MC Quyền Linh: “Hết Tết” đi cho tôi nhờ! - Tạp chí Đẹp

MC Quyền Linh: “Hết Tết” đi cho tôi nhờ!

Sao
Bao giờ cho đến tháng… thường?

Tết ra, dân tình đã lục tục lên làm trở lại, nhưng nghe chừng vẫn uể oải lắm, đến cơ quan một chút là bấm nhau đi uống cà phê. Họ bảo với nhau rằng, ủa chưa hết Tết mà, thôi cứ chơi đi đã… Tôi đã nghe nhiều người nói rằng có những cơ quan, người làm người không, tinh thần uể oải, làm mất rất nhiều thời gian của người dân. Cũng có người biết quý trọng thời gian, họ chạy tất bật để lo công việc mà những  ngày nghỉ Tết đã “nuốt” mất, nhưng chính họ cũng bị ảnh hưởng vì cái sự vui chơi dông dài của người khác.

MC Quyền Linh

Bản thân tôi cũng vậy. Tháng 3 là thời điểm quay rất nhiều chương trình, muốn rủ mọi người quay sớm để đỡ bị dồn dập, nhưng người thì về quê chưa vào, người ở Singapore chưa về, người đang ở Thái Lan… nên giờ vẫn phải ngồi chơi xơi nước, chờ mọi người về mới làm việc được. Chỉ lo có khi nước tới chân chạy không kịp, không khéo đổ bể cả chương trình.

Tôi thấy Việt Nam quá nhiều lễ hội, không thể đếm xuể. Có bao nhiêu huyện, tỉnh là bấy nhiêu hội. Làng, xã có hội, phường có hội, thôn ấp cũng có hội. Nhóm người cũng có hội, nào thì hội đua mô tô, hội chơi cầu lông, hội chơi chim, kiểng, hội chơi cây, tùm lum hội…
Thế nên tôi rất sợ những ngày lễ hội – những ngày mọi người thường ăn nhậu say sưa rồi hôm sau bỏ biếng, thế là mất toi một ngày.  

Báo chí vừa rồi đưa tin, Tết năm nay có đến mấy ngàn người chết và tai nạn do đánh nhau vì rượu bia, tai nạn. Trong đó, số người phải nhập viện do đánh nhau vì bia rượu còn cao hơn số người bị tai nạn. Đây là bằng chứng cho “danh hiệu”: Việt Nam luôn nằm trong top các nước có mức tăng trưởng tiêu thụ rượu bia cao nhất thế giới. Khắp nơi mở quán nhậu, vui nhậu, buồn nhậu, bệnh tật cũng nhậu vì nghĩ rằng đằng nào chả… chết. Bình thường đã nhậu, Tết lại càng hăng. Hậu quả là qua Tết, sức khỏe bị ảnh hưởng, công việc bê trễ tùm lum, phải mất một thời gian khá lâu mới quay trở lại được với nhịp sống bình thường.


“Cầm vàng đừng để vàng rơi”!

Tôi thấy Việt Nam quá nhiều lễ hội, không thể đếm xuể. Có bao nhiêu huyện, tỉnh là bấy nhiêu hội, thậm chí còn nhiều hơn thế. Làng, xã có hội, phường có hội, thôn ấp cũng có hội. Nhóm người cũng có hội, nào thì hội đua mô tô, hội chơi cầu lông, hội chơi chim, kiểng, hội chơi cây, tùm lum hội… Người ta lạm dụng chữ “lễ hội” để ăn chơi, biến tướng nó hơn là để tái hiện lại nét đẹp văn hóa cổ xưa, làm hành trang tinh thần cho lớp trẻ hôm nay.

MC Quyền Linh và con gái

Ý thức về văn hóa xuống cấp, vì thế mới có cảnh thanh niên mặc đồ truyền thống đánh nhau “tưng bừng” ở lễ hội Đền Gióng; hay ở một lễ hội khác, là cả một đám người rước kiệu dùng luôn cán đầu rồng lao thẳng vào kính xe ô tô, cho đến khi chủ xe phải cầm tiền làm lễ vái lạy xin “thánh” tha.

Lễ hội chỉ có ý nghĩa khi mang lại niềm vui cho nhiều người bằng chính những nét đẹp văn hóa của nó. Đừng lợi dụng lễ hội để làm quá lên, biến nó thành một nơi để mua vui cho riêng một số người bằng mấy trò chén chú chén anh, quà cáp biếu xén… Chưa kể, một số lễ hội còn có yếu tố bạo lực, gây phản cảm, không còn phù hợp và có thể gây tác động xấu tới đời sống vốn đã phức tạp hôm nay. Theo tôi, chỉ nên giữ lại những lễ hội có tính biểu trưng cho nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam, còn nếu như không còn phù hợp và gây phản cảm thì nên tiết chế bớt.

Quay trở lại với câu chuyện ăn chơi dông dài ngày Tết. Tôi cũng từng ăn Tết ở nước ngoài, thấy họ đón Tết rất bình thường, họ cũng đi du lịch, đi xem bắn pháo hoa, đi chơi vòng vòng, đến giờ là về nhà, không dám nghỉ quá thời gian cho phép. Họ rất rõ ràng về thời gian, mỗi năm trích bao nhiêu phần trăm thời gian đi chơi là đi chơi, không làm việc gì hết, để lấy lại năng lượng làm việc tốt hơn. Chơi xong là cắm đầu làm, đúng giờ đúng giấc. Ngược lại,  không ít người Việt mình lúc nào cũng có suy nghĩ làm là chơi, chơi là làm, không rõ ràng.

Thời gian là vàng bạc, cầm vàng đừng để vàng rơi!

MC Quyền Linh


logo

 

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

      

Thực hiện: depweb

04/03/2015, 10:31