“Mẹ chồng” - cuộc chiến không khoan nhượng từ trong màn ảnh đến ngoài đời thực - Tạp chí Đẹp

“Mẹ chồng” – cuộc chiến không khoan nhượng từ trong màn ảnh đến ngoài đời thực

Review

Cuộc chiến trên phim của những “phận đàn bà”

Bộ phim của đạo diễn Lý Minh Thắng là câu chuyện “chốn thâm cung” của một gia đình đại địa chủ miền Tây thời đầu thế kỷ 20, ở ngôi làng Đại Điền. Trong gia đình đại đồng Lĩnh, những người phụ nữ được chọn làm dâu đều phải hội tụ đủ yếu tố: xinh đẹp, thông minh, sắc sảo và… thủ đoạn mới mong trụ lại trong cuộc chiến giành quyền lực.

Dàn diễn viên đầy đủ của "Mẹ chồng" đều là những gương mặt "sắc nước hương trời" trong showbiz Việt.
Dàn diễn viên đầy đủ của “Mẹ chồng” đều là những gương mặt “sắc nước hương trời” trong showbiz Việt.

Hai Lĩnh (Diễm My 6x) – bà mẹ chồng uy nghi nhưng sắp hết thời và Ba Trân (Thanh Hằng) – cô con dâu luôn khao khát vượt lên để được làm chủ số phận đã trải qua một đời giành giật, rồi tự đẩy mình vào bi kịch. Khao khát của Ba Trân mãnh liệt đến mức, biến cô từ một thanh nữ nhân hậu trở thành một bà Hai Lĩnh thứ hai luôn mang trong mình nỗi ám ảnh với các con dâu là Tư Thì (Lan Khuê) và Tuyết Mai (Midu) một cách vô thức. Cuộc chiến tranh giành quyền lực, trở thành người giữ gia bảo dòng họ đã biến các cô gái từng hiền thảo trở nên tham tàn ích kỷ.

Nhưng bộ phim không chỉ khắc họa nét tâm lý một chiều đó mà còn vẽ lên những góc “con người” qua nhân vật chính Ba Trân – người phụ nữ một mặt vẫn vun vén, phụng sự, yêu thương và quý trọng nhà chồng, mặt khác còn phải đấu tranh cho khao khát hạnh phúc của chính bản thân. Người phụ nữ mang rắp tâm hạ độc mẹ chồng từng khóc thầm trong nỗi cô quạnh vì không giữ được tình riêng khi ở vòng xoáy giữ ngôi quyền lực.

Sự tái xuất của Thanh Hằng trên màn ảnh lần này được đạo diễn ưu ái khi để cô xuất hiện trong hầu hết các cảnh quay. Siêu mẫu đã phần nào khẳng định được khả năng qua hầu hết phân đoạn khó. Đó là những cảnh khóc (vì bị sỉ nhục, vì thương con, vì lưu luyến tình nhân); đó là những cảnh thể hiện sự đớn đau trong cô độc khi phải dứt bỏ tình riêng để bảo toàn vị trí mà cô có lẽ chưa bao giờ thuộc về. Những phân cảnh cô Ba Trân ngồi cạnh người tình bên dòng sông, Ba Trân trở về nhà sau cuộc chia tay người tình, đối diện với sự cô độc của chính mình, phần nào khiến cho nhân vật trở nên có đời sống thực sự. Thanh Hằng đã lột xác trong vai diễn đòi hỏi nội tâm phức tạp nhất từ trước tới nay, trong những vai diễn cô từng đảm nhận.

Thanh Hằng khẳng định được khả năng diễn xuất qua vai Ba Trân.
Thanh Hằng khẳng định được khả năng diễn xuất qua vai Ba Trân.

Chuyện mẹ chồng – nàng dâu không mới, nhưng ekip làm phim đã tạo ra câu chuyện mang tính thân phận khi đẩy những bi kịch lên đỉnh điểm, để thấy những phận đàn bà đôi khi bị tạo ra bởi chính chút lòng đàn bà, vừa đáng thương vừa đáng giận. Bộ phim không phân định ranh giới sai/đúng, tốt/xấu, nó tái hiện số phận của những phận hồng nhan bạc mệnh trong xã hội nam quyền.

Khán giả khen – chê quyết liệt

Khán giả ra khỏi rạp phân thành hai “phe” tương đối rõ rệt. Người thể hiện sự thất vọng cho rằng phim đã sa đà vào hình thức thái quá, khiến các nhân vật và tình huống phim trở thành các hoạt cảnh minh họa cho ý đồ đạo diễn. Người ủng hộ lại nhận thấy, với tác phẩm giải trí, “Mẹ chồng” đã đáp ứng phần nhìn nhưng vẫn kể trọn vẹn một câu chuyện nhiều cảnh huống gọn ghẽ.

Với người viết bài, tác phẩm của Lý Minh Thắng chưa phải là bộ phim ghi dấu trong hành trình phim Việt, nhưng nó hoàn toàn dễ xem. Từng tình huống, chi tiết đến diễn xuất không đặc biệt xuất sắc, nhưng nhờ khả năng dựng phim chuyên nghiệp đã chiếm lĩnh tình cảm người xem.

me-chong-7

Những lý do khiến “Mẹ chồng” trở thành nạn nhân cho phe “không ưng thuận” là do cho dù, bộ phim màu màu sắc bi kịch, nhưng đa số cảnh quay lại sử dụng tone màu sáng. Đây là một điểm trừ. Cạnh đó, ở một số phân đoạn, đạo diễn hơi quá tay khi để cái đẹp duy mỹ lấn át, biến những lát cắt đời sống trở nên sân khấu hóa một cách không cần thiết. Phục trang của Thủy Nguyễn giúp những người mẫu như Thanh Hằng, Lan Khuê, Ngọc Quyên phô diễn được vẻ đẹp cơ thể, nhưng đã khiến nhân vật trở nên không gần gũi với hình dung của công chúng về đời sống nông thôn đầu thế kỷ 20.

Nhóm khán giả không đồng thuận cũng cho rằng cái kết của hầu khắp nhân vật trong phim không mang lại giá trị nhân văn nào, khi hầu hết các con dâu đời sau đều tham tàn, độc ác bằng hoặc hơn chính mẹ chồng.

Nhưng một bộ phim thuộc dòng chick-flick, điểm cốt yếu nhân vật phải có số phận và đường dây tâm lý logic, ở điểm này “Mẹ chồng” đã có một kịch bản chắc chắn với sự phát triển tâm lý nhân vật hợp lý. Lan Khuê, Ngọc Quyên, Midu đã tròn vai khi giữ mạch cảm xúc tương đối tốt cho nhân vật của mình và có sự hài hòa với bạn diễn. Cạnh đó, những trường đoạn xung đột đẩy lên đỉnh cao, đạo diễn luôn thể hiện khả năng điều binh khiển tướng khiến mọi chi tiết được xử lý tốt bất ngờ.

Vì thế, nếu ai cần đến rạp để xem một bộ phim giải trí, ngắm nhìn dàn diễn viên đẹp mắt thì đây không phải là một lựa chọn tồi.

Thực hiện: depweb

01/12/2017, 18:54