căng thẳng nên về nhà, việc nhỏ gì chị cũng cáu ầm lên. Thật tội nghiệp cháu, có chuyện nhỏ như vậy cũng phải giấu diếm cả ngày, lo lắng như mắc lỗi. Sau hôm ấy, chị tôi khóc và kể với tôi rằng chị đã ôm lấy Quỳnh, nói với cháu rằng, “Mẹ xin lỗi vì đã làm con sợ”.

Đừng tự mình đẩy con ra khỏi vòng tay mình

Tôi không hiểu tại sao lại có nhiều ông bố, bà mẹ nói rằng phải mắng mỏ con, “đánh cho chừa” để con biết sợ. Họ cho rằng phải sợ thì trẻ mới nhớ để lần sau đừng mắc lỗi nữa. Tôi thì lại nghĩ, đó là cách ứng xử kiểu “dằn mặt” của cấp trên với nhân viên, của ông chủ và người làm thuê, chứ không phải là cách yêu thương trong gia đình. Làm con sợ là dạy con nói dối, chống chế. Hoặc khiến con chai lì, đến mức không cần quan tâm suy nghĩ của cha mẹ, gia đình, theo kiểu “ừ thì tôi thế đấy, muốn đánh thì đánh đi”.

Trên thực tế, có những đứa trẻ bị xâm hại, lạm dụng tình dục, nhưng không dám nói với cha mẹ, bởi vì nó luôn cảm thấy, trong mọi chuyện xảy ra, dù là những nguyên nhân khách quan, nằm ngoài tầm kiểm soát của nó, nó chỉ là nạn nhân, thì cha mẹ vẫn luôn mắng mỏ, thậm chí đánh đập con mình. Tất nhiên, trẻ không hề cảm nhận được rằng cha mẹ có thể mắng mỏ những chuyện vụn vặt nhưng sẽ luôn đứng về phía con nếu việc nghiêm trọng xảy ra. Trẻ hoàn toàn không hiểu được điều đó, và không thể yêu cầu trẻ hiểu được, khi mà cha mẹ luôn mắng mỏ, nhiếc móc và không tạo cho con điều kiện để nói thật về những gì đang xảy ra với mình. Trẻ quá ngây ngô, đến mức chúng không thể tin là cha mẹ yêu mình, khi mà cha mẹ luôn tỏ ra nóng nảy.

 

Vậy nên tôi nghĩ, chúng ta nên cân nhắc kỹ lợi hại trước khi mắng mỏ con vì điểm kém, mắng mỏ con vì làm mất món đồ nhỏ nhặt… Bởi lẽ nếu chúng ta cũng hình thành thói quen luôn mắng mỏ thì trẻ sẽ hình thành thói quen che giấu, tự xoay sở và khiến cho sự việc tệ hơn nhiều. Không ít các cô gái trẻ nạo phá thai ở các cơ sở tư nhân lén lút và xảy ra biến chứng. Họ làm thế là bởi họ sợ sự chì chiết, nhiếc móc của mẹ mình, sợ nhiều hơn cả việc suy nghĩ về tương lai. Giá như các bà mẹ cân nhắc kỹ càng hơn trước khi mắng mỏ và nhiếc móc con. Giá như các bà mẹ tạm gác lại những lời phán xét và biết nghe con nói, có lẽ họ đã tránh được việc có thai ngoài ý muốn. Hay ít nhất là giảm thiểu những rắc rối khi nạo phá thai.

 

Những lòng tin bị bào mòn

Chúng ta luôn muốn con làm đúng nên chúng ta mắng mỏ, và vô tình, sự việc lại chuyển hướng làm con sợ hãi. Chúng ta quên mất rằng, trẻ nhỏ cũng như chúng ta, chỉ vươn lên và tự uốn nắn bản thân khi chúng ta có lòng yêu cuộc sống. Ta yêu cuộc sống nhiều đến mức ta luôn muốn trở thành người tốt, luôn mong được sống hòa đồng và đóng góp cho đời. Một đứa trẻ từ khi còn bé đã bị “đào tạo” trở thành một người mang nỗi sợ hãi thường niên: sợ bố mẹ, sợ thầy cô… sẽ luôn là “con hổ có lá gan chuột nhắt”, dễ bị lệ thuộc về mặt tinh thần, và dễ trở thành mẫu người chỉ vươn lên khi có sự gò ép của người khác.

Hãy để con được hạnh phúc với thế giới của con. Và giúp con đủ tự tin để chấn chỉnh bản thân, thay vì những nỗi sợ hãi rằng, mình phải làm điều gì đó, chỉ vì người khác đang gây áp lực với mình. Con sống tốt không phải vì con sợ cha mẹ, mà vì con muốn làm người tốt.

Bài: Trúc An
logo

Xem thêm: Cứ thoải mái mắc lỗi đi con nhé!


Thực hiện: depweb

21/07/2014, 15:11