MC Hoàng Oanh: “Tôi từng nghĩ: ‘Sao mình xui quá vậy, mang thai mà lại không có chồng bên cạnh…’”

Kể cả sau khi kết hôn hồi cuối năm 2019, Hoàng Oanh và Jack – chồng cô, vẫn sống ở hai bầu trời khác nhau như lúc mới yêu và cứ cuối tuần cả hai sẽ luân phiên thăm nhau. Nhưng kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay đã hơn 3 tháng, Hoàng Oanh một mình trải qua giai đoạn thai kỳ tại Việt Nam mà không có chồng bên cạnh, còn Jack thì buộc phải xoay sở ở Singapore.

Ấy vậy mà khi chia sẻ về cái gọi là “thử thách lớn nhất của đời mình”, Hoàng Oanh lại nói bằng một giọng nhẹ bẫng bởi “Dù chúng ta không thể đoán được chuyện gì sẽ xảy ra trong đời hay mọi thứ rồi sẽ có lúc nằm ngoài tầm kiểm soát, thì ta luôn có thể chọn cho mình thái độ sống và cách để đối mặt”. Và đúng như lời Hoàng Oanh nói, thế giới không dễ dàng sụp đổ như vậy. 

“Chúng tôi càng trân trọng và yêu nhau nhiều hơn khi không thể bên nhau lúc này”

Khoảng thời gian hai vợ chồng phải tạm xa nhau vì dịch bệnh tin chắc với chị là điều không hề dễ dàng?

Không gặp chồng trong khoảng thời gian dài như vậy thật sự hy hữu, phải nói là chuyện ngàn năm có một. Tôi cũng không nghĩ nó lại có thể xảy ra đúng lúc mình mang thai và cận kề ngày sinh như vậy. Biết bao kế hoạch đều tan thành mây khói. Bù lại, giai đoạn này, chúng tôi không chỉ có nhiều thời gian để trò chuyện, hiểu được tâm tư của nhau, mà còn nói được rất nhiều thứ về cuộc sống tương lai – điều mà trong “thời bình” khó xảy ra.

Tôi thật sự tò mò về cách hai anh chị giữ lửa tình cảm với cách biệt địa lý như vậy?

Chúng tôi quan tâm và động viên nhau nhiều hơn thay vì than thở. Hai đứa có thú vui gì mới hay phát hiện ra điều gì hay ho đều kể cho nhau nghe. Thật ra, tôi vẫn may mắn hơn Jack vì sống gần gia đình, còn anh thì chỉ có thể một mình loay hoay với bốn bức tường tại Singapore. Chồng tôi phải tự học làm tất cả mọi thứ kể cả nấu ăn, nhưng nhờ vậy mà giờ anh biết nấu rất nhiều món (cười). Về phần mình, tôi dành thời gian để tìm tòi về ẩm thực, đọc sách chăm sóc con và trở lại với sở thích vẽ tranh. Thỉnh thoảng bọn tôi còn hay tặng quà cho nhau. Ví như tôi đặt thức ăn, trái cây online ở Singapore gửi cho chồng; còn Jack đặt mua cho tôi giá vẽ và màu vẽ. Đều là những món quà giản dị nhưng là nguồn sức mạnh, sự động viên vô cùng lớn chúng tôi dành cho nhau. 

Hoàng Oanh và Jack chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc và ngọt ngào trong bộ ảnh cưới.

Có một điều mà hàng chục năm nay tôi lấy làm kim chỉ nam, đó là dù chúng ta không thể đoán được chuyện gì sẽ xảy ra trong đời hay mọi thứ rồi sẽ có lúc nằm ngoài tầm kiểm soát, thì ta luôn có thể chọn cho mình thái độ sống và cách để đối mặt. Năng lượng tiêu cực một khi đã lây lan thì chỉ làm mọi thứ thêm tệ, khiến tinh thần đi xuống, còn lại chẳng giúp ích gì cho hoàn cảnh hiện tại cả.

Thế mà có rất nhiều cặp vợ chồng đã ly hôn vì… ở cạnh nhau suốt trong khoảng thời gian cách ly. Chị nghĩ sao về nghịch lý này?

