Mẹ chăm bồi bổ, thai nhi dễ nhiễm độc

Sinh non vì quá tăng cân

Mang thai lần đầu tiên nhưng suốt 3 tháng đầu chị Nguyễn Thị Tú, Bát Đàn, Hà Nội bị nghén. Vì thế không những chẳng tăng cân nào mà còn bị hụt mất 2kg. Hết giai đoạn nghén chị ra sức tẩm bổ và luôn tự hào về thành tích mỗi tuần lên 1,5kg của mình. Khi em bé được 25 tuần, chị Tú đã tăng được 12kg. Tuy nhiên, được hơn 7 tháng chị bị đau bụng phải nhập viện, các bác sỹ kết luận lượng đường huyết của chị quá cao và nhiều nguy cơ sẽ sinh non.

Tình trạng bà bầu tăng cân quá mức (từ 15-25kg) mà sinh con vẫn suy dinh dưỡng (dưới 2,5kg) hiện nay khá phổ biến. TS. Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ cho hay: nhiều người quan niệm ăn càng nhiều càng bổ thai nhi sẽ phát triển tốt nhưng thực ra đây là nguyên nhân gây ra hàng loạt các nguy cơ: sinh non, tiểu đường, sinh mổ, thậm chí thai chết lưu.

Bác sỹ Tiến cũng cho biết tình trạng bà bầu thừa cân phải cấp cứu do nhiễm độc thai nghén ngày càng nhiều, chiếm khoảng 10% trong số thai phụ tới khám tại Bệnh viện phụ sản TƯ. Tình trạng này làm giảm lượng máu đến tử cung dẫn đến thai được nuôi dưỡng kém.

Suy dinh dưỡng bào thai dễ gây suy thai cấp và ngạt thai; trong giai đoạn sơ sinh, trẻ bị hạ canxi huyết, rối loạn huyết học; khi lớn dễ bị ảnh hưởng thần kinh.

Còn những bà mẹ ăn nhiều khiến thai lên cân nhanh và thai to cũng gây nguy hiểm cho con. Thai quá to, ngoài nguy cơ dễ mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa, đặc biệt là tiểu đường còn dễ bị nhiễm trùng, hạ thân nhiệt và đường huyết, hôn mê, sức đề kháng kém và có thể bị rối loạn nội tiết.

Với các bà mẹ có chỉ số cân nặng bình thường thì trong thời kỳ mang thai người mẹ chỉ nên tăng 9-12kg nhưng nếu tăng trên 15kg thai phụ cần phải lưu ý và thường xuyên đi khám thai. Ngay cả với những bà bầu không có những bệnh lý về tim mạch, huyết áp, thận… nhưng nếu từ tháng thứ 6 trở đi đã tăng khoảng 10kg cũng phải thận trọng bởi có thể gây ra bệnh cao huyết áp, tiểu đường gây suy dinh dưỡng bào thai.

Tăng cân hợp lý cho từng bà mẹ

1. Với phụ nữ có cân nặng bình thường thì khi mang thai chỉ nên tăng 9-12kg.

2. Với phụ nữ mảnh khảnh cần tăng từ 12-18kg.

3. Người thừa cân chỉ cần tăng 7-8kg.

Việc tăng cân nên được chia đều trong từng giai đoạn:

– 3 tháng đầu tăng 1-2kg;
– 3 tháng giữa tăng 5-6kg;

– 3 tháng cuối tăng 3-4 kg. 

Mẹ ăn nhiều, con vẫn thiếu chất

Các bác sỹ sản khoa cho biết, bên cạnh vấn đề bà bầu thừa cân dẫn đến thai to ngày càng nhiều lại có những thai phụ dù tăng cân vèo vèo nhưng bào thai vẫn bị suy dinh dưỡng.

ThS. Phan Bích Nga, Phó Giám đốc Trung tâm khám, Tư vấn dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng Quốc gia nhận định nguyên nhân của tình trạng này có thể do bà mẹ ăn nhiều nhưng ăn chưa đủ các loại thực phẩm dẫn đến thai nhi bị thiếu đa vi chất, chậm phát triển.

Thêm nữa, tình trạng thiếu máu do thiếu sắt cũng là yếu tố khiến quá trình nuôi thai của người mẹ không hiệu quả. Ngoài ra, việc bà bầu tăng cân nhanh nhưng thai vẫn bị suy dinh dưỡng có thể do các nguyên nhân khác như thai nhi bị rau cuốn cổ, hoặc do tử cung người mẹ nhỏ không đủ không gian cho thai nhi phát triển.

Đặc biệt, hiện nay có tình trạng bà bầu đã bổ sung quá nhiều canxi dẫn đến nguy cơ bị sỏi thận và tắc sữa ở mẹ và khiến cho nhau thai bị canxi hóa quá sớm và không thực hiện tốt chức năng nuôi dưỡng thai. Một số khác tự ý bổ sung rất nhiều vitamin trong giai đoạn đầu làm ảnh hưởng tới thai. Chẳng hạn thời kỳ đầu bổ sung quá nhiều vitamin A, sẽ khiến cho thai nhi bị dị dạng, nếu bổ sung quá nhiều vitamin C có thể bị sảy thai. Vì vậy, thai phụ nên uống bổ sung vitamin ở thời kỳ giữa thai kỳ tốt nhất là qua ăn uống, nếu như thật cần thiết phải uống theo sự hướng dẫn của y bác sỹ.

Cách ăn hợp lý để tăng từ 10-12kg

– Ăn đa dạng thực phẩm và ăn nhiều bữa để đạt nhu cầu dinh dưỡng;

– Để đạt nhu cầu năng lượng, mỗi bữa nên ăn thêm 1 bát cơm cùng với thức ăn so với khi chưa mang thai;

– Thức ăn giàu đạm như thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, các loại đậu: khoảng 150-170g thịt cá hoặc 4-5 bìa đậu/ngày và nếu có điều kiện mỗi ngày uống 2 ly sữa;

– Nên dùng dầu thực vật và chỉ ăn vừa phải;

– Ăn ít đồ ngọt;

– Nên ăn nhiều rau và trái cây tươi, khoảng 2-4 phần trái cây/ngày;

– Sử dụng muối i-ốt trong ăn uống và chế biến thực phẩm.

 

Theo Sức khỏe Gia đình


From the same category