Mẹ cô giáo Hoàn trong Điều ước thứ 7: Sống và cười để mang lại nghị lực cho con - Tạp chí Đẹp

Mẹ cô giáo Hoàn trong Điều ước thứ 7: Sống và cười để mang lại nghị lực cho con

Sống

Có lẽ những ai từng xem Điều ước thứ 7 số 52 đều không thể quên được hình ảnh cô giáo Nguyễn Thị Hoàn đầy nghị lực và càng không thể nào không nhớ tới bà Nguyễn Thị Lan, mẹ của cô giáo. Không phải ngẫu nhiên mà bà Lan lại là nhân vật xuất hiện thường xuyên trong những bài thơ của con gái, hơn tất cả, bà là một người mẹ tuyệt vời, một người mẹ luôn bên cạnh con trong những sóng gió cuộc đời con.

Click xem Câu chuyện cảm động về cuộc đời cô giáo Hoàn trong chương trình “Điều ước thứ 7”

Bà Nguyễn Thị Lan hiện đang ở cùng con gái tại khu Đông, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Bà năm nay đã 61 tuổi nhưng vẫn rất nhanh nhẹn. Bà vốn là chị cả trong nhà, lấy chồng năm 17 tuổi. Bà lại là dâu trưởng, chồng đi công tác thường xuyên nên từ hồi trẻ đã quen với việc xoay xở mọi thứ trong gia đình. Bà sinh được ba người con, hai gái, một trai, vừa nuôi các con ăn học vừa lo việc nhà và mở quán cơm mưu sinh. Những tưởng, cuộc đời sẽ đền đáp bà những nụ cười và niềm hạnh phúc…

Ấy vậy mà với bà Lan, bao nhiêu khát khao và kỳ vọng ở con biến thành những dòng nước mắt – bà lần lượt phải chứng kiến các con mang trong mình căn bệnh thế kỷ, đứa thì đã đi xa, đứa thì “án tử” vẫn treo lơ lửng. 

Ngay từ lần đầu tiên gặp, khi bà Lan dắt xe đạp lên con dốc nhỏ sau buổi làm trở về nhà, tôi đã có một cảm giác bà thật ấm áp và đáng mến. Có lẽ bởi nụ cười hồn hậu và thân thiện luôn hiện hữu trên gương mặt người mẹ ấy. Nhưng tôi biết, phía sau nụ cười rạng rỡ là cả một nghị lực phi thường.

cô giáo Hoàn trong điều ước thứ 7, bà Nguyễn Thị Lan mẹ cô giáo Hoàn, cô giáo hoàn và mẹ

Bà Lan có nụ cười rạng rỡ và hồn hậu

Vì con cần mẹ…

Cú sốc đầu tiên của bà là vào năm 2000, khi người con gái xinh đẹp, giỏi giang và cũng chính là niềm tự hào của bà được tin mang trong mình căn bệnh HIV. Con gái, con rể và cháu gái đều đứng trước “án tử”, bà tưởng mình gục ngã. Chưa kịp trở mình với cú sốc đó, hai năm sau, mẹ chồng bà ra đi, rồi năm 2005, một lần nữa, bà lại choáng váng khi biết con trai cũng mang căn bệnh thế kỷ. Rồi con trai, con rể liền đó cũng lần lượt ra đi chỉ cách nhau một ngày. Tất cả đổ ập vào bà một cách bất ngờ như một cơn sóng dữ. Những tưởng bà có thể chết đi trong vòng xoáy đó vì những đau khổ. Nhưng cô giáo Hoàn, con gái bà vẫn còn đó, và con cần bà nên bà phải gắng gượng.

“Bão giông thuyền mẹ đã thừa/ Thuyền con chèo mãi vẫn chưa cập bờ” – cô giáo Hoàn từng viết về mẹ như thế. Hầu như ai cũng nghĩ, mang trong mình căn bệnh thế kỷ thì coi như cuộc đời cũng chấm hết. Bà hiểu lắm, con gái bà cũng đã phải trải qua những cơn bão giông khủng khiếp của cuộc đời. Nếu bà buông xuôi, thì con sẽ tiếp tục sống như thế nào?

cô giáo Hoàn trong điều ước thứ 7, bà Nguyễn Thị Lan mẹ cô giáo Hoàn, cô giáo hoàn và mẹ

