”Tôi muốn học nhạc cụ dân tộc để đàn cho mẹ nghe”
– Khi được xướng tên cho ngôi vị quán quân “Sinh ra để tỏa sáng”, Nguyên Khang đã rất cảm động. Ý nghĩa của giải thưởng này đối với Nguyên Khang là gì?
Ngày nhỏ tôi vẫn thuộc nằm lòng câu: “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Tôi luôn tự nhủ với mình, người ta chỉ thất bại khi người ta từ bỏ ý chí và sự cố gắng. Vì thế, mỗi khi gặp khó khăn, tôi luôn dặn mình phải cần cù siêng năng hơn. Đến với cuộc thi trong giai đoạn công việc quá nhiều, tôi đã phải từ chối nhiều cơ hội để tập trung cho việc luyện tập và thi cử.
Đêm trước chung kết, tôi bị mất tiếng nặng vì hết quay hình ngoài trời nắng, lại vội vã chạy đến trường quay khác tổng duyệt, không có cả thời gian để ăn. Khi đó đầu óc quay cuồng, mồ hôi vã ra như tắm, nhưng tôi tự động viên mình phải cố gắng từng chút một. Ngày hôm sau, tôi dặn mình đây là đêm cuối, hoặc tôi sẽ tỏa sáng, hoặc tôi sẽ tắt lịm. Tôi bước ra sân khấu với tâm thế của một người chỉ có một cơ hội cuối cùng. Và thật may mắn, ý chí đó đã giúp tôi chiến thắng. Tôi cảm động muốn rơi nước mắt vì tôi nghĩ đến khoảng thời gian 4 tháng vất vả mình đã trải qua, những hạt giống tôi vun trồng đã có những trái ngọt ngào.
– Lần tham dự thi gameshow truyền hình “Cầu Vồng 2009”, Nguyên Khang cũng giành ngôi vị Quán quân. Vẻ như anh khá có duyên với các game show truyền hình. Tuy nhiên, anh lại đợi đến “Sinh ra để tỏa sáng” mới chịu… “tỏa sáng” một lần nữa, trong khi không ít đồng nghiệp của anh xuất hiện đều đặn trên các chương trình truyền hình thực tế (THTT).
Tôi nhận được rất nhiều lời mời thi chương trình THTT, nhưng thú thật công việc của tôi quá nhiều, tôi nghĩ mình không đủ trí lực để dồn sức cho việc luyện tập và thi cử. Với tôi, THTT là cách để nghệ sĩ quảng bá hình ảnh và tên tuổi. Cá nhân tôi cũng đã xuất hiện quá nhiều nên tôi chủ động hạn chế hơn.
Tuy nhiên, ngày còn sinh viên, lúc chưa trở thành MC, tôi thi rất nhiều gameshow để kiếm tiền đóng học phí và may mắn đa phần tôi đều giành giải nhất. Đó là cơ hội giúp tôi tự tin khi tham gia “Cầu Vồng năm 2009″ ở lĩnh vực sở trường của mình. 8 năm sau, lần thứ hai tôi tham gia ”Sinh ra để tỏa sáng” ở lĩnh vực… sở đoản: Nhạc cụ dân tộc. Một trong những lý do chính khiến tôi tham gia cuộc thi này vì tôi muốn học nhạc cụ dân tộc để đàn cho mẹ tôi nghe. Bà nói rằng, chỉ cần nghe tôi đánh đàn, bà sẽ thấy an nhiên và muốn nghe mãi mãi. Đó là hạnh phúc của một đứa con muốn làm cho mẹ vui.
Sẽ trở thành nghệ sĩ đa năng
– Nếu như việc vô địch gameshow “Cầu Vồng 2009” mở ra cho Nguyên Khang con đường trở thành một MC chuyên nghiệp, thì với chiến thắng ở “Sinh ra để tỏa sáng”, Nguyên Khang có dự định gì cho bước đi mới?
