Mẹ có vô tình tiếp tay cho cái xấu? - Tạp chí Đẹp

Mẹ có vô tình tiếp tay cho cái xấu?

Sống

Từ chuyện cháo dinh dưỡng

Cộng đồng mạng vẫn liên tục xôn xao về chuyện cháo dinh dưỡng ở các cửa hàng cháo cho trẻ em, không những không đủ chất dinh dưỡng như cái tên gọi mỹ miều, mà còn chứa quá nhiều chất độc hại cho con. Nhiều người cao giọng trách các bà mẹ bây giờ lười nhác, có việc nấu nồi cháo con mà không nổi, đổ xô đi mua còn trách ai. Tôi không nghĩ theo cách đó, bởi sử dụng các dịch vụ khi cần, để tiết kiệm thời gian công sức cũng là cách sống thông minh của con người hiện đại. Có điều, con tôi không ăn cháo, vì cháu không thích cháo, lại hay ngậm, nhè… (chuyện này xảy ra thường xuyên với các em bé khác). Nên tôi có suy nghĩ, các cửa hàng bất chấp đạo đức kinh doanh ấy còn sống được, thật ra là nhờ sự bảo thủ, lòng tin cố chấp của quá nhiều bà mẹ: rằng trẻ con thì phải ăn cháo. Phải ăn cháo vì chưa biết nhai. Chưa biết nhai vì chưa đủ răng. Đủ răng là sau 30 tháng tuổi. Họ quên mất tầm quan trọng của việc tập nhau và dạy con tự lập. Khi không có thời gian nấu cháo, họ đành phải đi mua. Và các cơ sở kinh doanh vô đạo đức cứ thế mà thu tiền.

Không có người mẹ nào muốn con ăn cháo mãi, ai cũng mong con sớm biết ăn cơm, và xúc ăn tự giác. Dù nhiều mẹ đã tìm hiểu thêm về Baby Lead Weaning, về Ăn dặm kiểu Nhật hay lắng nghe những đánh giá của chuyên gia dinh dưỡng về hệ quả của chuyện trẻ em Việt Nam ăn cháo, bột quá lâu nhưng không phải ai cũng có thể làm theo. Ai mà dám cho con tập nhai cả miếng thịt to khi vừa 7 tháng. Ai mà dám cho nhịn hẳn 1, 2 ngày cháo để uống sữa cầm chừng mà “trị bệnh” lười ăn? Các mẹ không tin vào sức mạnh tự nhiên của con, nhưng lại tin vào các dịch vụ rất mờ ám đầy rẫy ngoài đường phố.

 

Đến chuyện “cô giáo giang hồ”

Cô giáo của con tôi nói rằng hôm nào cô cũng phải ép con tôi để cháu ăn cho hết bát cơm ở lớp. Tôi hốt hoảng, “Ôi đừng làm thế, cháu ăn bao nhiêu cũng được, cô đừng ép. Ở nhà mẹ cháu không ép cháu bao giờ, cô làm thế cháu càng sợ ăn”. Cô giáo nhìn tôi như người ngoài hành tinh, nói với tôi rằng nhờ công cô ép ăn, con tôi mới lên thêm được 1kg nữa đấy, chứ hồi mới đến lớp, con tôi dài thượt như cò hương. Tôi biết con thiếu 0.5kg so với chuẩn cân nặng nhưng cháu rất khỏe mạnh, lanh lợi, không hề ốm nên tôi không có ý định ép con ăn. Thử hỏi chúng ta quá chán ăn rồi, còn bị ép thì chúng ta nghĩ gì. Nhưng cô giáo nói rằng nếu con tôi không lên cân, cô sẽ bị trừ lương.

Quá nhiều bà mẹ đã khóc với bữa ăn của những đứa trẻ ở một trường mầm non tư thục được đăng tải lên Youtube. Nghe nói hai cô giáo đó đều đã ngồi tù. Tôi không hề bênh họ, tôi mong pháp luật xử lý họ thật nghiêm, nhưng có bao giờ chúng ta nghi rằng chính việc chúng ta quá mong con mình ăn nhiều và lên cân, đã vô tình đẩy cổ vũ cho họ thực hiện hành vi bạo lực trong những bữa ăn của những đứa trẻ thơ vô tội?

 

Muốn con biết bơi nhưng quá sợ nên không quăng xuống nước?

Đưa/đón con đến trường, đã là một trào lưu ở đô thị Việt Nam. Lũ trẻ học đến lớp 7, lớp 8 vẫn được cha mẹ thay nhau đưa đến lớp. Ôtô, xe máy, taxi riêng… thôi thì đủ mọi phương tiện cả! Cuộc sống hiện đại bộn bề quá mức, nhưng không ngày nào các bậc cha mẹ không phải nóng ruột liếc đồng hồ với hai từ “đón con”. Tôi nghĩ mà thương lũ trẻ, bởi tôi nhớ đến kỷ niệm ngày bé, được tự đi đến đường trường, và cũng bởi tôi biết, chúng có quyền được tự đi trên đôi chân của mình!

Trẻ 6 tuổi đã có thể tự đi xe đạp nhỏ, nếu chúng không muốn đi xe bus. Tôi không biết công sức đưa/đón con hàng ngày có khiến bố mẹ chúng dễ chịu hơn việc bỏ ra 1-2 lần dạy con cách đi xe đạp, tự qua đường, tự đến trường hay không? Và dù phản đối ý kiến của tôi theo cách nào, chúng ta cũng không thể tự bao biện rằng, càng ngày chúng ta càng muốn con nhanh biết bơi, nhưng thay vì cho con mặc áo phao và quăng xuống nước, chúng ta đều cố gắng bơi hộ con, thậm chí còn bắt cá và cho con ăn sẵn!

Tôi nhớ đến câu chuyện cổ tích Sọ Dừa. Sinh ra vốn dị hình dị dạng nhưng người mẹ nghèo của cậu bé Sọ Dừa vẫn quyết định cho con đi chăn trâu cho nhà phú hộ. Không phải bà không biết những bất lợi của con, nhưng khi nghe con mình thuyết phục, nghe con thể hiện nguyện vọng muốn được giúp đỡ mẹ, bà đã vui lòng. Nghèo là một lý do, nhưng tôi cảm thấy lý do lớn hơn là người mẹ ấy yêu con đủ nhiều để tin tưởng con mình, và mong con gạt bỏ đi mặc cảm. Bà không nghĩ quá nhiều đến việc con sẽ xoay sở ra sao, bởi vì bà mong con rút ra bài học từ chính những việc mình làm. So sánh với chính chúng ta, những người cha mẹ may mắn có đứa con lành lặn, lẽ nào chúng ta không tin tưởng con mình!

Bài: Trúc An
logo

Xem thêm: Cứ thoải mái mắc lỗi đi con nhé!


Thực hiện: depweb

24/07/2014, 15:38