“Tưởng một lần là quá đủ rồi chứ?”
– Thật ra, lý do của lần làm mẹ thứ hai này là gì?
– Tôi nghĩ đã đến lúc con trai tôi nên có em và thế là lập kế hoạch. Linh là người thứ hai (sau anh nhà tôi) biết chuyện tôi có em bé. Câu đầu tiên Linh hỏi là: “Đâu, thế đầu của em bé đâu hả mẹ? Con cũng sẽ có em bé chứ?” (cười)
– Lần này thì chị có thể nói về bố đứa bé chứ?
– Sau khi có con, chị từng nói: “Cho phép mình một lần chạy theo một cuộc sống rong ruổi để tìm kiếm tình yêu”. Bằng cách ấy, chị đã tìm thấy tình yêu như chị muốn?
– Giai đoạn sống nào chị nghĩ mình biết chia sẻ với người đàn ông bên cạnh của mình nhiều hơn?
– Tất nhiên là bây giờ rồi, khi tôi chọn anh, sống cùng anh, ngắm nghía anh mỗi buổi sáng…
– Và chị sẽ kết hôn với cha của đứa trẻ sắp ra đời chứ?
– Thực ra thì những đứa trẻ hay đàn ông làm chị thay đổi cách nghĩ về cuộc sống?
– Với tôi đàn ông cũng như… những đứa trẻ (cười). Họ ngây thơ, đơn giản hơn phụ nữ rất nhiều. Họ không làm ta thay đổi đâu, chỉ có ta muốn thay đổi vì họ thôi.
– Bước ngoặt nào đã xảy ra khi chị sinh Linh?
– Tôi thành một bà mẹ bỉm sữa – đây là hình ảnh rất sốc với bạn bè tôi, nhưng tôi hân hoan.
– Chị dự đoán thế nào về bước ngoặt tiếp theo, khi chị sinh em cho Linh?
– Tôi thành bà mẹ bỉm sữa lần 2. Bạn bè cũng nói: Cứ tưởng một lần là quá đủ rồi chứ?
Những bản kế hoạch của tôi thường bị gạch vào phút chót
– Trong cuốn sách “Minh và Linh – Hai chúng mình đi khắp thế giới”, chị đã cho biết việc cho con trai đi du lịch từ 9 tháng tuổi với lý do: “Thằng bé không phải nhớ gì về những chuyến đi, nhưng những gì nó nhìn thấy, sẽ in vào trong não, tạo nên những nếp nhăn đầu đời và tồn tại vĩnh viễn đâu đó trong tim”. Chị đã ít nhiều nhìn thấy điều đó chưa, ở “chàng trai lên 3”?
– Tôi nghĩ điều lớn nhất, khác biệt nhất ở Linh so với những em bé ít được tiếp xúc với nhiều người, đấy là sự dạn dĩ và cởi mở khi gặp người mới. Linh cười nhiều nhất là khi nhìn thấy nước và được nhảy tùm xuống. Linh mê đám đông, luôn bị một chút “tăng động” khi gặp nhiều người. Đặc biệt, cậu ấy mê những chuyến đi. Câu hỏi Linh hay hỏi mẹ nhất là: “Hôm nay mình sẽ đi đâu hả mẹ?”. Linh “khát” đi đến nỗi mỗi khi chúng tôi thông báo rằng sắp đi đâu, Linh tự dưng… lăn ra sốt. Sau 4 – 5 lần, tôi đoán chừng đây là một phản ứng tâm lý của sự háo hức quá đà. Thế nên giờ nếu đi đâu, tôi chỉ lẳng lặng chuẩn bị hành lý rồi… xách cậu đi luôn.
– Chị lựa chọn sinh Linh một cách bất ngờ, hay có chủ đích? Ý tôi là, quyết định trở thành mẹ đơn thân của chị có nằm trong một bản lập trình nào đó?
– Cuộc đời tôi là một bản kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ từ to đến nhỏ, nhưng phút chót thường gạch toẹt chúng đi để đón những điều bất ngờ mới tinh (cười).
– “Minh và Linh…” vẽ lên chân dung một người mẹ bận bịu nhưng tự do trong những chuyến hành trình đi khắp thế giới cùng cậu con trai nhỏ. Đó có phải là hạnh phúc đáng kể nhất của việc làm mẹ đơn thân?
– Tôi nghĩ bản chất tôi là một người tự do. Tôi vẫn tin sự tự do trong trải nghiệm quyết định bạn là ai và sống ra sao trong cuộc đời này.
Khi có con, tôi muốn trao tặng cho con sự tự do ấy. Cái khó là vừa tự do, vừa phải dạy một đứa trẻ những kỹ năng và quy luật chặt chẽ nhất có thể, để chúng tồn tại mà không quá ngây thơ hay bốc đồng.
