MC Quỳnh Chi: Sau hôn nhân, ngoại tình và cô đơn là gì?

Tôi là đứa “đốt giai đoạn” kinh khủng, lúc bạn bè tôi đi học, tôi chọn lập gia đình, lúc tôi đã là mẹ thì bạn bè mới đang tập tành học yêu. Tôi không tự hào về điều đó, tôi chỉ muốn giải thích vì sao tôi đọc “Đàn bà 30” khi mới chỉ 25 tuổi.

Tôi ưa thích Trang Hạ, vì chị ấy mạnh mẽ, độc lập, nhưng cũng rất nhạy cảm. Tôi nghĩ phụ nữ nào thích Trang Hạ, ít nhiều đều là những người phụ nữ có cá tính hơi mạnh, biết yêu thương bản thân, xem việc coi trọng mình như một điều hiển nhiên. Và tất nhiên trong mắt những người như tôi, quy chuẩn xã hội chẳng là gì hết, phụ nữ chúng tôi chỉ cần sống tốt, sống tử tế, không hại gì ai, còn quy chuẩn, chúng tôi tự đo đếm và đặt ra được cho mình.

MC Quỳnh Chi

Tôi sẽ nói về “Đàn bà 30” trên phương diện của một phụ nữ có cá tính tương đồng Trang Hạ – vì tôi nghĩ nhiều phụ nữ đọc Trang Hạ và nghĩ chị ấy có vấn đề. Phụ nữ sắp 30 thì học được gì sau những tản văn về “Đàn bà 30” của Trang Hạ nhỉ?
Về hôn nhân: Tôi nghĩ ai sau một lần không thành công trong hôn nhân cũng ít nhiều hiểu được, cuộc hôn nhân lâu dài cần những yếu tố gì. Nhưng cũng sẽ chẳng bao giờ là thừa, nếu chúng ta nghiên cứu thêm về vấn đề này lần nữa. Tôi vẫn tự hỏi, sao chúng ta hay nghĩ cần phải nâng cao kiến thức về quản lý, về sale, về marketing, nhưng hiếm người muốn đi học để biết làm thế nào để xây dựng và sở hữu một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Và tôi cho rằng đó là nghịch lý. Đến bao giờ phụ nữ mới nhận ra, chúng ta vẫn có một thiên chức khác biệt với đàn ông, nên không thể mãi đeo đuổi quyền lực, địa vị trọn đời như họ. Phụ nữ hạnh phúc, thực ra vẫn là người sở hữu một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Thế nên đọc “Đàn bà 30” tôi đúc kết được thêm cho mình nhiều về chuyện hôn nhân. Nếu đọc “Yêu quên cưới, cưới rồi- quên yêu” , “Chân dài, nàng chọn bánh mì hay hoa hồng” , “Vì sao mình không ngoại tình”... thì thấy hạnh phúc nào đâu khó dựng xây nếu chúng ta xem nó như một bài toán, từng bước giải nó cho rõ ràng. Hiểu càng nhiều, chúng ta càng đòi hỏi ít đi và hạnh phúc nhiều hơn.

Về ngoại tình, tôi đọc Trang Hạ và tự hỏi, đàn bà 30 khao khát tình yêu nhiều vậy sao? Rồi tôi đặt câu hỏi cho chính mình, khi 30 tuổi, tôi sẽ thế nào? Nếu 30 tuổi, tôi đã lập gia đình lần 2, thì sau 5 năm tôi có chán chồng và ngã vào vòng tay của một người đàn ông khác không? Hoặc, không may mắn, 30 rồi tôi cũng chẳng ưng ai đang tự do, liệu tôi có ngã vào vòng tay của một người đàn ông có vợ hay không? Điều gì cũng có thể xảy ra, tôi không đoán trước, nên cứ đọc để biết trước cũng hay. Tôi thích lập luận của Trang Hạ trong “Những chuyện ngoại tình”, đại loại thế này: Nếu bạn không muốn thì đáng lẽ ngay từ đầu đừng ngoại tình, đừng đổ lỗi cho tình yêu. Nếu đã không lý trí được từ giây phút đầu tiên, thì đừng để những giây phút cuối cùng hủy hoại những ngày sau ngoại tình.

Nên nếu có lỡ ngoại tình, thì sau ngoại tình hãy ra đi trong hòa bình. Đã lựa chọn là chấp nhận, là lường trước, để ít đau, ít tổn thương. Cô gái 25 là tôi nhìn thấy trước những giọt nước mắt kéo dài trong những tản văn của Trang Hạ.

Còn khi chúng ta không có cả hai: không hôn nhân và không ngoại tình, bởi chúng ta lý trí và chấp nhận cô đơn trong tư thế ngẩng cao đầu, Trang Hạ sẽ cho bạn hiểu cô đơn không tuyệt vời như đa phần phụ nữ mạnh mẽ chúng ta thường nghĩ. Cô đơn căn bản mãi mãi là cô đơn, nó đáng sợ lứa đôi hơn nhiều. Chọn cô đơn tức là đòi hỏi một người phụ nữ phải vô cùng mạnh mẽ và bản lĩnh.

Còn tôi – một người không đủ bản lĩnh và mạnh mẽ, tôi nể phục những người bản lĩnh và mạnh mẽ nhưng chắc chắn không sống được cuộc sống của “cô nàng độc thân” rồi. Nên đọc Trang Hạ, tôi cảm thấy được thức tỉnh. Nếu không đủ thông minh, thì đừng tỏ ra quá cao ngạo, những trang văn của “Đàn bà 30” bảo thế. Nhưng tất nhiên, nếu bạn nhìn thấy và cảm thấy mình hoàn toàn có thể làm chủ cuộc đời, thì cuộc sống tương lai mà bạn chọn đang chờ bạn khám phá.

Cuối cùng, sau hôn nhân, sau ngoại tình và cô đơn bạn vẫn còn có được chút kiến thức về ly hôn, dạy con, chi tiêu… (trong “Bỏ chồng, đừng bỏ mình”, “Yêu thương không mù quáng”). Phần tôi, tôi cảm thấy mình có cái đầu thực tế hơn sau khi đọc Trang Hạ.

Khi khép lại cuốn sách, tôi lại nghĩ nhiều hơn về tác giả, tôi nghĩ người phụ nữ này quá đa đoan và nhiều trăn trở. Nhưng cảm ơn chị ấy đã chọn cách viết ra những trăn trở của mình để phụ nữ có cái để mà chiêm nghiệm. Và cuối cùng, là Trang Hạ, là bạn hay là tôi, tất cả chúng ta đều xứng đáng được hạnh phúc. Hãy tỉnh táo lựa chọn, và cố gắng thật nhiều trong mỗi sự lựa chọn của cuộc đời mình và hạnh phúc ở mọi ngưỡng của cuộc đời, không chỉ là 30.

MC Quỳnh Chi


Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.




From the same category