Mẹ chồng tôi

Hình ảnh đầu tiên khắc ghi vào tim con về mẹ là dáng mẹ lặng lẽ đứng trong ánh sáng lành lạnh, buồn buồn của căn bếp nhà mình vào buổi chiều một ngày đông giá rét. Con và chồng con (khi đó mẹ còn chưa biết chúng con yêu nhau) mang về từ Nhật Tân một cây đào phai.

Hôm đó là chiều 23 Tết. Con đã quen với không khí ngày ông Táo về trời ở nhà cha mẹ con, đó là ngày mà tất cả mọi thành viên trong gia đình đều sum họp.

Mọi người chờ đợi háo hức giây phút thả cá, hóa vàng, để cùng ngồi quây quần với nhau bên mâm cơm bắt đầu có dưa hành, bánh chưng, có giò xào, dưa góp…

Con ngạc nhiên khi thấy mẹ đứng đó, một mình trong ánh sáng lành lạnh và cặm cụi thái xu hào thành những sợi chỉ nhỏ. Con hỏi mẹ: "Cô đã thắp hương chưa ạ?" Mẹ bảo: "Cô hóa vàng từ trưa rồi. Có bánh chưng đấy, mỗi đứa ăn một miếng rồi hẵng đi".

Con và chồng con vội vàng ăn rồi lại vội vàng đi. Ra đến cửa con còn cố ngoái đầu nhìn lại. Mẹ vẫn đứng đó, cặm cụi chuẩn bị nốt bữa cơm chiều mà con biết chắc mẹ lại chuẩn bị thật ngon, nấu thật ngon, rồi lại ngồi ăn một mình.

Chẳng hiểu sao lúc đó con lại ứa nước mắt. Con thấy mình đã giành mất con trai của mẹ, giành mất bữa cơm chiều ấm cúng đáng nhẽ ra là của mẹ.

Cái bóng mẹ lặng yên trong căn bếp cứ bóp nghẹt tim con, cho dù lúc đó con không dám chắc rồi đây mẹ có là mẹ của con hay không, con có được gọi tiếng “mẹ” hay không…

Ngày mẹ biết chúng con yêu nhau, mẹ khóc. Mẹ không tin con lại là sự lựa chọn của con trai mẹ. Có rất nhiều lý do khiến mẹ phải khóc. Con hiểu điều đó, và con không mong chờ gì hơn ngoài đón nhận phản ứng từ mẹ.

Nếu con là mẹ, con cũng sẽ vậy thôi, thậm chí con còn có thể hành động khác hơn. Suốt thời gian đó, con thấy mình có lỗi. Con không muốn con là nguyên nhân để cho mẹ hay bất cứ ai phải phiền lòng.

Ngày mẹ gọi con về nhà chơi. Con run như chưa bao giờ được run. Chân tay con thừa thãi. Lưỡi con cứng lại. Và con thấy hành động nào của con cũng là một sai lầm. Con sợ mẹ hơn sợ bất cứ điều gì trên đời. Mẹ thì giành lấy làm tất cả. Lý do mẹ gọi con về là để ăn rằm, nhưng con biết bữa cỗ đó mẹ dành cho con.

Ngày cưới, lúc đón con vào nhà, con chẳng thấy mẹ “đi trốn con dâu” như mọi nhà vẫn thường làm thế. Mẹ đón con ở cổng, cái bậc thềm nhà mình cao quá, mẹ cúi xuống đỡ cho con cái váy cô dâu nặng và dài. Con chực khóc, chỉ thốt ra được mấy tiếng: “Con chào bố mẹ”.

Ngày mẹ biết con mang bầu, mẹ chỉ cười nhẹ khi nghe chồng con nói: “Bà có cháu rồi nhé!”. Mẹ đón nhận tin đó bình thản chứ không bộc lộ nhiều, bởi tính mẹ vẫn vậy. Nhưng từ hôm đó, mẹ không cho con đụng tay tới việc nhà.

Ngày con vào viện, mẹ ruột của con ở xa, mẹ ở bên cạnh con. Mẹ nằm trên chiếc ghế cứng ngoài hành lang, thức cả đêm cùng những bà mẹ khác. Chồng con kể lại cho con nghe mẹ đã lo lắng tột cùng thế nào khi cửa phòng mổ của con nhiều giờ không chịu mở.

Những ngày sau đó, con nằm trên cái giường bệnh chênh vênh, đêm nào mẹ cũng lót báo nằm trên sàn bên cạnh. Ai cũng nghĩ mẹ là mẹ ruột của con, khi họ nhìn thấy mẹ chăm sóc con từ cả những chuyện mà chỉ có mẹ ruột mới làm được cho con gái.

Rồi mẹ đã ở bên con, dạy con từng chút. Suốt bốn tháng con ở nhà, hai mẹ con đã trò chuyện, đã kể bao nhiêu chuyện vui, chuyện buồn về cuộc đời mẹ, về gia đình, về mọi điều trong cuộc sống.

Ngày con trở lại làm việc, con để lại đứa con trai bé bỏng bốn tháng tuổi cho mẹ trông. Ngày làm việc của con kết thúc vào lúc 7 giờ, có khi là muộn hơn. Chẳng khi nào mẹ phàn nàn về điều đó. Mẹ cứ lặng lẽ như thế, cứ vui vẻ như thế, cứ làm con phải ứa nước mắt mỗi khi nghĩ về mẹ như thế.

Mẹ làm cho con tin rằng cuộc đời cũng có khi là mơ. Mẹ làm cho con tin rằng tình yêu là không lời. Mẹ làm cho con tin rằng người ta hoàn toàn có thể cất lên được lời: “Con yêu mẹ, vì mẹ là mẹ của con”.

 Đỗ Hoa


From the same category