Hoàn cảnh chỉ là chất xúc tác thổi bùng tất cả vấn đề đã nảy sinh từ lâu giữa họ. Khi phải đối mặt với những khó khăn đòi hỏi sẻ chia, bao dung và yêu thương, thì chính sự mất kết nối, khoảng cách và những rạn nứt sẵn có đã nhấn chìm hai người. Hay nói đúng hơn, đó là khi một giọt nước cũng đủ làm tràn ly. Dù một mâu thuẫn nhỏ cũng có thể khiến đường ai nấy đi, chứ đừng nói là mùa dịch dài đằng đẵng với nhiều thử thách như vậy. 

Nhưng nói đi phải nói lại, khoảng thời gian này chính là cơ hội tốt để chúng ta soi tỏ lòng nhau. Nếu không còn hòa hợp, không cảm thấy hạnh phúc thì cho nhau lối đi riêng cũng không phải là chuyện gì quá tồi tệ. Phàm cái gì miễn cưỡng đều không hạnh phúc, không phải sao?

Vì không có nhiều thời gian bên cạnh nhau vì cách biệt địa lý, cả hai càng thêm trân trọng từng giây phút bên cạnh đối phương.
“Tôi biết ơn mẹ vì đã bên cạnh mình lúc này”

Trở lại một chút về thói quen vẽ mà chị vừa đề cập, sở thích ấy đến với chị như thế nào? 

Tôi đã bắt đầu thích vẽ từ hồi mẫu giáo. Bố thấy mình cứ vẽ vời suốt ngày thì bố bảo làm họa sĩ nghèo lắm, nên dần dà cũng không dành nhiều thời gian cho nó nữa (cười). Sau này khi lớn lên mới trở lại vẽ thường xuyên hơn. 

Vẽ đã tác động đến đời sống tinh thần của chị ra sao?

Chỉ việc cầm cọ thôi đã khiến tôi cảm giác như thể ngược về tuổi thơ, được sống như một đứa trẻ. Vẽ là phải tập trung toàn bộ tâm trí vào bức tranh và mất khoảng 3-4 giờ đồng hồ để hoàn thành. Tôi sẽ không làm gì khác ngoài chuyện pha màu, canh bố cục, ánh sáng, và mọi thứ sao cho thật chuẩn xác là tự nhiên không có thời gian để nghĩ về những chuyện vớ va vớ vẩn nữa.

Hoàng Oanh hào hứng “khoe” bộ dụng cụ vẽ mà Jack đã đặt mua cho mình từ Singapore trên trang cá nhân. Đính kèm món quà tâm lý và đáng yêu này, Jack nói: “Anh biết em rất stress và nhiều lúc cảm thấy buồn vì anh không thể bên cạnh. Anh muốn em vẫn giữ sở thích và niềm vui của mình cho dù đã làm mẹ. Và sau này khi có anh có thể về nhà với em, anh sẽ giữ con cho em ngồi vẽ nhé”.

Nhiều người ngại trải nghiệm bộ môn này vì cho rằng nó đòi hỏi nhiều ở năng khiếu và sự khéo tay. Chị nghĩ như thế nào?

Thật ra mọi người đừng nghĩ vẽ như một bộ môn nghệ thuật cần có thiên phú bẩm sinh mới học được. Hãy cho bản thân cơ hội để khám phá một thú vui mới, ít thì có thêm một nguồn vui sống một trải nghiệm thú vị, nhiều thì biết đâu chừng phát hiện mình cũng có hoa tay thì sao?  

Trước khi vẽ, học viên trong lớp vẽ chúng tôi sẽ đặt tay lên tờ giấy trắng và nói một câu cho bức tranh của mình: “Không chê tranh mình xấu, không chê tranh bạn mình xấu, không phán xét bức tranh đó đẹp hay xấu”. Tuyên ngôn đó cho tôi cảm giác như thể tìm thấy sự tự do, thoải mái, yên bình và được sống là chính mình mà bản thân mong mỏi bấy lâu. Tôi tin mọi người cũng sẽ tìm thấy thứ cảm giác vừa thuần khiết vừa tươi mát ấy.

