Tại sao họ không sợ cái chết?
Cuộc chiến của chúng ta kết thúc năm 1975 nhưng chiến tranh biên giới còn kéo dài thêm 10 năm nữa mới thực sự dừng lại. Đất nước này đã chứng kiến những cuộc ra đi với rất nhiều tâm thế: “Thế hệ tôi lên đường và nghĩ ra đi sẽ không bao giờ trở lại”, “Chúng tôi, những thầy giáo tham gia cuộc tổng động viên về biên giới Tây Nam với đầy lòng quyết tâm”, và có cả những sự ra đi không bi lụy, như hình ảnh người chiến sĩ trong bài hát của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và Lưu Giang “Hãy yên lòng mẹ ơi”.
Khi nghe lại ca khúc này ở trường quay, MC Phan Anh đã chia sẻ tâm sự về mối băn khoăn của mình trong suốt thời tuổi trẻ, khi thấy bố mẹ mình, những người lính trở về từ chiến trường, mỗi khi gặp lại đồng đội cũ họ luôn bên nhau với một tinh thần đẹp. Phan Anh cho rằng, anh từng suy nghĩ rất nhiều về sự hi sinh của mẹ cũng như của bao người phụ nữ. “Sao người ta không sợ chết?”, Phan Anh đã đặt ra câu hỏi ấy ở trường quay và tự trả lời mình: “Cháu nhận ra có một người mẹ lớn hơn tất cả là người mẹ tổ quốc. Khi lắng nghe ca khúc ‘Hãy yên lòng mẹ ơi’, được sống trong một không gian như thế này, trong không khí này, chính là lúc cháu hiểu, nếu bây giờ mẹ tổ quốc gọi cháu sẵn sàng lên đường, cháu không hề cảm thấy sợ hãi cái chết vào giờ phút này, khi ở đây cùng tất cả mọi người.”
Tùng Dương trong một tiết mục biểu diễn ở Giai điệu Tự hào
Và ở Giai điệu Tự hào, người ta đã chứng kiến một tinh thần tiếp nối giữa các thế hệ, chứ không đơn thuần là sự “ôn cố tri tân” hay “sự phục sinh quá khứ”.
Những cuộc “phục sinh” chân giá trị
Giai điệu Tự hào tháng 7 với chủ đề “Chiều biên giới” diễn ra giữa những thông tin không vui liên tục bủa vây: một cơn bão lớn vừa đi qua, hệ thống điện tử tại sân bay Tân Sơn Nhất bị tin tặc tấn công. Nhiều người trẻ đang hoang mang trong những câu hỏi về vận mệnh của thế hệ mình đối với tổ quốc. Chương trình với những ca khúc nổi tiếng viết về các vùng biên giới địa đầu như Vị Xuyên (Lũng Cú, Hà Giang), biên giới Lào, Campuchia như “Chiều biên giới”, “Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp”, “Apsara”, “Hãy yên lòng mẹ ơi” “Hát về anh” đã thực sự gây xúc động cho khán giả tại trường quay cũng như khán giả xem truyền hình.
Trong chương trình, khán giả đã có dịp được nghe nhạc sĩ Trần Tiến hát lại ca khúc “Cô gái Sầm Nưa” xinh đẹp bằng tiếng Lào, biết được một thông tin thú vị về cô gái ngày xưa Trần Tiến từng muốn “tán tỉnh” – công chúa nước Lào – nay có con gái vừa tốt nghiệp thạc sĩ Học viện Ngoại giao Việt Nam. Cũng trong chương trình, nhiều kỷ niệm về hoàn cảnh ra đời của các ca khúc được chính “cha đẻ” từng bài hát chia sẻ lại.
Một điểm nhấn xúc động đặc biệt trong phần kết chương trình, là khi nhạc sĩ Thế Hiển, tác giả bài hát “Hát về anh” trực tiếp biểu diễn ca khúc của mình, ông đã khiến toàn bộ khán giả có mặt ở trường quay cùng đứng lên và hát. Bài ca với những câu hát: “Xin hát mãi về anh, người chiến sĩ biên cương” sau bao tháng năm đã tạc vào lòng người, giờ được khơi dậy trong một chương trình hùng tráng.
Chia sẻ ngay sau màn biểu diễn kết thúc chương trình, MC Phan Anh lại xúc động nghẹn ngào: “Ba mẹ con cũng là bộ đội và khi nghĩ về những chiến công thầm lặng nó khiến cho con có rất nhiều cảm xúc. Và chúng con xin lỗi vì có đôi lúc chúng con quên đi những điều đó. Nhưng con hiểu, với con bây giờ con không đợc phép quên, và thế hệ sau cũng không bao giờ quên. Và con xin hứa về điều đó.”
Nếu hỏi điều gì Giai điệu Tự hào làm được sau gần ba năm kiên định khơi lại các bài hát cũ, thì có lẽ, câu trả lời của nhà báo Diễm Quỳnh đã phần nào cụ thể hóa được mục đích này: “Đây là chương trình rất giá trị với những người trẻ chưa từng biết đến chiến tranh, không phải chuyện họ có dịp được nghe những bài hát họ chưa từng biết, mà nó là lịch sử, những trang mà họ chưa được đọc”.
“Chiều biên giới” đã tái hiện lại một phần những trang sử hào hùng, thực ra chưa xa lắm với cuộc sống hôm nay. Để chúng ta, những người sống giữa thời bình hiểu được vì sao, có những người lính vì “Nặng tình non sông, anh dâng tặng cả tuổi thanh xuân” (trích lời bài hát ‘Hát về anh’). Bởi vì với họ, biên giới không chỉ là nơi họ gửi lại tuổi trẻ của mình mà biên giới còn là nơi họ mang về từ đó tình cảm, tình yêu tổ quốc, tình đồng đội.
Còn chúng ta, luôn cần “phục sinh” những chân giá trị. Và Giai điệu Tự hào đang làm điều đó.
Bài: Hải Khôi
Ảnh: Ban tổ chức cung cấp