Tháng 7/2006, câu chuyện bé trai bị mẹ bỏ rơi trong vườn chuối rồi bị thú hoang ăn mất bộ phận sinh dục và phần chân phải xuất hiện trên báo chí khiến dư luận bàng hoàng. Thiện Nhân – tên của cháu bé do hai bác sĩ đầu tiên của con đặt cho với mong muốn cuộc đời con sẽ gắn liền với hai chữ đó. Và rồi điều kì diệu đã đến, Thiện Nhân được rất nhiều tấm lòng người mẹ trên khắp cả nước đón nhận. Và một trong những người mẹ ấy đã mang bé về nuôi, coi Thiện Nhân như một thành viên chính thức trong gia đình. Chị là Trần Mai Anh, Trưởng ban Biên tập Tạp chí Heritage. Mẹ con chị Mai Anh hiện đang sống tại phố Nguyễn Đình Chiều, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Sinh ra một đứa trẻ đã khó, nuôi dưỡng thành người còn vất vả, gian truân hơn rất nhiều. Chị Mai Anh đã dạy Thiện Nhân tập ăn, tập nói rồi tìm thầy chữa các bệnh từ nhỏ tới lớn như ghẻ lở, viêm đường ruột, đi tiểu ra chất bột… Rồi chị và con đã vượt qua hành trình đằng đẵng hàng năm trời đi Thái Lan, Singapore, Đức, Mỹ, Ý… để chạy chữa con cho được trở thành một người bình thường.
Thiện Nhân (bé trai áo vàng) bây giờ có một cuộc sống bình thường như những em bé khác
– Câu hỏi rất cũ, nhưng tôi vẫn muốn được nghe lại, tại sao chị lại nhận nuôi bé Thiện Nhân?
– Tôi cũng chẳng biết được. Bản thân tôi chưa bao giờ thấy Thiện Nhân đáng thương hại. Chỉ hiểu rằng thời điểm đó, nếu bản thân không “chạm” vào con, sẽ là quá muộn.
– Có bao giờ chị thấy quyết định nhận nuôi Thiện Nhân mang lại khó khăn cho cuộc sống riêng?
– Tôi không thích câu hỏi dạng này. Đối với tôi, cuộc đời của mẹ là do mẹ, cuộc sống của con là của con.
Dù không kèm con học bài nhưng chị Mai Anh luôn cố gắng dạy các con những bài học cuộc sống
– Vậy chị làm cách nào để cân bằng giữa vị trí công việc hiện tại và ba cậu con trai đang tuổi lớn?
– Câu chuyện đầu tiên chia sẻ cùng bạn, đó là việc tôi chưa từng dành thời gian kèm con học. Tôi nói với các cháu rằng: “Mẹ là người lớn, có nhiệm vụ đi làm, kiếm tiền để nhà mình đủ sống. Con còn nhỏ, tới trường là để học và được học. Mẹ phải kèm con mới làm bài, con có thấy đó là một điều bất công? Vậy con hãy tự làm hết bài. Hoặc tự nói với mẹ, tự báo cáo ở trường nếu không đủ sức làm hết. Và đã có bài tập thì làm cho xong rồi mới đi chơi. Tới giờ ngủ, có chưa hoàn thành cũng phải dừng. Với mẹ, việc ham chơi rồi tới đêm học bù là không có ý thức”. Như vậy, các con tôi vẫn học, còn tôi không bị ràng buộc vào việc dạy con học chữ.
