Mắt và máy tính: Kẻ thù có thể… đứng chung!

Hãy học cách để bảo vệ đôi mắt của bạn trong thế giới công nghệ ngày càng phát triển.

Nếu, bạn soi gương và nhận ra đôi mắt mình trở nên đỏ ngầu sau ngày làm việc thì hãy nghĩ rằng có thể bạn đang “mắc nghiện”. Và, “thủ phạm” khiến bạn “nghiện ngập” chính là một trong các thiết bị kỹ thuật số đang sử dụng.

Đây là một hiện tượng mới, đang xảy ra rộng rãi mà các nhà khoa học gọi tên hội chứng thị lực do máy tính (CVS). Theo nghiên cứu, 90% số người thường dán mắt vào màn hình máy tính, hoặc điện thoại nhiều tính năng hay máy đọc truyện điện tử từ 2 tiếng trở lên, lặp lại liên tiếp đều bị ảnh hưởng bởi hội chứng này. 

Những biểu hiện của hội chứng CVS bao gồm mờ mắt, đau đầu, khô mắt, hoặc thậm chí là cận thị trong một thời gian dài. Dẫu rằng, thật khó để tránh tuyệt đối các thiết bị kỹ thuật số trong thời đại ngày nay, bạn cũng không nên chờ đợi  một cách thụ động sự tàn phá của hội chứng thị lực do máy tính gây ra với đôi mắt. Thay vào đó,  hãy bắt đầu ngăn chặn nguy cơ này ngay từ bây giờ.

Gặp rắc rối về thị lực

Chuyên gia thị lực Andrea, O.D ở Hiệp hội thị lực Hoa Kỳ tại New York cho biết : “Mắt chúng ta phải nhìn theo ba chiều. Vì vậy, chúng ta phải dừng ngay việc tập trung căng mắt ra để tìm hình ảnh 3-D khi nhìn sát vào màn hình 2-D.”

Hơn nữa, tiêu cự tự nhiên của mắt cách xa 50cm, trong khi hầu hết mọi người đều ngồi gần màn hình máy tính hơn khoảng an toàn này, buộc các cơ mắt phải làm việc liên tục để điều chỉnh tầm nhìn. Thực tế, nếu bạn tập trung nhìn chằm chằm vào bất kỳ một màn hình kỹ thuật số nào trong vài giờ, cơ mắt của bạn sẽ phải làm việc quá sức và không được thư giãn trở lại ngay cả sau khi bạn đã nhìn ra xa.

Hiện tượng cận thị giả cũng sẽ trở thành cận thị vĩnh viễn nếu bạn tạo điều kiện cho điểm mờ, tức hiện tượng mắt  không nhìn thấy trong vài giây,  xuất hiện nhiều lần trong ngày, trong tuần và liên tục. Không để lại hậu quả nghiêm trọng như mất thị lực, hiện tượng khô mắt thường xuyên có thể dẫn đến các chứng  viêm nhiễm “không mời”.

Một nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra, những người ngồi trước máy ví tính thường chớp mắt ít hơn 6 lần 1 phút. Lúc này, mí mắt luôn phải mở
to, dẫn đến mắt bị khô rát hơn. Trong khi thông thường,
con người chớp mắt trung bình 16 lần/phút. Hành động này giúp đẩy các bụi bẩn ra khỏi mắt, qua đó giữ cho nhãn cầu luôn được bôi trơn và hoạt động tốt hơn.


Hãy bảo vệ mắt của bạn

Các chuyên gia khuyên bạn: bước thứ nhất trong hành trình bảo vệ mắt là hãy vận dụng nguyên tắc 20-20-20 đơn giản Cụ thể, sau khi dùng máy tính 20 phút, bạn phải nhìn ra xa khoảng 20 giây và nhìn tập trung tại môt điểm cố định cách xa 6m. Công cụ cài đặt một đồng hồ báo chuông trên mạng onlineclock.net sẽ giúp bạn tạo thói quen này. Cũng giống như bất kỳ một bài tập nào, việc luyện tập cho mắt này có tác dụng tốt nhất nếu bạn thực hiện đều đặn mỗi ngày.

Theo tiến sĩ Louise Sclafani – Trưởng khoa Mắt, trường Đại học Y Chicago, bước tiếp theo cần làm là đảm bảo cho chỗ làm việc của bạn – dù ở văn phòng hay ở nhà – phải được sắp xếp sao cho tầm mắt ngang với đỉnh của màn hình vi tính. Mắt sẽ hoạt động tốt nhất khi nhìn xuống. Cụ thể, mí mắt khép xuống một chút sẽ giúp chống khô mắt và tránh bay hơi nước từ mắt.

Viện nghiên cứu mắt Hoa Kỳ cũng khuyên, bạn hãy đóng màn hình thiết bị vi tính nếu cảm thấy khó đọc, đồng thời điều chỉnh lại độ sáng tới mức thích hợp. Một chiếc chắn sáng thật tốt để sử dụng trước màn hình vi tính cũng vô cùng quan trọng. Nó sẽ giúp cho mắt giảm căng thẳng bằng cách điều chỉnh tầm mắt của bạn.

Tuy nhiên, nếu đã gặp các vấn đề về mắt, bác sĩ  thị lực sẽ tư vấn và trao cho bạn một cặp kính phù hợp,  giúp giảm hội chứng CVS và các trục trặc thị lực khác. Việc còn lại bạn cần làm là đảm bảo đôi mắt luôn được kiểm tra thường xuyên, vì chỉ một chút sai lệch có thể làm tăng hội chứng CVS.

Ngay lúc này, sau khi đọc hết bài báo của chúng tôi, bạn hãy chớp mắt chậm rãi và nhìn ra xa trong 20s.

Lương Anh (theo Womenshealthmag)

From the same category