Mẹ & bé

Tiễn xuân

Người lớn cũng có những triệu chứng hậu Tết thì trẻ con cũng thế. Nhiều trẻ rơi vào tình trạng uể oải, không có hứng thú học tập hoặc làm việc nhà. Việc ăn uống thừa chất dẫn đến béo phì cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng lười biếng trên. Dưới đây là những cú hích hiệu quả để trẻ hăng hái học tập lao động hơn sau những ngày Tết.

– Lập kế hoạch học tập theo tuần, tháng cho trẻ để chúng chuẩn bị dần cho học kỳ cuối năm.
– Treo những giải thưởng ở lần tổng kết điểm mỗi tháng, chẳng hạn thưởng cho nhữngå môn đạt 9 điểm trở lên.
– Vẫn giữ những buổi đi chơi cuối tuần nhưng chỉ còn là một buổi tối chủ nhật chứ không kéo dài thời gian. Những ngày vui chơi dài sẽ khiến trẻ dễ quên bài vở.
– Thường xuyên kiểm tra bài vở của con và không quên khích lệ, khen ngợi trẻ.
– Cũng có thể dùng biện pháp khiêu khích chẳng hạn như so sánh kết quả học tập của bạn A, B láng giềng nào đó giỏi hơn trẻ nhà bạn. Nhưng lưu ý chiêu thức này phải thực hiện hết sức khéo léo, nếu không sẽ bị gây phản ứng ngược, trẻ tự ti vì nghĩ rằng bố mẹ không yêu chúng vì chúng không học giỏi bằng bạn A, B hoặc suy nghĩ tiêu cực, cho rằng bố mẹ không công bằng.
– Chú ý đến thực đơn ăn uống của trẻ. Tình trạng dư năng lượng quá mức dẫn đến mệt mỏi, hay buồn ngủ. Đặc biệt là giảm các món fast food như pizza, hambuger, gà chiên… nhiều dầu mỡ.
– Thay “áo” mới cho sách vở. Giữa năm, bìa sách vở đã cũ, hãy cùng trẻ thay lại bìa vở, sách bằng những bao giấy mới, chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy hưng phấn với chiếc “áo” mới mà hứng thú hơn với việc học tập.

[Kiến thức nhi khoa]

Nhà tôi xa bệnh viện nhi, nên cháu nhỏ mỗi khi có triệu chứng ấm nóng, tôi đều hạ sốt cho cháu bằng cách dùng cao dán, thuốc sủi và viên nhét, biện pháp đó có an toàn không, đôi khi ngại tôi hay dùng những toa thuốc cũ áp dụng cho cháu, thấy cũng hiệu quả…
Bạch Liên, Q.12, Tp.HCM

Vấn đề này đã được nhắc lại rất nhiều lần trên các phương tiện truyền thông nhưng nhiều phụ huynh vẫn xem thường. Nhiều gia đình hay tự chẩn đoán chữa bệnh khi con bị sốt, tự cho thuốc uống. Các bác sĩ đều khuyên, hiện tượng sốt ở trẻ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, trong nhà luôn phải có thuốc hạ sốt dạng sủi hoặc dạng viên đặt, nhưng đó là giải pháp cấp thời trong thời gian đưa trẻ đến khám bác sĩ. Thông thường, các hiện tượng nóng sốt ở trẻ em là do viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi hoặc viêm siêu vi, các bệnh dịch. Ngoài ra, còn có những tình huống khác, chỉ có bác sĩ chuyên môn mới chẩn đoán và đưa ra quyết định để kê toa thuốc. Bạn không nên tự cho phép mình trở thành “bác sĩ tại gia”, tự cho trẻ uống thuốc với suy nghĩ lần sốt này cũng uống thuốc giống lần trước tất sẽ khỏi. Bệnh do uống sai thuốc phát sinh khó chữa trị hơn nhiều lần so với những căn bệnh thông thường do bác sĩ điều trị có hồ sơ bệnh án hẳn hoi. Nhà ở xa, bạn nên đến các trạm xá phường hoặc trung tâm y tế quận, huyện gần nhất. Bác sĩ có chuyên môn sẽ có biện pháp giải quyết tại chỗ hoặc chuyển bệnh viện sau đó.

Ths. Bs Lê Tự Phương Chi, bệnh viện Từ Dũ TP.HCM

[Góc tư vấn]

Nguy cơ khi mua đồ chơi cho trẻ

Gần đây, hiện tượng trẻ bị tai nạn do đồ chơi khá báo động. Ở nước ngoài có cả một viện nghiên cứu đồ chơi do các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực chuyên sâu về các bộ môn nhi khoa. Ở Việt Nam, tình trạng bán đồ chơi trẻ em xuất xứ phần lớn từ Trung Quốc tràn lan không hề được trung tâm kiểm định nào thông qua. Chỉ cần 5.000 đồng, bé đã có cái trống lắc thật to hoặc cái búa phát ra tiếng kêu… Gần khu vực ngã tư Hàng Xanh, hoặc Chợ Lớn (Tp.HCM), phố Lương Văn Can (HN) có rất nhiều cửa hàng bán đồ chơi cho trẻ. Khi mua đồ chơi, phụ huynh phải hết sức lưu ý đến vấn đề an toàn. Trống lắc hình tròn, nhưng các đồng xu sắc cạnh lại nhô ra phía ngoài, trẻ cầm dễ bị cứa vào tay. Búa bằng nhựa phát ra tiếng kêu nhưng cán búa lại nhọn, nguy hiểm khi trẻ cho vào mồm mà trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi thường cho tất cả đồ chơi vào mồm.
Hiện tại, chỉ có các trung tâm, siêu thị dành cho trẻ em mới cung cấp những đồ chơi an toàn, tốt nhất nên tham khảo và lựa cho trẻ ở những nơi này.

Ths. Bs Nguyễn Thị Mỹ Phượng

Luyện trí nhớ

Ở độ tuổi từ 4 đến 6, trẻ bắt đầu làm quen với bảng chữ cái, bắt đầu ghép chữ, ghép câu. Bạn nên tạo cơ hội sáng tạo cho trẻ bằng cách gợi ý những trò chơi đơn giản như ghép chữ từ các hạt sỏi, các viên nhựa đồ chơi trong bộ Lego… Hoặc để trẻ tự vẽ bằng những bộ viết màu đa sắc. Chuẩn bị bàn, giấy, viết vẽ và nhiều dụng cụ gợi sự sáng tạo cho trẻ. Bằng cách đó, bạn cũng dễ dàng phát hiện ra năng khiếu của con ở nhiều bộ môn khác nhau như họa, đàn hoặc các bộ môn liên quan đến trí nhớ. Ngoài giờ học, hướng dẫn trẻ thư giãn thoải mái bằng các trò chơi vừa trí tuệ, vừa vui vẻ là cách giáo dục tốt nhất, không chỉ giúp trẻ hay phụ huynh hòa nhập mà còn tạo sự ấm cúng trong gia đình.



From the same category