Tôi rất thích đưa đón các con. Để không bỏ lỡ những câu chuyện kiểu như, hôm nay bạn bẻ gãy hết ruột bút chì của con, vứt vào sọt rác…, để chia sẻ cùng cháu về sự vật xung quanh, để giúp cháu biết xử lý tình huống. Có lần, đi qua một showroom xe máy, Thiện Nhân bảo tôi: “Mẹ đổi xe đi mẹ, xe của mẹ cũ rồi”. Tôi nói với cháu: “Ừ có khi mẹ đổi thật. Nhưng xe là để đi, xe này vẫn chạy tốt, liệu có nên đổi không nhỉ?”. Cuối cùng, Nhân tự bảo tôi: “Thôi mẹ ạ, đổi xe mới có khi còn tốn xăng hơn”. Tôi luôn mong con mình nhìn ra thực chất của vấn đề, có như vậy mới đỡ lo các cháu không biết đối mặt với cuộc sống, dễ bị hư vì cám dỗ.
Thực ra, trẻ con đơn giản hơn người lớn nghĩ nhiều lắm. Nếu bạn nói món đồ này đắt, con chẳng hiểu đâu. Thế là tôi dắt các con đi chợ cùng: “Từng này tiền mua được bấy nhiêu thịt, bấy nhiêu thịt tương đương với bộ đồ chơi lego to hay nhỏ”. Mọi chuyện đơn giản vậy thôi, cho đến một ngày ba mẹ con tôi đi ăn phở cùng nhau. Các cháu bảo với mẹ: “Mẹ ơi, con nghĩ có khi mẹ chẳng cần đi làm văn phòng làm gì cho vất vả. Mẹ mở quán phở, đông khách còn được nhiều tiền hơn”. Tôi mừng bởi các cháu biết một người đi làm văn phòng điều hòa thực ra chẳng có gì “hơn” bác bán phở toát mồ hôi đứng cạnh nồi nước dùng. Tôi tin và thấy rằng các con biết tiết kiệm chi tiêu để mẹ đỡ vất vả khi nuôi ba anh em. Tôi chỉ phải kiếm tiền để gia đình đủ sống.
“Tôi chỉ cần kiếm tiền để gia đình đủ sống. Các con đã có thể tự lo nhiều thứ cho bản thân”
– Hai bé Thiên Minh, Hải Minh có bao giờ nói với chị rằng chúng con mệt vì phải chăm thêm em?
– Tôi may mắn vì chưa bao giờ phải nghe câu đó. Mấy đứa luôn chúc mẹ, rồi chúc nhau ngủ ngon trước khi vào giường. Thậm chí, lúc yêu nhau quá là ba cậu còn ôm hôn cơ đấy.
Khi chữa trị cho Nhân, trong mỗi chuyến đi tới các nước để tìm phương pháp, tôi đều dẫn theo Thiên Minh hoặc Hải Minh. Các cháu là anh, nhìn thấy em đau, em ốm thì chăm sóc. Và chính quá trình đó giúp hai bé Minh và Nhân hiểu được cá tính của nhau.
Còn bây giờ, khi cùng chơi đùa và lớn lên, các cháu hiếm khi ghen tị hoặc tranh giành. Tôi không có khái niệm đúng, sai trong cuộc sống. Với các con cũng vậy. Khi mấy đứa cãi nhau, chẳng cần biết ai đúng ai sai, tôi nói: “Các con cãi nhau, làm loạn nhà, khiến mẹ đau đầu là ba anh em mỗi đứa một góc, tuyệt đối không được nói chuyện với nhau nữa”. Sợ bị vậy, mỗi đứa tự hiểu anh em của mình để biết lùi, biết tiến sao cho chơi được cùng nhau.
– Chị có nghĩ mình là một người vô tư?
– Tôi thấy mình là một người mẹ đơn giản. Cũng gần với nghĩa vô tư mà bạn nói. Tôi ít khi ghét ai, vì nó chẳng mang lại điều gì tốt, mình mới là người mệt trước tiên. Chỗ nào không vui, việc gì không hợp, tôi tránh xa. Trong cuộc sống có muôn vàn thứ, tôi chọn điều hợp nhất với mình. Và hướng các con tới suy nghĩ tương đồng như vậy.
Thiện Nhân và anh trai Hải Minh là cặp bài trùng trong nhiều trò chơi
– Nếu cứ dạy các con tránh xa những điều không thích, liệu ba chàng trai của chị có trở nên yếu đuối?
