Matt Jackson – Người đàn ông cất tiếng nói vì phụ nữ

Là đại diện của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, Matt Jackson cảm thấy may mắn khi có một công việc mỗi ngày đều khác biệt và tạo ra sự thay đổi tích cực cho xã hội. Những chia sẻ của anh giúp tôi hiểu rằng mỗi người đều có sứ mệnh riêng, chỉ cần ai nấy đều làm tốt nhiệm vụ của mình, chúng ta sẽ sống trong một thế giới vô cùng tử tế. 

Trong suy nghĩ của rất nhiều người, Liên Hợp Quốc là cầu nối quan trọng dẫn đến thế giới hòa bình và ít bất công. Trên phương diện cá nhân, đó có phải là lý do anh chọn gắn bó với tổ chức này hay không?

Khi còn là một thiếu niên, tôi đã nghe nhiều câu chuyện từ những người khuyết tật, người LGBTQI+ và người dân tộc thiểu số về những rào cản của họ đối với sự bình đẳng. Việc trải qua một vài tình huống tương tự đã khiến tôi đồng cảm sâu sắc và quyết tâm trở thành một phần của sự thay đổi.

Ở Việt Nam, tôi đã gặp nhân viên tại các trung tâm công tác xã hội, tình nguyện viên làm việc với người cao tuổi và những người hỗ trợ nạn nhân của bạo lực giới tại nhiều tỉnh, thành phố. Họ đều đang làm việc để cải thiện cuộc sống cho mọi người. Tôi rất vui khi được góp thêm vào đó tiếng nói và nỗ lực của mình.

Ông Matt Jackson – đại diện của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam.

Là một người đàn ông cất lên tiếng nói cho phụ nữ trong câu chuyện xóa bỏ bất bình đẳng giới, đối với anh, điều này có mang ý nghĩa đặc biệt nào không?

Bình đẳng giới mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Có lợi ích cho gia đình, cộng đồng và có lợi ích cho cả nền kinh tế. Đây là lý do tại sao bình đẳng giới được coi là một “khoản đầu tư tốt” về mặt phát triển. Chúng ta đều có thể ủng hộ bình đẳng giới và tôi nghĩ đây là điều mà ta nên phấn đấu để đạt được.

Trong những năm gần đây, chúng ta có thể nhìn thấy rõ sự tiến bộ về vị thế của người phụ nữ trong xã hội, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới ở các thành phố lớn tại Việt Nam. Đối với phụ nữ ở vùng cao, vùng kinh tế chưa phát triển mà Liên Hợp Quốc đang hỗ trợ thì sao?

Theo báo cáo, 96% các bà mẹ ở Việt Nam sinh con tại bệnh viện, nhưng khi nhìn vào tình hình của các bà mẹ dân tộc thiểu số, con số này chỉ là 30%, có nghĩa là họ có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn. Tôi đã thấy điều này ở các tỉnh như Bắc Kạn, Bình Định và Lai Châu, nơi cộng đồng nông thôn không có nhiều cơ hội tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ sau sinh. Vì lý do này, UNFPA đang hợp tác với Bộ Y tế tại một số tỉnh để giúp phụ nữ nông thôn hiểu được tầm quan trọng của khám thai định kỳ, dinh dưỡng trong thai kỳ và kế hoạch sinh con tại bệnh viện. UNFPA cũng hỗ trợ mạng lưới các bà đỡ ở những vùng kinh tế kém phát triển để hỗ trợ phụ nữ mang thai cũng như quản lý các ca sinh không biến chứng. Chúng tôi đã gặp gỡ các bà mẹ ở Lai Châu, Bắc Kạn và nhiều tỉnh khác, họ chia sẻ rằng họ cảm thấy tự tin hơn khi được khám thai và chăm sóc sức khỏe, đó là một điều rất đáng mừng.

Sự có mặt của đại diện Liên Hợp Quốc dường như là một sự trấn an đối với những người ở vùng kém phát triển, nơi mà khoảng cách với thế giới văn minh là rất lớn.

Chúng tôi ở đây để hỗ trợ phụ nữ Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của UNFPA là chấm dứt bạo lực giới. Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực đối với Phụ nữ tại Việt Nam vào năm 2019 cho thấy gần 2/3 số phụ nữ đã trải qua bạo lực từ bạn đời và 90% trong số này không bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ. Sự hỗ trợ của chúng tôi bao gồm: xây dựng đường dây nóng và trung tâm quốc gia về bạo lực giới, giải quyết các nguyên nhân gốc rễ để ngăn chặn bạo lực, thay đổi sự kỳ thị liên quan đến bạo lực.

