Mẹ & Bếp - Tạp chí Đẹp

Mẹ & Bếp

Sống

Ba mẹ có việc phải xa nhà hai tuần. Con gái, sau 18 năm được song thân bảo bọc, lần đầu tiên phải tự lo cho bản thân. Sau mấy ngày một mình – hơi – căng thẳng, con viết thư cho mẹ: “Mẹ yêu, con mới vừa ăn xong, đang dọn bếp. Con vừa dọn vừa tự hỏi, làm sao mà bà ngoại, mà mẹ, có thể mỗi ngày đứng trong bếp, nấu cơm gần như cả cuộc đời?”.

Thư 37 chữ của con làm mẹ hoe hoe mắt.

Thư 37 chữ của con làm mẹ nhớ món canh lung tung của bà ngoại. Nói “lung tung” vì canh pha trộn rau củ không theo nguyên tắc ẩm thực nào hết, vô lối, lổn nhổn. Nhiều năm đứa con hàn vi là mẹ cứ hậm hự thắc mắc, cho tới ngày vỡ ra “công thức” của nó: Đó là những thứ rau củ mà bà ngoại phải lom khom nhặt nhạnh trong mỗi chợ chiều rơi rớt… Mẹ nhớ mình đã khóc khi biết ra điều này. Biết ra mình và các em đã được nuôi lớn bằng thứ canh (và nhiều thứ khác) mang vị mặn…

Thư 37 chữ về bếp của con làm mẹ nhớ cuốn tiểu thuyết thật hay của nữ nhà văn Hàn Quốc. Tiểu thuyết kể chuyện người mẹ bị mất tích, và trong quá trình hốt hoảng, nôn nao tìm kiếm, những đứa con mới chợt xôn xao ký ức về mẹ. Tác giả cuốn sách –  một trong những đứa con – nhớ mẹ mình suốt ngày cứ loay hoay trong bếp để lo bữa ăn cho các con. Cô tự hỏi và một lần đã hỏi mẹ cô có thích làm bếp hay không. Mẹ cô, người nông dân thất học đã ngạc nhiên, rồi thản nhiên: “Nếu chỉ làm những việc mình thích thì ai sẽ làm những việc mình không thích?”. Nhưng khi cô riết róng, thế thì sao, rốt cuộc mẹ có thích làm bếp không, thì mẹ cô thủ thỉ một bí mật: “Nhiều lần mẹ đập bể nắp chum”.

Là thế này, như người mẹ tâm tình: “Mẹ không thấy điểm kết thúc. Ít nhất là với công việc đồng áng, khi gieo hạt mùa xuân thì ta được thu hoạch vào mùa thu. Ở chỗ gieo hạt rau chân vịt sẽ mọc lên cây rau chân vịt, ở chỗ tra hạt ngô sẽ mọc lên cây ngô… Còn công việc bếp núc thì không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Ta ăn sáng rồi ăn trưa rồi ăn tối rồi khi trời sáng lại ăn sáng… Sẽ tốt hơn nhiều nếu mẹ có thể thay đổi món ăn thường xuyên, nhưng bởi vì vẫn là những thứ rau dưa trồng ngoài đồng ruộng nên mẹ lúc nào cũng làm đi làm lại ngần ấy món. Khi cứ làm thế hết lần này tới lần khác, sẽ có những lúc ta thấy thật sự ngán ngẩm. Mỗi lúc cảm thấy gian bếp như nhà tù, mẹ lại đi ra sân sau nhặt cái nắp chum nào sứt sẹo nhất lên, rồi dùng hết sức ném bộp vào tường […]. Khi đi mua nắp mới mẹ thấy thật phí phạm và tiếc đứt ruột, nhưng mẹ chẳng thể nào ngừng lại được. Tiếng vỡ của cái nắp chum đã trở thành liều thuốc cho mẹ. Mẹ cảm thấy được tự do”.

Và người mẹ đó tiếp tục nói cho con nghe về cái bếp: “Cho dù bận rộn tới mức không có thời gian sửa lại cái khăn đội đầu, nhưng khi nhìn cảnh các con ngồi quây quần bên bàn ăn uống say sưa, đũa bát va cả vào nhau trong khi ăn, mẹ cảm thấy không cần bất cứ thứ gì trên thế gian nữa […]. Các con đều ăn rất khỏe nên trong giai đoạn các con phát triển nhiều khi mẹ thấy rất lo. Nếu luộc một nồi khoai to để các con ăn tạm sau khi tan trường thì chắc chắn lúc mẹ về đã thấy nồi hết veo. Quả thật, có những thời gian gạo trong vại hôm trước hôm sau đã vơi đi trông thấy, thậm chí còn có khi hết sạch. Khi mẹ vào kho lấy gạo để nấu cơm tối, cái ống bơ đong gạo chạm xuống tận đáy vại, trời ơi, lúc đó lòng mẹ chùng xuống, mẹ không biết phải lấy gì cho các con ăn vào sáng mai đây. Thế nên trong những ngày đó chuyện mẹ thích hay không thích làm bếp chẳng còn quan trọng nữa. Nếu được nấu một nồi cơm to và một nồi canh nhỏ thì mẹ chẳng quản mệt nhọc vì mẹ thấy vững tâm khi nghĩ đây là thức ăn nuôi lớn các con”.

Người mẹ trong sách nói thời gian đủ thực phẩm cho các con ăn là những ngày hạnh phúc nhất của bà (dù đôi khi phải đập bể nắp chum). Mẹ thì tin bà ngoại đã rất vui khi mót được nhiều rau củ (dù luôn luôn phải kéo nón che mặt). Mẹ đã và sẽ không bao giờ hỏi bà ngoại có thích lom khom lúc tan chợ hay không. Vì như người phụ nữ nông dân trong sách, hẳn bà ngoại sẽ ngạc nhiên, rồi thản nhiên lý luận: “Nếu chỉ làm những việc mình thích thì ai sẽ làm những việc mình không thích?”.

Mẹ không định nêu tên quyển sách và tên tác giả, nhưng đến đây mẹ thấy cần phải nói. Sách tên “Hãy chăm sóc mẹ”, tác giả Shin Kyung Sook, người dịch Lê Hiệp Lâm, Lê Nguyễn Lê, công ty sách Nhã Nam. Mẹ muốn con (và mong muốn mọi đứa con) tìm đọc nó, để hiểu hạnh phúc (cũng như sức mạnh) của các bà mẹ nằm ở đâu…

Người ta thường ví cuộc đời như một chuyến đi, hay, giống như một con tàu… Trên chuyến tàu miệt mài phăm phăm về phía trước ấy, hẳn hành khách chúng ta chỉ háo hức dừng chân ở các ga lớn, rực rỡ, sôi động… Trên chuyến tàu chộn rộn miên man ấy, hẳn chúng ta không có thì giờ ghé thăm các ga xép. Để, đôi khi, bắt gặp ở đây chút bồi hồi, xao xuyến… Trên chuyến tàu của mình, nữ đạo diễn Việt Linh hẳn đã dừng chân ở nhiều ga xép như vậy. Và, đôi khi, chị muốn chia sẻ cùng chúng ta…

Bài Việt Linh


Thực hiện: depweb

15/06/2012, 10:26