– Tôi không nghĩ vậy. Tôi dạy con mình lạc quan thật sự vào cuộc sống, đưa mọi vấn đề trở về cột mốc đơn giản nhất mà giải quyết. Và nhờ đó, các cháu biết mình là ai. Cuộc sống này vô cùng lắm, bạn hay tôi đều chẳng thể đặt kế hoạch chính xác cho đời mình. Để có thể quản lý sự lộn xộn một cách tốt nhất, đơn giản là giải pháp ổn với mẹ con tôi. Thời gian ngồi buồn, thà làm việc khác còn có ý nghĩa hơn.
– Chị có nói vậy khi các con có chuyện buồn?
– Không, làm sao nói với trẻ con như vậy được. Có một lần Thiên Minh kể với tôi: “Em Nhân buồn lắm mẹ ạ. Nhân bảo ’em biết rồi, em không phải con đẻ của mẹ, mẹ chỉ nhận em về nuôi thôi’”. Tôi trấn an Thiên Minh, không làm gì cả và cũng chẳng có hành động an ủi đặc biệt nào đối với Thiện Nhân. Với tôi, chỉ có thể chấm dứt tận gốc nỗi buồn khi hiểu về nó.
Một thời gian sau, tôi nói với Nhân: “Tối nay con ngủ với mẹ nhé. Hôm qua anh Minh chăm mẹ rồi, mẹ mệt, chẳng tự lấy nước uống được”. Mọi chuyện diễn ra bình thường. Tới gần sáng, tôi tâm sự với con: “Mẹ nói với con một bí mật. Con đừng nói cho hai anh Thiên Minh và Hải Minh biết nhé. Thực ra, mẹ không đẻ con từ bụng giống hai anh”. Lúc đó, Nhân sững lại. Tôi kể tiếp: “Con nhớ không được kể với hai anh đâu đấy. Hồi mẹ mang hai anh trong bụng, lúc đó có nhiều thứ lắm, nước tè và thức ăn đều có cả. Chỉ có Nhân là mẹ sinh ra từ tim, nên con mới thơm tho thế này thôi”. Thấy chàng thích lắm, cười sặc sụa rồi bảo với tôi: “Thôi, mẹ cũng sinh ra hai anh từ tim đi, cho anh thơm giống con”. “Vậy quyết định từ ngày hôm nay, ba đứa đều do mẹ sinh ra. Từ cùng một nơi, đó là trái tim của mẹ nhé”.
– Dường như mẹ Mai Anh luôn chọn cách nói thật mọi chuyện?
– Khi có ai hỏi rằng “Sao nhà em đông con thế?”. Tôi luôn trả lời thành thật: “Hai bé đầu là do em sinh ra, còn Nhân được đón về, Nhân nhỉ”. Và con cười. Với lựa chọn đó, chẳng bí mật nào có thể làm tổn thương cháu.
“Mẹ thấy việc con thiếu một chân chẳng có vấn đề gì cả. Thậm chí con còn di chuyển nhanh hơn mọi người”. Tôi muốn con nhìn thẳng vào thực chất, biết yêu chính bản thân mình.
Họ là những người mẹ. Họ đặc biệt vì con họ đặc biệt.
Đẹp đã vào bên trong cánh cửa những ngôi nhà đặc biệt để nghe những người mẹ kể về những câu chuyện hết sức “bình thường” về tình mẹ…
Các bài viết trong chuyên đề “Những người mẹ đặc biệt”:
* Mẹ cô giáo Hoàn trong Điều ước thứ 7: Sống và cười để mang lại nghị lực cho con
* Mẹ bé Thiện Nhân: Các con sinh ra từ trái tim của mẹ
* Mẹ Ánh Hồng của “kình ngư” Ánh Viên: Đi bơi đi con nhé, nhưng rồi phải…lấy chồng!