Tôi đã gặp những người sống sót sau bạo lực giới ở các tỉnh như An Giang, Thanh Hóa và Quảng Ninh. Một giáo viên nghỉ hưu kể với tôi rằng bà phải chịu đựng đau đớn trong nhiều năm từ người chồng bạo lực và bị đổ lỗi bởi những người khác trong cộng đồng của mình. Với sự hỗ trợ tâm lý và lời khuyên từ các chuyên gia của UNFPA, bà hiện đang ở trong tình trạng tốt hơn nhiều: độc lập, hiểu biết và tự tin về tương lai. Những câu chuyện như vậy giúp tôi hiểu rõ thế nào là mang đến niềm hy vọng cho những người cần sự giúp đỡ.

Ngoài các dự án tại Việt Nam, anh còn có rất nhiều cuộc họp xuyên quốc gia. Thời gian riêng tư của một người có lịch trình bận rộn sẽ như thế nào? Liệu có lúc nào anh thưởng thức cuộc sống bằng một sự thư thái tuyệt đối?

Tôi có nhiều sở thích khác nhau, một số để giữ cho tâm trí và cơ thể hoạt động, số khác để thư giãn. Ví dụ, tôi cố gắng tập luyện vài lần một tuần tại phòng gym và khi có cơ hội, tôi thích bơi lội và yoga. Khi có nhiều thời gian hơn, tôi đi bộ đường dài, vẽ tranh; còn trong các kỳ nghỉ, tôi thích du lịch và khám phá những địa điểm mới, đặc biệt là các di tích lịch sử. Mặc dù rất khó để cân bằng giữa công việc và cuộc sống nhưng tôi luôn cố gắng hướng tới sự cân bằng đó, ngay cả khi điều này chỉ có nghĩa là đi cà phê vào cuối tuần hoặc đi dạo một vòng hồ với bạn bè.

Tôi có thể cảm nhận được sự nghiêm túc của anh đối với công việc này và có vẻ bối cảnh xã hội Việt Nam cũng tạo cho anh rất nhiều động lực. Anh yêu quý điều gì ở đất nước và con người Việt Nam?

Tôi đến Việt Nam vào tháng 8 năm 2023 với tư cách là đại diện quốc gia của UNFPA. Ấn tượng đầu tiên của tôi là sự chào đón nồng nhiệt từ các đồng nghiệp và đối tác, cũng như lòng hiếu khách của người dân Việt Nam.

Trong năm đầu tiên, tôi đã đi hơn 1/3 tổng số các tỉnh thành của Việt Nam thông qua các chuyến công tác hoặc du lịch. Điều này cho phép tôi thấy được vẻ đẹp cảnh quan và sự đa dạng trong văn hóa và ẩm thực Việt Nam. Tôi là fan của bún chả, bánh cuốn, bánh xèo, phở, cốm và nhiều món ăn khác. Tôi vô cùng ấn tượng với sự cân bằng trong hương vị, màu sắc và độ tươi ngon của các nguyên liệu.

Tôi còn quan sát được rằng con người Việt Nam dù ở đâu cũng vô cùng ấm áp. Mỗi tỉnh đều có nét đặc trưng riêng, nhưng lòng hiếu khách và niềm vui của người dân làm cho mỗi vùng đất trở nên đáng nhớ. Ngoài ra, tinh thần đoàn kết, cách mà những người hàng xóm hay các nhóm cộng đồng giúp đỡ lẫn nhau và giúp đỡ những người dễ bị tổn thương đã thực sự tạo nên một bức tranh đẹp về Việt Nam.

Cám ơn anh về cuộc trò chuyện.

CHUYÊN ĐỀ: ĐIỀU TỬ TẾ

Tiểu thuyết gia Mark Twain từng nói: “Sự tử tế là ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người câm có thể nói”. Câu nói ấy mang ý nghĩa rằng lòng tốt và sự tử tế là những giá trị phổ quát, có thể vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ và thể chất. Bước vào không gian của một lớp học múa dành cho người điếc hay một lớp học về sức khỏe của phụ nữ vùng cao, trò chuyện cùng một nghệ sĩ hay một nhà hoạt động xã hội, bạn có thể dễ dàng hiểu được câu nói trên theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Điểm chung giữa những con người này là một trái tim nhân ái rộng mở và những dự án nối dài cho các thế hệ tương lai.

Đọc thêm
Lyon Nguyễn: Nghệ thuật múa dành cho tất cả mọi người
Chung Thúy Linh: Quả ngọt cho tương lai
Jun Phạm: Dáng hình của những ước mơ
Matt Jackson: Người đàn ông cất tiếng nói vì phụ nữ


From the same category