– Linh đã được nuôi dạy từ những “sàng khôn” nào của mẹ?
– Tôi từng được lớn lên đúng như mình muốn, thời mà con người ta gần những cánh đồng, cây cỏ, cứ hè lại về quê ở mấy tuần với ông bà. Bố mẹ tôi hồi đó không cho xem ti vi nên tôi chỉ còn cách vùi mình vào đọc sách và tự tưởng tượng mọi thứ thật phong phú.
Sau này sinh Linh, quá trình nuôi con của tôi đơn giản là việc tôi quan sát mỗi ngày những bước đi và thay đổi của con. Tôi nghĩ chúng ta học được rất nhiều từ việc con trẻ lớn lên, cách chúng nhìn cuộc sống và chập chững học từng tí một. Nên công cuộc nuôi dưỡng con cái là hai chiều – con học mẹ và mẹ học con.
Khi đọc những tài liệu về chuyện nuôi dạy con và hiện đang thực hiện một show tên là “Nhật ký bí bầu”, tôi nhận thấy có một điều các chuyên gia luôn nhắc đi nhắc lại rằng: mỗi đứa trẻ là một cá thể không ai giống ai. Tôi nghĩ các bà mẹ cũng vì thế mà nuôi dạy con không ai giống ai. Chỉ các bà mẹ mới biết điều gì là tốt nhất cho con mình.
– Chị có thể xa con dài nhất là bao lâu? Trước khi xa nhau, hai người thường dặn dò và trò chuyện những gì?
– Từ khi có con, những chuyến đi dài nhất mà không có Linh của tôi là 9 ngày. Trước khi đi, tôi thường cố gắng nói chuyện cho Linh hiểu rằng đây là việc cần thiết với tôi (đi làm, đi viết sách, đi trượt tuyết…). Và trước khi đi, tôi chỉ đơn giản dặn rằng: “Con ở nhà nhớ ngoan. Nếu đạt ‘tiêu chuẩn ngoan’ thì sẽ có quà”. Linh thường có động lực từ những lời dặn dò này.
– Làm con một người mẹ cá tính, liệu con chị có thu nhận được những ảnh hưởng mong muốn?
– Tôi không thể trả lời được câu hỏi chị đặt ra, vì con trở thành ai và ảnh hưởng thế nào từ mình, tôi không đoán biết được. Tôi nghĩ một gia đình hạnh phúc thì đứa trẻ sẽ hạnh phúc và hay cười.
Cũng như, tôi không nghĩ nhiều về chuyện mình muốn trở thành ai, mà chỉ muốn mình là người hạnh phúc. Tôi nghĩ tôi là một bà mẹ luôn cố gắng có năng lượng tích cực và hạnh phúc.
– Ở thời điểm bị “ném đá”, chị đã làm gì để bảo toàn nguồn “năng lượng tích cực” đó?
– Tôi cố gắng không đọc hết những comment tiêu cực, nhắm đánh vào con mình, mặc dù tôi có thể đoán biết họ viết những gì.
Có điều đó là bởi vì tôi không coi trọng mạng xã hội và những lời lẽ cay độc trên đó, nên bấy nhiêu không đủ khiến tôi phải suy nghĩ. Nếu tôi phải sống cho cả những người không quen biết và luôn nghĩ xấu về tôi, thì quả là quá mệt mỏi.
– Trẻ con bây giờ, theo chị là đang được hưởng nhiều may mắn, hay bị thiệt thòi? Chuyện môi trường sống đang dần bị đe dọa, theo chị có ảnh hưởng thế nào tới tương lai bọn trẻ?
– Bây giờ, tuổi thơ của không ít đứa trẻ gắn với truyền hình, games, thức ăn nhanh, khiến tôi hình dung các con sẽ giống như trong bộ phim hoạt hình “Wall-e” – một đám trẻ béo ú ngồi trên một chiếc xe bay, vận hành mọi thứ bằng các nút bấm. Nói chung là khá đáng sợ.
Thú thật tôi vẫn hay nghĩ quẩn: Liệu mình có ích kỷ lắm không khi sinh thêm một đứa con vào lúc môi trường sống không trong lành, ít cây cối, nhiều khói bụi… Nhưng rồi lại nghĩ khác: Hãy nuôi dạy chúng tốt nhất có thể, biết đâu chúng chính là những người giúp thay đổi môi trường sống cho mình và tương lai…
– Chị muốn em của Linh sẽ giống Linh điều gì?
– Tôi chỉ mong chúng là cặp anh em hòa hợp và chơi được với nhau thôi…
Thực hiện: Thục Khôi
Nhiếp ảnh: Phan Võ