Mấy ai đủ dũng cảm để trở thành “cái bóng” trong tình yêu?

Câu này thì ai cũng nghe qua rồi: “Đằng sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng một người phụ nữ”. Mặc dù đôi khi nó cũng trở thành đề tài giễu cợt, như danh hài Groucho Marx từng chế lại: “Đằng sau sự thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng một người phụ nữ, và đằng sau cô ấy là… vợ anh ta”, thế nhưng trừ vài ba khoảnh khắc tinh ranh như thế, hầu như ai cũng chấp nhận câu nói gốc như một chân lý hiển nhiên.

Cũng đúng thôi, chúng ta sống trong lịch sử được viết nên bởi những người đàn ông. Từ “lịch sử”̉ tiếng Anh là “history”, tức là “his story” – câu chuyện của anh ấy, chứ không bao giờ là “her story” – câu chuyện của cô ấy. Nhưng nếu nhìn từ người đàn ông, đằng sau thành công của họ là một người phụ nữ; thì nhìn từ góc độ một người phụ nữ, liệu có thể chuyển thành: “Chắn trước mỗi người phụ nữ giỏi giang là một người đàn ông chiếm hết hào quang” được hay không?

1. Đep, nhưng liêu có khôn ngoan?

Nếu là một người hâm mộ quần vợt, bạn hẳn đã quá quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ ngồi trên khán đài trong gần như mọi trận đấu của Roger Federer. Gần như mọi trận đấu, có nghĩa là vài ngàn trận đấu, trong gần 2 thập kỷ. Cô ở đó trong những chiến thắng vinh quang nhất, những chiến bại bẽ bàng nhất, và như thể 2 thập kỷ cũng không khiến cô quen với áp lực một cuộc đấu bóng, cô vẫn cắn móng tay ở bất cứ trận đấu nào Roger rơi vào tình huống khó.

Roger vẫn nói: “Mirka đã ở đó khi tôi chưa có một danh hiệu nào, giờ thì tôi đã có chừng này danh hiệu. Bạn biết cô ấy quan trọng thế nào rồi đấy”.

Thế nhưng, ít ai thực sự cho rằng không có Mirka thì không có Roger. Roger thành công bởi đơn giản anh sinh ra đã là thiên tài thể thao, còn Mirka làm gì ư? Có lẽ cô là một thư ký tốt. Người ta lại càng không thể nhớ bản thân Mirka cũng từng là một tay vợt tiềm năng, trước khi dính phải một chấn thương vĩnh viễn không thể phục hồi. Trong mắt mọi người, cô luôn (chỉ) là bạn gái của Roger, quản lý của Roger, rồi vợ của Roger, đại khái, một cái gì đấy của Roger. Vị trí của cô luôn có một dấu sở hữu cách.

Đó là một mối tình đẹp, hẳn nhiên, nhưng rất nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu tình yêu ấy có khôn ngoan?

Nếu là vài thập niên trước, sẽ không ai hỏi như vậy. Một người phụ nữ lui xuống để người đàn ông của cô tiến lên, chuyện ấy dường như là lẽ tự nhiên. Nhưng trong thời đại phụ nữ được giải phóng, được tự do, những người đàn ông thường xuyên phạm lỗi, còn tình yêu và hôn nhân trở nên mong manh hơn bao giờ hết, không ai khuyên phụ nữ hãy hy sinh vì tình yêu. Vì tình yêu không phải là tất cả.

Roger Federer và Mirka Vavrinec có một cuộc tình nổi tiếng trong làng thể thao

Tình yêu đã từng là tất cả. “All you need is love” – tất cả những gì bạn cần là tình yêu, như tên một bài hát nổi tiếng của The Beatles. Nhưng thời kỳ lãng mạn đã trôi qua. Dù cho Ariana Grande có mượn tựa đề ấy của The Beatles cho một bài hát của cô, chúng ta vẫn không thực sự tin tình yêu là tất cả. Tình yêu vẫn đẹp và tuyệt vời, nhưng có nhiều điều quan trọng hơn nó, chẳng hạn như: làm chính mình.

2. Môt tình yêu khoan dung và toàn vẹn

Cho dù có tình yêu, với bất cứ ai, việc phải làm cái bóng của một người khác cũng không dễ chấp nhận. Nicole và Charlie trong “Marriage story”, một tác phẩm điển hình về hôn nhân, đã đi đến tan vỡ bởi Nicole nghĩ rằng, cô không thể cứ sống mãi đằng sau hào quang của Charlie. Đã đến lúc cô phải sống cho mình.

Cảnh trong phim “Marriage story”

Trong một xã hội bình quyền, người ta nói nhiều hơn về việc phụ nữ trước tiên phải sống cho chính mình. Người ta gạt bỏ phẩm hạnh của sự hy sinh. Đừng bắt phụ nữ phải hy sinh nữa, và hy sinh cũng không phải một đức tính đáng ngợi ca gì. Nếu một tình yêu đòi hỏi ta phải hy sinh, đó là tình yêu không xứng đáng.