Với chiến thắng “Sinh ra để tỏa sáng”, tôi muốn xây dựng hình ảnh của một nghệ sĩ đa năng. Mọi người đã quá quen với hình ảnh một MC lịch lãm, sang trọng qua những chương trình truyền hình. Giờ là lúc tôi muốn hướng đến khả năng biểu diễn để làm mới mình. Tôi sẽ có một số dự án dành cho nhạc cụ dân tộc. Còn cụ thể thế nào, tôi xin phép chưa tiết lộ để tạo sự thú vị và bất ngờ.
– Nghe có vẻ mâu thuẫn nhỉ? Vì anh chẳng từng nói: “Với tôi, điện ảnh, âm nhạc hay thời trang chỉ là cuộc dạo chơi, tôi quá bận để nghĩ mình nên có thêm một nghề nữa. Tôi quan niệm một nghề cho chín còn hơn chín nghề”…
Tôi vẫn xác định MC là nghề chính của mình, nghề mà tôi có thể kiếm được thu nhập để lo cho bản thân, gia đình và đóng góp cho cộng đồng. Với nhạc cụ, tôi xem đó là cuộc dạo chơi, vì tôi không biểu diễn để kiếm sống. Nhạc cụ cho tôi những phút trải lòng với chính mình, với khán giả, và tâm sự cho mẹ nghe. Tôi thích một câu nói: Khi ngôn ngữ bất lực, thanh âm lên tiếng. Và đó là lúc tôi dùng âm nhạc để kể câu chuyện của đời mình.
Tiết mục ”Tình ca du mục & Kachiusa” Nguyên Khang biểu diễn cùng bé Kim Ngọc (bé Kim Ngọc là huấn luyện viên nhạc cụ dân tộc cho Nguyên Khang) tại Đêm chung kết ”Sinh ra để tỏa sáng”
– Từ trước đến nay, Nguyên Khang chỉ chuyên tâm làm MC và khá đắt show, vì sao bây giờ anh lại muốn phát triển công việc theo hướng nghệ sĩ đa năng?
Đời người trung bình chỉ có 80 năm. Đẹp nhất vẫn là giai đoạn từ 20-40. Tôi muốn giai đoạn này mình thử sức với những ước mơ còn dang dở để sau này khi về già, nhìn lại những gì mình đã trải qua, tôi có thể tự hào kể cho con cháu mình nghe: ”Ngày xưa, ông đã…’‘. Với tôi, bài toán kinh tế khá quan trọng, nhưng ước mơ và sở thích thì ngàn vàng cũng không thể mua được. Hãy cứ ước mơ, hãy cứ hành động. Rồi sẽ có lúc ta thấy chúng là những nét son chói lọi trong chuyến hành trình của đời mình.
– Anh có nghĩ đa năng sẽ khó tỏa sáng hơn chuyên tâm vào một con đường, một lựa chọn không?
Tôi cũng đồng ý như thế, mẹ tôi vẫn khuyên tôi nên tập trung cho một hướng đi duy nhất. Thực ra, chính nghề nghiệp đã chọn tôi rẽ lối vào nghệ thuật. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ là MC. Và rồi định mệnh đã trao tôi cái mic. Và giờ đây, định mệnh lại trao tôi cây đàn. Có những thứ người ta gọi là duyên. Nếu đã là duyên, hãy để nó đến tự nhiên.
”Tôi là một con ngựa chiến, tôi sẽ chạy trên con đường dài bằng chính đôi vó của mình”
– “Sinh ra để tỏa sáng” chứ mấy ai “Sinh ra đã tỏa sáng”. Những nỗ lực của anh hẳn không ít?