Đằng sau người phụ nữ giản dị và luôn bận rộn ấy là một bản lĩnh kiên cường

… Nên mẹ phải là niềm tin của con

Như trong một bài thơ, cô Hoàn đã viết: 

“Xin mẹ tin nước mắt rồi sẽ khô

Vết thương rồi liền sẹo

Con sẽ đứng lên một mình từ chính nơi con đã ngã

Và con tin niềm tin của mẹ…”

Mười lăm năm là quãng thời gian mà bà không thể nào quên được. Bà kể, những ngày đầu biết cô Hoàn bị HIV/AIDS, bà đã phải sống trong nỗi tủi nhục cực cùng.Những ánh mắt kỳ thị và xa lánh của mọi người trong những buổi chợ quê vẫn khiến bà vẫn phải rơi nước mắt mỗi khi nghĩ lại. Khách khứa quán cơm của bà khi đó hầu như tránh xa vì sợ lây bệnh từ cô con gái. Lúc này, ngoài những khó khăn về vật chất, điều khó khăn nhất của một người mẹ, đó là giúp con giữ vững niềm tin vào cuộc sống.

15 năm chăm sóc con gái đang chống chọi với tử thần là quãng thời gian đầy nước mắt của người mẹ. Bản thân bà, dù ít học nhưng cũng phải tìm tòi kiến trúc về căn bệnh của con gái và cách giúp con mỗi ngày. Có những khi, không nhờ được bác sĩ, y tá trợ giúp, bản thân bà đã phải “liều mình” tự tay tìm và lấy ven truyền nước, tiêm thuốc cho con dù chưa từng học qua bất kỳ trường lớp ngành y nào. Bà nói, “Tôi sinh Hoàn được có cân rưỡi, từ bé nuôi đã khó, không ngờ lớn lên còn khó gấp nghìn lần”.

cô giáo Hoàn trong điều ước thứ 7, bà Nguyễn Thị Lan mẹ cô giáo Hoàn, cô giáo hoàn và mẹ

Niềm vui của bà Lan là cô giáo Hoàn đã được mọi người đón nhận để cô có thể sống và làm việc bình thường

Hôm nay, ánh mắt bà như sáng lên và vui hơn khi mọi người đã dần dần chấp nhận con gái bà như một người bình thường và đặc biệt hơn còn là một tấm gương về nghị lực sống. Quán cơm nhỏ của bà những ngày gần đây cũng được mọi người qua lại, quan tâm nhiều hơn. “Họ còn đòi xin cả tập thơ nữa đấy!” , bà kể một cách hào hứng. Mọi tổn thương bấy lâu trong lòng bà dường như cũng đã nguôi ngoai.

Chiều muộn, ngồi trên xe ra về mà trong đầu tôi vẫn vang lên câu nói của bác “mẹ sống, mẹ cười để mang lại nghị lực cho con”. Tôi đã hiểu tại sao, trong những vần thơ của cô Hoàn, lại có nhiều hình ảnh mẹ đến vậy.

 Những người mẹ đặc biệt
Họ là những người mẹ. Họ đặc biệt vì con họ đặc biệt. 
Đẹp đã vào bên trong cánh cửa những ngôi nhà đặc biệt để nghe những người mẹ kể những câu chuyện hết sức “bình thường” về tình mẹ…
Con của họ là người của công chúng, từng ở đỉnh cao hay vực sâu của danh vọng, tiền tài, sự nghiệp.
Con của họ là đứa trẻ họ không dứt ruột đẻ ra nhưng họ chăm bẵm nâng niu còn hơn cả máu thịt của mình.
Con của họ có thể không may mắn, có thể lầm đường lạc lối, thất bại, ương ngạnh, nhưng ngôi nhà của họ luôn mãi là chốn nương náu bình yên nhất đối với các con sau mỗi cơn giông bão của cuộc đời.
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời lòng mẹ vẫn yêu con”

Các bài viết trong chuyên đề “Những người mẹ đặc biệt”:

* Mẹ cô giáo Hoàn trong Điều ước thứ 7: Sống và cười để mang lại nghị lực cho con

Mẹ bé Thiện Nhân: Các con sinh ra từ trái tim của mẹ

* Mẹ Ánh Hồng của “kình ngư” Ánh Viên: Đi bơi đi con nhé, nhưng rồi phải…lấy chồng!

Bài và ảnh: Nguyen Tien

logo

Thực hiện: depweb

22/06/2015, 13:19