Còn nhớ hồi 2 năm trước, nữ diễn viên gạo cội Glenn Close được đề cử giải Oscar cho nữ chính xuất sắc với vai diễn trong bộ phim “The wife” (Người vợ). “The wife” bắt đầu vào một đêm nọ, khi một cặp vợ chồng già chuẩn bị chìm vào giấc ngủ thì có một cuộc điện thoại gọi tới. Người phía đầu dây bên kia tự xưng là đại diện của Viện Hàn lâm Thụy Điển, và ông ta thông báo, Joe – người chồng – đã giành giải Nobel Văn chương năm đó. Sau những niềm vui chóng vánh, hành trình đến giải Nobel văn chương dần lật mở những uẩn khúc phía sau, và hé lộ sự thật rằng, người đã viết nên những áng văn bất hủ không phải Joe, mà chính là Joan – vợ ông, người mà bất cứ khi nào giới thiệu với mọi người, ông vẫn thường nói, bà chẳng bao giờ viết gì hết cả.

Joe và Joan, cặp vợ chồng trong bộ phim “The Wife”

Vậy mà, ngay cả trong những phút yếu lòng, khi những hàn huyên riêng tư với những phóng viên tọc mạch đã đến rất gần với cái bí mật động trời ấy, Joan cũng đã quyết định không bao giờ nói ra. Đến cuối cùng, bà vẫn mãi mãi chỉ là người phụ nữ đứng sau thành công của một tiểu thuyết gia vĩ đại. Đến cuối cùng, bà vẫn là cái bóng.

Joan không việc gì phải làm vậy. Thế nhưng, bà vẫn làm vậy. Nó không chỉ vì thể diện của gia đình. Cũng không hẳn bởi đó là sự bạc nhược yếu mềm cố hữu trong tính cách của một người phụ nữ truyền thống. Hình ảnh bà nhảy cẫng lên cùng Joe khi nghe tin ông đoạt giải có lẽ đã nói lên tất cả những gì cần nói. Bà đã lựa chọn như vậy, bởi một tình yêu khoan dung và toàn vẹn tới Joe – người thầy dạy Văn một thuở của mình. Lựa chọn ấy có thể sai, nhưng kể cả khi tình yêu sai, nó vẫn là tình yêu.

Người ta không nhất thiết phải im lặng như Joan để minh chứng tình yêu của mình. Cũng không nhất thiết phải ca ngợi sự hy sinh có phần mù quáng của Joan. Bản thân tình yêu chỉ là tình yêu, nó xảy ra một cách tự nhiên và không có gì vĩ đại ở trong đó. Thay vì thừa nhận hay phủ nhận những tình yêu như của Joan, hãy cứ để nó diễn ra.

Bởi tình yêu muôn hình vạn trạng và nếu như với một số người, tình yêu không nên là tất cả, thì với một số người khác, tình yêu là tất cả. Không nên, nhưng nó vẫn là tất cả.

Có một câu chuyện rằng, trước khi nổi tiếng, Lý An từng thất nghiệp. Thuở đó ông mới tốt nghiệp, chưa làm được phim, ông ở nhà rửa bát, nấu cơm, trông con, mỗi ngày đều ngồi đợi vợ đi làm về. Không phải họ Lý không muốn kiếm tiền, nhưng vợ ông đã không cho phép ông đi làm, bởi bà tin ông xứng với một công việc khác, bà tin ông có tài, bà muốn ông nhất định phải theo đuổi đam mê điện ảnh, một mình bà cáng đáng gia đình là đủ rồi. Và cứ thế, 6 năm trời, Lý An ở nhà làm nội trợ, mang tiếng ăn bám vợ. Đến một ngày, khi gửi kịch bản “Hỷ yến” cho một cuộc thi, ông nhận được tài trợ để làm phim. Nếu không có niềm tin mù quáng đó của một người phụ nữ chưa đầy 30 tuổi, liệu trên đời có một Lý An như ta biết hôm nay, liệu điện ảnh Hoa ngữ có “Ngọa hổ tàng long” để tự hào? Và cho đến hôm nay, cũng chẳng mấy ai biết về người phụ nữ đã ở bên Lý An từ ngày đó.

Đạo diễn Lý An và vợ

Bạn cũng có thể nói rằng, cái kết có hậu như Lý An chỉ là số ít. Sẽ có những câu chuyện khác với những cái kết không có hậu. Điều đó cũng không có nghĩa rằng hy sinh là một lựa chọn tồi cho tình yêu. Không, chẳng có mẫu thức nào cho tình yêu cả. Tình yêu là một con đường dài, ta không biết nó là vĩnh viễn hay một lúc nào đó sẽ kết thúc, và nếu kết thúc, sẽ kết thúc ở đâu. Chừng nào vẫn đang ở trên con đường đó, người ta chỉ có thể hết mình cho nó. Tình yêu không phải là tất cả, cũng không phải điều đẹp nhất hay cần thiết nhất trên thế giới. Nhưng nó có một sức mạnh kỳ lạ, rằng khi nó đến, nó sẽ xảy ra theo cách của nó, bất chấp mọi phán xét hay toan tính.


From the same category