Thiên tài sinh ra cũng chí có 1% là tài năng, 99% vẫn cần sự nỗ lực. Tôi không thông minh và tài năng lắm đâu. Tôi chỉ được cái “cần cù bù khả năng”. Ngày nhỏ, tôi vẫn thường bị cho là khờ khạo, dễ bị ăn hiếp, bắt nạt. Đi học thì phải luôn nỗ lực gấp đôi, gấp ba những người học giỏi trong lớp mới vượt qua được chúng bạn. Vì vậy, khi tham gia ”Sinh ra để tỏa sáng”, tôi thấy mình “gan”. Cái lá gan tôi nó chắc phải to gấp đôi người thường mới dám chọn cái lĩnh vực khó nhất trong số các lĩnh vực sở đoản của mình. Và cũng chính vì lẽ đó, tôi thay đổi hoàn toàn thời khóa biểu làm việc của mình, thức khuya dậy sớm, ngủ cũng ôm đàn, vì tôi biết, tôi không còn đường rút lui cho cái quyết định “gan tày trời” của mình. Có câu: “Được ăn cả, ngã về không” nên tôi phải vượt qua chính mình. Đôi lúc tôi cứ bị mọi người trách vì cái tính này của mình. (cười)
– “Tỏa sáng” trong một chương trình THTT đã khó, giữ cho mình không “tắt lịm” trong hành trình kế tiếp còn khó bội phần. Nhất là khi không ít người chọn “scandal” là một cách rút ngắn con đường để “nổi tiếng”. Nguyên Khang đã và sẽ làm thế nào để “bơi” trong cuộc chiến này?
Nguyên Khang nói “không” với scandal đấy. (cười). Người ta chọn scandal vì người ta không đủ khả năng “tỏa sáng”. Nếu đủ bản lĩnh, anh cần gì phải “dùng chiêu”. Tôi sẽ tỏa sáng theo cách của chính mình mà không cần dùng scandal. Có câu: ‘‘Đường dài mới biết ngựa hay’‘. Tôi là một con ngựa chiến, và tôi sẽ chạy trên con đường dài bằng chính đôi vó của mình.
– Thành công hôm nay của Nguyên Khang có sự ảnh hưởng từ ai không?
Mẹ là người luôn sát cánh cùng tôi. Bà âm thầm ủng hộ tôi và luôn đưa ra những lời nhận xét chính xác giúp tôi hoàn thiện. Tôi cũng muốn cám ơn người quản lý và trợ lý của mình, họ luôn có mặt kịp thời những lúc tôi khó khăn nhất, họ tiếp thêm sức mạnh giúp tôi tự tin hơn trong con đường mình đã chọn. Tôi không phải người giỏi nhất, nhưng xung quanh tôi lại luôn có những người tình cảm nhất, tuyệt vời nhất.
– Anh chia sẻ rằng rất thích câu nói: “Trên con đường cao tốc của cuộc đời, chúng ta thường nhận ra hạnh phúc từ gương chiếu hậu”.Trên con đường cao tốc của cuộc đời mình anh đã nhận ra hạnh phúc chưa?
Tôi nhận ra việc được làm nghệ thuật là hạnh phúc của đời mình. Tôi từng hoài nghi, liệu một chàng kỹ sư khô khan như tôi có sai lầm hay không khi đặt cược tấm bằng loại giỏi của một trường đại học danh giá cho một quyết định vô định và tương lai chưa biết đi về đâu. Thế nhưng nhìn lại con đường cao tốc mình đi qua, tôi thấy hài lòng, từ quyết định chọn nghề, quyết định Bắc tiến thi MC, quyết định học nhạc cụ, tôi thấy mình là gã tài xế “cừ”, tôi biết lúc nào mình nên rẽ, nên tăng tốc, nên dừng lại. Tóm lại, tôi không phải dạng vừa! (cười)
“Tôi muốn ‘tỏa sáng’ theo cách tử tế”
– Nước mắt, ganh đua, chèn ép, cãi nhau là công thức chưa bao giờ cũ để thu hút sự quan tâm của khán giả sau gần hai thập kỷ THTT bước chân vào Việt Nam. Nhiều người cho rằng đó là màn làm màu hơi quá, nhưng đây thực ra là “mồi câu” của nhà sản xuất, giúp “tạo sóng” dư luận. Và đó cũng là canh bạc mà các thí sinh và huấn luyện viên đều hiểu rõ “vai” và nhiệm vụ của mình khi đặt bút ký tham gia chương trình. Anh có nằm trong số những thí sinh đó?
