MC Nguyên Khang: Tôi ủng hộ không nên cho tiền người ăn xin

Đừng để lòng tốt bị lạm dụng

Đọc bài báo Tp.HCM kêu gọi người dân không nên cho tiền người ăn xin, Khang chợt muốn góp thêm vài dòng suy nghĩ.
         
Mọi người thường cho rằng giúp đỡ người ăn xin, đó là một cách làm việc thiện, một đạo lý tốt lành. Suy nghĩ này là đúng nhưng không phải hoàn toàn. Thật ra, với người nghèo khổ, chúng ta có thể giúp họ một vài lần, nhưng không thể giúp họ suốt đời. Bất đắc dĩ lắm, người nghèo khổ mới đi ăn xin vì họ không có việc làm. Nhưng lắm lúc, ăn xin lại bị coi là một nghề. Mà đã gọi là nghề, thì nhiều người có thể làm, và khi nhiều người cùng làm thì người nào dùng “chiêu”, người khác cũng sẽ cạnh tranh, bắt chước, và cứ thế họ thay nhau làm tổn thương lòng tốt của nhiều người.

MC Nguyên Khang tham gia “Chương trình mang âm nhạc đến bệnh viện” cho các em nhỏ ở Bệnh viện Nhi Trung ương.

Khang vẫn nhớ một câu nói: “Thay vì cho con cá, hãy cho họ cái cần câu”. Việc đưa người ăn xin vào các trung tâm bảo trợ, dạy nghề – để họ tự kiếm ăn là cách làm rất hay. Có thể ban đầu họ sẽ chật vật, nhưng khi đã quen, họ sẽ thay đổi, sẽ cảm thấy tự trọng và kiếm sống bằng chính năng lực của mình.

Giữa Sài Gòn hoa lệ, lòng tốt vẫn có thể đặt đúng chỗ. Đó là những xô trà đá miễn phí lúc trời nắng nóng, là tủ thuốc y tế miễn phí tại giao lộ hay xảy ra tai nạn giao thông, là cuốc xe ôm miễn phí cho người già khi đi chợ… Tất cả đều là lòng tốt, và chỉ khi lòng tốt ấy được đặt đúng nơi, đúng chỗ thì mới không bị lợi dụng đến mức đánh mất cả lòng tin.

Nhiều người đã coi ăn xin là một nghề, họ ngồi không mà xin tiền, vì họ cho rằng họ không thể kiếm được việc làm hoặc không thể làm được gì. Có lẽ, đó chỉ là một sự bao biện cho sự lười biếng của họ mà thôi. Khang từng chứng kiến một cụ bà 70 tuổi vẫn còng lưng bán đậu hũ nơi con hẻm nhỏ quận Bình Thạnh và gánh đậu hũ luôn đắt khách vào mỗi 9 giờ tối. Lại có những bà mẹ lượm ve chai nuôi cả một bầy con ăn học thành người… Sài Gòn khó mà dễ, dễ mà khó. Sài Gòn khó sống vì đắt đỏ, đúng, nhưng Sài Gòn cũng là mảnh đất có nhiều cơ hội cho nhiều người lập nghiệp và trụ lại.

Trước đây, Khang cũng từng giúp đỡ nhiều người ăn xin bằng cách cho tiền hoặc mua vé số giúp họ. Thật tâm mà nói với những số phận này, Khang không kìm lòng được. Nhưng có hai lần, khi biết họ đã lợi dụng lòng tốt của mình, Khang đã thôi không cho tiền nữa. Đó là một người phụ nữ bụng lúc nào cũng như sắp đẻ, luôn đứng ở các giao lộ để xin tiền mà không nói lời nào khiến mỗi lần đi qua Khang đều cảm thấy rất mủi lòng. Và một trường hợp nữa thì lê lết trên con đường nắng nóng khu vực gần quận 7. Cả hai trường hợp này báo chí đã đưa tin là lừa gạt. Thế nên, trong nhiều trường hợp, chúng ta cứ nghĩ rằng cho tiền là giúp họ, nhưng thực ra là làm hại họ và làm ảnh hưởng cả đến hình ảnh của thành phố mình đang sống.

… Và một buổi đi nấu cơm chay từ thiện để phát cho bệnh nhân ung bướu

 
Vẫn muốn giúp, nhưng sẽ bằng cách khác

Vì thế, từ nay, Khang sẽ dùng những số tiền đó mang đến những trung tâm bảo trợ xã hội, hoặc nấu những suất cơm chay thiện nguyện cho các bệnh nhân ung bướu. Còn với những cụ ông cụ bà cơ nhỡ đi xin ăn thật, thì Khang sẽ gọi vào đường dây nóng nhờ giúp đỡ đúng như chủ trương của thành phố. Người ta thường bảo: “Của cho không bằng cách cho”, là vậy! Giúp đỡ cũng cần phải có phương pháp và hiệu quả. Và Khang tin rằng, nếu những hành động xuất phát từ trái tim thì dù thế nào, nó vẫn là những hành động đẹp.

Việc thành phố Đà Nẵng được cả nước ca ngợi là thành phố văn minh cũng một phần xuất phát từ cách làm quyết liệt của chính quyền nơi đây. Là thành phố năng động bậc nhất và thu hút rất đông du khách đến tham quan, chúng ta không nên vì “mục đích của thiểu số” mà gây ảnh hưởng chung đến “cuộc sống của đa số”. Muốn vậy, cả xã hội phải đồng lòng và chung tay thực hiện. Đà Nẵng làm được, thì Sài Gòn cũng làm được. Quan trọng là chúng ta có quyết liệt được như Đà Nẵng hay không mà thôi.

Khang từng hỏi một người bạn ngoại quốc, vì sao anh thích sống ở Việt Nam, và chọn Sài Gòn. Anh bảo: “Mỗi ngày tôi mở mắt ra là đều thấy Sài Gòn chuyển mình. Cái chuyển mình ấy làm tôi thấy mình khác đi mỗi ngày”. Và tất nhiên, bên cạnh những cái chuyển mình tốt đẹp như sự hiện hữu của metro hay những tòa nhà cao chọc trời, thì vẫn có những cái chưa đẹp vẫn đang hiện hữu. Chắc chắn nhiều người cũng có suy nghĩ như Khang. Mong rằng Sài Gòn sẽ không còn những người đi ăn xin, và giấc mơ ấy không phải là xa xỉ, đúng không nhỉ?

 
MC Nguyên Khang


logo

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.


From the same category