“Bức tranh vẽ 3 người bạn ngồi trên chiếc xe bus du lịch giữa một khu rừng đêm, ngắm nhìn bầu trời và vô tình bắt gặp một ngôi sao băng là bức tranh rất ý nghĩa. Đơn giản vì tôi đã vẽ cùng hai cô bạn thân Ái Phương và Kim My. Nó nhắc tôi nhớ phải luôn sống thật nhiệt huyết với tuổi trẻ và đam mê của mình.” – MC Hoàng Oanh chia sẻ.

Những ngày này ngoại trừ vẽ tranh, chị đã làm gì để bản thân tránh sa vào những điều tiêu cực ảnh hưởng đến thai nhi?  

Có những hôm tâm trạng của tôi không ổn định, nghĩ một hồi lại nghĩ sao mình xui quá vì ngay lúc mang thai lại không có chồng bênh cạnh. Nhưng nhờ có tình yêu của mẹ và gia đình nên mấy suy nghĩ vẩn vơ ấy nhanh chóng bị dập tắt. Mẹ ít khi thể hiện sự lo toan, buồn bã hay ủy mị như người ta vẫn hình dung về người phụ nữ. Mẹ rất mạnh mẽ, vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Đối với những lời than thở của tôi, mẹ chỉ nói: “Có gì đâu con, rồi cũng qua cả mà”

Thế là tôi thấy một hình ảnh trái ngược hoàn toàn với mình. Một thử thách nhỏ mà tôi đã lo như vậy, trong khi cả cuộc đời mẹ đã trải qua biết bao điều còn khó khăn hơn thế. Tôi đã học được rất nhiều điều từ mẹ và hiểu rằng nên nhìn vào những mặt tích cực, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn với chúng ta nhiều lắm. 

“Dù điều kiện sinh con ở nước ngoài có thể tốt hơn ở Việt Nam nhưng không một nơi nào sánh bằng nơi có mẹ cả. Tôi quyết định sinh con ở đây vì có mẹ bên cạnh.” – Hoàng Oanh cho biết.

Thời gian biểu thường ngày của chị trong thời gian mang thai bao gồm những hoạt động gì?

Chủ yếu là nói chuyện với em bé, cho bé nghe nhạc để phát triển trí não, bồi bổ sức khỏe, ngủ nghỉ đúng giờ, ăn thực phẩm healthy, đọc sách, xem youtube, vẽ, học tiếng anh hoặc học đàn… Nói chung, tôi kiếm rất nhiều chuyện làm để giữ cho tinh thần luôn thoải mái và vui vẻ (cười).

Đối với chị, đâu là thay đổi lớn nhất của người phụ nữ khi sắp trở thành mẹ?

Thay đổi lớn nhất đó là làm bất kỳ điều gì cũng nghĩ cho con trước tiên, và đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận rõ thứ cảm giác biết yêu một ai đó nhiều hơn chính bản thân mình. Tôi thấy trách nhiệm của mình cao hơn hẳn, bởi từ nay tôi không sống cho riêng tôi nữa. 

Mang trong người một sinh linh bé nhỏ là khoảnh khắc thiêng liêng với Hoàng Oanh, bởi cô không chỉ ý thức được trách nhiệm của mình mà còn nhận ra tình thương vô bờ bến của ba mẹ mình.

Có một điều gì mà nếu không phải là giai đoạn này, chị nghĩ mình sẽ khó lòng nhận ra?

Người ta hay nói là trái tim của mẹ là điều vĩ đại nhất trên thế giới này, nhưng tôi thấy trái tim của bà ngoại còn vĩ đại hơn nữa. Từ những tháng đầu của thai kỳ, mẹ đã chăm sóc từng li từng tí, hướng dẫn đi đứng thế nào, đích thân nấu ăn… Phải nói là sự yêu thương mà ba mẹ dành cho con gái trước đã nhiều, nay khi tôi có em bé thì càng nhiều hơn. Có những khó khăn, những nỗi lòng mà không ai có thể thể chia sẻ với mình bằng mẹ, cụ thể là lúc có em bé như thế này. Dù điều kiện sinh con ở nước ngoài có thể tốt hơn ở Việt Nam nhưng không một nơi nào sánh bằng nơi có mẹ cả. Tôi quyết định sinh con ở đây vì có mẹ bên cạnh.  

Cảm ơn những chia sẻ của chị.


From the same category