Tôi luôn tin vào cái gọi là “sự tử tế”. Trong cuộc sống, giữa muôn vàn những kiểu người khác nhau, chúng ta có khuynh hướng chọn người tử tế mà chơi. Truyền hình cũng vậy, sẽ đến lúc người ta chọn chương trình “tử tế” mà xem. THTT cũng như nghệ sĩ trong showbiz, có những người không cần scandal vẫn nổi tiếng, nhưng cũng có người xem scandal là cần câu cơm. Lựa chọn thế nào tùy vào tính cách của nghệ sĩ. Con đường là do ta chọn, tôi vẫn muốn ”tỏa sáng” theo cách tử tế.
– Mới đây, Đẹp có bài viết về các chương trình THTT, trong đó có câu: “Hầu hết các chương trình THTT đang phát sóng đều được sản xuất theo format có sẵn, nghĩa là những cao trào tranh cãi, những màn ganh đua nảy lửa hay lâm li đầy nước mắt cũng nằm sẵn trong kịch bản, khác chăng chỉ là câu chuyện và nhân vật mà thôi. Âu đó cũng là xu thế khó tránh khỏi. Cách tránh tốt nhất có lẽ là… đừng xem nếu bạn không thích”. Anh có đồng ý với ý kiến này không?
Tôi đồng ý. Khán giả bây giờ tinh tế và thông minh lắm. Họ chọn chương trình giải trí để xem vì họ có quá nhiều lựa chọn với hơn 90 kênh truyền hình mà. Cá nhân tôi chỉ xem những chương trình giải trí mà mình học được gì từ nó. Bằng không, tôi sẽ dành thời gian đó để làm những chuyện có ích cho bản thân, học nhạc cụ, đọc sách, hay xách ba lô đi du lịch. Tôi thích dùng thời gian của mình vào những việc có ích hơn là xem những chương trình THTT không tạo ra giá trị tích cực.
– Anh sẽ tiếp tục “show” gì trong “The Khang Show” vậy? Khán giả đang chờ thưởng thức những món “gai góc”, ví dụ như mặt trái của showbiz chẳng hạn, anh “chế biến” được chứ?
Tôi vẫn đang nung nấu đưa “The Khang Show” trở lại. Thú thật, sau khi thi xong ”Sinh ra để tỏa sáng”, tôi muốn xách ba lô lên đi du lịch cho khuây khỏa, gác lại công việc của một tuần để đặt chân đến Thổ Nhĩ Kỳ – vùng đất nằm giữa hai châu lục, để xả stress sau những ngày thi cử vất vả. Tôi muốn “The Khang show” sẽ là chương trình truyền hình để học, chứ không phải để phê phán. Tôi chọn làm chương trình tạo ra giá trị tích cực, chứ không phải tiêu cực. Và tôi sẽ làm, vấn đề chỉ là thời điểm và con người. Tôi là một người dịch chuyển và luôn tạo ra sự bất ngờ, và tôi tin khán giả đang chờ đợi điều thú vị từ tôi.
– Câu hỏi cuối cùng, anh từng ấp ủ về một “hôn lễ rất lãng mạn ở nước ngoài”. Ước mơ đó đến đâu rồi?
Tôi đã tính nhưng chưa đến thời điểm thích hợp để thực hiện. Tôi cũng không muốn “nói trước bước không qua”, vạn sự tuỳ duyên. Chuyện gì đến ắt sẽ đến, còn nếu chưa đến thì chưa đủ duyên.
Tôi thấy nhiều người có thói quen bình luận về cuộc sống người nổi tiếng, thế nên tôi muốn giữ lại cho riêng mình. Một ẩn số thú vị sẽ gợi tò mò, chứ bài toán mà có lời giải rồi thì sẽ chẳng còn hấp dẫn nữa, đúng không? (cười).
Cảm ơn anh, và chúc anh luôn là “tài xế” cừ trên con đường cao tốc phía trước!